Mê sảng sau khi vượt ‘cửa tử’ nCoV
Khi được rút ống nội khí quản, Jesse Vanderhoof, người vừa sống sót sau khi nhiễm nCoV, thều thào hai từ: ‘Gọi Emily’.
Jesse, 40 tuổi, y tá nhiễm nCoV, xúc động và nhẹ nhõm khi được nói chuyện với vợ sau hơn một tuần nằm trong phòng chăm sóc tích cực (ICU) tại bệnh viện ở bang Idaho, tây bắc nước Mỹ. Nhưng vài ngày sau, trong lúc cơ thể đang hồi phục, thần trí anh lại không.
Anh giật dây truyền nước khỏi tay, đặt xe Uber để về nhà, dù chuyến đi mất gần ba giờ lái xe với chi phí 200 USD, trong khi anh không gượng dậy nổi khỏi giường bệnh. Anh lải nhải suốt nhiều ngày về việc đi ra ngoài và thuê một cái xe cũ để tự lái về nhà. Tâm trí Jesse vẫn chưa bắt kịp được với những chuyện đang diễn ra xung quanh.
“Anh ấy không hiểu tại sao cả thế giới đang chiến đấu với Covid-19, tại sao nhân viên y tế lại là người hùng, tại sao anh ấy lại liên quan tới trận chiến này”, vợ anh, Emily Vanderhoof, 34 tuổi, nói. “Chúng tôi cứ nói đi nói lại một chủ đề suốt 4 ngày”.
Jesse (phải) và vợ, Emily, trả lời phỏng vấn CNN qua điện thoại hôm 14/4. Ảnh: CNN.
Những biểu hiện trên của Jesse chỉ là một ví dụ về hội chứng “mê sảng ICU”, tình trạng não bộ rối loạn chức năng, biểu hiện qua việc hay nhầm lẫn, mất tập trung, không hiểu được chuyện gì đang diễn ra xung quanh. Điều này đặc biệt phổ biến ở những bệnh nhân được dùng thuốc an thần và sử dụng máy thở trong thời gian dài. Các bệnh nhân như Jesse cần được dùng thuốc an thần liều cao để chịu đựng máy thở, loại máy hoạt động qua ống nối khí quản nhằm đưa không khí vào phổi đang ứ dịch.
“Não của tôi muốn thế, tôi cứ liên tục hỏi mà không nhận ra mình đã hỏi những câu đó rất nhiều lần”, Jesse nói.
Người ta đã biết đến tác động của nCoV lên phổi, nhưng ảnh hưởng của nó lên não bộ ít được đánh giá. Khi ngày càng nhiều bệnh nhân cai máy thở, hồi phục sau khi nhiễm nCoV, nhiều người sẽ về nhà, không chỉ cơ thể thay đổi, mà tâm lý cũng đổi thay.
Hai tuần sau khi rút máy thở, Jesse vẫn dễ mệt và đang tìm cách ghép nối thông tin để hiểu được điều gì đã xảy ra.
Video đang HOT
“Giờ mọi việc bắt đầu rõ ràng, nhưng trước đấy, khi tôi vừa lấy lại ý thức và đặc biệt là khi họ rút ống nội khí quản ra, mọi thứ với tôi đều khó hiểu”, anh nói.
Mê sảng là hội chứng khá phổ biến ở bệnh nhân ICU. Nhưng Covid-19 như “một nhà máy sản xuất bệnh nhân mê sảng”, bác sĩ Wes Ely, giáo sư y khoa Đại học y Vanderbilt, chuyên gia về hội chứng mê sảng ICU, nói.
Mê sảng có thể do nhiễm trùng hoặc viêm. Bệnh nhân mê sảng thường trải qua ảo giác hoặc những giấc mơ sống động tới nỗi đôi khi có thể hành động bất thường. Họ có thể rút dây truyền hay bình ôxy, thứ mà họ cho rằng đang làm hại mình, hoặc tấn công y bác sĩ.
Missy Testerman, 49 tuổi, giáo viên trung học ở Rogersville, bang Tennessee, cho biết bố cô, người luôn dịu dàng và đáng yêu, cũng bị mê sảng khi đặt nội khí quản năm 2018, trước khi qua đời vì bệnh bạch cầu. Ông trở nên hung hăng, hoang tưởng, buộc mọi người phải trói tay vào giường để ngăn ông hành hung y bác sĩ.
