Mẹ dạy chắc gì đã đúng…
Các cô gái khi còn độc thân thường hay mâu thuẫn với mẹ. Chỉ sau khi kết hôn và va chạm trong gia đình chồng các cô mới nhận ra mẹ mình tuyệt làm sao. Vậy là các bà mẹ trở thành quân sư cho con gái. Nhưng nghe thế nào cho đủ vẫn là một câu chuyện dài.
Lời khuyên số 1: Là con dâu phải sắc sảo, không thể bị lép vé
Thời gian đầu kết hôn, Dung rất chịu “nhịn” nhà chồng, mẹ chồng trách mắng chuyện gì, dù đúng dù sai cô cũng im lặng nghe hoặc cười xí xóa để vui cửa vui nhà. Nhiều lần Dung nhờ chồng giải thích để bố mẹ hiểu nhưng chồng sợ làm bố mẹ buồn và mang tiếng bất hiếu nên cứ ậm ừ cho qua.
Đến lúc tức nước vỡ bờ, cô “bật” lại gia đình chồng thì bố mẹ chồng mời mẹ Dung sang nói chuyện. Lúc này mẹ Dung mới vỡ lẽ ở nhà nhất mẹ nhì con, chứ sang nhà chồng thì con mình hoàn toàn lép vế. Trái với cách cư xử của Dung là cứ im lặng với những lỗi mình không làm để giữ hòa khí trong gia đình và được tiếng dâu hiền vợ thảo, mẹ Dung hiểu rằng một khi mình nhận lỗi thì người ta cứ quy đó là cái lỗi của mình thật. Vậy nên một mặt bà giải thích cho bố mẹ chồng Dung hiểu rằng chính cách cư xử cục cằn của chồng Dung làm ảnh hưởng đến bầu không khí gia đình, khiến Dung cư xử như vậy, mặt khác bà cũng nói phụ nữ bây giờ sống độc lập, không có chồng vẫn nuôi con và hạnh phúc được.
Bố mẹ chồng Dung không hài lòng nhưng cũng không bắt bí con dâu được. Thừa thắng xông lên, Dung hỏi mẹ cách giải quyết chuyện mẹ chồng chi phối tài chính của chồng, đến chuyện dùng sex để điều khiển chồng hay canh ngày rụng trứng để sinh con trai, cách trả lời mỗi khi mẹ chồng nói những điều khó nghe.
Cô nhận ra thật tuyệt khi có một người mẹ thông minh, nghe theo lời mẹ giúp cô lường trước được các tình huống xích mích trong gia đình, không phải chịu ấm ức với gia đình chồng mà mọi chuyện vẫn được như ý.
Vậy nên có bất cứ chuyện gì trong gia đình, kể cả chuyện tế nhị của hai vợ chồng, Dung đều tâm sự với quân sư mẹ. Thế mà chẳng hiểu sao, càng ngày chồng Dung lại càng ít chia sẻ với vợ và tránh đến nhà bố mẹ vợ chơi. Sau vài lần cãi nhau nảy lửa, anh chồng đã nói thẳng là anh sợ sự khôn ngoan và mánh khóe của mẹ vợ và vợ, thấy tội nghiệp cho bố mẹ mình hiền lành, dễ bị tổn thương.
Dung tự ái vì bao nhiêu kế sách của mình lại không bằng bài nước mắt yếu đuối của mẹ chồng. Quan trọng hơn, chính Dung cũng mệt mỏi khi suốt ngày phải bài binh bố trận tại nhà chồng, cô thấy mình khó chịu chẳng khác gì mẹ chồng hồi trước. Dung buông xuôi không muốn nghĩ cách đối phó với mẹ chồng nữa.
Suy cho cùng mẹ chồng cô ngoài cái tính hay kêu ca và để ý vặt thì cũng không có gì quá đáng. Và mình đôi khi chịu thiệt trong lời ăn tiếng nói cũng có mất gì đâu, thỉnh thoảng làm lơ đi là được. Dung vẫn coi mẹ là quân sư tuyệt vời, nhưng không tông tốc hỏi mẹ tất cả mọi chuyện nữa. Cô cũng cân nhắc kỹ trước khi làm theo lời khuyên của mẹ để chồng hiểu rằng không có người thứ ba nào giật dây cuộc hôn nhân của anh hết.
