Mẹ thà chịu tiếng “chửa hoang” chứ không bỏ tôi
Tôi sinh ra là kết quả của một lần mẹ tôi lầm lỡ, là sự chối bỏ của người đàn ông mà lẽ ra tôi sẽ gọi là “bố”.
ảnh minh họa
Tôi đã từng đứng trước cái chết ngay từ khi chưa chào đời vì mọi người trong nhà đã nghĩ đến chuyện bắt mẹ tôi phải phá thai vì không muốn sinh ra đứa trẻ mà không có bố, vì sợ hai mẹ con sẽ khổ, sợ làng xóm không để yên… Thế nhưng nhờ sức mạnh của tình mẫu tử, mẹ tôi nhất quyết giữ tôi lại bằng bất cứ giá nào, để bây giờ, sau hơn 20 năm, tôi có thể ngồi đây và viết ra những dòng tâm sự này.
Cách đây 20 năm, việc “ chửa hoang” ở một cái làng vừa nghèo, vừa lạc hậu như ở quê tôi lúc ấy là một điều rất kinh khủng, là chuyện “tày trời” mà ai gây ra sẽ phải trả giá rất đắt. Mọi chuyện um xùm hết cả lên. Người thì đòi mang mẹ tôi đi bêu riếu quanh làng, người thì nói là bắt mẹ tôi phá thai rồi “cho một con đường sống”… Lúc ấy, người trong làng, nhất là mấy ông bà cụ già đã đòi áp dụng hình phạt “cạo đầu bôi, thả trôi sông” với mẹ tôi. Họ không thể chấp nhận chuyện đàn bà con gái “không chồng mà chửa”. Đối với họ, những cái thai “mất gốc” ấy chỉ mang lại tai họa mà thôi. Bây giờ, nghe lại những chuyện ấy, tôi thật không ngờ người ta lại cổ hủ và độc ác tới mức như vậy. Khi ấy, ông bà tôi khổ sở, đau đầu lắm vì xấu hổ với làng xóm, vì không biết làm thế nào để cứu con và cháu mình. Cuối cùng, để giữ được tôi, để không làm liên lụy đến gia đình, mẹ tôi đã trốn nhà đến nơi khác.
Mẹ tôi khổ sở, trốn chui trốn lủi sang nơi khác đi cấy thuê cho người ta, rồi đi buôn đồng nát. Ban đầu, bụng mẹ tôi còn nhỏ nên không ai biết. Nhưng càng về sau, lúc bụng to và lộ rõ, người ở đó cũng xua đuổi mẹ tôi vì người ta cũng không bao giờ chấp nhận đàn bà “không chồng mà chửa”. Mẹ tôi lúc ấy lại khó khăn vác cái bụng bầu lên thành phố xin đi rửa bát thuê, làm osin cho nhà người ta, rồi cả nhặt rác để có tiền. Cũng may, ở thành phố người ta bớt định kiến hơn, cũng có vài người thương tình cho hoàn cảnh của mẹ tôi nên nhận vào làm thuê.
Nghe mẹ tôi kể, lúc sinh tôi, mẹ tôi phải chịu khổ nhiều lắm! Một thân một mình, tiền thì không có nhiều, vừa khó khăn vừa tủi thân vì không có người thân bên cạnh. Có lần tôi hỏi mẹ là tại sao lúc ấy không bỏ tôi đi cho đỡ khổ, thì mẹ tôi bảo: “Mẹ không coi con là gánh nặng. Lúc ấy, cha con bỏ đi, mẹ chỉ coi con là nguồn sống. Mỗi lần gặp khó khăn gì, chỉ cần nghĩ đến con, đến tương lai của con là mẹ lại có thêm sức mạnh để vượt qua. Chỉ cần con sống, dù vất vả mấy thì mẹ cũng chịu được”. Có lẽ vì vậy mà mẹ vẫn quyết tâm nuôi dạy tôi cho đến tận bây giờ. Tôi biết ơn và thương mẹ nhiều lắm!
