Mẹ làm thuê nuôi giấc mơ đại học cho con trai tật nguyền
Không được bên nhà chồng thừa nhận, chị Soa thui thủi nuôi con một mình. Sau một trận sốt hồi bé, con trai chị đã bị liệt đôi chân, cứng cột sống không tự phục vụ được mình. Khi con vào đại học, chị Soa không quản ngại khó khăn, làm đủ thứ việc để nuôi con ăn học…
Mẹ làm thuê nuôi giấc mơ đại học cho con tật nguyền.
Cuộc đời chị Nguyễn Thị Soa (SN 1957, đăng kí tạm trú tại phường Trung Đô, TP Vinh, Nghệ An) là nhưng chuỗi ngày buồn thảm. Chị Soa quê ở thị xã Hồng Lĩnh (Hà Tĩnh), hơn 1 tuổi thì mồ côi mẹ, được bố và các anh chị chăm sóc, nuôi nấng. Muộn duyên nên mãi hơn 30 tuổi tình yêu mới đến với chị.
Khi cái thai trong bụng tượng hình cũng là khi phía nhà người yêu tuyên bố không chấp nhận tình cảm của hai người. Chị sinh con trong tủi nhục và sự dèm pha của người đời.
Năm 1989, chị Soa hạ sinh một đứa con trai, đặt tên là Vọng như một lời mong ước đối với cuộc đời vốn nhiều bi kịch của mình. Vọng mang họ mẹ, côi cút lớn lên trong cảnh không cha, hai mẹ con nương tựa vào nhau để sống. Nhưng cái ước mơ có cuộc sống bình lặng chẳng dễ dàng đối với người phụ nữ “khổ từ trong trứng” này.
Năm lên 8 tuổi, Nguyễn Văn Vọng bị sốt cao. Do không có điều kiện chữa trị và một phần chủ quan nên biến chứng dẫn đến liệt hai chân. Đến năm 12 tuổi thì cột sống của Vọng không thể đỡ nổi nửa thân hình phía trên. Cuộc sống của Vọng gắn chặt với chiếc xe lăn trong tư thế nửa nằm nửa ngồi trên xe. “Như thế này là em luôn ngẩng mặt lên với trời”, Vọng tự trào về tư thế ngồi không giống ai của mình.
Vượt qua nghịch cảnh bản thân, Nguyễn Văn Vọng hiện là sinh viên năm thứ 3 (lớp 54K2 – CNTT) Trường ĐH Vinh.
Chị Soa làm đủ nghề để nuôi con khôn lớn. Vượt qua mặc cảm bản thân, cậu bé Vọng học hết lớp 12. Năm 2013, mẹ con Vọng khăn gói sang Tp Vinh dự thi đại học. Chiếu theo quy định của ngành, Hiệu trưởng Trường ĐH Vinh đã đặc cách tiếp nhận Nguyễn Văn Vọng vào học tại khoa Công nghệ thông tin theo đúng nguyện vọng của em.
Video đang HOT
Từ Hà Tĩnh, chị Nguyễn Thị Soa theo con sang Nghệ An thuê phòng để tiện chăm sóc và đưa đón con đi học.
Ước mơ học đại học của Vọng đã thành hiện thực nhưng cũng từ đây, cuộc sống vốn đã khó khăn của hai mẹ con càng chồng chất thêm khó khăn. Ruộng vườn đành để cho người quen thuê, cuối mùa lấy lúa, chị Soa khóa cửa nhà theo con sang Tp Vinh, vừa tiện chăm sóc con, vừa có cơ hội kiếm thêm chi phí trang trải cho cuộc sống.
Hai mẹ con Vọng ở trong một gian nhà trọ bé xíu, tầm hơn 6m2 ở gần Trường ĐH Vinh với giá 600 nghìn đồng/tháng với điều kiện chị Soa phải dọn dẹp sạch sẽ xóm trọ, bao gồm cả việc chùi rửa công trình vệ sinh chung cho cả xóm. Lúc nào rảnh rỗi chị nhận thêm các công việc thời vụ như dọn dẹp nhà cửa, trông trẻ theo giờ, chùi rửa công trình vệ sinh, lấy cơm thừa cho chủ nhà trọ chăn nuôi…
“Em Vọng lịch học thất thường nên dì không dám nhận công việc dài hạn để có thể sắp xếp được thời gian đưa đón con. Với lại sức khỏe của dì cũng không thể làm được công việc nặng. Dì theo con sang thành phố, mấy sào ruộng ở nhà khoán lại cho người ta, cuối mùa lấy gạo ăn dè cho cả năm”, chị Soa tâm sự.