Lời khuyên số 2: Chồng lo được kinh tế gia đình mới hạnh phúc
Khác với mẫu người sắc sảo như mẹ Dung, mẹ Linh lại áp đặt cho Linh trong việc chọn chồng. Nhà vốn không dư giả gì, nên mẹ Linh phải vật lộn nhận thêm việc để có tiền. May mắn cộng với có bằng cấp, bà ngày càng có vị trí cao trong công việc, trở thành trụ cột kinh tế trong gia đình.
Video đang HOT
Sự vật lộn, bon chen trong công việc khiến mẹ Linh trở nên thực dụng và cay nghiệt. Bà lúc nào cũng nhắc nhở con rằng bà đã vất vả nuôi hai chị em cô thế nào, rằng lấy chồng nghèo như bà khổ thế nào và ra tối hậu thư chọn người yêu, cô nhất định phải yêu một người giàu.
Giàu “gia truyền” cũng được mà giàu “bất ngờ” cũng được, miễn là giàu. Cũng nhận lời yêu vài anh chàng có điều kiện tốt, nhưng chẳng yêu ai được lâu vì các anh chàng giàu “gia truyền” thì lúc nào cũng coi mình hơn người khác, mỗi lần đi chơi là anh chàng không ngớt lời phàn nàn về chất lượng dịch vụ và ca thán nhân viên cửa hàng, có anh còn chẳng bao giờ gặp bạn bè cô, thậm chí muốn cô cắt đứt các mối quan hệ bạn bè không cùng đẳng cấp để gia nhập với hội bạn anh.
Còn anh chàng giàu “bất ngờ” thì nghiện kiếm tiền và nghiện tiền, anh ta làm việc đến cạn kiệt sức lực vì sợ mai mốt không còn cơ hội. Một thời gian sau bạn bè thấy Linh tay trong tay với một cậu phi công trẻ hơn mình ba tuổi. Anh chàng đúng là giai thành phố nhưng gia đình chỉ làm viên chức bình thường.
Chẳng cần hỏi cũng biết mẹ Linh phản đối chuyện hai người như thế nào, từ phân tích lý lẽ cô hoàn toàn đủ điều kiện để có một cuộc sống an nhàn về vật chất cũng như tinh thần, rằng cô không phải lo sau này anh chồng sẽ chê vợ già… Xui xẻo thế nào anh chàng người yêu lại nghiện và phải vào miền Trung cai nghiện.
Lúc đó mẹ Linh mai mối cho một anh chàng con của một người bạn, tuy hơi già nhưng rất mê Linh. Chuẩn bị cho đám cưới, anh chàng được bố mẹ cấp cho một căn nhà chung cư với đầy đủ nội thất, những tưởng cô con gái sẽ an phận trong nhung gấm nhưng chưa đầy một tháng, cô bỏ chồng khi cả hai còn chưa kịp đăng ký kết hôn.
Linh thừa nhận có lẽ mình ngu dại thật, nhưng lấy nhau vì tiền rồi sẽ bỏ nhau vì tình, làm sao có thể sống cùng với một người mình không có chút cảm xúc nào.
Lời khuyên số 3: Giữ lửa hôn nhân bằng… ngoan hiền
Bạn bè và đồng nghiệp khi mới gặp đều trầm trồ khen Tuấn tốt số vì lấy được Phương đúng là lấy vợ Nhật, nhưng một thời gian sau thì hơi ái ngại vì Phương… chăm chồng quá. Vốn dĩ mẹ Phương luôn nhắc nhở con gái rằng vũ khí tối thượng để giữ chồng chính là sự đảm đang, ngoan ngoãn.
Bản thân bà cũng là một tượng đài về hình ảnh người phụ nữ của gia đình khi tôn thờ đức phu quân. Phương tin lời mẹ mình là chân lý, cưới xong là cô xin nghỉ việc để chăm lo việc gia đình, cứ đúng boong giờ chồng bước chân vào nhà là cô đã xếp sẵn quần áo để thay, cơm nước sẵn sàng, thậm chí hoa quả bóc sẵn và đưa vào miệng chồng.
Tuấn không bao giờ phải mó tay vào bất cứ cái gì trong nhà, cần gì chỉ cần hỏi Phương là cô sẽ mang đến. Bạn bè Tuấn đến nhà cũng được phục vụ như dịch vụ 5 sao, một phần Phương muốn chồng được “sang”, một phần cứ phải tự tay làm cô mới thấy yên tâm.
