Mê tít vườn rau sân thượng 36m2 của ông bố kỹ sư trẻ
Lo lắng về chất lượng nguồn thực phẩm đang sử dụng hàng ngày, anh Vũ Văn Ngọc (35 tuổi, Hải Phòng) mặc dù chưa có kinh nghiệm trong việc trồng rau tại nhà nhưng đã mạnh dạn chi một số tiền không nhỏ để “hô biến” khu ban công sân thượng thành vườn rau xanh mướt.
Với diện tích trồng không lớn, kinh nghiệm cũng chưa có nhiều nhưng chỉ trong 5 tháng trồng rau, anh Ngọc đã khiến nhiều người ngưỡng mộ với số lượng và chất lượng vườn rau sân thượng của gia đình mình.
La liệt các loại rau như cải bẹ vàng, cà chua, xà lách, rau diếp lưỡi bò, rau diếp thường, cải cúc, rau mùi, cần tây, củ cải, bí ngồi, dưa chuột, dọc mùng,… có mặt trong khu vườn rộng 36 m2 này.
Lấy cảm hứng từ việc bố mẹ anh Ngọc ở quê có một vườn rau rất đẹp và cũng thích được ăn các món ăn chế biến từ rau sạch, từ cuối năm 2015, anh Ngọc đã mạnh dạn chi 16 triệu đồng để thực hiện việc trồng rau sạch của mình.
Với diện tích đất có hạn, vợ chồng anh Ngọc đã tận dụng mọi khoảng trống ở sân thượng để trồng rau sạch.
Không chỉ giúp vợ chồng, con cái anh chị có rau sạch để ăn, mà vườn rau trên tầng cao còn là nơi lý tưởng giúp anh chị giải tỏa những áp lực, mệt mỏi sau những giờ làm việc căng thẳng.
Không tin tưởng vào chất lượng các loại rau đang được bày bán trên thị trường nên anh chàng kỹ sư cơ khí trẻ tuổi đã bàn với vợ cùng nhau tự trồng rau sạch tại gia để cô công chúa nhỏ 5 tuổi của anh chị và gia đình luôn có rau sạch để ăn.
Kể về hành trình “hô biến” ban công thành vườn rau xanh mướt, anh Ngọc tâm sự: “Mình bắt đầu trồng rau từ con số 0. Không kiến thức, không có kinh nghiệm, không có đồ dùng dụng cụ, ban đầu cũng không nhận được sự ủng hộ từ phía vợ…”
Để có được những kiến thức trồng rau, anh Ngọc đã phải tìm hiểu rất nhiều sách báo, các trang mạng xã hội. Tuy chưa có nhiều kinh nghiệm thực tế nhưng nhờ có sự hướng dẫn của bạn bè, những kiến thức từ sách vở, báo chí đã tích lũy được, lại thêm sự chăm chỉ, chịu khó và quan trọng nhất là tình yêu cũng như tâm huyết anh dồn vào cho vườn rau sân thượng của mình, nên chỉ trong vòng 5 tháng, vườn rau của anh Ngọc đã khiến nhiều người ngưỡng mộ.
Video đang HOT
Cả vườn rau sân thượng trên tầng 4 này có khoảng hơn 70 chậu.
Ngày hai lần, cứ mỗi sáng thức giấc và sau khi đi làm về, anh Ngọc lại leo cầu thang từ tầng 1 lên tầng 4 để tưới nước cho các thùng xốp rau, củ, quả.
Hóm hỉnh chia sẻ với Dân Việt, anh Ngọc kể: “Ban đầu mình còn chưa nhận được sự ủng hộ từ phía vợ bởi tuy là người gần mình nhưng vì mình xuất thân là sinh viên khoa cơ khí, lại chưa từng có kinh nghiệm gì trong việc trồng rau nên vợ mình còn nghi ngờ về mức độ thành công của dự án. Đến bây giờ sau gần 5 tháng, mọi chuyện đã hoàn toàn khác, nhìn vườn rau xanh mướt, vợ mình đã rất vui và ủng hộ mình. Khu vườn thực sự mang lại cho gia đình mình một khoảng không gian xanh vô cùng trong lành và bổ ích giữa lòng thành phố”.