Không chỉ có mẹ, mà cuộc sống của một đứa “con hoang” như tôi cũng có rất nhiều nỗi khổ. Tôi tủi thân, tôi ghen tị khi bạn bè có bố, khi chúng nó được sống của sống đầy đủ. Đi học, có những đứa “cậu ấm”, “cô chiêu” con nhà giàu, được nuông chiều, coi khinh những người như tôi nên bày đủ trò trêu chọc. Chúng nó hết nói móc, cạnh khóe tôi là “không cha”, là “con hoang”, là “con của osin”, rồi nghĩ ra bao nhiều trò phá phách. Biết tôi chỉ có một chiếc áo đồng phục, cái D. – một đứa con nhà giàu chơi bời – đã bày trò đổ mực vào áo tôi, rồi còn xé rách một bên tay. Rồi có lần, chúng nó xì hơi cái xe đạp cà tàng của tôi. Lúc tôi phải dắt bộ, chúng nó đi xe đạp điện kè kè đằng sau rồi lại bắt đầu trò nói móc, xỉa xói… Tôi ấm ức và tủi thân lắm nhưng chỉ giữ kín trong lòng thôi chứ cũng không dám nói với mẹ vì tôi sợ mẹ buồn. Nhiều lần, tôi uất ức muốn tự tử cho đỡ khổ nhưng cứ định làm điều gì dại dột thì tôi lại nghĩ đến mẹ. Nhớ đến mẹ tôi khổ sở để tôi được sống, tôi lại tự hứa với mình phải mạnh mẽ hơn.
Video đang HOT
Bây giờ, cuộc sống của mẹ con tôi đã khá hơn rất nhiều. Tôi đã có bố – một người không có quan hệ huyết thống gì với tôi nhưng vô cùng thương yêu mẹ con tôi. Bố tôi bây giờ từng là chủ nhà của mẹ tôi trước đây, khi mẹ tôi tới đó làm giúp việc theo giờ. Vì vợ mất sớm, một thân một mình, hai con trai đều đã định cư ở nước ngoài, lại rất thương mẹ tôi nên bố tôi đã quyết định kết hôn với mẹ tôi. Bây giờ tôi vừa có mẹ, vừa có bố, lại có thêm cả hai người anh trai rất tốt với mình. Đối với tôi như vậy là quá đủ rồi.
Nhiều lúc nghĩ lại những gì tôi và mẹ đã phải trải qua, rồi nghĩ tới những gì mà bây giờ tôi có, tôi thật sự cảm thấy mình may mắn vì mẹ đã giữ tôi lại. Thế nên, một lời khuyên dành cho các bạn nữ đã trót lầm lỡ: Đứa trẻ trong bụng là máu thịt của chúng ta, là con của trời cho. Cho dù có một mình, có phải cực khổ thì hãy cố gắng giữ lại, cố gắng nuôi nấng con nên người. Nó là một sinh linh không có tội, cũng cần được sống, cần được yêu thương. Phá thai sẽ chẳng khác nào tự cầm dao giết chết con mình đâu!
Theo VNE
Cơ hội nào cho cuộc hôn nhân không có một ngày vui này...
Minh cặp bồ với một cô bạn làm chung trường. Khi hay chuyện, tôi làm dữ nhưng Minh vẫn thản nhiên: "Tôi chỉ giải quyết điều mà cô không làm được thôi. Có mất mát gì đâu? Tiền lương tôi vẫn đưa đủ, bất cứ khi nào cô cần, tôi cũng đáp ứng mà". Minh bắt đầu gọi tôi là "cô" kể từ khi nào tôi cũng không biết.
Bé Thùy Chi 4 tuổi, tôi có bầu cháu thứ hai. Tôi đang nghĩ đến lúc sinh nở mà không thể không buồn. Hôm qua ba tôi lên thăm có bảo để ba đón về, dù sao thì cũng có mấy đứa em chăm sóc. Tôi cũng muốn như vậy nhưng còn cháu lớn phải đi mẫu giáo, về dưới rồi biết làm thế nào? Không lẽ bắt cháu nghỉ học cả tháng trời theo mẹ? Ở đây dù gì thì cũng còn có mấy chú xe ôm, tôi có thể nhờ đưa đón. Cả ngày cháu ở trường, tôi không phải bận rộn chăm lo...
Tháng trước, mẹ chồng tôi có ghé. Bà mang cho tôi mấy lít rượu nếp than và căn dặn chừng nào sanh xong nhớ uống để "mau mạnh tay, mạnh chân". Tôi không chịu nổi mùi rượu nhưng cũng nhận để mẹ vui. Trong suy nghĩ của tôi, lúc nào mẹ chồng cũng muốn con dâu "mạnh tay, mạnh chân" để làm hết mọi việc trong ngoài cho con trai bà được rảnh rang thể hiện vai trò ông chủ trong gia đình. Nói không quá, tình trạng của vợ chồng tôi bây giờ là do chính mẹ chồng tôi gây ra...
