Mê hoặc mùa hoa dã quỳ núi lửa Chư Đăng Ya
Nằm sừng sững giữa những cánh đồng rộng lớn của làng Ia Gri, núi lửa Chư Đăng Ya mùa này đang được phủ kín màu vàng rực của hàng vạn bông dã quỳ đua nhau khoe sắc.
Mặc dù mới được biết đến mấy năm trở lại đây nhưng núi lửa Chư Đăng Ya đã trở thành điểm đến hấp dẫn nhất Gia Lai, thu hút rất đông du khách đặc biệt vào thời điểm cuối năm khi dã quỳ đồng loạt nở vàng rực cả ngọn núi.
Chư Đăng Ya nằm cách thành phố Pleiku 30km về hướng đông bắc, thuộc địa bàn xã cùng tên, huyện Chư Păh. Trên đường đến đây sẽ đi qua thắng cảnh hồ T’nưng nổi tiếng của tỉnh Gia Lai, khi “Đôi mắt Pleiku Biển Hồ đầy” nằm giữa và cách ngọn núi lửa dã quỳ chỉ 20km đường. Đây được coi là cung đường vàng, trọng điểm du lịch quan trọng nhất của tỉnh Gia Lai hiện nay, với đầy đủ những địa điểm du lịch đẹp nhất bao gồm Biển Hồ, con đường thông xã Nghĩa Hưng, những đồi chè, chùa Bửu Minh, rẫy cà-phê… với điểm nhấn đẹp nhất chính là ngọn núi lửa Chư Đăng Ya. Mặc dù mới được biết đến mấy năm trở lại đây, nhưng núi lửa Chư Đăng Ya đã trở thành điểm đến hấp dẫn nhất Gia Lai, thu hút rất đông du khách đặc biệt vào thời điểm cuối năm khi dã quỳ đồng loạt nở vàng rực cả ngọn núi.
Theo những người Jrai đang sinh sống ở làng Ia Gri dưới chân núi, Chư Đăng Ya dịch theo tiếng địa phương có nghĩa là “Củ gừng dại”. Đây là một ngọn núi lửa đã chết, có niên đại hàng triệu năm và đã ngừng phun dung nham từ lâu. Điều đặc biệt là hình dáng của nó, nhìn từ xa hay từ trên cao, Chư Đăng Ya có hình dáng như một lòng chảo, một hình phễu khổng lồ. Lòng của nó chính là lớp đất đỏ bazan màu mỡ, kết quả của lớp dung nham tích tụ hàng triệu năm trước. Chính lớp đất đỏ bazan đã làm cây cỏ ở đây quanh năm xanh tốt, cây trồng thì không phải tưới nước, cây cỏ dại thì mọc hoang um tùm.
Đến với Chư Đăng Ya du khách sẽ cùng lúc chiêm ngưỡng được rất nhiều thảm thực vật quanh đây, từ những rừng cây xanh cổ thụ lâu năm, những đồi cỏ lau, cỏ đuôi chồn mênh mông… hay như trong lòng chảo, là những nương rẫy đồng bào Jrai trồng trọt ngô, khoai, bí đỏ, dong riềng… làm nguồn lương thực. Và đến thời điểm tháng 11, 12 cả ngọn núi sẽ hóa màu vàng rực bởi những thảm dã quỳ khổng lồ, từ đường vòng chân núi, đường lên núi, những triền hoa bên miệng “lòng chảo”, bên miệng chiếc phễu khổng lồ… tất cả đều là dã quỳ.
Dã quỳ ở Gia Lai chỗ nào cũng có, cũng nhiều nhưng không đâu lại dày, đẹp và độc đáo như núi lửa Chư Đăng Ya. Hai năm trở lại đây, người ta đã biết làm lễ hội hoa dã quỳ ở Chư Đăng Ya để quảng cáo du lịch địa phương cũng như tăng thu nhập cho đồng bào bản địa làng Ia Gri. Nội dung lễ hội cũng như các hoạt động du lịch vẫn còn đơn sơ, chưa chuyên nghiệp hóa như mong muốn cũng như tiềm năng sẵn có.
