Mê đắm bún mắm
Không ít lần những cuộc gọi của bạn bè từ trong Nam gọi về Đà Nẵng cho tôi chỉ để nhờ mua bún mắm đóng thùng gửi máy bay vô, bởi “Tụi tao thèm quá, nhớ quá!”…
Bún mắm – đối với thế hệ 7x chúng tôi, và cả tuổi teen bây giờ của Đà Nẵng là món ăn không thể thiếu trong danh sách thực đơn ẩm thực hàng ngày, hàng tuần, hàng tháng…
Bún mắm hợp “gu” với cả bữa ăn sáng, ăn trưa lẫn ăn chiều… Toàn thành phố phải có đến nghìn quán bún mắm. Bún mắm hiện diện ở tất cả các chợ lớn nhỏ ở Đà Nẵng. Có cả một xóm bún mắm với cả chục quán ở khu vực Trần Kế Xương, nhưng không quán nào không đông khách, mỗi ngày đón cả nghìn lượt khách tấp nập tới thưởng thức, bất kể ngày giờ.
Một tô bún mắm ngon luôn song hành cùng tô rau sống đủ màu sắc
Món ăn này trở thành món ưa thích của hầu hết mọi người dân Đà Nẵng.
Bún mắm Đà Nẵng có gì mà khiến mọi người mê đắm vậy? Thật không khó để trả lời, bởi người viết cũng là một fan của bún mắm.
Khác với bún mắm của miền Nam, mọi tinh túy của bún mắm Đà Nẵng nằm hết trong chén nước mắm nêm, được pha chế hết sức công phu và tinh tế.
Chén nước mắm cá cơm, được giã ớt, tỏi, đường, bột ngọt và thơm bằm nhuyễn, phi dầu phụng và hành phi bỏ lên trên. Liều lượng gia vị gia giảm tùy khẩu vị, và các quán bún mắm đều hơn thua nhau bởi chính bí quyết pha nước mắm này.
Để chuẩn bị món bún mắm, dĩ nhiên không thể chỉ có… mắm. Bún tươi phải là loại mới được làm ra, tươi ngon và khô ráo. Bao giờ bún mắm cũng kèm theo khá nhiều loại nguyên liệu đi kèm như: đu đủ, cà rốt bào đã được ngâm sơ qua nước muối loãng mít non luộc cắt hạt lựu và rau sống…
Chưa hết, bún mắm còn được ăn kèm hoặc với thịt luộc cắt lát mỏng, hay với nem- chả được cắt miếng, có khi là mới tai-mui được cắt sợi, hoặc với thịt heo quay chặt lát… tùy theo khẩu vị của từng người. Nhưng bún mắm ăn kèm loại nào cũng ngon mê ly. Vì vậy mà có không ít người đến ăn liền một lúc… 3 tô, để có thể thưởng thức đầy đủ khẩu vị của các loại đi kèm.
Video đang HOT
..hay bún mắm tai-mui đều ngon mê đắm
Cuối cùng, thứ không thể không thiếu trong một tô bún mắm đó chính là đậu phộng rang và tương ớt đỏ. Chính 2 thứ gia vị cuối cùng này giúp món bún mắm ngon một cách trọn vẹn nhất.
Nhìn tô bún mắm vốn đủ đầy màu sắc đã sướng mắt lắm rồi, nhưng phải đến khi dùng đũa trộn lên lẫn lộn các loại rau, bún, thịt… hòa lẫn với mắm, gắp lên một gắp cho vào miệng, bạn mới hiểu được vì sao người Đà Nẵng vốn khá khó tính về ẩm thực, lại có thể dễ dàng mê món ăn này đến vậy.