Tôi có chồng muộn. Năm 32 tuổi mới gặp Minh. Anh nhỏ hơn tôi 6 tuổi nên cuộc hôn nhân cũng không suôn sẻ. May mà tôi có công việc ổn định, có một căn nhà nho nhỏ mua được từ tiền bán phần đất ba tôi chia cho ở quê. Vậy là vượt qua sự ngăn cản của gia đình Minh, chúng tôi cưới.
Vừa đám cưới được một tháng thì tôi mang thai. Thể trạng vốn ốm yếu, lại thêm bị thai hành nên tôi càng gầy gò, èo uột. Mẹ chồng tôi lên thăm, thấy tôi nằm một chỗ thì dựng dậy bắt làm hết mọi chuyện trong nhà: Đi chợ, nấu cơm, giặt quần áo, lau nhà. Bà nói, có bầu phải vận động, làm lụng, đi tới đi lui; nếu không mai mốt không đẻ được.
Tôi nhìn đàn con 10 đứa của bà mà tin vào những lời nói đó. Hơn nữa, mẹ tôi mất sớm nên không ai chỉ dạy. Khi yêu Minh, tôi tâm niệm xem mẹ anh như mẹ ruột của mình. Vì vậy, những lời chỉ dạy của bà, tôi răm rắp làm theo.
Khổ nỗi, tôi còn phải đi làm. Công việc ở công ty cũng không hề nhẹ nhàng, lại phải đi xa cả chục cây số. Những khi có việc gấp, tôi còn phải tranh thủ ở lại làm cho xong dù mọi người thấy tôi bầu bì, chẳng ai nỡ ép làm nhiều. Tất cả những thứ đó khiến tôi thấy đuối. Thế nhưng, anh lại tuân thủ triệt để lời mẹ dạy: "Cứ để con vợ mày làm, đàn ông ra ngoài làm chuyện khác chớ không phải làm mấy thứ lặt vặt trong nhà".
"Chuyện khác" của chồng tôi là nhân viên kế toán ở một trường học. Thu nhập mỗi tháng được 5 triệu đồng, anh đưa cho tôi ba triệu để lo chi tiêu trong nhà và để dành sinh nở. Tiền lương quản đốc phân xưởng của tôi được gấp đôi lương anh nên việc chi tiêu trong nhà anh chẳng phải bận tâm. Tuy vậy, là phụ nữ, tôi vẫn phải loay hoay tính toán xem phải chi tiêu thế nào để có thể dành dụm, lúc hữu sự không phải vay mượn hay xin xỏ thêm của ba tôi và mấy đứa em.
Thú thật, tôi tằn tiện đến nỗi nhiều khi thèm thứ này, thứ kia cũng ráng nhịn vì sợ "ăn quen, nhịn không quen". Thêm vào đó, chồng tôi cũng không phải là người rộng rãi. Hôm nào nhà có thêm miếng thịt, miếng cá ngon hơn mọi ngày là anh đã càm ràm bảo tôi phung phí... Nhiều khi tôi ước ao được anh quan tâm, hỏi han xem có thèm thứ gì không để anh mua cho tôi ăn như những người chồng yêu vợ khác. Thế nhưng tuyệt nhiên anh không bao giờ để ý. Cứ y như rằng cái thai trong bụng tôi là vô hình.
Tôi có bầu gần ngày sinh vẫn phải lau nhà, xách nước, giặt đồ... Có lần xách nước nóng vô nhà tắm để pha cho anh tắm tôi trượt chân té, bị phỏng lột da nguyên một vùng bụng, đến ngày sinh, chỗ phỏng vẫn chưa lành...
Có lẽ do bầu bì, phải làm việc nặng nhọc một mình, lại hay suy nghĩ lo buồn nên tôi gần như không còn ham muốn chuyện vợ chồng. Sinh con xong, tôi lại càng sợ mỗi khi Minh tỏ vẻ muốn gần gũi. Để anh vui, tôi ráng chiều nhưng có khi lực bất tòng tâm. Không giải quyết được nhu cầu của anh một cách bình thường, tôi phải làm cái việc mà mọi người gọi là "may tay", thế nhưng điều đó cũng không bù đắp được sự thiếu hụt nhu cầu của một người đàn ông chưa đến tuổi ba mươi. Vậy là Minh cặp bồ với một cô bạn làm chung trường.
Khi hay chuyện, tôi làm dữ nhưng Minh vẫn thản nhiên: "Tôi chỉ giải quyết điều mà cô không làm được thôi. Có mất mát gì đâu? Tiền lương tôi vẫn đưa đủ, bất cứ khi nào cô cần, tôi cũng đáp ứng mà". Minh bắt đầu gọi tôi là "cô" kể từ khi nào tôi cũng không biết. Nhiều khi tôi thèm một tiếng gọi "em" ngọt ngào như cách những người chồng khác gọi vợ mà không có được...
