Mẹ Việt ở Úc chia sẻ cách để homeschooling nhàn nhã giữa mùa dịch: Con 7 giờ sáng đã tự động ngồi vào bàn học, mẹ tròn vai “cô giáo 24 tiếng không quạu”
Mẹ Trang nói vui khi mùa dịch cả thế giới thành Master chef thì mẹ vẫn cặm cụi với niềm vui riêng là các con của mình. Và bà mẹ này đã làm gì để con 7 giờ sáng vào phòng học, nhà không bao giờ có tiếng hò hét, con luôn thích sách hơn đồ chơi…
Hot mom Đoàn Phạm Hà Trang, hiện là giáo viên mầm non sống tại Sydney. Hà Trang định cư tại Úc năm 2013 và được biết đến với nhiều bài viết hay chia sẻ về các phương pháp nuôi dạy con hữu ích.
Ngoài ra, mọi người còn rất ngưỡng mộ cô khi nuôi dạy 2 bé trai Subi và Subo khéo léo, khoa học. Dù mới 2 tuổi và 6 tuổi nhưng các bé đã có ý thức tự lập, luôn thích sách hơn đồ chơi.
Gia đình hot mom Đoàn Phạm Hà Trang hiện đang sinh sống tại Úc.
Cùng trò chuyện với Đoàn Phạm Hà Trang để học cách “ homeschooling” nhàn nhã giữa mùa dịch:
- Con ở nhà để tránh dịch khiến các mẹ than trời vì bất đắc dĩ vừa làm mẹ, làm nội trợ, làm việc online lại còn kiêm thêm làm cô giáo. Chị có suy nghĩ tích cực gì ở hoàn cảnh này và có cách nào để chúng ta biến rủi thành may không?
Bệnh dịch là điều không ai mong muốn. Các con phải nghỉ học, bố mẹ phải nghỉ làm, chắc chắn cả nhà đều gặp nhiều bất tiện. Nhưng mình nghĩ, trong nguy luôn có cơ, trong rủi luôn có may. Đây là khoảng thời gian hiếm hoi để cả nhà được chậm lại một chút cuộc sống thường nhật, được bên nhau nhiều hơn, là cơ hội để các thành viên trong gia đình có thêm nhiều kết nối.
Với các con, thay vì chỉ được gặp bố mẹ đôi tiếng bữa ăn tối, thì nay các con có thêm thời gian bên bố mẹ. Là cơ hội để các con được tiếp xúc nhiều hơn với “học tập bằng công nghệ” một xu hướng ngày càng được sử dụng rộng rãi trên toàn cầu.
Quãng thời gian này chính là lúc để các con tăng cường những kỹ năng cần thiết trong cuộc sống: Khả năng chủ động, độc lập trong học tập, kỹ năng quán xuyến thời gian của bản thân, học làm việc nhà. Đây cũng là lúc để các con hiểu rằng, cuộc sống là muôn màu, có bình yên và cũng có lúc khó khăn. Học cách đối mặt với, chung sống và vượt qua khó khăn là bài học lớn mà bọn trẻ có được qua mùa dịch này.
COVID-19 với cả gia đình mình còn là một lời nhắc nhở về thái độ sống. Cần trân quý cuộc sống và tranh thủ sống có ý nghĩa từng phút giây khi còn có thể.
“Đây là khoảng thời gian hiếm hoi để cả nhà được chậm lại một chút cuộc sống thường nhật”.
- Từng là một bà mẹ nổi tiếng với phương pháp dạy con tự lập, từ kinh nghiệm của chị mấu chốt quan trọng nhất để rèn cho con tính tự lập, giúp mẹ được thảnh thơi là gì?
Gọi là “phương pháp dạy con tự lập” mình không dám nhận đâu. Mình hướng các con tự lập là cho chính các con. Các con sẽ nhận ra, càng độc lập bao nhiêu, các con sẽ càng làm chủ được cuộc đời mình bấy nhiêu. Cuộc sống nhờ đó mà tự do hơn, các con cũng từ đó tự tin hơn. Và hạnh phúc vì thế sẽ đến với các con nhiều hơn.
