Mẹ mù lòa bán vé số nuôi 4 con ăn học
Dù mù cả đôi mắt và thường xuyên bị những cơn đau do di chứng chất độc da cam hành hạ, nhưng vì nghèo khó nên chị Thanh không thể đến bệnh viện để điều trị.
Bị mù cả hai mắt nhưng chị Trần Thị Thanh vẫn đi bán vé số, nuôi 4 người con ăn học
Bao năm qua, chị lặng lẽ dò dẫm từng bước chân với nghề bán vé số dạo để nuôi các con ăn học… Trời mưa lất phất khiến con đường dốc gồ ghề dẫn vào nhà chị Trần Thị Thanh (38 tuổi, ở tổ 22, khu vực 6, phường Thủy Xuân, TP Huế) càng vắng người qua lại. Bên trong căn nhà nhỏ không có gì đáng giá ngoài cái tivi thuộc hàng “đồ cổ”, ba đứa trẻ gần bằng đầu nhau đang cặm cụi học bài bỗng hớn hở khi thấy bóng dáng chị Thanh dò dẫm bước vào từ đầu ngõ. “A! Mẹ về! Mẹ về!”…
Sờ soạng ngồi xuống bậc thềm nhà, chị Thanh buồn bã nói với tôi: “Hôm nay trời mưa nên ít người mua vé số quá chú ơi”. Lát sau, chị kể cho tôi nghe về những năm tháng cơ cực, tủi khổ của mình. “Quê tui ở thôn Phan Xá, xã Xuân Thủy, huyện Lệ Thủy, Quảng Bình. Gia đình tui nghèo lắm nên cha tui phải lên rừng suối Ban làm nghề “sơn tràng” (làm gỗ-NV). Vùng núi rừng này, hồi chiến tranh giặc Mỹ rải rất nhiều bom, đạn và chất độc khai quang. Có lẽ vì thế mà cha tui bị nhiễm chất độc da cam và sinh ra 8 người con thì có đến 4 người mang di chứng chất độc da cam, trong đó có bản thân tui bị mù lòa đôi mắt như thế này…”, chị Thanh nghẹn ngào.
Theo lời chị Thanh, chị gái đầu của chị là Trần Thị Xoa (50 tuổi), đôi mắt nay gần như mù lòa; người anh trai thứ 2 Trần Văn Thạo (48 tuổi) và chị gái thứ 5 tên Trần Thị Quế (41 tuổi) cũng bị mù cả hai mắt. Riêng người anh trai thứ 4 Trần Văn Thao (44 tuổi) bị dị tật ở chân và đôi mắt cũng không còn nhìn thấy ánh sáng. Còn chị Thanh vào Huế lập gia đình với anh Cái Viết Minh (42 tuổi) làm nghề thợ mộc, năm 2008, khi mang thai người con thứ 4 được chừng 7 tháng, thì phát hiện có những triệu chứng bệnh giống như các anh, chị của mình, đôi mắt mờ dần không còn nhìn thấy ánh sáng, cơ thể thường xuyên đau nhức…
Video đang HOT
Chị đã một lần đến Bệnh viện TW Huế khám, các bác sĩ cho biết, mắt chị bị bong võng mạc, muốn chữa phải mất 40 triệu đồng. Nhưng, vì quá nghèo nên chị đành chịu cảnh sống mù lòa. Rồi cuộc sống càng khó khăn gấp bội phần khi chồng chị đột nhiên phát bệnh tâm thần bỏ nhà đi mất để lại mấy mẹ con chị bơ vơ trong nghèo khó. Thế là, hàng ngày chị đành để người con gái đầu dẫn đi bán vé số dạo kiếm tiền nuôi sống gia đình, nuôi các con ăn học… “Thấy tui quá nghèo khổ nên bà chủ đại lý vé số ở đường Vạn Xuân, TP Huế, không bao giờ lấy tiền cọc. Ngày nào bán không hết thì tui đem vé số trả lại. Ngày nhiều nhất, tui bán tầm được gần 70 vé, kiếm được khoảng 70 ngàn đồng tiền lời để mua gạo nuôi các con”, chị Thanh tâm sự trong nỗi buồn.
