Mẹ lập kế hoạch cứu con khỏi “động quỷ” từ nửa vòng trái đất
Rất khó khăn để gặp và cùng Thúy trò chuyện, bởi em còn chưa hết sốc sau chuyến đi “xuất khẩu lao động” kinh hoàng trên đất châu Phi.
Phải cần đến mẹ ngồi bên cạnh động viên, vỗ về, cô gái tội nghiệp mới run run trải lòng về cú lừa suýt nữa làm hại cả đời mình. Cũng từ đây, một câu chuyện bi thảm bắt đầu từ ước mộng đổi đời vỡ tan trên xứ người của Thúy bắt đầu được “tua” lại như một thước phim quay chậm.
“Pháo đài phấn son” của người Việt ở châu Phi
Đang học năm cuối cùng tại một trường Cao đẳng ở Hà Tĩnh, nhưng vì gia cảnh nghèo khó, cô sinh viên Nguyễn Thị Thanh Thúy chấp nhận “hy sinh”, tạm dừng việc học để sang Angola (một nước ở châu Phi) xuất khẩu lao động. Công việc này bắt đầu tự sự giới thiệu từ một người bạn của mẹ Thúy. Theo thông tin của người này thì vợ chồng ông Nguyễn Hồng Sơn và bà Nguyễn Thị Xuyến (SN 1963) trú xã Kỳ Khang, huyện Kỳ Anh (Hà Tĩnh) có một người con gái tên Hương đang làm quán ăn bên đó. Vợ chồng ông Sơn bà Xuyến đã tiếp xúc với gia đình Thúy và cho biết sang đó để chạy bàn trong quán ăn và được trả lương tháng cả ngàn USD. Thúy nhớ lại: “Em càng thêm tin tưởng khi bà Xuyến không những làm hợp đồng thỏa thuận mức lương khởi điểm là 1.000USD/tháng, mà còn chi trả toàn bộ tiền vé máy bay, đồng thời đưa trước 3 triệu đồng tạm ứng”. Thế nhưng, cô không hề biết rằng đó là một âm mưu nham hiểm đã được lập sẵn để đưa cô sang làm gái mại dâm ở xứ lạ.
“Tại đây, em và hai cô gái khác sang cùng đợt được đích thân vợ chồng Hương ra sân bay đón tiếp. Sau đó, bốn người được Hương đưa lên chiếc ô tô nhỏ, ngồi trên xe gần hai tiếng họ đến một hàng ăn nhỏ ở Kamama, tại thủ đô Luanda. Vừa đặt chân xuống xe, em thấy có nhiều điều bất ổn vì đó chỉ là một quán ăn nhỏ, có khoảng 4 bàn ăn, một người đầu bếp. Bên trong là năm phòng ngủ, 3 phòng tầng dưới, hai phòng gác lửng”, Thúy nhớ lại.
Đang còn mơ hồ suy nghĩ, cô gái bỗng nghe tiếng ai gọi tên mình từ phía sau. Vội quay lại, Thúy bảo em nhận ra đó là Hải (em trai Hương, người đã từng đến nhà Thúy chơi khi về Việt Nam). Hải trước kia vốn đã có tình cảm với Thúy nên khi thấy cô gái ở đây, anh ta liền chạy đến hỏi han rồi nói nhỏ: “Em gọi điện thoại về bàn bạc với mẹ đi, một là đến chỗ anh làm photocoppy, nếu em ở lại đây họ sẽ bắt em phải làm gái (gái mại dâm – PV) đấy”. Hải vừa nói đến đó, liền bị chị gái mình la mắng và đuổi đi. Thúy chưa hết bàng hoàng vì những điều mà mình vừa nghe từ Hải thì Hương đã vỗ tay, ra hiệu mọi người tập trung lại “họp”.
