Mẹ một bên… và anh một bên
Em buồn bã đứng giữa một bên là người mẹ mà mình hết lòng thương yêu, một bên là người mà mình đã chọn để cùng đi trong suốt cuộc đời…
Sáng nay em ghé qua nhà lấy cho con món đồ chơi để quên. Cả tháng nhà không người ở, nên khi cửa vừa mở, em bị đám gián và kiến hôi… chào đón.
May có dì Hai hàng xóm sang “giải vây”. Vừa rượt theo lũ gián, dì vừa hỏi han chuyện chỗ trọ mới của vợ chồng mình. Dì gợi ý nếu không ở nữa thì treo bảng bán nhà khiến em chỉ muốn ngồi thụp xuống, khóc cho vơi những chất chứa trong lòng những ngày qua.
Anh còn nhớ không, thuở hai đứa mình đều là dân tỉnh lẻ lên thành phố lập nghiệp? Hơn 10 năm lăn lộn xứ người, qua bốn năm yêu nhau, hai đứa đành buồn tủi chôn giấu bao dự tính… Mẹ anh dưới quê còn chưa trả hết nợ ngân hàng, trong khi má em khá chật vật mới đủ ăn. Hoàn cảnh hai bên đã thế, hai đứa mình tương lai ba cọc ba đồng, có lẽ phải ở nhà thuê suốt đời. Mình cứ trăn trở mãi, không dám chính thức đến với nhau, vì nghĩ thân mình thiếu hụt đã đành, nếu có con, lấy tiền đâu lo…
Thật may, má em bất ngờ trúng số giải đặc biệt. Trong những món quà má tặng, ngôi nhà trong con hẻm nhỏ khiến hai đứa mình vui sướng nhất. Sau ngày cưới, vợ chồng mình đã hạnh phúc biết bao! Chúng mình làm việc nhàn hạ, chỉ cần đủ cơm ăn áo mặc mỗi ngày.
Khi con trai mình ra đời, má tự nguyện lên ở với mình để phụ chăm sóc cháu. Nói là “phụ” nhưng thật ra má “đóng vai chính” khi anh đi làm đến tối mịt chưa về, còn em hết học nghiệp vụ đến học bằng hai. Ban đầu má nói chỉ ở giúp mình khi con còn quá nhỏ, nhưng con hai rồi ba tuổi, má vẫn không nỡ xa rời. Ai cũng bảo má có tiền, chỉ cần mướn người giúp việc cho vợ chồng mình, nhưng má thương con xót cháu, không cam tâm.
Cài cái ổ khóa to tướng lên cánh cửa, em lại có cảm giác mình đã đóng chặt lối quay về… (Ảnh minh họa)
Má bình dị, chân quê, có sao nói vậy, đôi khi hành xử vụng về, suy nghĩ cực đoan. Em biết má nuông chiều cháu nhiều khi thái quá, gây khó khăn cho việc nuôi dạy con, khiến anh không vui. Em dự định sẽ gửi con đi học mẫu giáo rồi dần dần “cách ly” hai bà cháu, cũng là để tránh những xung đột thường tình giữa mẹ vợ và chàng rể. Khổ nỗi, con mình khó ăn khó ngủ, nay ốm mai đau, nên em cứ lần lữa mãi…
Thế là rạn nứt lớn dần, cuối cùng tất cả đã đổ sụp khi má lỡ lời “nặng nhẹ” anh trong một lần cả nhà “đại chiến” vì con. Anh cho rằng má nóng giận xúc phạm anh, nhưng sao anh không nhớ lại hành động của mình trước đó. Không phải em bênh vực má ruột mình, nhưng anh hãy bình tâm suy xét anh đã làm gì để má phải nói: “Có giỏi thì đi luôn…”.
Anh nhất định không quay về ngôi nhà má đã cho vợ chồng mình. Tự ái của một người đàn ông luôn mang mặc cảm dựa vào nhà vợ bao lâu nay kìm nén, nay bùng phát. Em buồn bã đứng giữa một bên là người mẹ mà mình hết lòng thương yêu, một bên là người mà mình đã chọn để cùng đi trong suốt cuộc đời. Hãy chỉ cho em một giải pháp vẹn toàn đi anh, để không phải chọn một trong hai mà lòng thấy chông chênh quá!
