Mẹ đắp 3 lớp chăn cho con vì sợ lạnh làm con toàn thân tím tái, tổn thương não bộ
Đắp thật nhiều chăn để con không bị lạnh khi ngủ nhưng người mẹ lại vô tình khiến con rơi vào nguy kịch.
Người lớn thường luôn lo ngại thời tiết lạnh sẽ ảnh hưởng tới sức khỏe của trẻ nhỏ nên luôn mặc quần áo cho con thật dày và ấm áp hoặc đắp nhiều chăn khi ngủ. Tuy nhiên việc quấn con trẻ trong 3-4 lớp áo hay đắp quá nhiều chăn chưa chắc đã là điều tốt nhất để giữ ấm cho trẻ.
Một bà mẹ ở Hồ Nam, Trung Quốc đã gây ra sai lầm lớn chỉ vì quan niệm này. Vào một buổi tối, cô Li vừa cho con trai hai tháng tuổi ăn xong, thấy con mặc ít quần áo, sợ con bị cảm lạnh nên cô Li đắp cho con 2 lớp chăn điều hòa và phủ bên ngoài một lớp chăn bông, sau đó cô đóng kín cửa phòng mới yên tâm đi ngủ.
Đứa trẻ nhập viện trong tình trạng toàn thân tím tái.
Sáng hôm sau, cô Li thức dậy lúc 7 giờ sáng, cô liếc nhìn sang con thì thấy mặt con xanh lét, mồ hôi nhễ nhại. Nhận thức được tình hình không ổn, cô Li đã ngay lập tức đưa con đến bệnh viện địa phương để điều trị. Vì đứa trẻ đang trong tình trạng nguy kịch nên đã được chuyển đến Khoa chăm sóc sức khỏe quan trọng số 1 của Bệnh viện nhi Hồ Nam để điều trị.
Bác sĩ Cai Zili, phó trưởng Khoa Chăm sóc sức khỏe quan trọng cho biết căn cứ vào tình trạng của đứa trẻ, chẩn đoán bệnh nhi mắc hội chứng muggy. Theo bác sĩ, hội chứng muggy là một trường hợp cấp cứu do cha mẹ lo lắng cho bé bị lạnh mà mặc quần áo quá dày hoặc che kín cho bé gây tổn thương các cơ quan trong cơ thể. Hiện cháu bé vẫn đang được điều trị tại phòng chăm sóc đặc biệt.
Bác sĩ Cai Zili cho biết đứa trẻ mắc hội chứng muggy do mẹ đắp quá nhiều lớp chăn khi ngủ.
Sau khi điều trị, mặc dù tình trạng của bệnh nhi được cải thiện, nhưng bác sĩ Cai Zili cho biết đứa trẻ vẫn còn mê sảng, tím tái toàn thân, không thể tự thở được, cần phải nhờ đến máy thở, đặc biệt có thể vấn đề tổn thương não sẽ ảnh hưởng về sau.
Sau sự việc, bác sĩ cảnh báo các bậc phụ huynh, giữ ấm quá mức cho trẻ không hề tốt cho con mà thậm chí còn gây hại, nhất là đối với trẻ sơ sinh dưới một tuổi, một khi cha mẹ giữ ấm quá mức cho trẻ sẽ khiến trẻ bị sốt cao, thiếu oxy, vã mồ hôi, mất nước nghiêm trọng có thể gây co giật, hôn mê, suy hô hấp.
Mặc quần áo nhiều lớp, chăn dày cho trẻ vào mùa lạnh dễ gây hội chứng muggy
Video đang HOT
Theo bác sĩ Wu Qingchang, một bác sĩ nhi khoa tại Bệnh viện Dongfang trực thuộc Đại học Y khoa Trung Quốc Bắc Kinh, đã có hơn 100 trẻ em đến bệnh viện mỗi ngày vì sốt trong tháng vừa qua.
Bác sĩ Wu Qingchang nói: “Hầu hết các em đến viện không phải vì chịu đựng thời tiết lạnh giá mà do hội chứng muggy (IMS). Để bọn trẻ ăn mặc dày hơn mức cần thiết chắc chắn không tốt cho đứa trẻ.”
Bác sĩ Wu cho biết khi trẻ mặc quá nhiều quần áo hoặc đắp chăn dày, nguy cơ mắc IMS sẽ tăng cao. Điều này một phần là do cơ chế điều chỉnh thân nhiệt của trẻ do hệ thần kinh trung ương điều khiển chưa phát triển đầy đủ, đặc biệt là trẻ sơ sinh dưới 5 tháng tuổi.
Bác sĩ Wu nói: “Các bậc cha mẹ thường nghĩ rằng mặc nhiều thì tốt hơn mặc ít và cảm thấy nóng thì tốt hơn là lạnh, điều này là rất sai lầm. Ông cũng nói rằng sốt là một trong những triệu chứng nhẹ nhất của IMS và các triệu chứng nghiêm trọng bao gồm thiếu oxy, mất nước và thậm chí là tổn thương não.
