Mẹ dễ trầm cảm nhất khi con lên 4 tuổi
Không phải năm đầu tiên sau sinh, người mẹ mới dễ bị trầm cảm nhất, mà 4 năm sau sinh, tỷ lệ phụ nữ bị trầm cảm thậm chí còn cao hơn.
Trầm cảm sau sinh là triệu chứng khá phổ biến ở nhiều bà mẹ. Ảnh: telegraph.co.uk
Đây là kết quả nghiên cứu của một nhóm nhà khoa học Australia vừa được công bố trên tạp chí BJOG (một tạp chí quốc tế về sản khoa và phụ khoa). Các nhà khoa học đã theo dõi 1.507 bà mẹ lần đầu tiên đăng ký sinh con tại 6 bệnh viện ở Melbourne, Australia. Những người này đã phải hoàn thành các bảng câu hỏi ở các thời điểm là tháng thứ 3, 6, 12, 18 và 4 năm sau sinh.
Nghiên cứu phát hiện ra 1/3 những người lần đầu làm mẹ có triệu chứng trầm cảm ít nhất một lần trong thời gian từ lúc mang thai đến khi con lên 4. Đặc biệt tỷ lệ trầm cảm ở thời điểm 4 năm sau sinh là 14,5 %, cao hơn tại bất kỳ điểm nào được ghi nhận trong năm đầu tiên làm mẹ. Trong đó, những người có một con có nguy cơ trầm cảm gấp đôi so với những bà mẹ có hai con trở lên, do họ bị bỏ quên và không tham gia các dịch vụ chăm sóc sức khỏe cho mình sau đó.
Các yếu tố dự báo mạnh nhất về trầm cảm ở thời điểm 4 năm sau sinh là người đó có dấu hiệu trầm cảm ở thời kỳ đầu mang thai hoặc trong vòng một năm đầu sau sinh. Tuy nhiên, cũng có nhiều trường hợp trước đó không hề có dấu hiệu trầm cảm nào. Nghiên cứu cho rằng các vấn đề trong quan hệ vợ chồng, bạo hành từ người chồng, nghịch cảnh xã hội, thu nhập thấp đều có thể gây ra trầm cảm ở một số phụ nữ khi con đã lên 4. Ngoài ra, những bà mẹ trẻ (18-24 tuổi) cũng dễ trầm cảm hơn.
Theo tiến sĩ Hannah Woolhouse, đồng tác giả của nghiên cứu, những phát hiện này khuyến khích các chuyên gia nên mở rộng mức độ quan tâm đến sức khỏe tâm thần của bà mẹ bằng cách mở rộng thời gian theo dõi. Bà cho rằng hệ thống chăm sóc sức khỏe tâm thần hiện nay chỉ tập trung vào thời kỳ mang thai và những tháng đầu sau khi sinh con, mà quên mất hơn một nửa số phụ nữ bị trầm cảm trong những năm đầu tiên làm mẹ.
Video đang HOT
John Thorp, tổng biên tập của BJOG cũng nói: “Nhiều nghiên cứu đã được tiến hành xung quanh sức khỏe tâm thần của người mẹ trong thời kỳ sinh. Tuy nhiên, chúng ta biết rất ít về trầm cảm của người mẹ khi đứa con đã thôi nôi. Những phát hiện này củng cố nhu cầu tập trung hơn nữa vào sức khỏe bà mẹ, đặc biệt là trong dài hạn, và sự cần thiết phải quan tâm đến các yếu tố liên quan đến cuộc sống của người mẹ”.
Tại Anh, một cuộc khảo sát của trường cao đẳng hộ sinh hoàng gia (RCM) hồi đầu năm 2014 cũng cho thấy 3/5 những người lần đầu làm mẹ cảm thấy chán nản hoặc trầm cảm sau khi sinh.
Kim Kim
Theo express.co.uk
Việc không-được-làm sau đẻ mổ
Không cẩn trọng trong việc ăn uống cũng như sinh hoạt sẽ khiến mẹ lâu phục hồi sau sinh mổ.
Chúng ta đều biết sinh mổ là ca phẫu thuật lớn nên sau đó người mẹ cần được chăm sóc và có lối sống khoa học để nhanh phục hồi. Tuy nhiên, không phải sản phụ nào cũng biết những lưu ý cần thiết sau ca đẻ mổ, nhất là với những mẹ không chuẩn bị tâm lý trước khi sinh mổ.
Dưới đây là những việc không được làm với mẹ đẻ mổ để quá trình phục hồi và nuôi con dễ dàng nhất:
Nằm ngửa
Sau ca sinh nở khoảng 4-5 giờ, thuốc gây tê sẽ dần mất tác dụng khiến mẹ phải đối mặt với những cơn đau đớn. Nếu mẹ nằm ngửa lúc này sẽ làm tăng sự co thắt tử cung và khiến mẹ đau đớn hơn.