Chị Thanh nói rằng, nhiều lúc chị muốn quyên sinh để quên đi nỗi đau thể xác mà chị phải gánh chịu bao năm qua, nhưng vì thương các con nên chị đã cố gắng sống để tiếp tục vun vén cho tương lai các con. “Số phận mình đã quá hẩm hiu nên tui muốn các con được học hành đến nơi đến chốn. Có con chữ, hy vọng sau này cuộc đời của mấy đứa nó sẽ không phải đi bán vé số như tui nữa”.
Không phụ tấm lòng người mẹ mù lòa, các con của chị Thanh năm nào cũng đạt danh hiệu học sinh khá và giỏi của nhà trường. Hiện con gái đầu của chị là em Cái Thị Hồng Nhàn (16 tuổi), vừa thi đỗ vào lớp 10 Trường THPT Cao Thắng, TP Huế; người con thứ Cái Thị Hương Lan (12 tuổi), hiện học lớp 6, Trường THCS Tôn Thất Tùng; hai người con út là Cái Thị Hương Trúc (11 tuổi), học lớp 5, Trường Tiểu học Phường Đúc và em Cái Thị Hương Thương (5 tuổi) đang theo học mẫu giáo…
Nói về hoàn cảnh của gia đình chị Thanh, ông Nguyễn Văn Hòa, Phó Chủ tịch UBND phường Thủy Xuân, không giấu được ái ngại: “Gia đình chị Thanh là hộ nghèo đặc biệt nhất của phường. Biết chị mù lòa, nghèo khó nhưng vẫn đi bán vé số, quyết tâm nuôi các con ăn học nên địa phương luôn tạo điều kiện hỗ trợ để giúp đỡ thêm cho mấy mẹ con chị…”.
Chị Thanh nắm lấy tay tôi nói rằng, ước mong lớn nhất của chị là được chữa đôi mắt mù để có thể nhìn thấy ánh sáng và tự đi làm kiếm tiền nuôi các con. Và tôi thầm hy vọng, với tình tương thân, tương ái, các nhà hảo tâm có tấm lòng vàng sẽ giúp chị Thanh thực hiện ước mơ này…
Theo Xahoi
Xót xa ước mơ được cắt... "chân voi"
Sau một tai nạn bất ngờ, chân phải ông gần như bị liệt, chạy chữa thuốc thang hàng tháng trời mới không phải cắt bỏ.
Thế nhưng, niềm vui chưa tày gang, thì thời gian ngắn sau, ông bàng hoàng thấy trên vết thương cũ xuất hiện nốt nhọt nhỏ. Nó lớn nhanh từng ngày, rồi chiếm một phần đáng kể trọng lượng cơ thể, đến nỗi ông không thể đi đứng được nữa. Tính đến nay, ông đã có "thâm niên" tha chiếc "chân voi" hơn 20 năm trên chiếc xe lăn. Với nghề bán vé số, ông chỉ ao ước một ngày nào đó trúng thưởng, ông sẽ có tiền để cắt bỏ cái chân dị thường đã hành hạ cuộc đời ông đến khốn khổ.
Họa vô đơn chí
Con người khốn khổ ấy tên là Dương Ngại (60 tuổi, huyện Hoài Nhơn, Bình Định). Hàng ngày, ông vẫn "chở" chiếc chân nặng nề, choán hết một phần trọng lượng cơ thể trên chiếc xe lăn, ngang dọc khắp ngả đường con hẻm ở huyện Hoài Nhơn (Bình Định) cùng xấp vé số trên tay. Ông Ngại kể, bản thân sinh ra và lớn lên ở mảnh đất Tam Quan, một vùng quê yên bình với những rặng dừa xanh rợp tán. Thuở xưa, nhà nghèo lắm, đến nỗi ông chưa bao giờ dám nghĩ đến một bữa cơm trắng thật no nê. Để thoát khỏi cái nghèo, tôi cũng gắng học hành để lớn lên không theo cảnh cơ cực như cha mẹ. Cuộc sống chưa kịp biết một ngày sung sướng mà bất hạnh đã đổ ập lên đầu ông sau một tai nạn lao động bất ngờ.