Khu vườn không quá rộng được anh tự thiết kế và thuê thợ đến lắp đặt theo ý mình gồm 2 giá, mỗi giá 3 tầng đặt được 24 chậu.
Bước đầu gieo trồng không được hiệu quả do chưa có nhiều kinh nghiệm thực tế nên mật độ gieo hạt giống của anh chưa được hợp lí, việc vệ sinh đất, làm đất chưa kỹ nên phát sinh nhiều sâu bệnh, cây chậm lớn, gặp thời tiết giá lạnh kéo dài.
Đồng hành cùng anh trong việc chăm sóc vườn rau, mặc dù không ủng hộ nhưng vợ anh vẫn đã giúp anh trong việc tưới nước cho cây và thu hoạch. “Kỷ niệm đáng nhớ nhất là gặp trận rét kỷ lục khiến cây chậm phát triển gây tâm lí hoang mang. Vợ lo, mình lại càng lo lắng hơn về lần đầu trồng cây của mình, lúc ấy vợ mình còn chưa ủng hộ mình nữa cơ”, anh Ngọc kể lại.
Anh kỹ sư trẻ tuổi kể: “Khi bắt tay vào làm thì mới thấy thực tế khác rất nhiều so với lí thuyết, bởi điều kiện thổ nhưỡng cũng như thời tiết từng vùng khác nhau nên có nhiều vấn đề mà mình cũng không biết giải quyết thế nào, mỗi lần như vậy mình lại lên mạng tìm hiểu, vô tình mình đã biết tới hội những người thích trồng rau sạch và đã nhận được rất nhiều kinh nghiệm bổ ích. Ngoài ra, mình còn nhận được những lời giải thích rõ ràng cho từng trường hợp gặp phải trong thực tế trồng. Bây giờ mình đã có được chút ít thành quả, thậm chí có thể hướng dẫn lại cho các bạn mới tham gia trồng cây trong hội đấy”.
Đặc biệt, ban đầu do gieo trồng một số loại cây không đúng thời vụ nên cây rau sinh trưởng không tốt và nhiều sâu bệnh.
Do không sử dụng thuốc hóa học để diệt sâu nên việc diệt sâu phần lớn phải bắt đầu ngay từ bước chuẩn bị đất, bắt sâu thủ công và dùng thuốc sâu sinh học làm từ tỏi, gừng, ớt ngâm rượu. “Phương pháp này tuy vất vả nhưng đổi lại mình lại có được rau thực sự an toàn”- anh Ngọc kể.
Chia sẻ về quy trình chăm sóc cây rau tự động của gia đình, anh Ngọc cho biết, anh đã đầu tư thêm vào hệ thống tưới tự động khi vắng nhà, hệ thống che mưa, che nắng khi gặp thời tiết bất lợi.
Thời gian tới, anh sẽ tiếp tục trồng thêm khoảng 10 chậu nữa và đưa vào các giống cây mới để có năng suất cao hơn. Đồng thời, anh sẽ tích cực tìm hiểu kiến thức kinh nghiệm từ các mô hình trồng rau khác để nâng cao chất lượng cũng như số lượng của vườn rau.
Ảnh: NVCC
Theo Danviet
5 loại rau thân thuộc nên bắt tay tự trồng ngay hôm nay
5 loại rau quen thuộc như xà lách, cải cúc, cải ngọt, mồng tơi hay rau dền là những "đối tượng" lý tưởng cho những người yêu thích làm vườn bắt tay trồng ngay từ hôm nay để có rau sạch cho bữa cơm gia đình.
Chỉ với cách trồng cực kỳ đơn giản theo kiểu cắm xuống đất, gieo hạt đơn giản là có thể sống, lại an toàn mà không tốn nhiều chi phí và công chăm sóc, bạn hoàn toàn có thể cùng bắt tay và trồng thử ngay top 5 loại rau quen thuộc dưới đây nhé:
1. Xà lách
Xà lách là loại cây thân thảo và cũng là tên gọi chung cho một loại rau ăn sống với ưu điểm dễ trồng, không cần chăm sóc nhiều, tốn ít chi phí và cho năng suất thu hoạch cao. Xà lách không quá kén đất trồng. Khi gieo hạt, bạn nên chú ý ngâm hạt trong nước hơi ấm trong 1-2 giờ rồi đem gieo. Sau khi gieo hạt sâu vào trong đất khoảng 0,5cm thì tưới giữ ẩm cho cây.
