Mẹ đơn thân ở Đà Lạt chăm con, trang điểm bằng chân
Hai tay co rút dần rồi không thể cầm nắm được sau cơn bệnh hồi nhỏ, gần 20 năm nay, Tường Vy gần như dùng hai chân làm mọi việc.
Nhắn tin, chải tóc, mặc quần áo, sơn móng chân, những công việc bình thường, chẳng có gì khó khăn đối với một cô gái lành lặn lại đòi hỏi cả quá trình nỗ lực, tập luyện của Tường Vy, sinh năm 1995.
Hai cánh tay teo nhỏ, gần như không thể sử dụng được, gần 20 năm nay, cô gái sống tại Đà Lạt dùng đôi chân để làm mọi việc trong sinh hoạt thường ngày. Sự khéo léo, thành thạo của cô khiến người khác phải ngạc nhiên nếu có dịp chứng kiến.
Biến cố
Khi sinh ra, cơ thể Tường Vy vẫn lành lặn, khỏe mạnh như bao đứa trẻ khác. Năm 8 tuổi, trong một lần bị sốt, cô bất ngờ lên cơn co giật giữa đêm, sùi bọt mép.
Sau khi được đưa đến bệnh viện điều trị, tưởng chừng mọi thứ dần trở lại bình thường song hai cánh tay Vy cứ yếu dần, teo nhỏ, co rút lại rồi mất sức. Mẹ đưa cô đi khám mới phát hiện do hậu quả từ trận sốt để lại nhưng không có biểu hiện nào để nhận biết.
“Thời gian đầu, mình chưa nhận thức được tình trạng sức khỏe của bản thân, vẫn vui đùa lắm, chỉ thấy khác là việc sinh hoạt bất tiện hơn chút. Đến năm 13 tuổi, mình bắt đầu thấy bản thân khác bạn bè, cũng bị nhiều người thường xuyên trêu chọc”, Vy nói với Zing.
Hai tay Tường Vy teo nhỏ, gần như không thể cầm nắm được.
Đôi tay dần không thể sử dụng được, Vy bắt đầu dùng chân để làm việc như một phản xạ. Ban đầu còn lóng ngóng, dần dần, cô học được cách điều khiển các ngón chân linh hoạt, cầm nắm vật cũng dễ dàng hơn.
Năm 15 tuổi, bắt đầu bước vào thời điểm dậy thì cũng là lúc Tường Vy ngày càng thấy tự ti về bản thân. Khi ra đường, hầu như cô đều mặc áo dài tay, lúc đi khoanh tay lại để giấu đi sự khác biệt.
“Lúc đó mình hay ngại lắm, đi qua chỗ nào có các bạn nam lại càng run, chỉ dám chạy thẳng một mạch không dừng lại vì sợ bị chê cười, trêu chọc”.
Trải qua 2 lần phẫu thuật năm 12 tuổi, hai tay của cô cũng chỉ duỗi ra được một chút, bớt co quắp. Với tình trạng tay như vậy, không chỉ sinh hoạt thường ngày mà việc học tập của Tường Vy cũng gặp không ít khó khăn.
Khi đi học, cô gái Đà Lạt chép bài bằng chân, những lúc không ghi kịp thì mượn vở của bạn để về chép lại. Tốt nghiệp cấp 3, cô theo học ngành Thiết kế đồ họa tại Đại học Văn Lang (TP.HCM). Để thuận tiện thao tác trên máy tính, cô sử dụng bàn phím ảo.
Video đang HOT
Gần 3 năm trước, Tường Vy quen và có thời gian yêu một chàng trai. Lúc chia tay được 1 tháng, cô phát hiện mình có thai, lúc này đã được 16 tuần tuổi. Bạn trai cũ không muốn cô giữ đứa bé lại vì công việc anh chưa ổn định, sợ không thể chăm lo.
“Thực ra khi đó mình chỉ thông báo cho anh ấy biết vậy thôi chứ xác định luôn là sẽ tự nuôi con. Mình cũng không muốn kết hôn vì từng tìm hiểu nhiều người rồi cũng chẳng đi đến đâu. Người bình thường khi lấy chồng còn chưa chắc hạnh phúc, mình lại như vậy, nên không muốn tìm hiểu ai nữa”, Vy bày tỏ.