Ai không biết cứ tưởng Phương là ôsin trong nhà, mà quả thực Phương làm quần quật chẳng khác gì ôsin, thậm chí còn không bằng ôsin vì tối ôsin đâu phải ngủ với chủ. Trong khi Phương tự hào vì mình là mẫu phụ nữ truyền thống quý hiếm còn sót lại thì Tuấn khóc dở mếu dở khi mang tiếng gia trưởng với bạn bè, anh phân bua với họ rằng việc Phương chăm anh như chơi búp bê là sở thích của cô.
Tuấn cũng rất muốn nói với Phương nên đi học hay đi làm việc gì cho đỡ buồn, việc cô chăm chút anh quá cũng khiến anh ngộp thở và anh không biết phải quan tâm hay nói chuyện gì với Phương bởi anh đã thuộc lòng thời gian biểu của cô và cô chẳng có chút riêng tư gì. Anh ước gì vợ và mẹ vợ đừng mẫu mực thế, cứ nổi loạn hay đoảng một tí để anh còn có chuyện để nói.
Các bà mẹ luôn lo lắng cho con và có nhiều kinh nghiệm trong hôn nhân, nhưng chỉ người trong cuộc mới biết rõ hoàn cảnh và tính cách của người bạn đời của mình, đừng bao giờ để mẹ cầm tay lái con thuyền hôn nhân của chính mình.
Theo Dantri
Chồng 'đong' gái, đăng ảnh trên Facebook
Em bụng bầu mà chồng bỏ nhà đi, không gọi về hỏi thăm. Qua Facebook, em biết anh đi ăn uống, mua iPhone 5 tặng cô gái khác.
Em mang bầu sắp đến ngày sinh rồi. Trong 9 tháng 10 ngày đó thì đến 8 tháng 10 ngày em sống trong nước mắt chan lẫn buồn phiền. Biết bắt đầu từ đâu cho những dòng tâm sự của mình bây giờ? Em là một cô sinh viên 23 tuổi. Sau 4 năm, em mới bước qua cổng trường đại học vào tháng 5 năm nay. Cuộc sống đối với em như một trang sách mới vậy. Chưa kịp làm gì, chưa kịp viết gì lên đó thì đã bị đổ đầy mực lên rồi.
Ba năm cấp 3, em đều đi học từ sáng đến tối. Bốn năm đại học thì em học trên Hà Nội, có lẽ vì thế mà tính cách của em bị ảnh hưởng nhiều bởi bạn bè em. Ba mẹ em đều là những người lao động chân tay, chợ búa thôi nên đôi khi sống trong xã hội, họ nghiêng về tiền bạc hơi nhiều. Em biết điều đó nên từ nhỏ em đã suy nghĩ tự cho mình, phải học hành và lao động bằng chính sức lực của mình để vươn lên trong cuộc sống.
Em quen chồng em qua mạng. Anh ấy ở Sài Gòn, em ở Hà Nội. Sau 2 tháng nói chuyện, anh ấy muốn ra thăm em và chúng em bắt đầu tìm hiểu nhau. Trong lúc quen em, anh ấy nói là đã có một đời vợ nhưng đã ly dị rồi. Điều buồn hơn nữa, anh ấy là trẻ mồ côi nhưng may mắn là được vợ chồng một người Mỹ mang về nuôi. Và nghiễm nhiên, bây giờ anh ấy là người Mỹ.
Lòng trắc ẩn của em cùng với sự tán tỉnh của anh ấy mãnh liệt khiến em thương và yêu anh ấy rất là nhiều. Trong đầu em chưa bao giờ nghĩ anh ấy là Việt kiều, phải cố bám lấy người ta. Lúc đó, em chỉ nghĩ đơn giản người đàn ông đó đã có quá nhiều đau khổ rồi, mình sẽ hy sinh, bù đắp lại những thiếu thốn cho anh ấy. Em vứt bỏ hết những người đàn ông đang theo đuổi mình, có người 1 năm, có người 3 năm, có người 5 năm, chỉ để chọn lựa một người đàn ông mới quen hơn 2 tháng.