Giờ đây, má đã trở về quê ở hẳn. Trước ngày má về, anh ghé qua nhà mình chào má. Má lên tiếng kêu anh quay về mà giọng má ướt sũng. Anh cười, không biết trả lời má thế nào nên quay sang làm như mải chơi với con. Nhà anh đã thuê rồi, đồ đạc cũng đã sắm sửa. Và quan trọng hơn là lòng anh đã quyết, phải không anh? Nhà mình giờ thành “nhà cũ” trong khái niệm của con.
Nhìn con hí hửng ôm thùng đồ chơi chuẩn bị sang “nhà mới”, mắt em hoen đỏ. Cài cái ổ khóa to tướng lên cánh cửa, em lại có cảm giác mình đã đóng chặt lối quay về…
Theo Eva
Trào lưu ra ở riêng 'hút' giới trẻ
Có rất nhiều bạn trẻ thành phố đang sống cùng gia đình lại mong muốn được thuê nhà "ra ở riêng"... ...được tự lo cho bản thân mình và tách khỏi sự quản của gia đình.
Video đang HOT
Trong khi rất nhiều bạn trẻ mong muốn được sống trong sự bao bọc của gia đình, người thân. Đặc biệt là các bạn tỉnh lẻ phải xuống thành phố học, phải đối mặt với rất nhiều khó khăn khi không có gia đình, người thân. Thì bên cạnh đó lại có rất nhiều bạn trẻ thành phố đang sống cùng gia đình lại mong muốn được thuê nhà "ra ở riêng", được tự lo cho bản thân mình và tách khỏi sự quản của gia đình.
Ra ở riêng để được...
Bạn Trần Hải Yến ở Hà Nội, đang theo học trường Quốc tế Mỹ, đã từng chia sẻ trên trang web của cuộc thi missteen 2009 rằng ở riêng là một niềm mong ươc lớn của bạn. Vì Yến muốn được tự lập, bởi theo Yến "ở riêng có nghĩa là chúng ta phải tự đi làm kiếm tiền để nuôi bản thân (tất nhiên là không được bỏ học rồi), ở riêng trong một căn nhà khác( một mình bạn nhé...), tất cả những việc cần thiết cho một cuộc sống bạn phải tự lo từ A đến Z, ví dụ như hàng ngày bạn phải đi chợ nấu cơm này, rửa bát, giặt quần áo, dọn dẹp nhà cửa... Rất nhiều thứ cần phải làm nữa..."
Nhiều bạn trẻ muốn ra riêng để tự học cách sinh tồn với cuộc sống - (Ảnh minh họa)
Cũng theo quan điểm của Yến thì ở nước ngoài có rất nhiều gia đình đã đồng ý cho teen ra ở riêng vì họ muốn con của mình phải học cách sinh tồn với cuộc sống. Biết cách tôn trọng những gì mà họ đang được hưởng và thật mạnh mẽ với những thử thách của cuộc sống. Chính vì vậy mà Yến cũng rất muốn thử sức mình với cuộc sống đầy khó khăn này, muốn cho bố mẹ thấy rằng bạn thật mạnh mẽ. Cuối cùng là muốn cho những người xung quanh phải khâm phục bạn vì mình đã có thể tự lo cho bản thân mình được rồi. Yến nói "Mình sẽ thật cố gắng để mình có thể thực hiện được những gì mình mơ ước..."
Một bạn có nick name a_254189_n cũng chia sẻ trên mạng rằng ra ở riêng là một niềm mơ ước đã lâu của bạn. Mặc dù biết rằng "Ở riêng, mình sẽ không còn tivi để xem nữa; không có máy tính để tìm tài liệu, để lướt web, chat và chơi game nữa. Ở riêng, mình sẽ không còn đc đi về khuya, sẽ không được ai quan tâm nữa. Nhưng mình vẫn muốn chuyển đi."