Gạt vạt nước lấm tấm trên mặt, giọng ông trầm buồn nhớ lại: "Sau ngày giải phóng, khoảng tháng 9/1975, tôi vào làm công nhân cho Công ty Công trình đường sắt 2, đơn vị hoạt động khắp nơi với những công trình kiến thiết lại đất nước sau thời lửa đạn. Lúc đó, tôi là chàng thanh niên trẻ, khỏe, lại giỏi giang nên luôn được cấp trên và đồng nghiệp tin yêu giao phó những trọng trách. Thế nhưng vào một ngày, tai họa đã bất ngờ ập xuống".
Ông Ngại kể tiếp: "Đó là một buổi chiều tháng 10/1992, tôi cùng các anh em công nhân ra công trường tham gia xây dựng cầu Tu Bông (Khánh Hòa) như mọi ngày. Nhưng trong khi cả kíp dùng xà beng để nâng cọc cầu bằng sắt dài 12 mét đưa lên cầu nối, tôi bất ngờ trượt chân ngã khụy xuống. Cú trượt đó làm tôi văng ra một bên, chân bị thanh sắt nhọn sắc đâm thấu qua mạn đùi phải, máu chảy ra ướt sũng một vạt đất". Chứng kiến tai nạn xảy ra quá đỗi bất ngờ với đồng nghiệp, kíp công nhân lập tức dừng tay, khẩn trương đưa ông Ngại vào cấp cứu tại bệnh viện của ngành đường sắt (TP. Nha Trang). Sau nhiều ngày điều trị, vết thương tuy được cầm máu nhưng lại có dấu hiệu nhiễm trùng khiến chân ông Ngại sưng phù rồi dần mất cảm giác. Phải tốn rất nhiều thuốc men và công sức, các bác sỹ mới có thể giữ lại được bên chân bị thương của người công nhân không may.
Một thời gian sau, vết thương dần lành miệng, ông Ngại vui mừng xin phép các bác sĩ cho rời giường bệnh về nhà. Rồi không lâu sau đó, ông lặn lội trở lại công trường, cùng các đồng nghiệp không kể ngày đêm lao vào nhiệm vụ sửa chữa, nâng cấp đường tàu, đảm bảo an toàn thông suốt cho những chuyến tàu vào Nam ra Bắc. Thế nhưng, vận rủi từ tai nạn trước đây vẫn không chịu buông tha ông.
Chỉ một thời gian ngắn sau khi trở lại làm việc, vết thương cũ lại tái phát. Lần này, ông Ngại thấy từ đó mọc lên một cái mụn đỏ dị thường, kích thước lớn lên từng ngày. "Ban đầu chỉ bằng đầu đũa, tôi không để ý. Nhưng sau đó, nốt mụn to lên bằng ngón tay thì tôi đã thấy hơi lo. Rồi nó cứ lớn mãi, lúc bằng quả trứng gà, rồi bằng cái chén úp, khiến tôi phải tức tốc đi tái khám bệnh viện. Tại bệnh viện bác sỹ chuẩn đoán tôi bị triệu chứng viêm cơ đùi, một loại bệnh khiến vùng cơ bị bệnh phát triển liên tục, ông Ngại nhớ lại. Trở về nhà, người công nhân bất hạnh vội gom hết tiền bạc chắt bóp được bấy lâu thuốc thang chạy chữa nhưng không thấy hiệu quả. Vết sưng từ nốt mụn cứ lớn dần lên, rồi lan ra từng ngày làm một bên chân của ông to lên dị thường, không thể co duỗi hay đi đứng bình thường được nữa.