Công việc thời vụ chỉ giúp chị kiếm được 500-600 nghìn/tháng, cộng với số tiền trợ cấp dành cho người tàn tật nặng của Vọng là 360 nghìn và 180 nghìn hỗ trợ người chăm sóc, tất cả mọi chi phí sinh hoạt, ăn, ở của hai mẹ con gói gọn vào chừng đó tiền.
Dẫu khó khăn chồng chất nhưng chị cũng cố gắng tằn tiện để bữa cơm của con có chất tươi. “Thằng Vọng thích ăn mướp đắng xào thịt lắm”, chị bảo. Một chút thịt xào mướp đắng – thứ quả chị tự trồng trong mấy chiếc thùng bỏ hoang của chủ nhà – để dành cho con, còn thức ăn của chị chỉ có bắp cải luộc chấm nước mắm. Gần 60 tuổi nhưng hàm răng chị Soa chỉ còn 2 chiếc. Cũng chẳng có tiền mà thăm khám để biết mình bị bệnh gì. Chị ngồi trệu trạo nhai cơm nhão, luôn miệng giục con cố gắng ăn nhiều hơn.
Không có sức khỏe, chị Soa đi nhặt phế liệu, chùi rửa nhà vệ sinh thuê hay trông trẻ để kiếm tiền lo cho hai mẹ con.
Thời gian gần đây Vọng bị đau khớp vai, cánh tay phải khó cử động. Vừa rồi đi khám các bác sỹ yêu cầu vật lý trị liệu 6 tháng để phục hồi. Trung tâm vật lý trị liệu thì xa, một phần không có tiền, một phần tiếc thời gian học nên Vọng chần chừ không đi. Chị Soa phải thường xuyên xoa bóp cho con. Sức khỏe kém cũng ít nhiều ảnh hưởng đến sức học của Vọng, một số môn điểm thi không được như em mong muốn. Chiếc máy tính cũ được một nhà hảo tâm tặng lúc em nhập học đã rệu rã lắm rồi, suốt ngày hỏng. Mỗi lần như thế mang đi sửa cũng tốn một vài trăm nghìn nhưng nếu không sửa thì lại không có gì để học.
“Em chỉ ước hai mẹ con có đủ sức khỏe thôi chị ạ. Em sẽ cố gắng học xong đại học, kiếm được một công việc gì đấy phù hợp với khả năng của mình để có thể tự nuôi bản thân và phụng dưỡng mẹ. Mẹ em khổ cả đời rồi, chưa có một ngày được thảnh thơi”, Vọng tâm sự.
Quay sang tôi, chị Soa bật khóc: “Chị không sợ khổ, không sợ vất vả, thiếu thốn, chỉ mong con có thể học hết đại học. Chị sợ mai mốt mình chết đi thì hối hận với con lắm. Thằng Vọng chịu nhiều thiệt thòi quá, cứ nghĩ mà thương con…”.
Hoàng Lam
Theo Dantri
Chị ngư dân khuyết tật
Không có đôi chân đôi tay lành lặn nhưng chị Phan Thị Thuận (51 tuổi, thôn Thủy Diện, xã Phú An, H. Phú Vang, Thừa Thiên-Huế) vẫn vượt lên tật nguyền nuôi mẹ già với nghề làm cá trên phá Tam Giang.
Chị Phan Thị Thuận dùng xe dùng để chợ dụng cụ ra phá đi làm nghề cá - Ảnh: Tuyết Khoa
Tàn mà không phế
Trong căn nhà đơn sơ bên đầm Chuồn (một phần của hệ đầm phá Tam Giang- cầu Hai), chị Thuận khiến nhiều người khâm phục khi có thể làm tất cả công việc nhà rất thuần thục dù đôi chân và đôi tay đều khuyết tật. Đặc biệt, chị còn là một ngư dân thực thụ với nghề làm tôm làm cá trên đầm phá.