Trong “cuộc họp kín” đó, lúc đầu Hương như ý định muốn nói điều gì đó, nhưng khi thấy những người mới sang đang mệt mỏi nên thị cho mọi người về phòng nghỉ ngơi. Sáng ngày 11/3, nơi ở của Hương tiếp nhận thêm hai người phụ nữ gốc Quảng Bình. Nhấp ngụm nước lấy lại bình tĩnh, Thúy kể rành rọt: “Đến ngày 12/3, Hương triệu tập cuộc họp mới, rồi hỏi: Bọn bay đã biết công việc cụ thể của mình ở đây chưa? Cả em và những người phụ nữ đi cùng nói là chạy bàn ăn với mức lương 1000USD/tháng. Lúc này, bà ta hiện nguyên hình là một mụ chủ chứa rồi quát to: “Tao bỏ cả khối tiền để lo cho bọn bay sang đây thì bọn mày phải biết làm nghề gì rồi chứ, làm gì có chuyện chạy quán ăn mà lương một tháng hơn nghìn đô. Sang đây, công việc chính của bọn bay là “làm gái” còn việc hàng ăn chỉ là phụ lúc cần. Tất cả phải luôn tươi tỉnh, không được làm mất khách của tao nếu làm không được tao bán sang “động” khác”. Chỉ vừa nghe đến đây, em thấy tai mình như ù đi vì sợ hãi. Mặc cho ba người kia im lặng chấp nhận, em khó lóc, van xin bà Xuân và Hương tha cho mình, nếu không em thà chết chứ không tiếp khách. Nhưng mặc cho những lời van xin thảm thiết, mụ chủ chứa vẫn không chút mủi lòng. Trong tuyệt vọng, em chợt nhớ đến mẹ nên lẻn ra ngoài nhắn tin thông báo: “Mẹ ơi! Con bị lừa sang đây làm gái bán dâm rồi, mẹ nghĩ cách cứu con với…”.
Video đang HOT
“Bóc trần” thủ đoạn của “động quỷ” tại Angola
Bằng nhiều kênh thông tin, PV GĐ&XH Cuối tuần đã xác định được “hình hài” hoạt động mại dâm trá hình tại quán cơm của Hương ở Cammama, thủ đô Luanda. Hương sinh năm 1983, sang Angola đã hơn 7 năm. Sau một thời gian đi “phục vụ” quán ăn cho người khác, Hương thuê quán bán hàng ăn và hoạt động mại dâm. Quán ăn của Hương hoạt động rất chặt chẽ. Khách đến quán chủ yếu là người Việt, khi có nhu cầu “mát mẻ”, Hương sẽ bố trí ngay tại quán với giá khoảng 1 triệu đồng tiền Việt. Tiền “đi khách” của các cô gái do Hương thu và trả “lương” vào cuối tháng. Chỉ với những cô gái “đắt khách”, chấp nhận “hợp tác” ngay từ đầu thì được “bà chủ” ăn chia 50/50. Hương thường xuyên “chỉ đạo” bố mẹ tìm các cô gái ở Hà Tĩnh tuyển “hàng” sang phục vụ quán. Đối tượng nhắm đến là các cô gái có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, Hương sẽ lo chi phí để khi sang Angola họ buộc phải nhắm mắt đưa chân.
Kế hoạch giải cứu từ nửa vòng trái đất
Trong căn nhà vừa được sửa lại cách đây không lâu, cô gái vẫn chưa hết bàng hoàng khi nhớ lại những sự việc xảy đến với mình. Lặng người một lát, Thúy hồi tưởng: “Tại Angola, Hương là một chủ chứa rất dữ dằn. Quán ăn trá hình của chị ta chỉ có một đầu bếp, lèo tèo vài chiếc bàn. Khách mỗi khi đến quán lại chui vào phòng kín. Mấy ngày đầu, em thấy chỉ có chị Dung, người đến đây trước vài tháng, tiếp khách ở phòng kín cho khoảng 5- 6 người. Dù chưa bị chủ nhà ép buộc vì sợ em tự tử, em vẫn nơm nớp lo sợ, không biết khi nào sẽ đến lượt mình bị bắt phải làm cái công việc nhơ nhớp này”.
Cô kể tiếp: “Đang trong lúc tuyệt vọng, em nhận được tin nhắn từ mẹ báo đã nhờ được người và đang tìm cách cứu em ra. Mẹ dặn em phải cất hộ chiếu cẩn thận, tránh để Hương lấy đi. Đồng thời, em cũng phải làm bộ, cố tình gào khóc, tỏ ra mệt mỏi suốt ngày để kéo dài thời gian chờ cơ hội. Không lâu sau đó, em được biết gia đình và chị gái ở Hà Nội có quen thân với một số người đang làm ăn tại Angola. Một người trong số họ đã chấp nhận giúp giải cứu em”. Trong khi đó, từ cách nửa vòng trái đất gia đình Thúy đã nhờ những người bạn thuê một chiếc ô tô túc trực gần khu vực nơi Thúy đang bị giam lỏng. Chỉ cần Thúy có cơ hội ra khỏi quán ăn đó thì họ sẽ đưa lên xe để đến nơi khác trốn.