Mơ ước của ông Ông Ngại là được cắt bỏ..."chân voi"
Hơn 20 năm góp tiền nhờ bác sỹ... cắt chân mình
Ông Ngại kể: "Trước khi bị bệnh, tôi là người đàn ông vạm vỡ, cao lớn nhất nhì đơn vị. Nhưng chỉ sau phút chốc, tai nạn quái ác đã biến tôi trở thành một phế nhân, với bao ước mơ hoài bão bị phá nát". Trong thời khắc tuyệt vọng ấy, ông Ngại đã nghĩ cuộc đời mình thế là khép lại. Ông không ngờ, khi bản thân phải mang cái chân voi to lớn dị thường, một người con gái lại tình nguyện đến, rồi mang tình yêu sưởi ấm trái tim bị tổn thương của ông. "Ngày đó, công ty tôi chỉ có một cán bộ nữ tên là Lê Thị Thuỷ (quê ở Quảng Ngãi) làm công việc lo cơm nước cho anh em công nhân. Sau khi biết tai nạn không may xảy đến với tôi, bà ấy chẳng những không e ngại hoàn cảnh nghèo khó, hình dạng xấu xí, mà còn quyết định yêu và cưới tôi giữa những lời bàn ra tán vào của thiên hạ", ông Ngại tâm sự.
Từ ngày lấy ông Ngại, bà Thủy nguyện làm "đôi chân" cho chồng mà không một lời than phiền. Bất cứ việc gì, bà cũng lăn xả vào làm, miễn là kiếm ra tiền mua gạo lo cho chồng và các con thơ. Ngày nắng cũng như ngày mưa, ông Ngại đều thấy người vợ với đôi chân trần quảy quang gánh ra chợ Tam Quan cho đến tối mịt. Thương vợ tảo tần vất vả, ông Ngại đành gửi con cho hàng xóm, quyết định đi làm nghề ăn xin để sẻ chia gánh nặng cơm áo. "Không có sức khỏe để làm việc nặng, tôi nghĩ mình chỉ còn cách đi ăn xin.
Từ một người từng xuôi Bắc ngược Nam nối tuyến đường sắt, giờ phải chìa tay đi cầu lòng trắc ẩn của người đời, tôi thấy lòng hổ thẹn lắm, nhưng nếu không đi thì nằm nhà chết đói sao? Ban đầu chưa có xe lăn, tôi phải lê lết ngoài đường, chân này dìu chân kia, có lúc chiếc chân bệnh nặng quá không chống đỡ nổi thì ngã dúi dụi giữa đường không thể trườn dậy. Lắm lúc tủi phận rớt nước mắt, nhưng tôi đành cắn răng chịu đựng", ông Ngại chua chát tâm sự. Năm tháng qua đi, nỗi nhọc nhằn phần nào vơi bớt, ông cũng dành dụm được chút tiền thì mua xe lăn để di chuyển, tiện thể chở luôn chiếc "chân voi" nay đã nặng hàng chục cân, và chuyển sang nghề bán vé số. Vậy mà thấm thoát, ông Ngại nhẩm tính mình và "chiếc chân voi" đã lê lết hơn 20 năm trên khắp ngả đường phố huyện này.
