Mẹ ơi, nhất định Tết này, chúng con sẽ lại về quê!
Hôm qua, nghe mẹ gọi điện: “Tết này các con được nghỉ mấy ngày? Nhớ cho các cháu về quê ăn Tết, con nhé”. Chỉ bấy nhiêu thôi cũng đủ cho đứa con xa quê rưng rưng một cảm xúc khó tả.
Từ lúc ấy, lòng con không khỏi rộn ràng mỗi khi nghĩ đến chuyện được về quê đón Tết.
Con biết, cứ đầu tháng Chạp, mẹ lại bắt đầu đếm lùi từng bữa để ngóng trông những đứa con lập nghiệp xa quê. Và khi những nụ mai tứ quý trước sân nhà bắt đầu lấp ló những cánh hoa vàng nhạt, mẹ lại tất bật ra chợ huyện. Mẹ chọn những hạt gạo nếp thơm nhất, những cân măng, củ hành vừa ý để chuẩn bị cho mâm cỗ và bữa ăn ngày Tết.
Mẹ bảo, con người luôn có cội nguồn, như con chim khi đủ lông, đủ cánh, dù bay đi phương trời xa nào cũng thường tìm về tổ ấm. Bởi vậy, những ai còn mẹ, còn cha, còn những người thân yêu luôn mong chờ ở quê nhà thì đừng vô tâm với những dịp đoàn viên.
Tết là sự khởi đầu của một năm mới nhưng cũng là dịp để nhớ về quá khứ. Bên nồi bánh chưng chiều Ba mươi Tết những ngày xưa cũ, mẹ vẫn thường dạy các con gái của mẹ: nhập gia phải tùy tục, sau này các con lớn lên, khi về làm dâu phải theo nếp nhà chồng.
Về quê chồng đón Tết là dịp để những cô dâu mới làm quen với tất thảy những thân thuộc bên nội và học hỏi cách xưng hô thế nào cho phải. Đừng như nhiều người, vài năm mới về quê, khi giáp mặt họ hàng cũng chẳng biết tên tuổi ra sao.
Không chỉ bởi những lời mẹ dặn, từ lâu trong con luôn cảm nhận rõ những giá trị thiêng liêng của thứ tình cảm không dễ gì đánh đổi – tình cảm của đấng sinh thành và họ hàng thân tộc – mà chỉ có về quê, con mới được sống trọn vẹn trong bầu không khí đầm ấm, thương yêu ấy.
Video đang HOT
Có về quê, con mới được sống lại những cảm xúc của những ngày đã xa, được quỳ lạy trước bàn thờ tổ tiên nội, ngoại và cùng mẹ chuẩn bị những món ăn truyền thống. Con lại được đi trên con đường làng với những giậu cúc tần già cỗi nhưng vẫn khoe sắc xuân bằng những chùm hoa trắng muốt, lại được nhìn thấy những gương mặt thân quen của bạn bè từ thuở hoa niên.
Tết cũng là dịp các con của con thêm một lần trong năm được gần gũi ông bà, họ hàng và làm quen với những cánh cò trắng chao nghiêng trên cánh đồng bát ngát. Để các con của con thêm yêu từng bụi chuối, bờ tre, những giàn bầu, giàn bí đơm hoa vàng, hoa trắng nơi góc chái nhà.
Mỗi dịp về quê, con lại được nghe mẹ kể đủ chuyện làng, chuyện xóm, có cả chuyện vui và cả tâm sự khiến con phải mềm lòng. Đó là những năm về trước, lúc cuộc sống còn nhiều chật vật, các con của bác Xoan hàng xóm- dù lập nghiệp tận miền Nam – cũng khăn gói về quê đón Tết.
Nhưng hai năm gần đây, khi đời sống kinh tế nhiều đổi thay, các con của bác ấy đã mua được ô tô, nhà cao cửa rộng thì chẳng thấy họ về quê ăn Tết nữa, chỉ thấy họ gửi về rất nhiều tiền và quà bánh.
Suy nghĩ của họ đã ít nhiều đổi khác, Tết là dịp để họ đi du lịch trong và ngoài nước thay vì về với cha già, mẹ héo. Bác Xoan buồn lắm, mấy ngày Tết, ai đến chơi cũng tránh nhắc chuyện con cái, sợ làm bác chạnh lòng, nhưng mắt bác cứ chực khóc, chẳng thấy bác nở nụ cười mãn nguyện như trước kia nữa.
Người già thường cả nghĩ, kể chuyện hàng xóm mà mẹ như đang nói với chính mình, “bậc làm cha mẹ chỉ mong con cái trưởng thành và hiếu thảo; quà bánh và tiền bạc dù có chất đầy nhà cũng chẳng thể thay được tiếng cười con trẻ, không đánh đổi được sự sum vầy của các thành viên gia đình mỗi dịp Tết đến, xuân về!”.
Mẹ năm nay đã ngoài bảy mươi, nhưng như những đứa trẻ- mẹ luôn mong chờ ngày Tết. Bởi Tết là dịp nghỉ dài ngày nhất trong năm, những đứa con của mẹ mới có dịp về quê đoàn tụ, để mẹ được nhìn thấy những đứa cháu của mình lớn lên theo năm tháng và nghe các con ríu rít thăm hỏi lẫn nhau sau một năm bận rộn.