Thúy cũng cho biết: “Việc trốn chạy không hề dễ dàng, dù các phương thức, thời gian, địa điểm… đã được em cùng gia đình lên kế hoạch thống nhất. Mãi cho đến một buổi trưa ngày 12/3, quán vắng khách và nhân viên cũng đi nghỉ hết. Ăn cơm xong, em ngóng nhìn ra phía cửa thì thấy một chiếc xe khác (không phải chiếc xe vẫn thường đậu như mọi ngày), có hai người đàn ông (một Việt Nam, một Angola – PV) đứng đậu ngay bên đường. Rất nhanh, em nhìn thấy hai người kín đáo làm ký hiệu vẫy em lên xe. Hồi hộp nhìn quanh, thấy Hương quay lưng vào nhà lấy đồ, em đánh liều chạy một mạch lên xe”.
Những ngày sau đó tại Angola, Thúy cho biết mụ chủ chứa phái người truy lùng cô gắt gao. Anh T, ân nhân nhận lời cứu em khỏi “động quỷ” cũng nói thật: “Chính anh cũng rất sợ. Thế lực của Hương ở nơi này rất lớn. Nếu chuyện anh cứu em bị lộ, thì chính anh cũng không biết sẽ mất mạng lúc nào”. Nghe lời nói này, Thúy càng thêm khủng hoảng. Em tâm sự: “Sau khi chạy trốn một quãng đường dài, anh T. gửi em đến nhà một người bạn. Mấy ngày sống ở đó, em phải giam mình trong nhà, không dám ra ngoài vì sợ bị bắt lại. Suốt tuần lễ sống vật vã giữa nỗi ám ảnh, giữa mệt mỏi thể xác vì không được ăn uống, em như lả người đi”.
Trực chờ mãi, đến ngày 18/3, Thúy như “vỡ òa” khi nhận được tấm vé máy bay mẹ xoay sở gửi mua từ trong nước đưa sang cho em trở về. “Đến ngày 19/3, khi cảm thấy an toàn được đảm bảo tuyệt đối, anh T. mới bí mật nhờ người hộ tống em ra sân bay chứ bản thân cũng không dám lộ diện. Tại sân bay, người bạn này của anh T. lại gửi em cho hai người Việt Nam tốt bụng khác qua Angola xuất khẩu lao động giúp đỡ trên đường về. Những chuỗi ngày kinh hoàng nhất trong cuộc đời thế là khép lại. Ngày gặp lại mẹ ở quê, cả gia đình chỉ biết ôm nhau khóc”.
Ngồi cạnh mẹ, Thúy cứ ôm chặt lấy mẹ như không muốn rời xa dù chỉ là chút ít. “Em về được đến đây an toàn là điều mà chính em cũng không ngờ tới. Đến tận bây giờ em vẫn bị ám ảnh bởi những lời la mắng của chủ chứa và những hình ảnh trong “động” mại dâm bên đó”, Thúy nói. Em cũng tâm sự với chúng tôi là sẽ tiếp tục đến trường để hoàn thành xong chương trình. “Em chỉ ước mong sau này ra trường có công việc ổn định là được, chứ đi nước ngoài thì không bao giờ”, Thúy nói với giọng cứng rắn.
Theo Dantri
Thêm một lao động Việt tử vong ở Angola
Đi xuất khẩu lao động ở Angola những mong sẽ được đổi đời, nhưng không may, vừa sang làm được hơn 3 tháng, anh Đậu Xuân Nam (1971, trú thôn Hồng Thịnh, xã Xuân Giang, Nghi Xuân, Hà Tĩnh) đã tử vong do bị sốt rét ác tính.