Do thế, thỉnh thoảng, dù bận rộn, nếu nhận được những lời nhắn từ bạn bè nhờ đóng thùng bún mắm gởi vào Nam, tôi chẳng bao giờ từ chối, bởi biết được nỗi nhớ của lũ bạn, với món ăn rất đặc trưng này của người Đà Nẵng…
Theo ihay
Những món ăn không thể bỏ qua ở Sài Gòn
Ẩm thực TP. Hồ Chí Minh vô cùng phong phú với những nét ẩm thực đặc trưng Nam Bộ và nhiều món ăn ngon nhất du nhập từ các địa phương trên cả nước. Đến Sài Gòn, bạn hãy nếm thử những món ăn tuyệt ngon ấy nhé!
1. Bún mắm, lẩu mắm
Lẩu mắm ngon nhất thì phải về miền Tây (Cần Thơ, Vĩnh Long, Long An...), nhưng nếu không có thời gian thì bạn có thể thưởng thức lẩu mắm ngay tại Sài Gòn. Nồi lẩu mắm quan trọng nhất là nước dùng, phải chế biến từ loại mắm ngon (mắm cá linh), nêm nếm khéo léo cho vừa ăn. Lẩu mắm ở Sài Gòn thường ăn kèm rau muống, kèo nèo, bông súng, đậu bắp, bạc hà, bắp chuối, rau nhút...
Lẩu mắm ngon nhờ nấu bằng mắm cá linh nguyên chất
Một vài địa chỉ nổi tiếng: Lẩu mắm Nam Bộ 94AB Cao Thắng, P.4, Q.3, giá: 160.000 - 240.000VND/nồi Lẩu mắm Ăn là khen: 11 Hồ Biểu Chánh, P.12, Q. Phú Nhuận, giá: 210.000 - 300.000VND/nồi.
Bún mắm
Giống như lẩu mắm, nước dùng là thành phần quan trọng nhất của món ăn này. Tô bún mắm ngon không quá ngọt, quá mặn hay quá cay nhưng cũng không hề nhạt nhẽo, nhất là không thể thiếu vị thơm nức của mắm. Ăn bún mắm ngoài lát cá, thịt heo quay, tôm, mực, không thể thiếu đĩa rau sống với rau đắng, bắp chuối, kèo nèo, bông súng, húng thơm được chần sơ qua làm tăng thêm hương vị cho món ăn. Một số quán ăn ghi điểm thêm nhờ chén nước mắm me chua chua ngọt ngọt rất hấp dẫn.
Bún mắm
Địa chỉ: Bún mắm Huỳnh Lâm (gia truyền Bạc Liêu), 37A Gò Dầu, Q. Tân Phú: 28.000VND/tô Quán bún mắm 444, số 369 Lê Quang Định, P.5, Q.Bình Thạnh, mở cửa từ 9h đến 21h hàng ngày, trừ ngày rằm và mùng 1, giá 35.000VND/tô bún mắm 528 Phan Văn Trị, Q. Gò Vấp, giá 30.000VND/tô.
2. Bún bò Huế
Bún bò Huế rất được yêu thích ở Sài Gòn
Bún bò Huế là một trong những món ăn được yêu thích của xứ Huế, từ lâu cũng đã trở nên rất phổ biến tại Sài Gòn. Trong nước dùng của bún, người Huế thường nêm vào một ít mắm ruốc, góp phần làm nên hương vị rất riêng.
Bạn có thể dễ dàng thưởng thức món ăn bình dân này tại nhiều con phố ở Sài Gòn, giá từ 20.000VND/tô. Địa chỉ: Bún bò Thành Nội Huế, 47A Trần Cao Vân, Q.3 (gần vòng xoay hồ Con Rùa) Bún bò Huế Đông Ba, 110A Nguyễn Du, P. Bến Thành, Q.1...
3. Lẩu cá kèo
Lẩu cá kèo đặc trưng bởi vị chua thanh của lá giang
Lẩu cá kèo mang hương vị miền Nam đặc trưng. Lá giang là nguyên liệu không thể thiếu trong nồi lẩu cá kèo, mang đến vị chua chua, chát chát đặc trưng. Rau dùng với lẩu cá kèo gồm rau muống, rau nhút, rau đắng, giá và hoa chuối... Nồi lẩu cá kèo chuẩn bị thưởng thức mang hương thơm hấp dẫn, khó quên.