Không nên trồng xà lách ở khu vực có ánh nắng nhiều và chiếu trực tiếp vì dễ cháy lá, úa vàng. Xà lách ưa nơi râm mát, vừa đủ nắng. Muốn xà lách giòn, ngọt thì cần phải tưới nước thường xuyên.
Bạn nên chú ý thường xuyên bắt sâu ăn lá hàng ngày vào buổi tối và sáng sớm. Đặc biệt, khi cây đã phát triển, ngày tưới 1 lần. Sau khi gieo hạt từ 30 - 50 ngày có thể cắt ngọn để ăn và bón phân bổ sung dinh dưỡng cho đợt sau.
2. Cải cúc
So với các loại rau cải khác thì giống cải cúc rất dễ trồng, cả cây và hoa đều rất giống hoa cúc. Loại rau này rất dễ ăn, thường được dùng để nhúng lẩu hoặc nấu canh.
Bạn nên sử dụng đất phù sa, hoặc là đất thịt pha cát, đất mùn có chứa nhiều chất dinh dưỡng để trồng loại rau này. Để cho rau xanh tốt, kháng bệnh cao thì bạn nên lựa chọn hạt giống cải cúc có tỉ lệ nảy mầm cao của những nơi sản xuất hạt giống rau uy tín.
Về cách gieo hạt, trước khi tiến hành gieo hạt thì bạn nên ngâm hạt giống vào trong nước có nhiệt độ khoảng 30 - 45 độ C trong khoảng từ 3 - 4 giờ. Sau đó bạn vớt ra và đem ủ để hạt được nhú mầm. Cuối cùng đem rắc hạt cho thật đều, khoảng cách hạt không quá mau để khi mọc không cần tỉa nhiều. Khi gieo xong thì nhớ tưới cho đất ẩm, dùng bạt để che chắn.
Khi cây ra lá thì bạn tiến hành bón lót cho cây. Nên tưới nước thường xuyên để cây sinh trưởng và phát triển nhanh. Với những lá úa vàng thì cần được cắt tỉa bỏ, vun xới gốc thường xuyên. Giống cải cúc này ngắn ngày nên chỉ khoảng 30 - 40 ngày là bạn đã có thể thu hoạch và có rau ăn.
3. Cải ngọt
Chỉ từ 25-30 ngày là bạn đã hoàn toàn có thể có được những cây cải ngọt tươi ngon để chế biến các món ăn bổ dưỡng cho gia đình. Cải ngọt là một trong những cây rau dễ trồng, nhanh cho thu hoạch, có thể trồng được nhiều vụ trong năm.
Bạn có thể trồng cải ngọt trực tiếp ra đất, nhưng phải đảm bảo đất giữ ẩm tốt và thoát nước tốt. Do vỏ hạt cải ngọt khá cứng nên thường phải ngâm nước theo công thức 2 sôi 3 lạnh trong khoảng 4-6 giờ để giúp vỏ mau nứt và thời gian nảy mầm nhanh.
Bạn nên gieo hạt dưới lớp đất 0,5cm. Sau khi gieo xong bạn phủ hạt bằng lớp đất như vậy để bảo vệ hạt trước sự phát tán của gió, đồng thời ngăn cản hạt giống trở thành "miếng mồi" ngon của sinh vật gây hại. Cải ngọt là cây ngắn ngày, lại rất "háo nước", do vậy khi trồng rau sạch này ở nhà bạn cần phải giữ ẩm thường xuyên. Tốt nhất là sau khi trồng, bạn nên thường xuyên tưới cây mỗi ngày một đến hai lần.