Theo người nhà nạn nhân cho biết, vào khoảng 3 giờ sáng, ngày 18/4, nguồn tin từ những người làm cùng anh Nam ở Angola báo về, anh Nam đã tử vong do bị căn bệnh sốt rét ác tính. Được biết, anh Nam đi xuất khẩu lao động sang Angola theo hình thức "chui", làm cho một xưởng mộc ở Zango -Luanda (thủ đô của Angola) mới được hơn 3 tháng thì xảy ra sự việc đáng tiếc trên.
Hiện tại hoàn cảnh gia đình anh
Nam đang rất khó khăn, túng thiếu. Chị Phan Thị Hòa (1974) cùng hai cháu Đậu Thị Thùy Giang (2000) và cháu Đậu Xuân Gia Bảo (2005). Vốn là hộ nghèo, khó khăn của xã, mong muốn tìm được việc làm, kiếm thêm thu nhập nuôi gia đình, đầu tháng 1/2013, anh Nam đã vay mượn số tiền 150 triệu làm chi phí đi xuất khẩu sang Angola làm thợ mộc.
Vừa đi được hơn 3 tháng, anh Đậu Xuân Nam đã bị tử vong tại Angola do sốt rét ác tính.
Nhưng không may, vừa đi được hơn 3 tháng thì anh Nam bị sốt rét ác tính. Mặc dù đã được những người Việt Nam làm cùng đưa đi chữa trị tại bệnh viện nhưng do bị bệnh sốt rét ác tính quá nặng, anh Nam đã tử vong.
Hiện tại gia đình và anh em, bà con hàng xóm đang rất lo lắng tìm cách để đưa thi thể của anh về nước, bởi số tiền chi phí lên tới gần 500 triệu đồng. Trong khi đó, gia đình anh
Nam lại nghèo khó, chỉ dựa vào nghề nông, cộng thêm với khoản tiền nợ cho anh Nam đi Angola đến nay vẫn chưa trả được.
Hai đứa con nhỏ của anh Nam dường như vẫn chưa thấu hiểu được nổi đau mất cha mà mẹ và gia đình đang phải gánh chịu.
Từ khi nhận được tin dữ của chồng, chị Phan Thị Hòa, luôn vật vã trong đau đớn. Chị chỉ mong có một phép màu nào đó, giúp đưa thi thể chồng chị về được với gia đình. "Đêm hôm trước ngày anh ấy mất, anh ấy có gọi về cho gia đình, nhưng nói được mấy câu thì anh ấy mệt quá không nói được nữa. Sáng hôm sau thì mấy người làm cùng anh gọi về nói anh ấy mất rồi. Giờ muốn đưa được anh ấy về nước thì phải lo gần 500 triệu. Nhà nghèo, nợ tiền cho anh ấy đi hơn 100 triệu vẫn chưa trả được, giờ lại phải lo gần 500 triệu nữa mới đưa được anh ấy về. Biết làm răng giờ chú, cứu chồng chị với". Chị Hòa nói trong nước mắt.
Từ khi nhận được tin dữ của chồng, chị Hòa đau đớn và lo lắng về khoản tiền gần nữa tỉ để được đưa thi thể chồng về nước.
Như vậy, tính từ đầu tháng 3 đến nay, chỉ riêng ở hai tỉnh Hà Tĩnh và Nghệ An đã có 6 lao động tử vong khi đi xuất khẩu lao động tại Angola. Được biết, cho đến nay, ở hai tỉnh Hà Tĩnh và Nghệ An vẫn chưa có một công ty nào được phép xuất khẩu lao động sang Angola hợp pháp, và hầu hết nhưng lao động Việt Nam đang làm việc tại Angola đều là đi "chui" với chi phí rất cao khoảng từ 6.500 - 7000 USD.
Cũng theo báo cáo từ cơ quan chức năng hai tỉnh Nghệ An và Hà Tĩnh, hiện có khoảng gần 6.000 người của hai tỉnh này đang lao động, làm việc tại Angola.
Theo Dantri
Lao động "chui" ở Angola: Tan giấc mộng đổi đời Chấp nhận bỏ hàng trăm triệu để xuất khẩu lao động "chui" sang Angola mong đổi đời nhưng hàng trăm lao động Nghệ An đã vỡ mộng khi đặt chân sang đây. Người may mắn thì gom đủ tiền trả nợ, nhiều người không may đã phải bỏ mạng nơi xứ người. Lao động Việt Nam trên một công trường xây dựng ở...