Mẹ đã già đi nhiều, nhưng những mùa xuân tuổi trẻ của mẹ giờ đang hiện hữu trong chúng con. Chúng con sẽ nối tiếp mẹ cha, thực hiện hết những ước mơ chưa trọn vẹn. Và chỉ có về với mẹ, với cha, chúng con mới có thêm sức mạnh, được mẹ cha “tiếp lửa” trong cuộc sống mưu sinh tất bật, mới thấy được trọn vẹn những giá trị thiêng liêng về nguồn cội mà ngoài quê hương ra, chẳng nơi nào có được.
Mẹ ơi, nhất định Tết này, chúng con sẽ lại về quê!
Theo Dân trí
Tết năm nay là một cái Tết đặc biệt mà bố mẹ vợ đã mang lại cho tôi
Lần đầu ăn Tết ở nhà vợ khiến tôi lo lắng, sợ hãi vì nghĩ tới cảnh mình sẽ chịu cảnh "chó chui gầm chạn", nhưng không ngờ tôi lại được đón một cái Tết trọn vẹn đến vậy.
Tôi và Linh yêu nhau hơn một năm thì chính thức về sống với nhau trước sự chúc mừng, ủng hộ của cả hai gia đình. Tuy nhiên, cưới chưa đầy 1 tháng Linh đã nằng nặc đòi về ở với bố mẹ đẻ với lý do: Linh là con gái duy nhất trong nhà nên phải chăm lo phụng dưỡng bố mẹ. Nhà tôi thì đông anh em, ra vào là chạm mặt nhau nên sống cũng không được thỏa mái cho lắm. Chiều vợ, thấy bố mẹ vợ là người đáng kính nể nên tôi chấp nhận về ở rể.
Ban đầu, cũng có vài lời bàn ra tán vào nói ở rể chính là "chó chui gầm chạn", sẽ giống như ô sin trong nhà vợ. Không những thế, một vài người bạn "dọa nạt" tôi rằng, họ đã từng gặp vài trường hợp con rể bị cả nhà vợ coi khinh, lủi thủi một mình, không dám ăn to nói lớn.
Thậm chí, mẹ vợ lườm mắt một cái là phải cúi đầu xuống. Tết đến chắc chắn sẽ bị nhiếc móc: "Đã không phải mất tiền thuê nhà, mua nhà, đến Tết cũng túng thiếu thế này thì có đáng mặt trụ cột gia đình không?".
Vì thế, tôi luôn canh cánh trong lòng từ ngày về ở nhà vợ, nhất là Tết sắp đến, chắc chắn sẽ bị nhà vợ sai như ô sin vì mình mang tiếng ăn bám.
Tôi bất ngờ vì cái Tết đầu tiên ở nhà vợ. (Ảnh minh họa)
Trước Tết, bố vợ có nhờ tôi đi mua cây đào, một vài thứ về trang trí ngày Tết, tôi loay hoay không biết nên chọn cây đào như thế nào để làm hài lòng bố mẹ vợ. Có hỏi vợ thì vợ tôi chỉ cười: "Bố mẹ đơn giản lắm, anh đừng quá căng thẳng, anh cứ đi mua theo ý của anh thôi".
Vợ nói vậy nhưng tôi vẫn lo lắng, cả ngày hôm ấy, tôi đi khắp nơi để chọn cây đào ưng nhất, tôi tặc lưỡi: "Thôi kệ, mình cứ mua theo ý mình, nhất thì về nhà ăn Tết chứ không thể chịu nhục". Nhưng không ngờ, mang cây đào vừa rẻ lại theo ý mình về bố mẹ vợ hài lòng khen tôi hết lời. Ông bà bảo: "Năm nay có con ăn Tết cùng bố mẹ thấy ấm áp hơn rất nhiều".
Nếu như những chàng rể khác phải tất bật sắm Tết thì tôi được thảnh thơi lo cho công việc riêng của mình. Dọn dẹp nhà cửa chuẩn bị Tết một tay bố mẹ vợ tôi lo hết. Có lần tôi muốn làm giúp thì bố mẹ vợ đuổi khéo: "Cả năm bố mẹ ở nhà buồn chân buồn tay lắm, nhờ có dịp Tết này để rèn luyện sức khỏe luôn, con đừng bận tâm. Hai vợ chồng son cứ đưa nhau đi chơi, ngắm chợ Tết đi".
Năm đầu tiên ăn Tết ở nhà vợ nên tôi cũng cẩn thận biếu tiền bố mẹ vợ để sắm Tết nhưng ông bà nhất quyết không nhận và bảo chúng tôi mang về biếu bố mẹ tôi. Thậm chí, bố mẹ vợ còn khuyên chúng tôi về quê ăn Tết để vợ tôi được sum họp với gia đình nhà chồng.
Nghe bố mẹ vợ nói tôi cảm động, tôi không nghĩ mình đang ở rể mà còn thấy thỏai mái như là ngôi nhà thứ hai của tôi. Bố mẹ vợ đã cho một một tình cảm chân thành không giống như những gì mà bạn bè tôi đã nói. Bố mẹ vợ chưa bao giờ để tôi phải chạnh lòng. Tết năm nay là cái Tết đặc biệt đối với tôi. Bố mẹ vợ đã cho tôi một cái tết trọn vẹn, ấm áp.
Theo Khampha
3 năm để mẹ già ăn Tết 1 mình, con trai thấy thương bèn về quê cho mẹ bất ngờ.. Môi khi nhăc đên ngươi me gia mang tên Lan ây ai cung xot xa. Ba Lan sinh ra trên 1 vung quê ngheo, thơi đo gia đinh ba rât đông anh chi em vi muôn nhương tiên hoc phi cho em ma đang hoc thi ba Lan nghi giưa chưng đi lam thuê giup bô me nuôi 4 đưa em ăn hoc...