Địa chỉ: Số 4 Nguyễn Thị Diệu, P.6, Q.3 hay một số quán lẩu cá kèo trên đường Sư Thiện Chiếu.
4. Mì - hủ tiếu - hoành thánh
Những món ăn này tuy không phải nguồn gốc bản địa song giờ đây cũng trở thành nét đặc trưng của Sài Gòn. Với người dân Sài Gòn, món này dễ ăn và khá được ưa chuộng. Tuy nhiên với dân Bắc, món này có vị hơi ngọt, có thể không quen khi thưởng thức lần đầu. Các quán hủ tiếu (hủ tíu), mì, hoành thánh rất sẵn trên bất kỳ còn đường, ngõ hẻm nào của Sài Gòn với giá từ 20.000VND/tô.
Địa chỉ: Hủ tiếu mì trên đường Mạc Thị Bưởi (Q.1), hủ tiếu cá gà trên đường Tôn Thất Đạm (Q.1), hủ tiếu mì vàng trên đường Hải Thượng Lãn Ông (Q.5), hủ tiếu 46/102 Võ Văn Tần, Q.3, mì Vịt tiềm trên đường Phạm Văn Hai (Q.Tân Bình), mì chú Tắc: 22 Bà Huyện Thanh Quan, Q.3...
5. Bánh tráng Trảng Bàng
Đây là món ăn của người Tây Ninh, ngoài bánh tráng phơi sương còn có bánh canh Trảng Bàng cũng rất hấp dẫn. Bánh tráng được ăn với thịt heo luộc, thịt bò luộc, cùng với rất nhiều loại rau và mắm nêm (hoặc mắm chua ngọt) đặc trưng của người miền Tây.
Địa chỉ: Bạn có thể ăn bánh tráng Trảng Bàng ở hệ thống cửa hàng Hoàng Ty, hoặc bánh tráng Trảng Bàng 411 - 413 Nguyễn Tri Phương, Q.10.
6. Bò tơ Củ Chi
Bò tơ Củ Chi ngon nhất khi ăn tại huyện Củ Chi
Miếng thịt bò mềm ngọt cùng các loại rau tươi rói của Nam Bộ nằm gọn trong chiếc bánh tráng cuộn lại, ăn với nước chấm chua ngọt pha rất khéo đã làm nên đặc sản bò tơ Củ Chi. Hiện nay nhiều nhà hàng ở Sài Gòn cũng phục vụ món nay nhưng vẫn chưa thể sánh ngang với bò tơ chính gốc tại Củ Chi.
Địa chỉ: Quán bò tơ Xuân Đào - Đi thẳng trên đường Quốc lộ 22, qua ngã tư Trung chánh và đến cầu vượt Củ Chi, nhìn phía tay phải... sẽ thấy quán bò tơ Xuân Đào, huyện Củ Chi Bò tơ Hồng Đào cũng ở Quốc lộ 22 nhưng bên tay trái.
7. Bánh xèo Nam Bộ
Những loại rau sống từ miệt vườn giúp món bánh xèo Nam Bộ thêm ngon miệng và đỡ ngán
Bánh xèo vàng ruộm, ở giữa có nhân tôm, thịt, giá đỗ, đúc thành hình tròn hoặc gấp lại thành hình bán nguyệt. Bánh xèo miền Nam khi ăn chấm nước mắm chua ngọt cùng rất nhiều loại rau và lá cây tại miệt vườn. Tại một số nhà hàng người ta cho thêm các loại nấm làm nhân bánh xèo ăn rất ngon miệng và bớt ngán.
