Mẹ Việt ở trời Tây kể về ngày 1/6 … bình thường
Nếu không có cái sự rần rần trên mạng xã hội mấy ngày nay thì có lẽ tôi cũng đã quên ngày hôm nay là ngày Quốc tế thiếu nhi.
Đơn giản vì ở nơi tôi đang sống, nước Pháp, ngày này gần như chẳng có hoạt động gì đặc biệt. Ở Pháp, 20/11 là ngày Thiếu nhi Thế giới, ngày mà bất cứ đứa trẻ nào trên đất Pháp cũng được dạy rằng, đó là ngày mà Liên hiệp quốc khởi xướng để người lớn cam kết thực hiện những quyền của trẻ em.
Liên hiệp quốc để cho mỗi quốc gia chọn ngày Quốc tế Thiếu nhi riêng phù hợp với thực tế tại đất nước của mình. Đa phần các quốc gia châu Âu lấy luôn ngày 20/11 làm ngày Thiếu nhi, các quốc gia trong khối Xã hội chủ nghĩa trước đây đã chọn ngày 1/6, một số nước như Nhật, Hàn, Triều tiên, HongKong lại chọn một ngày khác riêng cho mình.
Cho con không chỉ một ngày
Tôi nhớ 20/11 năm ngoái, con tôi đi học về mang theo một bức tranh con tự vẽ với chủ đề: trẻ em được yêu thương. Con bảo, thầy giáo nói, trẻ em luôn phải được yêu thương. Không quà, không khẩu hiệu, không có hoạt động bề nổi gì hết, ngày Thiếu nhi của con và các bạn chỉ đơn giản là một hoạt động ngoại khóa như vậy.
Nhưng có lẽ chỉ một câu nói đơn giản của thầy giáo cũng đủ để con hiểu, con được yêu thương và quan tâm vì con là trẻ em. Tôi cũng nhớ, khi tôi tham dự lớp học bắt buộc dành cho những người mới đến sinh sống tại Pháp, trong rất nhiều bài thảo luận hàng ngày, có lần thầy giáo đưa đề tài về quyền trẻ em. Khi tôi nói, ở Việt Nam, trẻ em được tặng quà, được vui chơi trong ngày 1/6, thầy giáo đã hỏi tôi: Vậy những ngày khác thì sao ?
Mai Linh – con gái hơn 4 tuổi của mẹ Việt – Đan Hà
Ở Pháp, có hai ngày chắc chắn trẻ con được tặng quà, thậm chí là rất nhiều quà, đó là ngày sinh nhật và Noel. Người Pháp cũng có thói quen rất dễ thương là khi đến thăm nhà nhau, đôi khi chỉ là để dùng bữa tối, lúc nào cũng có quà cho trẻ con trong gia đình.
Có lẽ vì vậy, với người Pháp không cần có thêm một ngày nào nữa để trẻ con được tặng quà. Còn việc vui chơi cho con thì có lẽ phụ huynh Pháp là một trong những nước “mệt mỏi” nhất. Các con đi học, cứ sau hai tháng là có một kỳ nghỉ từ 10 ngày đến 2 tuần, nghỉ lễ Noel và năm mới kéo dài cả tháng, nghỉ hè hai tháng, chưa kể hàng tuần đi học 4 ngày còn lại 3 ngày nghỉ.
Các hoạt động vui chơi ngoại khóa cho trẻ con cực kỳ phong phú, từ đàn hát, vẽ, nhảy múa, võ thuật, bơi lội, cưỡi ngựa đến lái thuyền buồm, trượt tuyết… đủ cả, mùa nào trò đó.
Hoạt động ngoại khóa phong phú, kể cả là chăn cừu
Con chọn, bố mẹ có nhiệm vụ sắp xếp thời gian để đưa đón con. Có những hoạt động phải đóng tiền (so ra vẫn rẻ hơn nhiều nếu thuê người giữ trẻ) nhưng cũng nhiều hoạt động vui chơi miễn phí, tùy gia cảnh mà lựa chọn. Cái chính vẫn là làm sao để tiêu hết quỹ thời gian chơi của các con.
Và gần như là luật bất thành văn, mỗi năm ít nhất một lần, cả gia đình sẽ đi nghỉ ở đâu đó, ít nhất một tuần. Đương nhiên, các kỳ nghỉ gia đình bao giờ cũng được ưu tiên lựa chọn cho phù hợp với nhu cầu của con trẻ.