Em luôn nghĩ mình đủ các yếu tố để có một cuộc sống gia đình tốt đẹp trong tương lai. Đủ bằng cấp, đủ ngoại hình, đủ nhân cách để có một cuộc sống bình thường. Khi anh ấy gặp em, anh ấy nói muốn có con với em, anh ấy nói yêu em này nọ. Em thì nhất định không đồng ý có con vì cuộc sống của em mới bắt đầu và em nghĩ tình yêu này cũng chỉ là mới chớm thôi. Và rồi đúng là số phận, ngay sau khi em hết kinh ngày hôm trước, đúng một lần cho vào trong, anh ấy thề thốt không thể có con được. Em tin anh nhưng rồi em có em bé.
Em không biết ở trong Nam người ta sống như thế nào nhưng ở ngoài miền Bắc thì chỉ có một bộ phận giới trẻ chúng em chấp nhận sống có con nhưng không cần chồng, miễn là yêu thương nhau. Nhưng những người thuộc tầm bố mẹ em, hơn 50 tuổi với trình độ dân trí không cao lắm thì họ có suy nghĩ như thế này: Một là, nếu yêu nhau mà có kinh tế, trót có con thì phải làm đám cưới.
Hai là, nếu không có kinh tế hoặc kiểu bị Sở Khanh lừa thì phải phá thai. Vì điều tiếng, hàng xóm, láng giềng, họ hàng không chịu được... Ba mẹ em nói là cho hai con đường đó lựa chọn, không ép buộc anh ấy. Chồng em thì không muốn cưới nhưng cũng không muốn em phá bỏ đứa bé vì anh ấy là trẻ mồ côi. Anh ấy không muốn làm như thế.
Cuối cùng, người bị ép buộc chính là em. Em không muốn phá thai, cũng không muốn lấy chồng và càng không muốn thành đứa con bất hiếu. Trong khoảng thời gian gần 4 tháng, em nói chuyện với mẹ em rất nhiều, mong mẹ em hiểu cho nhưng mẹ em nói là sẽ từ mặt em. Bên cạnh đó, em nói chuyện với chồng em rằng ở Việt Nam, nhất là ngoài miền Bắc, phong tục tập quán là như vậy đó. Nếu anh yêu em thực sự thì mong anh hãy thông cảm cho em, để em làm tròn chữ hiếu với ba mẹ em trước rồi bù đắp lại cho anh và con sau. Lúc đó, chồng em đồng ý làm đám cưới nhưng bây giờ em mới hiểu nguyên nhân sâu xa vì sợ mẹ em bắt em phải bỏ đứa con.
Bốn tháng trời em ốm nghén rồi làm luận văn tốt nghiệp đại học mà đầu óc vẫn quay cuồng với chuyện cưới hay không cưới. Thật là mệt mỏi. Rồi đám cưới được tổ chức, nhà trai có mỗi chú rể, ngoài ra không có một ai. Nhẫn cưới thì anh ấy bảo quên trong Sài Gòn và anh ấy cũng không có nhiều tiền. Em bảo không mua cái đắt, chọn cái rẻ nhất thôi thì anh ấy lại ngại. Ngày mai là cưới rồi mà một mình em gạt nước mắt, bước vào tiệm vàng mua đôi nhẫn cưới trong 2 phút.
Sau đám cưới là chuỗi ngày đau khổ. Chủ nhật cưới xong, thứ 3, anh ấy bay vào Sài Gòn luôn. Đến bây giờ là 6 tháng rồi cũng không ra thăm vợ lấy một lần. Vợ chồng lúc đầu gọi điện 1 ngày/lần, rồi 3 ngày/ lần và bây giờ là 2 tháng không được lần nào. Cưới được tháng rưỡi thì anh bảo sang Thái Lan gia hạn visa. Đến hôm sinh nhật anh thì thấy có một tấm ảnh chụp anh và một người khác trên Facebook cùng dòng chữ: "Chúc anh sinh nhật vui vẻ nha anh yêu. I love you so much". Em ghen tuông thì anh bảo mệt mỏi, đừng có yêu quá.
Anh còn không cho em đăng ảnh cưới lên Facebook, không được viết những lời yêu thương trên đó, không cần phải biết cuộc sống của anh ấy như thế nào, không được tò mò quá... Ngụy biện cho lý do đó, anh bảo vì anh là người Mỹ, sống ở bên Tây nó như thế rồi. Em nhắn tin cho người phụ nữ đó rằng em là vợ anh ấy, người đó rất bất ngờ vì không biết anh ấy có thêm vợ nữa. Nếu chị ta biết chắc sẽ không viết như thế. Em không trách người ta mà em chỉ trách chồng mình.