Nhưng nghề bán vé số âu cũng chỉ giúp ông đỡ đần vợ ít nhiều, chứ chẳng thể giúp kinh tế gia đình thoát khỏi cảnh khốn khó, nợ nần, quanh năm đi ăn nhờ ở đậu. Xét hoàn cảnh ông tội nghiệp quá nên trong đợt bình xét vào năm 2002, Hội chữ thập đỏ tỉnh Bình Định quyết định trích kinh phí xây tặng cho gia đình ông ngôi nhà nhỏ, từ đấy cả nhà mới có nơi trú tháng ngày mưa nắng. Vợ ông thấy chồng lớn tuổi, bệnh tật mà cứ rong ruổi bán vé số cả ngày cũng chẳng thể yên tâm. Bà phải bỏ nghề chợ búa, hàng ngày nhận vé số cùng chồng đi bán, hầu mong đỡ đần ông lúc không may hoạn nạn ngoài đường. Thu nhập tắc bụp, nên bữa ăn của đôi vợ chồng già nhiều hôm chỉ là gói xôi, ổ bánh mì nguội lạnh.
Nhưng tâm sự với tôi, ông Ngại bảo điều ông đau đáu bây giờ chẳng phải là cảnh đói nghèo, rau cháo qua ngày của hai vợ chồng già: "Khổ mấy tôi cũng ráng chịu được, cơ mà "cái chân voi" này thì cứ như kiếp nạn "trời đày". Mỗi ngày trôi qua, tôi lại như cảm nhận được nó lớn dần lên. Chẳng bao giờ đặt lên bàn cân thử, nhưng tôi nghĩ bây giờ nó chắc phải đến 20kg hoặc hơn thế nữa. Cả ngày chẳng thể co duỗi được, mà đến lên xe lăn, tôi cũng phải nhờ vợ mình dìu đỡ mới đặng".
Phút chia tay, tôi cố nén lòng mua giùm ông dăm tờ vé số rồi quay đi khi nghe ông thổ lộ ước muốn với giọng run run: "Tôi chỉ mong ngày nào đó kiếm thật nhiều tiền sẽ đến bệnh viện, nhờ bác sĩ... cắt bỏ cái chân này". Giấc mơ ấy, ông Ngại đã mơ suốt 20 năm ròng rã mà chẳng thể thực hiện được. Thì bây giờ, khi tuổi đã cao, sức đã kiệt, liệu ông còn cơ hội nào cắt bỏ "cái chân voi" dị thường đã đeo đẳng cuộc đời mình (?). Nếu chỉ mình ông rong ruổi bán vé số tích cóp tiền, ước mơ ấy chắc còn xa vời lắm...
Bệnh tật cũng không nỡ nhờ vả các con
Nhà gần đường ray tàu, đêm nằm bên nhau nghe tiếng tàu hụ, ông Ngại nhớ lắm những tháng ngày làm công nhân đường sắt, thuộc từng cung đường, bờ ta-luy. Nhìn đôi chân tật nguyền, ông biết rằng chẳng thể tìm về được nữa những nơi đã cho ông hạnh phúc, kỷ niệm. "Nhiều đêm tôi không ngủ được, ngẫm lại tình cảnh của mình, tôi lại thấy nhớ những ngày xưa da diết. Tiếng còi tàu như lời thúc giục những cơm áo gạo tiền gia đình đang phải từng ngày đối mặt trong cuộc mưu sinh", ông Ngại giọng trầm buồn. Thấy cha mẹ vất vả, những người con của ông bà ai cũng ngoan ngoãn, gắng ăn học hành đến nơi đến chốn, hiếu hiếu thảo với cha mẹ. "Cuộc sống của các cháu chưa khấm khá, chúng tôi cũng không nỡ nhờ vả gì nhiều. Thôi thì còn sức còn lao động, đến khi trời bắt không còn sức nữa thì đành chịu chú ạ", ông Ngại tâm sự.
Theo 24h
Những mảnh đời số phận bán vé dạo Mỗi mảnh đời là một số phận khác nhau, họ chẳng có học vấn, quá ít cơ hội để thăng tiến, nhưng họ nhất quyết không ngửa tay xin bố thí của thiên hạ. Trẻ em cũng tham gia đội quân bán vé dạo. Họ là dân ngụ cư, đến Thành phố Hồ Chí Minh để tìm cơ hội sinh nhai. Và ít...