Video đang HOT
Vui chơi cũng là quyền
Nhìn những hoạt động rầm rộ của cha mẹ Việt dành cho con em mình trong ngày 1/6, thật lòng tôi cảm thấy có phần lo lắng. Con em chúng ta đâu chỉ có một ngày này để được nhận yêu thương, để được vui chơi, để được tặng quà. Hình như phụ huynh Việt ít người biết rằng, vui chơi cũng là một trong những quyền của con trẻ.
Học sinh tiểu học được trường tổ chức tham dự lễ hội Carnaval hằng năm
Trẻ em Việt ít được vui chơi quá. Cả tuần các con bận rộn còn hơn cả người lớn với việc học, học sáng, học chiều, học cả đêm. Cuối tuần cũng học, may ra được một buổi bố mẹ cho ra công viên chơi, cho đi ăn kem, ăn gà rán.
Chẳng mấy đứa hàng tuần được đi bơi, chẳng mấy đứa được đi cắm trại, được tụ tập bạn bè đá bóng, thả diều, … Các hoạt động thể chất ở trường chủ yếu tập trung ở giờ thể dục, hai tiết mỗi tuần, diễn ra trong cái sân bé tí, hầu như không gì khác ngoài những bài tập đơn thuần.
Hãy cho trẻ cái quyền được vui chơi
Về nhà, các con lại bị bó gọn trong bốn bức tường, chẳng mấy khu dân cư có được cái sân chơi cho con trẻ. Mà nếu có thì đa phần bố mẹ cũng chẳng có thời gian cho con ra chơi. Và thế là con em chúng ta dù rất thông minh, học giỏi nhưng lại vẫn ở trong nhóm thể chất kém, còn các kỹ năng sống thì hầu như chẳng được trang bị gì.
Vậy mới thành chuyện bi hài khi đưa con về quê, con thấy con bò thì reo lên mừng rỡ, “con heo” to quá mẹ ơi. Vậy mới thành nỗi đau xót khi một đất nước nào biển, nào sông mà năm nào cũng có quá nhiều trẻ em thiệt mạng vì đuối nước.
Mọi so sánh đều là khập khiễng, nhưng tôi vẫn ước, ước gì những đứa trẻ Việt Nam được thực sự sống cuộc sống của một đứa trẻ. Từ Quốc tế Thiếu nhi nhìn lại, mong người lớn thuộc hơn và thực hành đúng Quyền trẻ em.
Tác giả Đan Hà từng là nhà báo tại Việt Nam, Thư ký tòa soạn ấn phẩm Công lý & Xã hội. Hiện, mẹ Việt Đan Hà đang sống cùng chồng Tây và con gái Mai Linh tại Pháp.
Theo_Eva
Bí quyết của một bà mẹ giúp con mê sách
Với bí quyết "rèn" con của riêng mình, chị đã "biến" cô con gái 6 tuổi cực kỳ hiếu động, theo lời chị là không ngồi yên quá 5 phút, thành một đứa trẻ vô cùng mê sách.
Người ta không chỉ biết đến Nguyễn Quỳnh Hương với vai trò một nhà báo tài hoa mà còn biết đến chị là một bà mẹ luôn quan tâm đến việc đọc sách của con.
Chị chia sẻ về cô con gái năm nay lên 6 tuổi của mình: "Bạn ấy có thể ngồi hàng giờ với những cuốn sách mà không quan tâm tới bất cứ thứ gì, bạn ấy yêu sách và cảm thấy hạnh phúc khi được "sống" cùng sách". Cùng xem những bí quyết đáng để các bà mẹ học tập ấy là gì?
Ảnh minh họa. Nguồn: Internet
Để sách hiện diện như điều tất yếu
Điều này đồng nghĩa với việc phải cho bé tiếp xúc với sách từ rất sớm. Ngay từ khi bé Thóc (tên gọi yêu của con gái chị) được vài tháng tuổi, bắt đầu biết chơi đồ chơi, chị đã mua sách về cho bé. "Khi ấy bạn Thóc chỉ biết cầm chơi, nhìn ngó thậm chí là xé hoặc gặm sách. Nhưng với mình tất cả những điều đó đều không sao. Bé sẽ học cách quan sát màu sắc, ngửi thấy mùi mực in, và nhận biết cảm giác của bàn tay khi chạm vào những tờ giấy.