Video đang HOT
Vì vậy, mấu chốt để có những đứa trẻ tự lập là bố mẹ cần có một cái nhìn đúng đắn về ý nghĩa của việc để trẻ tự lập. Là cho chính các con, vì cuộc đời các con. Xác định được điểm mấu chốt ấy, bố mẹ sẽ vượt qua được sự nóng vội mỗi khi thấy con làm còn vụng về và bừa bộn, sẽ bỏ lại được nỗi sợ hãi mang tên “con còn bé lắm, tội nó”. Bố mẹ cần biết buông khi cần để con lớn tự tin.
“Như Subi nhà mình, con luôn xin để được học. Luôn là con đưa ra những lời đề nghị: ‘Bố mẹ có thể mua cho Bi quyển sách này, quyển sách kia được không ạ?’. Con tự quán xuyến việc học của mình”.
- Có một thời gian biểu dành cho mình và con khi ở nhà 24 tiếng với chị có là cần thiết? Chị thường lên kế hoạch dựa trên tiêu chí như thế nào?
Mình có thói quen lên kế hoạch cho mọi việc trong cuộc sống từ khi còn là một cô sinh viên đi du học. Thói quen ấy giúp mình rất nhiều khi bước vào cuộc sống gia đình, làm một người vợ, người mẹ.
Thời gian này vừa là một cô giáo, vừa là một người mẹ, vừa là người vợ và cũng vẫn là một người phụ nữ, vì vậy, tiêu chí của mình là làm sao cân bằng được những vai ấy. Có thể yêu cầu cho mỗi vai sẽ hạ bớt xuống:
Trước dọn dẹp nhà cửa nhiều hơn thì giờ việc ấy sẽ làm vào một ngày cuối tuần, trước mỗi bữa ăn có thể 4-5 món, bây giờ có hôm chỉ 2-3 món. Đích đến duy nhất là để mỗi thành viên trong gia đình đều cảm thấy thoải mái, cả nhà bên nhau với nhiều tiếng cười nhất có thể.
Kế hoạch đưa ra phải xoay quanh sự thoải mái của tất cả các thành viên trong gia đình. Không để người vợ, người mẹ phải gồng gánh quá nhiều, cũng không để người chồng và các con cảm thấy mệt mỏi trong sự gồng gánh của vợ và mẹ.
- Khi mẹ thành “hiệu trưởng trường học homeschooling” thì chị nhận ra điều gì là quan trọng nhất? Có suy nghĩ nào trước đó chị đã nghĩ sai và thấy cần phải chỉnh lại không?
May mắn là mình được quyền lựa chọn để có thể dành thời gian cho con nhiều nhất. Cùng với những kiến thức học được từ sách vở, từ những người mẹ hiện đại đi trước và từ những trải nghiệm ngày ngày bên con, mình đã bước vào được trái tim con không phải chỉ là một người mẹ, mà hơn cả là được làm một người bạn của con.
Khi đã là bạn thân biết thấu hiểu, con sẽ sẵn sàng sẻ chia mọi thứ, khi con vui con sẽ kể với mẹ, khi con buồn con sẽ gục vào ngực mẹ vừa kể vừa khóc thút thít, khi mẹ chưa làm tròn vai một người bạn thân con có thể thoải mái góp. Vì thế mình yêu con theo cách con muốn đón nhận, mình đọc được tâm tư của con, chẳng cần đợi sai mới đi tìm cách chỉnh lại.
Giai đoạn này được homeschooling cùng con, mình càng chắc chắn hơn quan điểm về việc học mà mình đã xây dựng cho con từ bé. Học trước hết phải là sự say mê tự thân. Khi học trở thành niềm vui các con sẽ luôn chủ động để được học, luôn cầu tiến để đi được những bước thật xa. Điều này phụ thuộc rất nhiều vào bố mẹ khi các con ở giai đoạn tiền học đường.