Chắc hẳn nhiều người khi đọc những dòng tâm sự này sẽ thắc mắc xem không biết điều gì đã khiến bạn trai này lại dám vứt bỏ những sở thích cá nhân, những nhu cầu quan trọng của giới trẻ để được ra ở riêng như vậy? Hóa ra nó không hẳn là những lý do lớn lao gì, chỉ đơn giản là " ra ở riêng thì sẽ được tự do, sẽ được ăn những mình thích, làm những gì mình muốn mà không phải để ý đến những người xung quanh. Ở riêng, mình sẽ không bị ai kêu ca, không phải làm những việc mình không muốn; khi đi đâu sẽ không bị ai quản lý, không phải trình báo này nọ. Như thế, mình sẽ thoải mái hơn. Ở riêng, mình có thể học tập mọi lúc mình có thể mà không sợ bị làm phiền. Ở riêng, sẽ ko ai bảo mình là trẻ con nữa..."
Ngoài ra cũng có nhiều bạn trẻ do xích mích với gia đình nên đã quyết tâm ra ở riêng để tự khẳng định bản thân và để không khí gia đình không căng thẳng thêm nữa. Bạn Hà Phương - ĐH Mỹ Thuật công nghiệp tâm sự: "Mình nghĩ đủ 18 tuổi là có thể ra ở riêng rồi. Mình sẽ cho bố mẹ thấy rằng mình không phải là một đứa vô dụng".
Cũng có bạn ra ở riêng vì không muốn bị phụ huynh chê bai - (Ảnh minh họa)
Để rồi vấp phải...
Không phải bạn trẻ nào cũng chuẩn bị cho mình đầy đủ hành trang để ra ở riêng. Có nhiều bạn cứ nghĩ rằng ra ở riêng chỉ đơn giản là tách ra khỏi gia đình, là thuê lấy một phòng trọ và tự mình sắp xếp cuộc sống của mình theo ý muốn cá nhân. Trong khi đó cuộc sống một mình ở ngoài nảy sinh rất nhiều vấn đề mà chính các bạn đã không lường trước được. Vấn đề đầu tiên mà nhiều bạn trẻ khi ra ngoài ở đã vấp phải chính là tài chính. Khi ở nhà, tất cả mọi việc, mọi khoản chi tiêu đều có bố mẹ lo. Nhưng khi đã ra ngoài sống rồi thì từ bó rau, từ gói xà phòng, thậm chí là từ cái tăm cũng phải tự mình sắm lấy. Số tiền bố mẹ cho ban đầu đã hết, nhiều bạn không biết xoay sở thế nào, bởi khi đi thì đòi đi cho bằng được, nên không thể quay về, mà ở lại thì chả nhẽ lại sống bằng "niềm tin" chắc? Đấy rất có thể là lần đầu tiên những bạn trẻ ấy phải nghĩ đến chuyện tìm một công việc phù hợp với khả năng để kiếm tiền trang trải cho cuộc sống trong khi rất nhiều người trong số các bạn vốn đã quen được chăm sóc, quen được nuông chiều.
Thanh Hà (ĐH Văn Hóa Hà Nội) đã chia sẻ những khó khăn của mình sau một tháng ra ở riêng: "Dù là người Hà Nộihẳn hoi nhưng khi ra sống một mình vẫn không khỏi cảm thấy lơ ngơ vì cuộc sống quá phức tạp mà tiền nong thì thật là tốn kém. Cảm giác bơ vơ giữa đời cũng là một cảm giác đáng sợ."
Rất nhiều bạn trẻ khi vừa giãi bày mong muốn được ra ở riêng đã bị bố mẹ phản đối kịch liệt, thậm chí còn cho rằng đó là một ý định ngớ ngẩn, điên rồ nhất. Bởi các ông bố, bà mẹ không thể tin tưởng rằng đứa con vốn quen được bao bọc, đôi khi cơm không phải nấu, quần áo không phải giặt... Thì làm sao có thể tự xoay xở được khi ra ở một mình. Bác Vinh ở Cầu Giấy, bố của bạn Thanh Hà đã tâm sự: " Lúc đầu bác đã nhất quyết không đồng ý, nhưng bữa cơm nào nó cũng mang chuyện ra ở riêng ra thuyết phục. Khi đồng ý cho nó ra ở một mình, bác đã nghĩ chắc chỉ được một tháng là cùng. Thể nào nó cũng quay về nhà. Nhưng hiện tại nó vẫn đang sống rất tốt. Bác cũng thấy mừng nhưng nói thật là vẫn chưa hết lo".