Tường Vy hiện là mẹ đơn thân.
Đón con trai đầu lòng khỏe mạnh bằng phương pháp sinh mổ, bà mẹ trẻ may mắn luôn có sự động viên, giúp đỡ từ gia đình. Vì thường xuyên phải sử dụng chân, vết mổ của cô khó lành và đau hơn nhiều so với người khác. Tuy nhiên, cô chia sẻ bản thân luôn thấy hạnh phúc vì bé Gia Huy phát triển khỏe mạnh, lanh lợi.
“Mình từng có thời gian phụ các nữ tu trong tu viện chăm các bé sơ sinh bị bỏ rơi nên việc chăm sóc Gia Huy cũng không quá khó khăn, lạ lẫm. Mỗi khi mẹ vắng nhà, mình vẫn tự làm hết từ tắm rửa, cho con bú, cho con ngủ”.
Lạc quan
Gần 20 năm sống với đôi tay không lành lặn, Tường Vy tự hào khoe cô có thể làm gần như mọi việc giống người bình thường bằng đôi chân. Từ nhắn tin trên điện thoại, vẽ, khui bia cho đến trang điểm, làm nail, uốn tóc, cô gái ở thành phố nghìn hoa đều có thể “xử đẹp” một cách thuần thục.
Sau khi tốt nghiệp đại học, Tường Vy bắt đầu kinh doanh online và hay livestream trên mạng để phụ giúp kinh tế gia đình.
Xuất hiện trước nhiều người lạ, cô gái 25 tuổi cũng nhiều lần chạnh lòng khi đọc được những bình luận tiêu cực song luôn cố gắng không để tâm và suy nghĩ lạc quan.
Cô gái 25 tuổi có thể trang điểm, làm tóc bằng chân.
“Có lần, một số người xem video của mình và bảo: ‘Đã bị tật rồi còn không biết thân biết phận, trang điểm, ăn mặc, tóc tai không phù hợp’. Ban đầu mình cũng buồn nhưng về sau ‘lì’ luôn, sẵn sàng đáp trả. Chẳng có điều luật nào cấm những người như mình ăn diện, làm đẹp cả”, Vy kể.
Hiện, mong muốn lớn nhất của cô gái Đà Lạt là có thu nhập ổn định để lo cho bản thân và con trai. Nếu dư dả, cô muốn làm từ thiện, giúp đỡ những người khó khăn hơn mình.
Bên cạnh đó, bà mẹ trẻ cũng muốn truyền cảm hứng, sự lạc quan đến nhiều người, đặc biệt là những cô gái có hoàn cảnh tương tự để có thể vươn lên trong cuộc sống.
Mẹ Việt đơn thân lấy thầy giáo Anh U50, mẹ chồng 71 tuổi sang dự đám cưới khóc nức nở
Dù sống chung với mẹ chồng 6 tháng là bà mất nhưng 6 tháng ấy là khoảng thời gian đầy kỷ niệm và ý nghĩa với chị Phạm Thị Út khi sang Anh làm dâu.
2 năm cùng chồng sang Anh sinh sống, cuộc sống của chị Phạm Thị Út (41 tuổi, Quảng Nam) đã dần ổn định. Hiện tại, nước Anh tình hình dịch COVID-19 diễn viên phức tạp nên chị và chồng vẫn chưa thể đi làm lại được. Anh chị đang dạy Anh Văn online cho các học sinh ở Việt Nam. Mỗi ngày của chị chỉ đơn giản quây quần bên tổ ấm nhỏ, tập thể dục, chơi với con và làm video thỏa mãn sở thích của mình.
Gia đình nhỏ hiện tại của chị Út.
Chị Phạm Thị Út sinh ra và lớn lên trong một gia đình nông dân có truyền thống hiếu học ở Quảng Nam. Năm 1997, chị vào Đà Lạt ở với 2 anh trai để học cấp 3 tại đây. Sau đó, chị học Đại học Sư phạm Hồ Chí Minh chuyên ngành sinh học và ra trường năm 2001. Không giống như nhiều người chọn Sài Gòn hay những thành phố lớn gắn bó, chị Út quyết định về Đà Lạt dạy học và gắn bó với mảnh đất này.
