Mẹ Ninh Bình “khổ tận” 4 lần hỏng thai, sinh xong không được nhìn mặt con
Hành trình tìm con của chị Phạm Thị Lý trải qua không ít những vất vả, gian nan với bao nhiêu hy vọng rồi lại trở về tay trắng.
Nửa năm nay, kể từ khi chào đón thiên thần nhí đến với gia đình, chị Phạm Thị Lý (31 tuổi, Ninh Bình, hiện sinh sống và làm việc ở Sài Gòn) vẫn ngỡ như một giấc mơ. Dù ngày nào cũng tất bật bỉm sữa, quay cuồng với guồng quay của con nhưng vợ chồng chị vui và hạnh phúc bởi 8 năm qua, cuối cùng vợ chồng chị đã tìm thấy ánh sáng phía cuối con đường hầm trên hành trình tìm con.
Chị Lý và con gái.
Nhìn con gái đang nô đùa nở nụ cười giòn tan, chị Lý lại cười cho biết, vợ chồng chị phải vất vả 8 năm mới có được “cục vàng” này. Chị tâm sự mình kết hôn từ năm 2011, 2 năm sau thì có bầu tự nhiên. Hồi đó, nhìn sự khôn lớn của con trong bụng từng ngày từng tháng, thấy cơ thể mình thay đổi, chị vui lắm. Tuy nhiên khi mang bầu được 23 tuần, “bầu trời mây đen” chợt ập đến với chị khi chị bị sinh non rồi con không sống được. Người ta nói “một con sa bằng ba con đẻ”, nỗi đau ấy dường như khiến chị gục ngã ngay lần đầu tiên chuẩn bị được làm mẹ.
2 năm sau chờ mãi không có tin vui, vợ chồng chị quyết định nhờ phương pháp hỗ trợ sinh sản IUI. Tuy nhiên, may mắn vẫn chưa mỉm cười mà tiếp tục thử thách vợ chồng chị khi làm IUI lần 2 vào năm 2016 đậu thai lại bị sảy thai ở tuần thứ 5. Mặc dù thất vọng, nản lòng nhưng vợ chồng chị vẫn cố gắng an ủi, động viên nhau cùng cố gắng làm kinh tế để tiếp tục hành trình tìm con gian nan này.
Chị từng sinh non 23 tuần khi mang thai lần đầu tiên.
Chị Lý cho biết thêm, đầu năm 2018, vợ chồng chị quyết định làm IVF và được 3 phôi ngày 5. Lần đầu tiên chuyển phôi dù đau đớn khó khăn nhưng chị vẫn cố gắng với niềm hy vọng con sẽ về. Thế nhưng càng hy vọng lại càng thất vọng khi chị chuyển phôi lần 1 thai bị sinh hóa.
Video đang HOT
Không nản lòng, vợ chồng chị lại chờ đợi thời gian để chuyển phôi lần 2. Lần này hạnh phúc mỉm cười với vợ chồng chị vì đậu song thai. Những tưởng ông trời đã hiểu và thấu nỗi lòng 2 vợ chồng nên cho cặp song sinh đến nhưng nào ngờ niềm hạnh phúc ấy chỉ vỏn vẹn đến khi thai 7 tuần thì chị bị lưu.
“ Lần lưu song thai, mình suy sụp nhất, cùng một lúc mất 2 đứa con, nỗi đau như cứa vào da thịt. Đó chưa kể bác sĩ cho ngậm thuốc để cho con ra thì bị sót. Mình phải ngậm mấy lần không sạch nên phải đi hút mới được”, chị Lý rưng rưng nhớ lại những nỗi đau trên hành trình tìm con.
Chị Lý thổ lộ, sau lần lưu thai đôi đó, tinh thần chị suy sụp, hơn nữa kinh tế gia đình cạn kiệt nên 2 vợ chồng chị bảo nhau thôi dừng lại. May mắn được bác sĩ ra sức động viên làm thêm lần nữa rồi viết đơn xin miễn giảm viện phí nên 2 vợ chồng chị cố gắng làm thêm IVF lần 2. Cuối năm 2018, vợ chồng chị IVF lần 2 được 6 phôi ngày 5. Sau khi sinh thiết 4 phôi bị lỗi mất 1 phôi. 3 phôi còn lại vợ chồng chị chuyển lần 1 nhưng thai sinh hóa và mãi đến lần 2, vợ chồng chị với đón được “cục vàng” hiện nay.