Bà Nguyễn Thị Chót (71 tuổi), mẹ của chị Thuận cho biết: "Tôi mang thai nó như những người phụ nữ khác. Nhưng khi sinh ra thì thật chua xót cho con tôi. Đôi chân mất đi đôi bàn chân. Đôi tay cũng co quắp tàn tật, chỉ có một ngón tay lành lặn. Tuy rứa nhưng mấy chục năm nay nó lại là chị đầu của đàn em, là trụ cột gia đình, là chỗ dựa cuối đời của tôi".
Trong nhà, chị Thuận lết đi khá nhanh trên đôi chân nhiều dị tật. Những khi đi chợ hay đi đâu xa, chị dùng xe lăn di chuyển, vừa nhanh vừa có thể chở đồ đạc. Đối với người dân vùng này, hình ảnh chị Thuận một thân một mình lênh đênh trên phá bắt tôm bắt cá bao nhiêu năm qua đã quá quen thuộc. Với chiếc thuyền nhỏ cùng nhiều dụng cụ, một mình chị Thuận vừa bơi vừa thả lưới, đơm cá từ đầu đêm đến sáng để kiếm mớ tôm mớ cá bán chợ sớm. "Làm rồi quen hết. Mình không đủ tay chân như người ta thì mình bơi chậm, thả lưới ít hơn. Cũng có lúc mưa gió đêm hôm bị lật ghe lật thuyền. Nhưng may được mọi người vớt. Chỉ sợ hư đồ nghề không có tiền mua lại, chứ dân vùng sông nước, ai chẳng biết bơi. Nhìn tui thế thôi, chứ tui bơi cũng được lắm", chị Thuận chia sẻ.
Mong có sức khỏe nuôi mẹ
Chị Thuận kể, sau cơn bão lịch sử năm 1985, cư dân sống trên phá dần dần định cư trên bờ. Gia đình chị Thuận cũng lên bờ. Nhưng ít lâu sau, bố chị Thuận mất sớm vì bệnh tật. Khi ấy, chị mới ngoài 20 tuổi. Sáu người em của chị còn nhỏ dại, người em út mới lên 6 tuổi. Chị là chị cả nên phải cùng mẹ tảo tần nuôi đàn em. Không chỉ may vá lưới thuê, chị Thuận còn một mình lênh đênh trên đầm phá bắt tôm cá về bán mua gạo. Dần dần các em lớn và có gia đình riêng. Còn lại chị Thuận và mẹ nương vào nhau sống. Năm 2007, ngôi nhà lụp xụp đã được thay thế bằng ngôi nhà bê tông kiên cố nhờ sự giúp đỡ của nhiều nhà hảo tâm. Khi nhắc đến chuyện chồng con, chị Thuận chia sẻ: "Mình không lành lặn như người ta nên cũng chẳng nghĩ đến chuyện đó. Với lại hồi còn con gái, cả đàn em không có cái ăn, mẹ thì ngày càng già yếu nên chỉ biết làm lụng kiếm ít đồng nuôi em thôi".
Hiện nay, dù đã ngoài 50 tuổi, nhưng chị Thuận vẫn rất nhanh nhẹn. Hàng đêm, chị Thuận vẫn bươn chải đi làm cá trên phá trừ nhưng khi mưa gió. "Người ta khỏe thì làm mỗi đêm có khi vài trăm ngàn. Còn mình chỉ mong mỗi đêm được vài chục ngàn là được. Chỉ mong cho sức khỏe đi làm để còn nuôi mẹ tuổi già. Còn em út cũng chẳng dư giả. Chúng nó cũng làm nghề tôm cá trên phá, lo con cái của nó cũng chật vật lắm rồi", chị Thuận nói.
Tuyết Khoa
Theo Thanhnien
Thu hàng trăm triệu đồng mỗi năm từ nuôi gà thả vườn Hiện nay, một số địa phương ở Lâm Đồng đang lựa chọn mô hình nuôi gà ta thả vườn theo hướng an toàn sinh học để phát triển kinh tế, bước đầu mô hình đã mang lại hiệu quả cao giúp nhiều nông hộ trên địa bàn thoát nghèo. Một trong những người đi tiên phong để phát triển mô hình này là...