Mọi góc trong nhà, kể cả phòng ngủ cũng có sự hiện diện của sách. Điều đó hiển nhiên như trong giường ngủ của Thóc cần có gấu bông, gối và chăn vậy. Bé sẽ thấy sách là một thứ gì đó quen thuộc kể từ khi bé xuất hiện trên đời này", chị Quỳnh Hương chia sẻ.
Với chị, việc đọc sách cho con từ khi con chưa biết nói, biết đọc cũng giống như việc trò chuyện hay cho con nghe nhạc lúc bé còn trong bụng mẹ. "Hãy tin rằng bé cảm nhận được hết những tình cảm ấy. Không đơn giản chỉ là đọc sách cho con, đó là một "kênh" để mẹ truyền những yêu thương đến em bé".
Để trẻ lựa chọn sách như chọn món ăn
"Mình bắt đầu việc đọc sách cho con bằng những quyển sách tranh có hình thú vị. Sau khi con tự biết đọc, mình sẽ tìm những quyển truyện có nội dung hay, ví dụ như câu chuyện của một bạn mèo xấu tính không được ai chơi cùng. Từ mỗi câu chuyện sẽ giúp con rút ra bài học gì đó cho bản thân."
Tuy nhiên theo chị Quỳnh Hương, sách cũng như một món ăn và trẻ có quyền lựa chọn theo khẩu vị của mình: "Ăn bất cứ khi nào muốn và có thể ăn linh tinh các món từ ngon đến không ngon, có lợi hay không có lợi. Quá trình "nếm thức ăn" đó giúp con lựa được món nào hợp "khẩu vị" với mình.
Chị Quỳnh Hương và bé Thóc (Ảnh do nhân vật cung cấp)
Vì thế mỗi lần đi mua sách là hai mẹ con thống nhất với nhau: mẹ chọn một nửa, con chọn một nửa. Thóc có quyền chọn cho mình bất cứ quyển nào mà bạn ấy thích (có thể xuất phát từ hình ảnh nhân vật trong phim hoạt hình mà em ấy mê thích, hay chọn theo kiểu bắt chước các bạn trong lớp...). Một nửa còn lại sẽ do mình chọn và hướng cho con, đó là những quyển mà mình tin nó là "món bổ dưỡng" trong thực đơn tinh thần của một em bé."
Biến việc đọc sách thành niềm hạnh phúc của trẻ
Chắc chắn một điều, những đứa trẻ yêu thích sách sẽ cảm thấy hạnh phúc khi ôm những cuốn sách trong tay. Vậy làm sao để trẻ thích sách?
"Theo mình, điều đầu tiên đó là việc người lớn phải làm gương cho trẻ. Muốn con yêu sách trong khi bố mẹ không có thói quen đấy, thậm chí trong nhà không xuất hiện cuốn sách nào thì mong muốn đó thật khó. Trong một gia đình có bố mẹ luôn xem tủ sách như trái tim của ngôi nhà, thì chắc chắn con cái họ sẽ tự nhiên yêu thích sách.
Việc đọc sách cùng con chính là một đối thoại, là cách dạy ngôn ngữ và bày tỏ tình yêu giữa mẹ và con. Lời đọc cùng sự hào hứng lên bổng xuống trầm, cách bày tỏ tình cảm của mẹ, việc em bé được dựa vào lòng mẹ, được ôm ấp trìu mến trong khi đọc sách... luôn khiến thời gian chia sẻ về sách trở nên vô cùng thích thú.
Tại sao một đứa trẻ không đi đâu khỏi nhà lại có thể tưởng tượng về một khu rừng, về Bắc Cực, về người tiền sử và những loài chim muông thú chưa từng gặp? Đó là nhờ những câu chuyện. Và trẻ sẽ nhận biết bản năng rằng, hóa ra đám sách vở nhiều hình thù màu sắc cùng vô vàn con chữ kia hoàn toàn không vô tri vô giác. Đó là cánh cửa để bước vào một thế giới mênh mông và tuyệt diệu."
Chị kể, đã thành thói quen, trước khi đi ngủ dù có muộn hay bận đến mấy chị cũng không quên dành thời gian đọc truyện cho con. Với chị, đó là thời khắc tuyệt vời nhất trong ngày mà cả hai mẹ con cùng chờ đợi.