8 năm vợ chồng chị vất vả để có con.
8 năm trên hành trình tìm con, vợ chồng chị Lý phải chịu không biết bao nhiêu lời dị nghị của mọi người. Để có thể vững vàng trên hành trình này, anh chị phải bỏ hết ngoài tai mặc kệ những lời nói ấy. Hễ ai hỏi gì chị lại nói vui rằng “mọi người cứ từ từ rồi ai cũng có phần”.
May mắn kiên trì sau 2 lần IUI, 4 lần chuyển phôi với 2 lần IVF, cuối cùng vợ chồng chị đã có được thiên thần trong tay. Sau một tuần chuyển phôi, chị Lý đã có chỉ số beta cao. Hạnh phúc là vậy nhưng qua bao nhiêu lần thất bại trên hành trình tìm con, chị Lý lo lắng nhiều hơn là vui mừng. Đặc biệt 11 tuần, chị xét nghiệm bị cường giáp. Mỗi lần lên đọc bệnh trên mạng chị còn lo lắng hơn nhưng về sau gặp bác sĩ tư vấn do mang thai nội tiết thay đổi không sao chị mới tạm yên tâm phần nào.
“Thai kỳ của mình không lúc nào là lo lắng như ngồi trên đống lửa. 15 tuần cổ tử cung ngắn mình phải nhập viện khâu gấp. Chưa kết, 25 tuần mình bị tiểu đường thai kỳ nhưng trộm vía thai kỳ của mình khỏe mạnh đến ngày sinh”, chị Lý cho hay.
Bé chào đời nặng 3,5kg.
Được biết, 37 tuần, chị Lý cắt chỉ khâu cổ tử cung, lúc cắt xong cổ tử cung mở 1 phân nhưng chị chờ mãi đến 38 tuần không thấy gì nên quyết định mổ chủ động ở 38 tuần 1 ngày. Bé nhà chị chào đời nặng 3,5kg.
Vì em bé hô hấp không được tốt nên không được da kề da với mẹ mà được đưa đi luôn, chị còn không được nhìn mặt con. Chính vì vậy sau sinh biết mẹ tròn con vuông, điều mong ngóng lớn nhất của chị là được nhanh xuống phòng xem tình hình con ra sao.
Vợ chồng chị Lý ở Sài Gòn, trong khi bố mẹ ở quê hết nên khi đi sinh cũng chỉ có 2 vợ chồng chị. Sau sinh không có người chăm giúp dù vất vả, stress chăm con nhưng chị vô cùng hạnh phúc. Cuối cùng vợ chồng chị đã thành công trên hành trình tìm con.
Làm gì để thụ tinh ống nghiệm thành công?
Vợ chồng tôi chuẩn bị thụ tinh trong ống nghiệm. Xin hỏi chúng tôi phải làm gì, đặc biệt là sau chuyển phôi cần phải giữ gìn ra sao? (Trần Linh, Hải Dương).
Trả lời:
Chào chị!
Quá trình thực hiện thụ tinh ống nghiệm là một quá trình bao gồm nhiều giai đoạn như: hoàn thành hồ sơ, kích thích buồng trứng, chọc hút trứng (noãn) đến chuyển phôi. Trong đó, chuyển phôi là một trong những giai đoạn quan trọng nhất mà bệnh nhân phải trải qua.
Các bác sĩ bệnh viện Nam học và Hiếm muộn Hà Nội thực hiện một ca chọc hút trứng. Trứng thu được từ quá trình này sẽ đem đi thụ tinh trong phòng thí nghiệm tạo thành phôi. Phôi sẽ được chuyển vào buồng tử cung nhờ thủ thuật chuyển phôi sau đó làm tổ, phát triển.