Bố mẹ truyền tải cho con về ý nghĩa của việc học là gì? Bố mẹ đưa việc học đến với con thế nào? Bố mẹ tôn trọng sở thích và khả năng của con hay bắt con làm theo ý muốn của mình? Khi ấy bố mẹ sẽ không phải “quạu”, homeschooling sẽ không gây mệt mỏi cho tất cả những thành viên liên quan.
- Điều tự hào chị đã làm được với việc làm cô giáo của con mình là gì? Bé đã đạt được “chỉ số” tự lập đáng nể như thế nào?
Ngay sau buổi homeschooling đầu tiên, con trai nói với mình thế này: “Học ở nhà với mẹ Bi thích lắm mẹ ạ. Vừa được học hay mà vừa được có mẹ.”. Câu nói ấy là lời động viên rất giá trị với một cô giáo mẹ. Sau hai tuần homeschooling cùng con, hôm qua con trai bảo: “Bao giờ đến thứ hai để Bi lại được học mẹ nhờ”. À, vậy là mình biết, mình đã làm tốt vai trò cô giáo của mình. Điều ấy đáng tự hào lắm chứ.
Như đã nói ở trên, chỉ cần trẻ yêu học thôi thì các bạn sẽ tự lập và rất chủ động trong việc học. Mà việc tạo hứng thú với việc học cho con thì mình đã làm từ khi các bạn chỉ là một em bé vài tháng tuổi rồi. Học ở đây không phải là chăm chỉ ngày ngày ngồi vào bàn mở vở ra làm bài. Đó là sự ham thích với kiến thức. Luôn muốn lao đến khi nhìn thấy một quyển sách, một điều mới mẻ. Học ở mọi lúc, mọi nơi, học từ mọi người.
Như Subi nhà mình, con luôn xin để được học. Con tự quán xuyến việc học của mình. Luôn là con đưa ra những lời đề nghị: “Bố mẹ có thể mua cho Bi quyển sách này, quyển sách kia được không ạ?”. Hay sáng 7h mình vào phòng con là đã thấy đèn sáng phòng từ bao giờ, con tự ngồi học hoặc đọc sách. Nhà mình không có tiếng hò hét vì việc học đâu.
- Kiểm soát cảm xúc khi dạy con học và rèn tính kiên nhẫn là chuyện dường như khó với nhiều phụ huynh, vậy mẹ nên nói gì để “trấn an” chính mình và để con trẻ chịu hợp tác?
Đừng quên rằng, chúng ta là bố mẹ, chứ không phải một giáo viên. Chúng ta đang buộc phải vào vai một giáo viên thay thế. Không nên mang yêu cầu của “thời bình vào thời chiến”, có nghĩa là không nên mang tiêu chuẩn của nhịp sống thường nhật vào giai đoạn nhạy cảm, khó khăn này.
Bố mẹ chỉ cần giảm yêu cầu, giảm kỳ vọng với các con và chính bản thân mình. Chỉ cần cố gắng làm tốt nhất những gì chúng ta có thể, để truyền cảm hứng giúp các con làm tốt nhất trong khả năng của các con thì mọi việc đều trở nên dễ dàng.
Bố mẹ hãy thẳng thắn chia sẻ với con rằng, bố mẹ không phải là một giáo viên, vì thế bố mẹ cũng đang học để trở thành người thầy người cô phù hợp nhất với con. Hãy cho bố mẹ biết con mong mỏi gì ở cô giáo mẹ, thầy giáo bố để chúng ta cùng mang lại cho nhau niềm vui trong những ngày homeschooling này.Thấu hiểu, tôn trọng, thẳng thắn là liều thuốc trấn an tốt nhất cho chính mình và cho các con.
- Kỳ vọng ở những đứa trẻ khiến các bà mẹ vô tình tạo nên áp lực với chính mình, còn với chị thì sao? Chị mong con mình ở tương lai sẽ trở thành là người như thế nào?