"Cuộc đời có rất nhiều chuyện xảy ra không như những gì mình nghĩ hay tính. Mình kết hôn lần đầu năm 23 tuổi nhưng hôn nhân đổ vỡ sau 7 năm, mình có một bé gái. Cuộc sống sau đó diễn ra bình yên mỗi ngày, mình đi dạy và nuôi con một mình cho đến một buổi chiều nọ khi đang đi bộ từ nhà bạn về nhà thì gặp anh Mark Farrish đi bộ tập thể dục. Mình hỏi vui "Hello, where are you from?". Và chuyện tình yêu của mình bắt đầu thế đấy", chị Út cười nhớ lại.
Nói đến đây, chị Út cho biết, anh Mark có một tình yêu mãnh liệt dành cho mảnh đất Đà Lạt giống như chị nên năm 2012 anh đã quyết định đến đây làm giáo viên. Anh từng nói với mẹ trong một lần đến Việt Nam thăm mình rằng, đây sẽ là mảnh đất anh gắn bó đến cuối đời. Cũng nhờ chung tình yêu với Đà Lạt mà tháng 8/2014 anh chị có mối duyên tình cờ gặp và quen biết nhau.
Trong mắt chị Út, hồi đó anh Mark 44 tuổi, hơn chị 9 tuổi nhưng vẫn rất đẹp trai. Hơn nữa, chị rất thích có con lai nên đã chủ động "cầm cưa" anh trước. Không lâu sau đó, đến tháng 3/2015, anh chị quyết định về chung một nhà, cùng nhau dạy học, cùng nhau xây dựng ngôi nhà hạnh phúc ở mảnh đất Đà Lạt thơ mộng. Mặc dù đã hoàn tất thủ tục kết hôn vào thời điểm đó nhưng vì muốn chờ mẹ sang để chứng kiến ngày hạnh phúc này mà anh chị quyết định lùi tổ chức đám cưới đến tháng 6/2015.
Mẹ chồng khóc vì xúc động trong đám cưới của chị và anh Mark.
Đến bây giờ, chị vẫn nhớ như in lần đầu gặp mẹ chồng và người bạn thân thiết nhất của chồng từ Anh qua dự đám cưới. Mặc dù mẹ chồng đã 71 tuổi, sức khỏe yếu phải có người đi cùng nhưng vẫn lặn lội bay chuyến bay dài để chứng kiến ngày hạnh phúc của con trai. Và bà đã khóc nức nở vì cảm động, vì cuối cùng con trai 45 tuổi cũng đã chịu lấy vợ.
"Ngày đón mẹ chồng ở sân bay Tân Sơn Nhất, mình hồi hộp cùng chồng đợi. Trong đầu mình nghĩ không biết nói gì đây? Nói sao cho lịch sự? bởi sự khác biệt về ngôn ngữ và văn hóa. Khi gặp mình đã nói "Hello, are you tired?" và rồi nói chuyện bình thường. Mọi người rất thân thiện, gần gũi làm cho mình quên hết cả hồi hộp. Mẹ chồng mình còn khóc ở trên sân khấu vì cảm động, vì anh chịu lấy vợ", chị Út chia sẻ.
Chị Út bộc bạch, chị rất yêu mảnh đất Đà Lạt. Mặc dù kết hôn với anh Mark - ông xã ngoại quốc nhưng chị vẫn không muốn sang nước ngoài sinh sống. Chị muốn có một em bé lai và có một gia đình hạnh phúc ở mảnh đất này. Chính vì vậy, sau khi kết hôn với anh Mark, chị vẫn cùng anh sống một cuộc sống bình yên và giản dị nơi đây. Chị sinh con trai ở trên chính nơi tình yêu bắt đầu của anh chị.
Tuy nhiên năm 2018 sau 3 năm kết hôn, khi con trai được 2 tuổi, mẹ chồng mắc bệnh ung thư, không sống được bao lâu nữa nên chị đã suy nghĩ và quyết định theo chồng sang Anh vừa để chăm bà, vừa lo cho tương lai con và vừa giúp mình mở mang tầm nhìn. Dẫu vậy, chị luôn có mong muốn "ra đi là để trở về" và khi con cái ổn định chị sẽ trở về Việt Nam sống.
