Mẹ đã sai khi làm mẹ đơn thân
32 tuổi, tôi xin phép gia đình ra ngoài sống tự lập và quyết định làm mẹ đơn thân…
Tôi lựa chọn cuộc sống độc thân bởi không muốn vướng vào hôn nhân với đủ thứ nghĩa vụ, trách nhiệm ràng buộc theo đó.
Ngày mang thai, tôi hình dung hai mẹ con sẽ cuộc sống tự do tự tại. Một mình tôi có thể quyết định mọi vấn đề liên quan đến con, từ chăm sóc đến học hành, tương lai của nó sau này mà không gặp phải sự cản trở hay can thiệp của bất cứ ai. Thế nhưng kể từ giây phút sinh con ra, tôi đã cảm nhận rõ cuộc sống nuôi con một mình của người phụ nữ không hề đơn giản.
Thời gian đầu, cuộc sống chỉ có hai mẹ con lầm lũi với nhau, tôi mới hiểu ý nghĩa của một mái ấm có đầy đủ bố, mẹ, vợ, chồng, con cái. Có lần con ốm, sốt cao trong đêm, một mình tôi trở dậy miệng gọi taxi, tay ôm con, tay chuẩn bị đồ dùng để đưa con vào viện khám. Cái cảnh ngồi ôm con lẻ loi trong phòng cấp cứu giữa đêm khuya, mệt rũ người khiến tôi ước ao có một bờ vai vững chãi để dựa vào, hay một cánh tay mạnh mẽ của người đàn ông ôm đỡ con, chạy sang các phòng làm thủ tục. Nhìn xung quanh, tôi nhận ra niềm ao ước của mình hóa ra lại rất đỗi bình thường đối với tất cả người phụ nữ tình nguyện bước vào hôn nhân. Chỉ là tôi từ chối cuộc sống đó nên cũng từ chối luôn hạnh phúc có người đàn ông bên cạnh chia sẻ, đỡ đần trong những lúc khó khăn.
Nhưng rồi cảm giác tủi thân đó nhanh chóng quá đi khi cuộc sống độc thân giúp tôi có nhiều cơ hội để thăng tiến trong nghề nghiệp. Cơ quan có suất đi học ở nước ngoài, trong khi các đồng nghiệp nữ, người ngần ngại vì vướng bận gia đình, người không được chồng ủng hộ, người bị nhà chồng ngăn cản… thì tôi lại ung dung cùng con đóng gói hành lý lên đường. Mấy năm du học trở về, tôi được cất nhắc công việc tốt hơn. Và cũng nhờ không vướng bận chuyện gia đình nhiều nên tôi có thời gian đầu tư cho sự nghiệp. Kinh tế vững chắc, sự nghiệp ổn định, cuộc sống của mẹ con tôi rất thoải mái.
Tôi đã bằng lòng với cuộc sống hạnh phúc đó cho đến lúc nhận ra những ẩn ức trong lòng cô con gái đang ngày một lớn lên. Một lần vào dọn dẹp phòng con, tôi bắt gặp rất nhiều bức tranh con vẽ. Con bé thể hiện rất nhiều ước mơ trên những bức tranh nhưng chủ đề được nó vẽ nhiều nhất là tổ ấm gia đình. Tôi phát hiện trong mỗi bức tranh con vẽ đều có ba người: bố, mẹ và con. Hóa ra lâu nay dù tôi giải thích với con về tổ ấm chỉ có hai mẹ con “hợp lý” thế nào thì cũng chỉ thuyết phục được nó bên ngoài. Còn sâu thẳm trong tâm hồn của nó vẫn ước ao có một người cha như bao đứa trẻ khác.
Ảnh minh họa.
Lớn lên đi học, nó thích ghi nhật ký. Ban đầu tôn trọng sự riêng tư của con nên tôi không có ý định tìm hiểu những gì con viết. Nhưng sau này thấy nhật ký con ghi ngày một nhiều lên, tôi đã bí mật lén đọc. Tràn ngập trong mỗi cuốn nhật ký của con là nỗi suy tư, thắc mắc vì sao mẹ lại chọn cuộc sống độc thân, vì sao mẹ không thích có đàn ông bên cạnh, và vì sao nó lại là đứa trẻ được sinh ra với số phận không bao giờ có được tình yêu thương của người cha. Có những cuốn nhật ký nó chỉ viết cho người cha vô hình mà nó tượng tưởng ra. Ở đó, nó hỏi vì sao cha lại giúp mẹ sinh ra nó rồi không một lần quay lại xem nó sống trên cuộc đời này như thế nào. Mỗi lần giận mẹ điều gì, nó lại vào nhật ký tâm sự với cha. Cứ thế tình cảm của nó đối với người cha vô hình vừa yêu lại vừa hận. Và điều làm tôi quặn lòng hơn cả là nó chán ghét tổ ấm chỉ có hai mẹ con, chán ghét những hạnh phúc mà tôi cứ ngỡ là thiên đường của hai mẹ con lâu nay.
16 tuổi, con gái tôi lạc lối trong tình yêu với người đàn ông đã có gia đình. Ngày nó bị vợ người đàn ông đó đánh ghen tới mức bị thương phải nằm trong viện, tôi đau đớn khi nghe con nói trong nước mắt:
- Con yêu người đàn ông ấy là vì anh ấy cho con cảm giác được yêu thương, được che chở giống như một… người cha.
Hóa ra, việc nuôi con một mình của người phụ nữ lựa chọn cuộc sống độc thân không hề đơn giản như tôi nghĩ. Với con cái, tình yêu người mẹ dù lớn, bao la cỡ nào cũng không thể bù đắp, thay thế cho tình yêu của người cha mà chúng cần. Tổ ấm mà tôi xây dựng có đầy đủ, sung sướng thế nào thì mãi mãi vẫn là một tổ ấm khiếm khuyết đối với con. Lần đầu tiên tôi nhận ra, cuộc sống của tôi có thể không cần một người đàn ông bên cạnh nhưng không có nghĩa là tôi có quyền cướp đi niềm hạnh phúc có cha của con gái.
Hình như tôi đã sai khi áp đặt hạnh phúc của bản thân lên cuộc sống của con.
Theo Infonet