Trồng cải ngọt sau 30-35 ngày là có thể thu hoạch. Bạn có thể thu hoạch liên tục trong vòng 1-2 tháng thường xuyên nếu cứ hái dần các lá lớn, chừa lại đọt để cây tiếp tục phát triển. Bạn nên lưu ý điều này! Sau mỗi lần thu hoạch lá, bạn lại bổ sung đạm ngay cho cây hồi sức.
4. Mồng tơi
Rau mồng tơi là loài rau xanh được trồng phổ biến tại nhà bởi kỹ thuật trồng cây khá dễ, dễ chăm bón, dễ tìm mua hạt giống hay cây giống. Chỉ với một chút chi phí bỏ ra ban đầu, người trồng sẽ có rau mồng tơi ăn thoải mái trong suốt vụ.
Để trồng rau mồng tơi, bạn nên chuẩn bị chậu hoặc khay xốp, rổ nhựa, đất trồng rau, hạt giống rau mồng tơi và ít đất dinh dưỡng. Bạn cần cho đất trồng rau vào khay một lớp dày khoảng 8 cm, rải đều trên mặt khay và phủ lên lớp đất mỏng 0,5 cm. Sau đó tưới nước bằng vòi phun nhẹ đủ ẩm, ngày tưới 2 lần, khoảng 5-7 ngày hạt sẽ nảy mầm. Thường xuyên kiểm tra coi chừng côn trùng và ốc ăn hạt và lá non. Khi cây cao 20 cm, bạn nên làm giàn cho rau mồng tơi leo lên.
Rau mồng tơi có thể trồng ở nơi nhiều nắng hay nắng một buổi, không nên trồng rau ở nơi bị che hết ánh nắng vì cây rau sẽ vóng cao, thân ốm, lá nhỏ lại. Vào mùa nắng, cây cần tưới 2 lần/ngày để luôn đủ độ ẩm.
Nếu trồng trong chậu hay khay xốp, khi cây rau mồng tơi có 3- 4 lá thật, người trồng có thể tỉa bớt để ăn. Khi tỉa, người dân nên giữ lại cây rau theo hàng để cây có khoảng cách lớn thêm mà không bị cạnh tranh dinh dưỡng, ánh sáng. Sau 25-30 ngày tiếp theo, khi rau mồng tơi cao được 35-40 cm là thời điểm người trồng cây có thể cắt lá để dùng.
5. Rau dền
Rau dền là loại rau mùa hè, có kỹ thuật trồng cây khá đơn giản. Rau dền có bộ rễ khoẻ, ăn sâu nên chịu hạn và chịu nước rất giỏi. Có 2 loại giống rau dền có thể trồng làm rau ăn là: dền trắng và dền đỏ.
Vì hạt rau dền rất nhỏ nên người trồng cần phải làm đất thật kỹ để hạt dền nảy mầm đều. Bạn nên gieo trực tiếp hoặc ngâm hạt 2 tiếng, để ráo nước rồi gieo, sau đó tỉa ăn dần hoặc trồng cây con. Hạt dền nhỏ nên khi gieo nên trộn hạt với một nắm đất khô để gieo cho hạt phân bố đều trên khay.
Khi cây được 2-3 lá tiến hành tỉa thưa sao cho khoảng cách giữa các cây là 3-4cm. Tưới hoặc bón phân định kỳ 7-10 ngày/lần. Sau trồng 20 - 25 ngày có thể cho thu hoạch. Khi thu hoạch, bạn nên nhổ cả cây hoặc dùng dao cắt cách gốc 7 - 10cm để cây tiếp tục ra nhánh mới. Bón thêm phân sau mỗi lần thu hoạch.
Theo Danviet
Mục kích "gia tài" hàng trăm chậu hoa và rau giữa đất Mỏ Trong khoảnh đất 500m2, có những mùa rau ăn mãi không hết nên chị để cho mọc thành hoa. Sau này khi chuyển sang trồng hoa, chị biến khoảng sân của gia đình thành một khu vườn thượng uyển. Chị Đào Thu Hương hiện đang sinh sống tại Hạ Long, Quảng Ninh đã kiên trì với tình yêu thiên nhiên và sở thích...