Con cái là tình yêu, là niềm tự hào của bố mẹ, thế nên bố mẹ kỳ vọng vào con là điều dễ hiểu. Nhưng kỳ vọng ấy phải được tạo dựng nên từ cái nền yêu hiểu con. Nghĩa là biết con muốn gì, khả năng của con đến đâu, tính cách con thế nào. Và cốt lõi hơn cả, bố mẹ cần hiểu rằng, cuộc đời này là của con, con có quyền quyết định mọi thứ liên quan đến mình.
Bố mẹ chỉ là người chia sẻ lại những kinh nghiệm đi trước với con, cho con lời khuyên, chứ không áp đặt suy nghĩ và lựa chọn của mình lên con. Cái giỏi của bố mẹ là làm sao khéo léo định hướng để con nhìn thấy lời khuyên của bố mẹ là hợp lý và hữu ích.
Mình nghĩ, mỗi cuộc đời sinh ra đều có một sứ mệnh riêng. Con đến bên mình là điều may mắn nhất mình và ông xã có được. Thế nên, mình không kỳ vọng con sẽ trở thành thần đồng hay sau này thành ông nọ bà kia làm gì lớn lao cả, mình chỉ mong con luôn khỏe, thật vui, sống một cuộc đời tử tế và nhiều ý nghĩa. Vừa sống vừa lắng nghe tiếng lòng của mình, để không lúc nào phải thở dài thấy mình dường như đang sống một cuộc đời cho ước mơ của người khác.
ĐX
Lựa chọn giữa công việc tốt và nhân viên hợp đồng có thời gian cho con, 3 năm sau mẹ trẻ không hối hận vì quyết định của mình
Cũng như nhiều bà mẹ đau đầu đứng trước lựa chọn giữa công việc và dành thời gian bên con, người mẹ này thấy tự hào vì mình đã có quyết định đúng đắn.
Hot mom Đoàn Phạm Hà Trang, hiện là giáo viên mầm non sống tại Sydney và là mẹ của 2 bé trai Subi (6 tuổi) và Subo (2 tuổi). Cô định cư tại Úc năm 2013 và được biết đến với nhiều bài viết hay chia sẻ về các phương pháp nuôi dạy con hữu ích.
Cũng như nhiều bà mẹ khác, hot mom này cũng từng có giai đoạn phải đứng giữa sự lựa chọn công việc và dành thời gian cho con. Tuy nhiên, trước khi đưa ra quyết định, cô đã ở bên con 3 ngày "chỉ bên nhau và làm gì chúng mình thích".
Hà Trang chia sẻ câu chuyện của mình:
Vài tháng trước, có một giai đoạn mẹ thường xuyên đi làm 5 buổi/tuần. Trường học mở cửa, Subi là học sinh đầu tiên. Trường học đóng cửa, con lại là em bé cuối cùng. Tan làm, dù cố sấp ngửa chạy thật nhanh về đón Subi, thì cái mẹ nhìn thấy vẫn là ánh mắt thẫn thờ đứng vịn bên song cửa trường, con ngóng mẹ. Bên cạnh cô chỉ còn mình con. Mẹ vẫn phải dùng từ "cố gắng" mà không dám tự tin nói "Ừ, mẹ sẽ đón Bi sớm" trước đòi hỏi ngây thơ rất chính đáng của con.
Hot mom Hà Trang băn khoăn trước lựa chọn nhân viên chính thức và nhân viên hợp đồng.
Mẹ được mời làm nhân viên hợp đồng sau ngày đầu tiên đi thực tập. Kết thúc vài ngày làm nhân viên hợp đồng, mẹ được mời làm nhân viên chính thức toàn thời gian. Việc chưa từng có ở ngôi trường lớn. Bình thường một giáo viên ở đây sẽ mất 1-2 năm để được mời làm chính thức. Rõ ràng là một cơ hội tốt để mẹ bắt đầu một cái gì đó của mình ở Úc.