Dẫu vẫn còn nhiều sự cố, còn nhiều hình ảnh chưa đẹp hay sự ồn ào, xả rác của dân du lịch… nhưng đổi lại, tên tuổi ngọn núi lửa Chư Đăng Ya đã được cả nước biết đến, những con đường đất đỏ nhão nhoét đã được thay thế bằng đường bê-tông phẳng lì vòng quanh chân núi, người bản địa đã bắt đầu có thêm thu nhập từ khách du lịch. Chư Đăng Ya thật sự đã mang đến cho du khách những trải nghiệm đáng nhớ, mới lạ, từ cảnh sắc đến con người địa phương, đặc biệt cho những ai luôn yêu quý thiên nhiên hoang dã của vùng đất Tây Nguyên đại ngàn.
Nhìn từ xa hay từ trên cao, Chư Đăng Ya có hình dáng như một lòng chảo, một hình phễu khổng lồ.
Hoa dã quỳ mọc hai bên đường dưới chân núi dẫn lên ngọn núi lửa.
Du lịch phát triển đã “biến” những con đường đất đỏ bazan lầy lội thành những con đường nhựa phẳng lỳ.
Hoa dã quỳ hay cúc quỳ là một loại thực vật trong họ cúc, mọc hoang dã và rất phổ biến ở Tây Nguyên, những nơi có khí hậu mát lạnh.
Một góc của núi lửa Chư Đăng Ya nhìn từ trên cao, với những mảng màu vàng rực rỡ.
Những triền đồi của ngọn núi lửa lòng chảo, bên miệng chiếc “phễu” khổng lồ.
Thảm thực vật xanh mướt trên con đường leo núi dẫn lên đỉnh ngọn núi, đi qua những nương rẫy trồng lương thực của người dân. Cây cối ở đây không cần tưới cũng xanh tốt quanh năm.
Tảng đá cột mốc tọa độ đỉnh núi lửa. Đây là khối nham thạch có niên đại hàng triệu năm tuổi, trọng lượng lên đến hai tấn, tìm thấy ở chính ngọn núi lửa này, đã được chính quyền và nhân dân làng Ia Gri đặt lên làm biểu tượng.
Từ trên đỉnh núi nhìn qua những tán bụi dã quỳ là cánh đồng làng Ia Gri trù phú bên dưới.
Trẻ em làng Ia Gri dưới chân ngọn núi lửa đã biết kết hoa dã quỳ làm thành vương miện hoa đội đầu cho du khách.
Một lối đi nhỏ khác xuyên nương rẫy lên đỉnh núi của người dân bản địa. Đồng bào ởđây đều là dân tộc Jrai.
Ngoài dã quỳ du khách còn được “check in” những cánh đồng bông lau đuôi chồn màu hồng tím rất đẹp, mọc thành những cánh đồng mênh mông dưới những gốc cây cổ thụ.
Dưới chân ngọn núi lửa phía sâu trong làng còn có một phế tích trăm năm tuổi của nhà thờ cổ H’Bâu (Hà Bầu), sau thời gian chỉ còn tháp chuông và một phần phía trước của thánh đường. Người Jrai quanh vùng vẫn đến đây dâng hoa và cầu nguyện hàng ngày.
HẠ DU
Theo nhandan.com.vn
Ngỡ ngàng trước cảnh đẹp trên núi lửa Chư Đăng Ya
Chư Đăng Ya như viên ngọc bích lộ thiên giữa cao nguyên lộng gió, nơi đó thiên nhiên và con người hòa quyện thành một.
Núi lửa Chư Đăng Ya (theo tiếng địa phương có nghĩa là củ gừng dại) - nằm cách TP Pleiku, Gia Lai khoảng 30 km về phía bắc thuộc làng Ia Gri, xã Chư Đăng Ya, huyện Chư Păh.
Một nhiếp ảnh gia phải rất nhanh tay, nhanh mắt và đôi khi cũng đòi hỏi phải có sự kiên nhẫn mới có thể bắt được những khoảnh khắc độc đáo và ấn tượng nơi đây.