“Ông tưởng tượng ra những cảnh điên rồ, như y tá đang cố thống trị thế giới, hay chúng tôi muốn lấy cắp tiền của ông, hoặc ông là người duy nhất đủ năng lực bảo vệ thế giới khỏi cái ác”, Testerman kể lại. “Ông tấn công y tá những lúc lên cơn thịnh nộ và thốt ra những lời chưa từng nói trong đời. Một đêm, ông nói trước mọi người trong phòng rằng tôi đã giết người hàng xóm và mang xác đến Mississippi phi tang”.
Về phần Jesse, anh nhớ mơ thấy mình bất tỉnh và từ từ ngã xuống như phim quay chậm. Anh thấy mình chết đi, thậm chí còn dự đám ma của mình.
“Tôi thề rằng tới hôm nay hình ảnh đám ma vẫn hiện ra trước mắt tôi”, Jesse kể lại hôm 14/4, 10 ngày sau khi xuất viện. “Cảnh tượng như thật và vô cùng đáng sợ. Như thể bộ não biết bạn đang có vấn đề và đang cận kề cái chết”.
Mê sảng có thể xảy ra ở bất kỳ đâu, kéo dài từ ngày này qua tháng khác và sẽ biến mất theo thời gian. Với Jesse, cơn mê sảng bất ngờ quay lại vào đêm vừa về nhà với vợ ở Hailey, thành phố miền trung bang Idaho. Emily phát hiện chồng lúc 2h sáng trong phòng tắm, đang lảm nhảm gì đó, không thể định hướng mình đang ở đâu, đếm ngón tay và cố gắng dùng ngôn ngữ ký hiệu.
Mê sảng có thể gây hậu quả nghiêm trọng về lâu dài. Bệnh nhân mê sảng thời gian dài có nguy cơ cao gặp nhiều vấn đề về sức khỏe tâm thần như lo lắng, trầm cảm, rối loạn căng thẳng sau chấn thương. Ngoài ra, thời gian mê sảng dài còn liên quan tới suy giảm nhận thức, theo một nghiên cứu công bố trên tạp chí Y học New England năm 2013.
Mê sảng là một phần của Hội chứng hậu chăm sóc tích cực (PICS), hội chứng tập hợp nhiều vấn đề mà bệnh nhân gặp phải sau thời gian điều trị tích cực. Bác sĩ Daniela J.Lamas, bác sĩ chuyên khoa phổi và cấp cứu tại Bệnh viện Phụ nữ Brigham ở Boston, cho biết bệnh nhân PICS thường kể lại diễn biến thay đổi tâm lý sau thời gian điều trị ICU.
“Gia đình rất vui mừng khi họ tỉnh lại, nhưng bản thân họ lại không. Họ không cảm nhận được mình từng nằm khoa ICU, thấy xấu hổ khi nhắc tới chuyện đó”, cô nói.
Tác động của nCoV lên não chưa rõ ràng, nhưng Ely, Lams và bác sĩ Sharon Inouye, giám đốc Trung tâm Lão hóa Não và là một chuyên gia về rối loạn ICU, nhận định mê sảng đang và sẽ là vấn đề thường gặp ở bệnh nhân nCoV.
Trong một số trường hợp, virus có thể làm viêm não, góp phần gây mê sảng, Inouye nói. Trong số 214 bệnh nhân nhiễm nCoV ở Vũ Hán, Trung Quốc, 36% người xuất hiện các triệu chứng thần kinh bất ổn, theo nghiên cứu công bố trên tạp chí Thần kinh học JAMA tuần trước.
Ngoài ra, điều trị nCoV đòi hỏi thời gian dùng thuốc an thần và máy thở lâu hơn, “gây tác động nhiều mặt khiến chúng tôi rất khó thực hiện các thủ thuật hiệu quả nhất mà chúng tôi biết để ngăn ngừa mê sảng”, Lamas nói.
Nhân viên y tế điều chỉnh thông số máy thở trong phòng ICU ở Mỹ. Ảnh: CNN.
Bình thường, nhân viên y tế sẽ đánh thức bệnh nhân để kiểm tra ý thức và hơi thở, cố gắng giúp họ rút máy thở càng sớm càng tốt để giảm khả năng mê sảng. Nhưng lúc này, nhân viên y tế bị quá tải, họ không đủ thời gian quan tâm từng người.
“Tôi nghĩ rằng trong thời điểm rối ren này, cố gắng giữ cho bệnh nhân còn sống đã đủ mệt rồi. Những thứ như ngăn ngừa mê sảng chỉ là công việc phụ”, Inouye nói.
Một cách nữa để ngăn ngừa bệnh nhân mê sảng là để người thân bên cạnh. Họ có thể nắm tay, trò chuyện với người bệnh, giúp người bệnh hiểu được mình đang ở đâu, dù có thể đang mê man và phải đặt ống nội khí quản. Nhưng vì Covid-19, bệnh nhân buộc phải cách ly khỏi gia đình.