Mẹ suy nghĩ mãi, khất lần mãi, rồi chọn dành ba ngày ở nhà bên con trước khi đưa ra quyết định. Mẹ không đi làm, Subi không đi học. Chỉ bên nhau và làm gì chúng mình thích. Mẹ không phải giục Subi "nhanh nào" mỗi buổi sáng.
Thay vào bữa sáng một mình, hai mẹ con cùng chọn đồ ăn và tận hưởng giây phút sáng sớm bên nhau. Mẹ được cùng Subi làm rất nhiều việc chứ không phải chỉ vỏn vẹn 30 phút trước khi Subi đi ngủ giấc tối. Mẹ được nhìn thấy nụ cười của con nhiều hơn. Được ôm con cái ôm trọn vẹn hơn mà không lo muộn giờ làm. Được đọc cho con thêm vài mẩu truyện. Được nghe con nói "Bi thích ở với mẹ lắm mẹ ạ".
Mẹ giật mình, hình như mẹ đã lãng phí quá nhiều thời gian. Mẹ đã viện lý do, cố gắng để cả mẹ và Bi sẽ có một tương lai tốt hơn. Mẹ nhìn thấy ánh mắt Subi ngơ ngác mỗi chiều nhưng lại cố lờ đi, rồi tự an ủi rằng, con sẽ phải mạnh mẽ để trưởng thành. Dành ba ngày bên con, mẹ nhận ra, tương lai là của ngày mai, còn mẹ và Subi đang đi con đường của ngày hôm nay.
Ngày mai thế nào mẹ không biết, nhưng mẹ muốn sẽ không phải bỏ lỡ bất cứ một điều nhỏ nhặt nào trong tuổi thơ của con qua mỗi ngày hôm nay. Con chỉ có một cuộc đời. Tuổi thơ là mảnh ghép quan trọng của cuộc đời ấy. Mà tuổi thơ này đến rồi đi cũng chỉ có một lần. Dù có bao biện hàng ngàn lý do, cũng sẽ chẳng có lý do nào đủ sức nặng để đánh đổi được việc được đồng hành cùng con trong năm năm đầu tiên trước khi con bắt đầu có thế giới của riêng mình.
Mẹ dứt khoát trả lời, chẳng còn một chút do dự, rằng mẹ chỉ có thể làm 3-4 ngày một tuần với tư cách là giáo viên hợp đồng. Với lý do mẹ muốn nhìn thấy nhiều hơn nụ cười và niềm hạnh phúc của con. Làm mẹ, trái tim của con đặt ở đâu, kho báu của cuộc đời mẹ nằm ở đó. Và mẹ nhất định sẽ cùng con nuôi dưỡng một trái tim khỏe mạnh từ những ngày ấu thơ tràn đầy hình ảnh mẹ trong con.
Ba năm trôi qua. Kể từ sau quyết định ấy mẹ có thêm Subo và thêm nhiều lần từ chối những lời mời công việc khác. Mẹ cũng không còn là cô nhân viên hợp đồng, thay vào đó là làm mẹ toàn thời gian. Đến hôm nay, nhìn BiBo lớn từng ngày vững chắc, mẹ càng tự hào về quyết định năm ấy của mình. Tiền có thể ít đi một chút, công việc có thể trì hoãn ít lâu, nhưng chẳng gì có thể kéo chậm lại tuổi thơ của BiBo. Vậy thì, mẹ sẽ chậm lại chính mình để lớn cùng con.
Theo Trí Thức Trẻ
Được sếp thuê nhà trọ gần công ty để tiện đi làm mùa dịch, cô gái từ chối vì vướng bận với 3 'boss' mèo Vốn ở cách cơ quan 50km nên việc chuyển đến sống gần công ty là biện pháp hợp lý dành cho Hà Giang trong mùa dịch. Nhưng vì ở nhà còn 3 con mèo phải chăm sóc nên cô đã từ chối lợi ích mà sếp dành tặng. Hiện nay, do ảnh hưởng của dịch COVID-19 nên chính phủ phải thực hiện cách...