Nhiếp ảnh gia Anh Chu Thế Dũng, một người rất say mê núi lửa Chư Đăng Ya, cho biết ngọn núi này mới được biết đến nhiều khoảng ba năm trở lại đây. Có rất nhiều người đã đến chụp núi lửa Chư Đăng Ya nhưng vẫn chưa có bộ ảnh nào ghi lại được thời khắc chuyển giao bốn mùa ở nơi này.
Theo nhiếp ảnh gia Anh Chu Thế Dũng, để có được bộ ảnh để đời, anh đã phải mất đến hai năm. Anh phải thường xuyên di chuyển, lùng sục để có thể tìm được những khung cảnh đẹp và ưng ý nhất. Với mỗi thời điểm khác nhau, tia nắng mặt trời, thời tiết tạo đều nên sự phản chiếu khác biệt trên núi lửa Chư Đăng Ya.
Ghi lại được những khoảnh khắc đẹp cũng là điều khó khăn đối với nhiếp ảnh gia.
Nhiếp ảnh gia đã mất hai năm để có được bộ ảnh về thời khắc chuyển giao bốn mùa.
"Khó khăn, trở ngại rất nhiều như thời tiết, đường đi xa. Muốn chụp được bình minh phải có mặt vào lúc 5 giờ sáng mới ghi lại được khoảnh khắc ấy. Tuy nhiên, dù khi thời gian chinh phục bị hạn chế cũng không thể cản bước chân tôi. Cũng đôi khi chỉ là một bức ảnh mà những lúc đi ngang qua tôi không thể cưỡng lại khoảnh khắc tuyệt vời đó" - nhiếp ảnh gia Thế Dũng chia sẻ.
Bạn sẽ ngỡ ngàng khi chứng kiến được mỗi khoảnh khắc ở núi lửa Chư Đăng Ya.
Hỏi về bức ảnh ưng ý nhất, anh Dũng liền nhìn vào bức ảnh hoàng hôn trên núi lửa Chư Đăng Ya bồi hồi nhớ lại: "Đó là một ngày tiết trời lạnh buốt, tôi đã cùng những người bạn xuất phát từ TP Pleiku lúc 4 giờ sáng và chạy lên tới chân núi lửa Chư Đăng Ya. Sau khi leo lên ngọn núi bên cạnh chờ khoảnh khắc bình minh lên, tôi đã ghi lại được khoảnh khắc tuyệt đẹp đó".
Xuân, hạ, thu, đông ở Chư Đăng Ya mang dáng vẻ khác nhau.
Hay là những nương rẫy dưới chân núi lửa.
Hình ảnh người chăn bò trên đường ngập tràn dã quỳ.
Mỗi năm đến mùa dã quỳ, núi lửa Chư Đăng Ya tràn ngập sắc vàng.
Nơi đây vốn là một địa điểm ngắm hoa dã quỳ đẹp nhất Gia Lai.
Chư Đăng Ya rất bình yên với làng Ia Gri nằm dưới chân núi.
Cứ kiên trì như vậy suốt hơn hai năm, cuối cùng anh Dũng đã chụp được một bộ ảnh ưng ý nhất từ khung cảnh mà anh đã chọn, với những chi tiết mà theo anh Dũng là giúp cho bức ảnh của mình trở nên hoàn hảo và đẹp mắt nhất.
THU TRINH; Ảnh: THẾ DŨNG
Theo plo.vn
Hoa dã quỳ trên miệng núi lửa Nếu Biển Hồ được ví như "đôi mắt" dịu dàng của người con gái, thì hai ngọn núi lửa Chư Đăng Ya (phía Bắc) và Hàm Rồng (phía Nam) phải được xem là "đôi vai" săn chắc của "chàng hiệp sĩ" phố núi Pleiku (Gia Lai). "Đôi vai" săn chắc ấy có một sức sống mãnh liệt, tâm hồn thoáng đãng, đúng với...