"Gia đình anh không trọn vẹn vì ba mẹ li hôn, anh ấy ở với mẹ còn em gái anh ở với ba. Hai bên không liên lạc với nhau. Những ngày đầu sống xa xứ rất buồn, nhưng mẹ chồng cũng giúp đỡ mình rất nhiều. Lúc đó bà chưa vào viện, bà mua đồ cho mình, cho cháu trai và cho cả con gái mình dù bé còn ở Việt Nam, một năm sau bé mới làm được giấy tờ sang với vợ chồng mình", chị Út chia sẻ.
Mẹ chồng luôn dành sự quan tâm cho chị.
Chị Út sang Anh sống cùng mẹ chồng được 6 tháng thì bà mất. Mặc dù có khoảng thời gian ít ỏi "làm dâu xa xứ" nhưng đó là kỷ niệm không bao giờ quên được của chị.
Chia sẻ về 6 tháng bên mẹ chồng của mình, chị Út cho biết, ở Anh không đặt nặng vấn đề làm dâu như ở Việt Nam nên chị làm những gì thấy đúng và xem mẹ chồng như mẹ của mình. Hơn nữa, chị may mắn được sinh ra trong gia đình gia giáo nên việc kính trên nhường dưới, sống có trước có sau,... đều biết hết. Đặc biệt, chị hiểu những sự riêng tư mà ở Anh coi trọng như ăn mỗi người một đĩa, không gắp chung, mời, văn hóa giữ yên lặng khi ăn,... nên dễ dàng làm theo và hòa nhập.
Đến bây giờ, chị vẫn còn nhớ mãi một câu nói của bà "Help people if you can" (Tạm dịch: hãy giúp mọi người nếu con có thể". Câu nói ấy đã giúp chị gần gũi hơn với mọi người trong gia đình nhà chồng và không gặp khó khăn nhiều.
Vợ chồng chị sống ở Việt Nam 3 năm và đã sang Anh sống được gần 2 năm.
Vợ chồng chị Út với mẹ chồng và người bạn thân nhất của chồng chị.
Không chỉ có mẹ chồng, ông xã cũng giúp đỡ chị rất nhiều khi sang đây. Những ngày mẹ chồng còn sống, anh giúp chị nấu ăn cho bà vì chị không giỏi nấu ăn. Anh phiên dịch cho chị khi nói chuyện với mọi người và anh chở cả nhà đi chơi, siêu thị,... để tạo điều kiện cho chị với mẹ chồng được gần gũi nhau hơn.
"Anh ấy giúp mình nấu ăn cho mẹ chồng vì mình không giỏi nấu ăn. Khi nấu ăn, những cái mà họ không ăn được như nước mắm, ớt...mình cũng hạn chế. Trong nói chuyện anh ấy phiên dịch vì giọng của mình họ khó nghe, ngược lại giọng người già cũng khó nghe với mình. Anh ấy chở cả nhà đi chơi, siêu thị...tạo điều kiện cho mình với mọi người gần gũi hơn", chị Út chia sẻ vai trò của chồng trong việc gắn kết mối quan hệ "mẹ chồng - nàng dâu".
Nhờ có bố mẹ là người tốt, luôn dạy con làm điều tốt, sống đơn giản và lương thiện, vậy nên chị Út tự tin vào bản thân mình khi sang Anh làm dâu. Đối với chị dù ở đâu cũng vậy, chỉ cần sống biết điều, có trước có sau, có trên có dưới, tôn trọng cuộc sống của nhau thì sẽ không hề gặp khó khăn trong chuyện "mẹ chồng - nàng dâu".
Người yêu mở miệng ra là nhắc đến 'tập thể' người yêu cũ, cô nàng hành xử 'cực gắt' khiến dân mạng đồng loạt vỗ tay Việc người yêu thường xuyên 'lỡ miệng' nhắc đến những kỷ niệm cũ với người yêu cũ khiến cô nàng cảm thấy vô cùng khó chịu. Khi yêu, chắc ai cũng mong ước người yêu toàn tâm, toàn ý yêu thương mình. Tất nhiên, trước khi bắt đầu mối tình này, ai trong chúng ta cũng từng có tình cũ, người yêu cũ....