Địa chỉ: 46A Đinh công Tráng, Q.1 Mười Xiềm 190 Nam Kỳ Khởi Nghĩa, P.6, Q.3 Ăn Là Ghiền, 74 Sương Nguyệt Ánh, P.Bến Thành, Q.1.
8. Gỏi cuốn
Gỏi cuốn chấm với tương đen hoặc nước mắm chua ngọt
Nguyên liệu để có một cuốn gỏi chất lượng là phải đầy đủ: rau, bún, tôm, thịt ba chỉ và tất nhiên không thể thiếu bánh tráng dẻo để cuốn bên ngoài. Tuy nhiên, điều chính yếu để có thể cảm nhận một cuốn gỏi ngon là thành phần nước chấm của nó. Người miền Nam hay dùng gỏi cuốn chấm với tương đen vì nó có vị ngòn ngọt, cộng thêm đậu phộng và đồ chua nữa. Gỏi cuốn bình dân, thân thuộc đến thế nhưng lại lá 1 trong 50 món ăn ngon nhất thế giới do CNN bình chọn. Gỏi cuốn được bày bán rộng rãi ở khắp các hàng rong, quán cóc, chợ và cả siêu thị... giá chỉ 3.000VND/cuốn.
Địa chỉ: Vỉa hè công viên Lê Văn Tám (đường Hai Bà Trưng), siêu thị BigC, siêu thị Co.opmart...
9. Các món ốc
Quán ốc ở Sài Gòn là từ gọi chung, bởi ở đó còn có nhiều loại hải sản khác. Rủ nhau đi ăn ốc cũng là để thưởng thức một thế giới nhuyễn thể thân mềm và giáp xác phong phú, từ nghêu, sò, ốc, hến, đến cua, ghẹ, mực, tôm... Có đủ cách chế biến ở Sài Gòn để món ốc luôn hấp dẫn, từ hấp, luộc, xào, chiên, rang đến nướng mọi, đút lò... với đủ thứ gia vị như tỏi, hành, tiêu, ớt, rau răm, sả, gừng, húng quế, phô mai, bơ....
Địa chỉ: Ốc Đào 2- 132 Nguyễn Thái Học, Q.1 Ốc Quang Anh, 189 Tô Hiến Thành, P13, Q.10 Ốc số 9, 23 Nguyễn Văn Giai, P. Ða Kao, Q.1 Ốc cô Hồng, hẻm 177 đường 3/2, Q.10 Ốc Xinh, 002 Lô B5 chung cư P.3, đường nội bộ 12B, Khánh Hội, Q.4 Quán Ốc Việt: 237/50 Trần Văn Đang, P.11, Q.3.
10. Các món chè
Chè miền Nam rất phong phú, từ các loại chè nóng như chè bà ba, chè chuối thưng, chè khoai môn... đến chè lạnh như chè đậu đen, chè thập cẩm, chè Huế, chè của người Hoa... đều rất hấp dẫn với vị nước cốt dừa béo ngậy và vị ngọt, bùi của nguyên liệu.
Địa chỉ: Chè Kỳ Đồng, 153/7 Kỳ Đồng, P.9, Q.3 Hà Kí, 140 Châu Văn Liêm, Q.5 (của người gốc Hoa) Chè Nam Bộ 16/1A Đinh Tiên Hoàng, P.Đa Kao, Q.1 Chè mâm 12 món - số 032 lô H, chung cư Ngô Gia Tự, đường Sư Vạn Hạnh, Q.10...
Theo yeudulich
[Chế biến] - Cá nục mít non Nguyên liệu: - Cá nục - 200 g mít non cắt khúc - Muối, nước mắm, ớt quả, đường, hành lá, hành khô. - 1 thìa canh nước hàng (nước màu kho cá) Cách làm: - Cá rửa sạch, bỏ ruột, cắt thành từng khúc vừa ăn. Ướp cá với một thìa nhỏ muối, để khoảng 15 phút. Đun nóng dầu cho cá...