Khi tôi méc mẹ chồng về chuyện Minh ngoại tình thì bà trả lời tỉnh rụi: "Đàn ông nào mà không như vậy? Con ráng lo tròn phận sự của mình, rồi nó cũng về mà". Tôi biết mình không làm tròn bổn phận của một người vợ nhưng giá như tôi được chia sẻ, được yêu thương thì ở ngoài tuổi ba mươi, tôi đâu đã trở nên khô cằn như vậy?
Bạn bè khuyên tôi phải biết chăm sóc bản thân, tôi nghe lời nên thuê người giúp việc làm theo giờ để giặt giũ, dọn dẹp nhà cửa... Nhờ vậy, tôi thấy mình vui vẻ, thoải mái hơn. Thế nhưng trong chuyện vợ chồng, giữa chúng tôi vẫn không xóa được khoảng cách bởi mỗi khi gần Minh, tôi lại nghĩ đến chuyện anh vẫn ăn nằm với người phụ nữ khác...
Không biết hạnh phúc hay bất hạnh khi tôi lại mang thai lần nữa. Khi biết mình dính bầu, tôi đã muốn bỏ nhưng sau đó lại nghĩ, con cái là phúc phận trời cho, nếu làm trái lẽ tự nhiên thì sẽ gánh chịu sự trừng phạt. Nghĩ vậy mà tôi vẫn để cái thai. Và bây giờ nó đã được hơn 7 tháng.
Điều đáng buồn là trong 7 tháng ấy, tôi như một người phụ nữ chửa hoang bởi chồng tôi không hề ngó ngàng gì đến mẹ con tôi. Anh lại tung tăng cặp kè với một người phụ nữ khác. "Chị đúng là bị tâm thần. Không có ai lại nhẫn nhục chịu đựng như vậy"- cô em kế tôi nói. "Để em đập cho thằng chả một trận"- thằng út hậm hực. Riêng cha tôi thì trầm ngâm: "Cái số con phải chịu khổ rồi, phải ráng thôi con à".
Nhưng con giun xéo lắm cũng oằn. Không hiểu sao, một buổi sáng chủ nhật thức dậy, tôi nhìn sang bên cạnh, thấy một người đàn ông phởn phơ, béo tốt đang nằm cạnh mình, bất giác tôi thấy buồn nôn. Tôi nôn thốc, nôn tháo dù thời điểm bị thai hành đã qua từ lâu.
Tôi quyết định chấm dứt chuyện này. Cả buổi sáng hôm đó, tôi suy nghĩ để viết một lá đơn ly hôn. Tối đó tôi đưa cho Minh xem. Anh ta cười khẩy, bảo tôi điên rồi xé bỏ. Tôi lại viết và hôm sau mang lên tòa án dù không có chữ ký của chồng.
Cô thư ký tiếp nhận đơn nhìn tôi trân trân: "Chị đang có bầu mà?". "Có bầu thì sao?"- tôi hỏi lại. "Luật pháp luôn bảo vệ phụ nữ. Trong thời gian chị có thai, tòa sẽ không cho người chồng ly dị". "Nhưng đây là ý muốn của tôi mà?'. "Chị suy nghĩ cho kỹ đi, một mình nuôi hai đứa con không dễ đâu chị à". Tôi cám ơn lời khuyên của người cán bộ tòa án nhưng vẫn nhất quyết gởi đơn.
Tòa đã thông báo cho Minh biết về việc tôi gởi đơn. Mới đầu anh sừng sộ làm dữ. Nhưng sau đó thấy tôi kiên quyết, anh bắt đầu xuống nước. Hết anh, đến mẹ anh, anh em của anh và cả chủ tịch Công đoàn của trường cũng đến gặp để năn nỉ tôi "hồi tâm chuyển ý".
Ai cũng bảo tôi cho Minh cơ hội nhưng không ai chỉ ra cho tôi cơ hội nào trong cuộc hôn nhân không có lấy một ngày vui này...
Theo VNE
Chửa hoang thì sao? Quá tam ba bận rồi, cầu xin đừng có lần thứ tư... Hồi trước người ta nói tuổi Ngọ lận đận, tôi không tin. Bây giờ thì tôi đã biết vì sao suốt ngày tôi cứ lồng lên, khổ sở vì đàn ông như vậy... Chửa hoang thì đã sao? Điều đó chỉ nói lên rằng phía sau người đàn bà và đứa...