Bác sĩ Wu cho biết có hai cách để biết liệu một đứa trẻ có mặc quá nhiều hay không. Đầu tiên, hãy chạm vào xương đòn của trẻ. Nếu cảm thấy không quá nóng, cũng không quá lạnh, thì quần áo trẻ đang mặc là ổn. Thứ hai, chạm vào lưng của trẻ. Nếu ra mồ hôi hoặc quá nóng thì chắc chắn trẻ đã mặc quá nhiều.
Bác sĩ Wu cho biết, bất kể đó là mùa nào, cha mẹ nên cho con mặc quần áo có chất liệu vải thấm mồ hôi, chẳng hạn như cotton, lụa hoặc lanh.
Cách giữ ấm cho trẻ vào mùa đông
Mặc quần áo cho trẻ phải đảm bảo giữ ấm cổ và gáy, số lượng quần áo tăng lên từ từ để trẻ thích nghi và tăng khả năng chịu lạnh, nếu thấy trẻ đổ mồ hôi thì cần giảm bớt để tránh hội chứng Muggy.
Ban đêm, khi ngủ cần giữ ấm cho trẻ theo nguyên tắc 4 vị trí gồm cổ, ngực, bụng và chân. Da chân của trẻ có nhiều đầu mút thần kinh, là nơi rất nhạy cảm với thế giới bên ngoài, nên cần giữ ấm chân cho trẻ khi đi ngủ.
Thời tiết giao mùa, trở lạnh làm cho trẻ em ít hoạt động, nhu cầu năng lượng giảm nên trẻ sẽ biếng ăn hơn một chút, trong khi các mẹ lại muốn con ăn thật nhiều để bồi bổ. Khi đường ruột bị tăng gánh đột ngột cộng với việc vận động ngoài trời thiếu khoa học sẽ khiến sức đề kháng của trẻ yếu đi, các bệnh liên quan đến đường tiêu hóa như tiêu chảy, chân tay miệng có cơ hội phát triển.
Nam thanh niên suy tim vì sử dụng thuốc lá điện tử chứa chất bí ẩn
Thời gian gần đây, Trung tâm Chống độc BV Bạch Mai đã tiếp nhận một số ca ca ngộ độc chất kích thích như cần sa, ma túy tổng hợp núp bóng thuốc lá điện tử.
Ngộ độc cần sa "trộn" trong thuốc lá điện tử
Theo bác sĩ Nguyễn Trung Nguyên, Phụ trách Trung tâm chống độc, Bệnh viện Bạch Mai, trung tâm này thường xuyên tiếp nhận các ca ngộ độc cấp do dùng heroin, ma túy, đặc biệt cấp cứu một số trường hợp ngộ độc chất kích thích trong đó có cả cần sa, ma túy tổng hợp được trộn trong thuốc lá điện tử.
Bác sĩ Nguyên cho biết bệnh nhân chủ yếu là người trẻ, nhập viện với các biểu hiện điển hình của loại ma túy tổng hợp gây kích thích mang danh thuốc lá điện tử như tâm thần kích động, vã mồ hôi, rối loạn nhịp tim nhanh, huyết áp tăng...
Trường hợp N.T.M (22 tuổi, ở Hà Nội) vào viện trong tình trạng rối loạn tâm thần, rối loạn nhịp tim, tăng huyết áp. Theo người nhà, thanh niên này xuất hiện các dấu hiệu trên sau khi hút thuốc lá điện tử. Khi đưa đi cấp cứu, gia đình người bệnh đã mang theo thuốc lá điện tử cùng các lọ dung dịch, tinh chất hương liệu, trong đó tinh chất cần sa mà bệnh nhân sử dụng.
BS Nguyên khám cho bệnh nhân ngộ độc thuốc lá điện tử
Ngay sau đó, tinh chất cần sa được các bác sĩ của Trung tâm Chống độc, Bệnh viện Bạch Mai xét nghiệm thì có chứa nhiều chất ma túy tổng hợp. Tinh chất này có chứa 5 - Fluoro ADBICA một dạng ma túy mới. Sau khi được cấp cứu ổn định, bệnh nhân được chuyển sang điều trị tại Viện sức khỏe tâm thần quốc gia.
Gần đây, Trung tâm cũng tiếp nhận 1 ca tương tự với đầy đủ biểu hiện của ngộ độc ma túy sau khi dùng thuốc lá điện tử. Đáng nói bệnh nhân mới chỉ là học sinh cấp 3.
Trường hợp khác là Phạm T.P. 19 tuổi (ở Cao Bằng) vào viện trong tình trạng mệt mỏi, khó thở. Bác sĩ chẩn đoán bệnh nhân ngộ độc thuốc lá điện tử. Điều đáng báo động thuốc lá điện tử mà bệnh nhân mang tới không thể xét nghiệm ra có chất gì.
P. cho biết mình hút thuốc lá điện tử 1 năm nay và cậu cũng không rõ thuốc lá loại mình mua là gì. P. mua lọ tinh chất để hút thuốc lá trên mạng. Sau khi mua xong, P. về sử dụng có rất nhiều hương thơm khác nhau.