Khi bé Thóc đã biết đọc sách, chị áp dụng phương pháp "bất quy tắc": "Bạn ấy có thể đọc sách bất cứ lúc nào, ở đâu bạn ấy muốn. Có thể là xó xỉnh nào đấy như gầm bàn, hay sàn nhà, hay trên một đống gối. Mình không yêu cầu con phải nghiêm ngắn ngồi vào bàn, dáng thẳng, dùng đèn bàn khi đọc sách. Hãy để con tự thu xếp cách mà nó thấy dễ chịu nhất với sách. Đó là thời khắc hoàn toàn hạnh phúc của trẻ mà người lớn chúng ta không nên can thiệp".
Nói không với thiết bị thông minh
Khác với quan điểm của nhiều bà mẹ cho rằng ngày nay thiết bị thông minh có thể thay thế được sách. Với chị, dù bé Thóc cũng rất thèm nhưng quy tắc của chị là luôn luôn nói không: "Mỗi người một quan điểm khác nhau. Mình không phủ nhận tiện ích mà smart phone mang lại, bằng một cái di tay là có thể đọc cả cuốn sách dễ dàng. Nhưng mình muốn con được tiếp xúc với mọi thứ bằng cách tự nhiên và "cổ điển", con nhận biết qua tiếp xúc trực tiếp và thuần khiết nhất."
Để thực hiện quan điểm đó, chị hạn chế tối đa việc cho con xem tivi, không dùng ipad và xóa hết trò chơi trên điện thoại.
"Với mình, đọc sách không đơn giản là việc tiếp nhận văn bản, mà còn là trọn vẹn quá trình cảm nhận và sống với cuốn sách ấy. Từ mùi mực in cho đến tiếng sột soạt khi ta lật trang, chất giấy thô hay mịn, xốp hay sần, màu của giấy, độ mới hay cũ của cuốn sách... các chi tiết ấm và phập phồng ấy sẽ không có thiết bị điện tử nào mang lại được. Máy móc có thể mang lại tiện ích nhưng sẽ không bao giờ đem lại cảm giác tuyệt vời ấy. Tính "con người" chính là lý do mình luôn muốn con mình được nghe những câu chuyện từ giọng đọc của mẹ chứ không phải qua file đọc audio books."
Quy tắc trừng phạt
Không giống như nhiều bà mẹ dùng sách làm quà tặng cho con, chị Hương chia sẻ chưa bao giờ chị coi sách như phần thưởng của Thóc. "Bởi đơn giản với bé, sách là thứ luôn hiện diện như một điều tất nhiên trong cuộc sống".
Ảnh minh họa. Nguồn: Internet
Bên cạnh đó chị cũng đặt ra quy tắc trừng phạt. Theo chị đây là cách để dạy trẻ biết trân trọng sách. "Ngay từ khi bé, Thóc đã buộc phải chấp hành các quy tắc: không được xé, dẫm chân lên hay vẽ bậy lên sách, không để sách bừa bộn. Nếu con vi phạm, sẽ có một ngăn những quyển sách bị phạt và Thóc không được đọc sách đó. Việc "giam" những quyển sách để Thóc nhận ra rằng, muốn có được quyển sách đó trong tay thì điều đầu tiên là phải trân trọng nó.
Để dạy con thành một đứa trẻ yêu quý sách là cả quá trình dài, và mỗi người có một phương pháp riêng. Kinh nghiệm của cá nhân mình có thể chưa chắc đúng với người khác, nhưng mình thấy ổn với bé Thóc nhà mình. Từ một đứa trẻ cực kỳ hiếu động (đến mức không thể ngồi im một chỗ quá 5 phút), giờ bạn ấy có thể ngồi 1- 2 tiếng trong căn phòng đầy sách, hoàn toàn sung sướng và đủ đầy. Thậm chí bạn ấy còn cảm thấy phiền khi được rủ đi chơi trong lúc đọc sách. Mình cảm nhận một điều, với bé Thóc, sách là một người, chứ không chỉ là sự thích thú.
Minh Thùy
Theo_VietNamNet
Xe buýt tại Huế đã hoạt động trở lại Ông Hoàng Ngọc Khanh, Chánh văn phòng UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế cho biết, trong ngày 8.5, hoạt động xe buýt trên tất cả các tuyến đã trở lại bình thường. Cũng theo ông Khanh, trong ngày 8.5, lãnh đạo UBND tỉnh, Sở GTVT tỉnh đã làm việc với đại diện Công ty TNHH Thương mại dịch vụ Hoàng Đức (DN kinh...