Các bác sĩ tiến hành chọc trứng cho bệnh nhân. Ảnh: Minh Thư.
Khi thực hiện chuyển phôi, các chuyên viên phôi học sẽ đưa phôi vào một catheter (một ống thông nhỏ, dài, làm bằng nhựa mỏng và dẻo) có chứa môi trường, nhiệm vụ của bác sĩ sẽ đưa phôi vào vị trí hợp lý dưới hướng dẫn của siêu âm đường bụng. Chuyển phôi là một quá trình nhẹ nhàng, không gây đau đớn nhưng bản thân bệnh nhân vẫn luôn có những lo lắng nhất định. Do đó, để đảm bảo hiệu quả tốt nhất, bệnh nhân cần lưu ý:
- Trước ngày chuyển phôi là giai đoạn rất quan trọng vì có thể tâm lý bệnh nhân sẽ rất nặng nề. Chúng ta cần sử dụng thuốc uống và thuốc đặt theo đúng chỉ định của bác sĩ với 4 đúng: đúng thuốc, đúng liều, đúng đường dùng và đúng thời gian.
- Trong ngày chuyển phôi, để đảm bảo an toàn và thuận lợi, người bệnh cần phải thực hiện: không trang điểm và không sử dụng nước hoa hay các loại hoá chất có mùi, đảm bảo sức khoẻ tốt nhất, uống nước và nhịn tiểu nhằm giúp cho quá trình chuyển phôi được dễ dàng hơn.
- Giai đoạn sau chuyển phôi là một quá trình kéo dài khoảng 10 đến 12 ngày cho đến khi thử thai. Tâm lý người bệnh trong giai đoạn này sẽ rất hồi hộp và lo lắng. Vì vậy, người bệnh cần đặc biệt lưu ý:
Tại bệnh viện: Sau chuyển phôi, khoảng 20 đến 30 phút, người bệnh có thể dậy đi tiểu để tránh đờ bàng quang, nằm nghỉ theo dõi tại giường một đến hai giờ dưới sự chăm sóc và chỉ được ra về khi có sự đồng ý của nhân viên y tế.
Quá trình theo dõi sau chuyển phôi tại nhà: Người bệnh cần thực hiện đúng theo đơn thuốc của bác sĩ, ăn uống bình thường, "ăn chín uống sôi", tránh các chất kích thích, thức ăn có thể gây táo bón hay đi lỏng. Vận động nhẹ nhàng, tránh lao động nặng và tuyệt đối không nằm bất động tại chỗ. Nếu công việc nhẹ nhàng, bạn có thể đi làm bình thường. Hãy giữ một tinh thần thoải mái, tránh stress. Vệ sinh toàn thân và bộ phận sinh dục tốt. Nên kiêng quan hệ cho đến khi thử thai. Trong quá trình theo dõi tại nhà, nếu bệnh nhân thấy đau bụng nhiều, ra máu âm đạo đỏ, khó thở... hãy thông báo ngay cho bác sĩ điều trị để có lời khuyên tốt nhất. Người bệnh cần thử thai theo đúng lịch hẹn của bác sĩ, tránh thử sớm gây hoang mang và lo lắng.
Quá trình sau chuyển phôi sẽ là một quá trình người bệnh đặt nhiều niềm tin và hy vọng, kèm theo đó là những lo lắng, bồn chồn. Do đó, hãy giữ một tinh thần thật lạc quan và thực hiện đúng hướng dẫn của bác sĩ.
Chúc chị sớm có tin vui!
Bất ngờ bé 9 tuổi đã bị tăng cholesterol trong máu Khi nói tới những người bị tăng cholesterol trong máu, thông thường mọi người thường nghĩ đến lứa tuổi trưởng thành, bị mắc do thói quen ăn uống, sinh hoạt. Tuy nhiên, gần đây các bác sỹ đã phát hiện ra một số trường hợp nhỏ tuổi bị mắc. Và nguyên nhân khá bất ngờ: Do yếu tố di truyền. Mắc rối loạn...