Bác sĩ Nguyên cho biết, khi khám cho P. nhịp tim của P. rất nhanh. Bác sĩ theo dõi chẩn đoán P. bị suy tim. Trường hợp này bác sĩ cần cho cai nghiện thuốc lá điện tử trước. Nhưng việc cai nghiện không đơn giản vì bản thân thuốc lá điện tử ngoài nicotin còn chứa các chất ma túy thế hệ mới. Đặc biệt, trường hợp mẫu thuốc lá P. dùng bác sĩ còn không thể xét nghiệm ra chất gì.
Mẫu thuốc lá điện tử, tinh chất để hút được người nhà bệnh nhân đưa vào phòng xét nghiệm độc chất của trung tâm chống độc
Ví dụ như trường hợp B.M.H. 39 tuổi, Hà Nội, vào viện trong tình trạng sốc sau khi sử dụng thuốc lá điện tử. Tuy nhiên, xét nghiệm máu bệnh nhân có chứa cả Amphetamin, cathinone... Tình trạng tim của bệnh nhân H. cũng bất ổn, suy tim với nhịp tim rất nhanh tương đương với nhịp tim của người 80 - 85 tuổi.
Những trường hợp suy tim do sử dụng thuốc lá điện tử này việc phục hồi không thể nói trước mà trước tiên bệnh nhân phải đến các chuyên khoa tâm thần cai nghiện thuốc lá trước.
Nguy hại của thuốc lá điện tử
Năm 2019, CDC Hoa Kỳ cảnh báo có tới 60 người tử vong do thuốc lá điện tử và nếu Việt Nam không siết chặt quản lý thì số người ảnh hưởng do thuốc lá điện tử sẽ tăng lên chẳng khác gì Mỹ.
Theo BS. Nguyên, thuốc lá điện tử, vape, thuốc lá làm nóng hay còn được gọi chung là thuốc lá thế hệ mới hiện đang được quảng cáo như một phương pháp để cai nghiện hay hạn chế việc hút thuốc lá. Với thiết kế có vẻ sành điệu, sang chảnh, đa dạng về hương vị kèm theo những lời quảng cáo về tính tiện lợi, độ an toàn... thuốc lá thế hệ mới thu hút sự quan tâm và sử dụng của giới trẻ như một trào lưu có tính thời thượng.
Đáng lưu tâm, hiện ma túy đã ẩn nấp dưới nhiều hình thức tinh vi mà người dùng khó phát hiện như ma túy ở dạng kẹo - đá; trộn ma túy tổng hợp trong thuốc lá điện tử...
BS.Trung Nguyên cho biết, thuốc lá điện tử hiện khá đa dạng về chủng loại. Một số thuốc lá điện tử hay còn gọi là vape có hình dáng giống với thuốc lá truyền thống, xì gà hoặc ống điếu, một số khác trông giống như cây bút, USB hoặc có thiết kế hoàn toàn khác nhau. Thuốc lá điện tử có loại dùng một lần và loại có thể "sạc" lại. Hầu hết các mẫu thuốc lá điện tử hiện nay sử dụng ống chứa dung dịch với loại dùng một lần hoặc có thể bơm dịch vào để dùng tiếp.
Mặc dù thuốc lá điện tử được quảng cáo giúp cai nghiện hoặc không độc hại như thuốc lá truyền thống, nhưng theo BS. Nguyên "đó không phải sự thật, thậm chí nó dễ gây nghiện, độc hại hơn".
BS. Nguyên phân tích, độ nặng của thuốc lá điện tử dựa trên lượng nicotin trong dung dịch, được biểu thị bằng miligam trên mililit hoặc tính theo phần trăm. Tuy nhiên, các nhãn mác trên sản phẩm không phải lúc nào cũng cung cấp thông tin chính xác về hàm lượng nicotin. Một số loại vỏ thuốc dùng một lần chứa dạng nicotin cô đặc, gọi là muối nicotin. Một vỏ thuốc chứa 5% muối nicotin có thể có 30 đến 50 miligram nicotin, tương đương lượng nicotin trong một đến ba gói thuốc lá thông thường.
Đặc biệt đáng báo động là thuốc lá điện tử có nguyên liệu phối trộn nhiều loại thành phần khác nhau nên bị lợi dụng để trộn thêm ma túy để tăng độ phê. Đáng báo động là tên gọi, chủng loại ma túy đang thay đổi hàng ngày, với hàng trăm hoạt chất khác nhau mà ngay cả các phòng xét nghiệm chuyên sâu cũng không thể tìm ra hết. Với các tác hại thấy rõ của thuốc lá điện tử, cần thiết phải quản lý chặt, thậm chí nên cấm mua bán trên thị trường", ông Nguyên cảnh báo.
40 phút "nghẹt thở" cứu sống nam bệnh nhân bị nhồi máu cơ tim cấp Trong quá trình 40 phút thực hiện can thiệp, bệnh nhân đã có lúc bị ngưng tim, rung thất, buộc phải hồi sức tim, sốc điện 5 lần để lấy lại nhịp, bệnh nhân cũng được đặt máy tạo nhịp tạm thời để duy trì sự ổn định. Sáng 27/11, Bệnh viện Hoàn Mỹ Đà Nẵng cho biết vừa cấp cứu can thiệp...