Tư thế nằm tốt nhất cho mẹ là nằm nghiêng so với giường một góc khoảng 20-30 độ, giường đệm êm và chắc chắn để hạn chế tối đa sự rung động đến vết mổ đẻ. Vị trí nằm này cũng khiến sản dịch trong cơ thể dễ dàng đi ra ngoài hơn nằm ngửa.
Người mẹ sau sinh mổ cũng cần lưu ý nằm sau cho thoải mái nhất với ống thông tiểu trong ngày đầu tiên. Mẹ cũng cần sử dụng băng vệ sinh thoải mái và massage tử cung thường xuyên để sản dịch sớm được đi ra ngoài. Mẹ sau sinh mổ cũng cần lưu ý chăm chỉ vận động từ 24 giờ. Mẹ cần bắt đầu ngồi dậy, đứng lên nhẹ nhàng và di chuyển những bước đi đầu tiên. Việc vận động này sẽ giúp sản dịch nhanh tống ra ngoài và tốt cho đường ruột.
Lười đi vệ sinh
Do đau đớn sau ca sinh mổ nên hầu hết các mẹ thường ngại đứng lên đi vệ sinh và còn sợ ảnh hưởng đến vết thương. Thậm chí có mẹ còn ngồi ăn uống, đi vệ sinh ngay trên giường bệnh. Trên thực tế, hành động này vô tình gây nguy hiểm cho sản phụ đấy. Ngồi quá nhiều và nín đi vệ sinh có thể khiến mẹ bị bí tiểu, táo bón thậm chí là nhiễm trùng đường tiết niệu. Nếu mẹ bị táo bón và bệnh trĩ thì nguy cơ này càng cao hơn.
Bà mẹ sau sinh mổ thường được rút ống thông tiểu sau ca phẫu thuật khoảng 24 giờ và từ lúc đó nếu có nhu cầu mẹ nên đi vệ sinh hoặc nhờ người nhà dìu đi. Mẹ nên đi vệ sinh 3-4 giờ/lần. Nếu không thể đi tiểu được, mẹ nên thông báo với bác sĩ vì có thể bạn đã bị bí tiểu.
Ngại tắm
Mẹ đừng nghĩ rằng sau sinh mổ thì không được tắm rửa nhé. Việc tắm gội sau sinh là vô cùng quan trọng để tránh nhiễm trùng vết mổ. Sau sinh mổ 3 ngày là mẹ đã có thể tắm gội nhưng nên chú ý không nên ngâm mình trong bồn nước. Phải mất ít nhất là 1 tuần thì vết mổ lấy thai mới có thể khô dần và phải mất cả tháng mới có thể lành lại Vì vậy, khi mới sinh mổ, mẹ không nên ngâm mình trong bồn tắm bởi có thể sẽ làm tăng nguy cơ nhiễm trùng cho vết mổ. Mẹ cũng cần tham khảo ý kiến bác sĩ trước khi tắm để đảm bảo sao cho vết mổ được khô hoặc cách vệ sinh vết mổ khi tắm sao cho an toàn.
Chị em cũng cần biết thêm rằng, trong 4 tuần sau sinh, cổ tử cung mới dần dần đóng lại. Tắm bồn thời gian này cũng tăng nguy cơ nhiễm trùng hoặc viêm vùng chậu. Tốt hơn hết là mẹ nên dùng vòi hoa sen để xả trực tiếp khi tắm.
Ăn nhiều thịt và cá
Việc bổ sung dưỡng chất sau ca sinh mổ là cần thiết tuy nhiên các chuyên gia khoa sản luôn khuyên chị em chỉ nên ăn cháo loãng trong ngày đầu mới sinh. Khi đã trung tiện được thì mới có thể ăn các thực phẩm khác.
Dù vậy, khi mới sinh nở, bụng dạ chị em còn khá yếu nên trong tuần đầu không nên bồi bổ quá nhiều sẽ khiến thực phẩm lên men, gây đầy hơi. Tốt hơn hết, sau một tuần đầu, mẹ mới nên tẩm bổ thêm các thực phẩm từ cá, thịt, và các loại thực phẩm có lượng protein cao. Đồng thời mẹ sau sinh cũng nên hạn chế ăn dầu mỡ, uống cà phê, chè, rượu và các gia vị cay, nóng.
Mẹ cũng cần lưu ý không nên ăn đồ ăn chứa nhiều chất béo vì có thể làm tăng hàm lượng chất béo đến sữa mẹ - không có lợi cho em bé.
Khampha
Nguyên nhân khiến mẹ không thể thon gọn sau sinh Sau sinh, nhiều mẹ không thể về dáng như thời chưa mang bầu, thậm chí vóc dáng của họ còn sồ sề và thường được gắn mác "mẹ sề". Vậy đâu là nguyên nhân khiến chị em không thể thon gọn như xưa? Tăng cân quá nhiều khi mang thai Nhiều mẹ thường lấy cớ mang bầu để cho mình được quyền ăn...