Em đã suy nghĩ rất nhiều và một tháng sau, em đã nói chuyện với anh ấy. Em hỏi anh muốn sống như thế nào? Lối sống của anh là gì? Nhưng anh chỉ im lặng, không có một câu trả lời. Trong thời gian đó, anh lập một Facebook khác và chặn Facebook của em. Nhưng đúng là duyên nợ, nếu có thể, em cũng chẳng muốn biết thêm cái Facebook đó làm gì. Em lập Facebook khác và kết bạn với anh. Nhìn dòng chữ: "I have a habit of moving country from countries every few years but I am hoping that the right person will either join me or make me want to stay once place" (Tôi có thói quen di chuyển từ nước này sang nước khác nhưng tôi hy vọng sẽ có một người đi cùng tôi hoặc khiến cho tôi muốn dừng chân) do chính chồng mình viết, em chết đứng người.
Anh đã trải qua một cuộc hôn nhân tan vỡ, lấy em là người thứ 2 và bây giờ cũng có một đứa con với nhau rồi, vậy mà anh vẫn còn muốn đi tìm người khác ư? Vào Facebook của anh, thấy suốt ngày đi ăn, đi chơi hết nhà hàng này đến nhà hàng khác với người con gái khác, rồi mua iphone 5 cho gái. Em thì bụng mang dạ chửa, không được sự quan tâm chăm sóc của chồng thì thôi, bây giờ phải chứng kiến những điều như thế này, thật quá sức chịu đựng. Đã thế, anh ta còn bảo em là con người thủ đoạn, không ăn được thì đạp đổ. Chẳng lẽ nói cho bạn bè chồng mình biết mình là vợ thì xấu xa đến mức vậy sao?
Em quyết định chấm dứt cuộc hôn nhân này. Em nói sẽ không xen vào cuộc sống của anh nữa. Em sẽ làm lại nhưng giờ thì lại một cô gái nữa bị lừa. Thực chất, anh chẳng muốn xác định với một người phụ nữ nào, tất cả chỉ là vui chơi qua đường. Em căm hận người đàn ông đó. Em đã bỏ hết tương lai, sự nghiệp, tuổi trẻ, ước mơ, hoài bão để được sống với tình yêu. Em chỉ muốn bế con đi thật xa, tránh khỏi người đàn ông này càng sớm càng tốt.
Em định 4-5 năm nữa khi có kinh tế ổn định, có công ăn việc làm sẽ biến khỏi cuộc đời của anh ta vì anh ta không có quyền hưởng hạnh phúc gia đình (Dù hết lời nói chuyện nhưng anh ta vẫn khẳng định một đứa bé không ba hoặc không mẹ vẫn sống bình thường. Nó chẳng bị làm sao. Anh ngụy biện rằng anh ta là người Mỹ, còn em sống theo kiểu cổ hủ Việt Nam). Một người đàn ông như vậy liệu có đủ tư cách dạy dỗ đứa bé trai để nó trở thành người tốt, biết yêu thương và trân trọng tình cảm của người khác không? Em không muốn con em có tính cách như anh nhưng anh ta rất có trách nhiệm với đứa con. Hàng tháng vẫn gửi tiền nuôi con (chắc vì anh ta là trẻ mồ côi nên không muốn con mình giống mình).
Em phân vân quá. Liệu em có ích kỷ quá không khi chia cắt tình cha con? Người ta nói sống phải cần có chữ tâm nhưng với những con người như anh, họ có đáng được hưởng những gì họ muốn? Mọi người hãy cho lời khuyên và những chia sẻ để một bà mẹ trẻ như em có thêm kinh nghiệm, nghị lực bước tiếp trên đường đời.
Theo Dantri
Sự im lặng đáng sợ Tôi bắt đầu thấy sợ cái kiểu im lặng của vợ mỗi khi xảy ra chuyện chẳng vừa lòng nhau, sau cái đợt nàng toan uống mấy viên thuốc ngủ tự vẫn. Tôi đã có một đêm nông nổi. Hôm ấy vợ đi công tác, vắng nàng, tôi theo vài đứa bạn đi bar; trong trạng thái say khướt đã không làm chủ...