“Những bệnh nhân được gia đình ở bên, sau khi tỉnh dậy thường nói họ nhớ được có người thân bên cạnh trò chuyện, nhớ được nội dung câu chuyện. Nhưng bây giờ, người nhà không được phép đến gần bệnh nhân nCoV”, Lamas nói.
Phương án điều trị ICU cho các ca nCov có thể thay đổi trong tương lai, khi ngành y hiểu thêm về nCoV và tìm ra cách chữa trị tốt nhất, Lamas nói. Tuy nhiên, cô e rằng nhiều bệnh nhân sống sót khỏi nCoV sẽ đối mặt với quá trình bình phục khó khăn dài nhiều tháng.
Hồng Hạnh
Người mắc Covid-19 có lượng virus cao nhất trong tuần đầu phát bệnh
Nghiên cứu mới đây của Đại học Hong Kong cho thấy, lượng virus có trong nước bọt của người bệnh Covid-19 sẽ ở mức cao nhất vào tuần đầu phát bệnh.
Nghiên cứu mới nhất của các nhà khoa học thuộc Đại học Hong Kong vừa được đăng trên Tuần san y khoa uy tín "The Lancet" mới đây. Nghiên cứu này được thực hiện trên 23 bệnh nhân có độ tuổi từ 37-75 ở 2 bệnh viện tại Hong Kong, trong đó có 13 bệnh nhân nam và 10 bệnh nhân nữ.
Nghiên cứu mới đây của Đại học Hong Kong cho thấy, lượng virus có trong nước bọt của người bệnh Covid-19 sẽ ở mức cao nhất vào tuần đầu phát bệnh. Ảnh minh họa: AP.
Kết quả cho thấy, lượng virus SARS-CoV-2 trong nước bọt của bệnh nhân Covid-19 đạt đỉnh vào tuần đầu tiên sau khi xuất hiện triệu chứng, sau đó giảm dần. Điều này khác hẳn với Hội chứng suy hô hấp cấp tính nặng (SARS). Theo đó, tải lượng virus của Covid-19 và cúm tương đương nhau, đều đạt đỉnh trước hoặc sau khi phát bệnh. Trong khi SARS và Hội chứng hô hấp Trung Đông (MERS) đạt đỉnh vào khoảng 10 ngày sau và tuần thứ 2.
Việc người bệnh mang lượng virus nhiều nhất vào thời kỳ đầu phát bệnh, tức thời điểm triệu chứng đang còn nhẹ đã giúp giải thích đặc tính lây lan nhanh chóng của căn bệnh gây ra đại dịch toàn cầu này. Điều này cũng cho thấy lượng virus trong cơ thể không liên quan đến mức độ nặng nhẹ của bệnh.
Cũng theo nghiên cứu này, mẫu phẩm nước bọt ở phân họng sâu (sau miệng hầu) của 1/3 số người bệnh vẫn có thể xét nghiệm ra RNA của virus trong vòng 20 ngày hoặc lâu hơn. Bên cạnh đó, tải lượng virus ở mức đỉnh có liên quan đến độ tuổi. Trong đó, người bệnh tuổi càng cao, tải lượng virus càng lớn.
Có người vẫn có thể xét nghiệm thấy RNA sau 25 ngày xuất hiện triệu chứng. Đa phần bệnh nhân sẽ xuất hiện các phản ứng kháng thể từ ngày thứ 10 hoặc sau 10 ngày có triệu chứng bệnh. Tuy nhiên lượng kháng thể trong huyết thanh lại không liên quan đến mức độ nghiêm trọng của bệnh về mặt lâm sàng.
Phát hiện này đã cho thấy tầm quan trọng của việc kiểm soát nghiêm ngặt nguồn lây từ những cá thể có nguy cơ cao và việc sớm sử dụng các loại thuốc kháng virus hữu hiệu. Ngoài ra, xét nghiệm huyết thanh cũng có thể được sử dụng như một hình thức xét nghiệm bổ sung đối với người bệnh Covid-19./.
Bích Thuận
Máu của bệnh nhân chiến thắng Covid-19 cứu được nhiều người khác Bác sĩ Arturo Casadevall từ Đại học Johns Hopkins ở Baltimore, Mỹ cho rằng sử dụng huyết thanh của người đã chiến thắng virus corona có thể điều trị và làm chậm căn bệnh (Covid-19) đã giết chết 5.800 người trên khắp thế giới. Huyết thanh hoặc huyết tương từ bệnh nhân hồi phục Covid-19 được cho là có thể cứu sống nhiều...