Bạn trẻ cần cân nhắc kỹ trước khi ra ở riêng
Theo PGS. TS Văn Thị Kim Cúc (Giám đốc Trung tâm Tâm lý - Giáo dục Ngàn Phố, Nguyên Phó Viện Trưởng Viện Tâm lý học): Trào lưu ra ở riêng là hiện tượng trong xã hội hiện đại, khi bản thân giới trẻ tự cảm thấy đủ lông cánh để có thể sống riêng, không cùng cha mẹ.
Ở Việt Nam phổ biến các bạn trẻ vẫn thích ở cùng bố mẹ cho tới khi lập gia đình, thậm chí có người vẫn thích ở cùng bố mẹ sau khi lập gia đình. Việc một số bạn trẻ muốn ra ở riêng cần phải hiểu lý do của họ. Nếu thật sự vì muốn độc lập, tự chủ, rèn luyện mình cho cứng cáp, trưởng thành... có một lý tưởng, một hoài bão đẹp và có thể biết tự lo cho mình, tự chịu trách nhiệm về cuộc đời của mình. Hoặc vì không gian nhà của gia đình quá chật hẹp, bạn ấy cảm thấy quá bị bó buộc, thì có thể ủng hộ việc ra ở riêng. Nếu ra ở riêng để tự do ăn chơi, thích gì làm nấy, cảm thấy thoải mái vì không có ai kiểm soát, nhắc nhở, răn đe,... thì không nên ủng hộ vì bạn trẻ vẫn còn non nớt và thiếu kinh nghiệm, dễ bị sa ngã. Thanh niên trẻ chỉ thực sự bắt đầu trưởng thành khi đã tốt nghiệp đại học hoặc nghề và có công ăn việc làm ổn định.
Khi con cái muốn ra ở riêng dù chưa lập gia đình, nhất là lúc đang theo học (trừ con cái phải sống xa nhà vì điều kiện học tập, công việc), bố mẹ cần phải lắng nghe, phải xem xét lại cách thức giáo dục của mình.
Theo PGS. TS Văn Thị Kim Cúc với bạn trẻ, việc ra ở riêng không phải đơn giản như các bạn nghĩ, lúc ấy, rất nhiều việc phải lo, phải làm, phải tính toán, phải sắp xếp, phải cẩn thận. Trước khi có quyết định cuối cùng, các bạn cần phải cân nhắc thật kỹ, đừng vì lý do nào khác mà quyết định ra ở riêng ngoài lý do chính đáng như muốn trưởng thành sớm. Ngoài ra, cần phải xác định đã ra ở riêng là rất tốn kém, liệu mình có đảm trách được? Liệu mình có thể tự xoay xở với vô vàn các tình huống có thể nảy sinh, nhất là những lúc gặp khó khăn, thất bại, lúc cảm thấy cô đơn, ốm đau, bệnh tật,...? Bạn trẻ chỉ ra ở riêng khi cảm thấy thật sự mình có thể tự lập được, có nghĩa là mình có nghề nghiệp ổn định, có thể tự trang trải được cuộc sống của mình và chịu trách nhiệm về cuộc sống ấy.
Theo Mực Tím
Tiện lợi hơn với xe đi chợ đa năng Công ty Vifami vừa cung ứng vào Việt Nam năm mẫu xe đi chợ đa năng mới, được làm bằng inox không gỉ, có thể gấp gọn, dùng để đi chợ hàng ngày bằng cách buộc thêm chiếc giỏ nhựa hoặc mang khi đi du lịch. Chiếc xe đi chợ là một phương tiện hữu ích và đã đáp ứng được nhu cầu...