Mẹ Cường Đôla: Dính líu gì trong đại án Phạm Công Danh?
“Chúng tôi không có liên quan gì đến các khoản vay với Ngân hàng Xây dựng ở vụ án đang được xét xử”, bà Nguyễn Thị Như Loan, mẹ Cường Đôla nhấn mạnh.
Ngày 19/7, phiên tòa xét xử Phạm Công Danh và đồng phạm làm thất thoát 9.133 tỷ đồng của Ngân hàng Xây dựng ( VNCB) đã được tiến hành.
Ngoài có 36 bị cáo thì có 130 cá nhân, tổ chức là người có quyền và nghĩa vụ liên quan được triệu tập để làm rõ hành vi của Phạm Công Danh và đồng phạm.
Trong số này có mẹ con nhà bà Nguyễn Thị Như Loan – Chủ tịch HĐQT Quốc Cường Gia Lai, Nguyễn Quốc Cường (Cường Đôla) và Nguyễn Ngọc Huyền My – em gái Cường Đôla.
Tuy nhiên, trong phiên xét xử ngày 19/7, mẹ con Cường Đôla đã không ra tòa, ủy quyền cho cấp dưới là bà Ngô Kim Lan ra tòa thay.
Trao đổi về việc có liên quan đến đại án hơn 9.000 tỷ đồng này, bà Loan cho biết: “Thực tế, tôi đâu có liên quan trực tiếp hay cụ thể gì đến vụ việc tại Ngân hàng Xây dựng nhưng cứ bị nêu tên suốt.
Chúng tôi không có liên quan gì đến các khoản vay với Ngân hàng Xây dựng ở vụ án đang được xét xử. Quốc Cường Gia Lai đã bán hết cổ phần tại Nhà Quốc Cường và Nhà Hưng Thịnh trước khi giao dịch với Ngân hàng Xây dựng xảy ra.
Bây giờ tòa xử thì họ lại thì muốn hỏi từ đầu nên gọi tôi có liên quan ở chỗ trước đây từng có sở hữu tại công ty đó.
Cũng vì thế, tôi và công ty ủy quyền cho luật sư đến tòa trả lời chứ làm sao có thời gian đến đó ngồi suốt được. Cái khổ là giờ người ta vẫn hiểu Nhà Quốc Cường của Quốc Cường Gia Lai”, bà Loan chia sẻ.
Theo cáo trạng, Phạm Công Danh đã sử dụng 2 pháp nhân thông qua mối quan hệ với bà Nguyễn Thị Như Loan nhằm xây dựng các bộ hồ sơ kinh doanh mua bán nguyên vật liệu khống, phương án trả nợ khống, lập các biên bản họp hội đồng quản trị không có thật.
Mặc dù khoản vay 300 tỷ đồng của Công ty nhà Quốc Cường không bị thất thoát nhưng mẹ con nhà Cường Đôla vẫn bị triệu tập.
Video đang HOT
Mẹ con Cường Đôla
Công ty TNHH Nhà Quốc Cường thuộc tập đoàn Quốc Cường Gia Lai. Trước đó, ngày 17/6/2013, Công ty Nhà Quốc Cường mua lô đất trên của công ty TNHH Thương mại Dịch vụ Thành Thành Công (công ty Thành Thành Công) với giá 786 tỷ đồng.
Ngày 19/6/2013, công ty Nhà Quốc Cường nhượng lại mảnh đất trên cho công ty TNHH MTV Thương mại Dịch vụ Xây Dựng Quang Đại (thuộc tập đoàn Thiên Thanh) với giá 917 tỷ đồng.
10 ngày sau, đại diện công ty Nhà Quốc Cường ký giấy đề nghị vay 450 tỷ đồng của VNCB chi nhánh Sài Gòn, mục đích kinh doanh bất động sản tại lô đất 01 và lô 12 tại khu vực Sân vận động Chi Lăng, TP. Đà Nẵng của (công ty Thành Thành Công).
Ngày 29/6/2013, VNCB chi nhánh Sài Gòn đã ký hợp đồng tín dụng cho công ty Nhà Quốc Cường vay 450 tỷ đồng, lãi suất 15%/năm, thời hạn vay 12 tháng, tài sản đảm bảo là lô đất trên, được xác định giá trị lên tới 1.018 tỷ đồng.
VNCB chi nhánh Sài Gòn đã chuyển 300 tỷ đồng vào tài khoản của công ty Nhà Quốc Cường và tiền được chuyển tiếp đến tài khoản của công ty Thành Thành Công tại VNCB chi nhánh Sài Gòn cho giao dịch mua bán đất giữa hai bên.
300 tỷ đồng này lại được chuyển tới tài khoản của tập đoàn Thiên Thanh và chuyển vào tài khoản của Phạm Công Danh để “chăm sóc khách hàng”.
(Theo Vietnamnet)
Phạm Công Danh và "đồng tiền quỷ ám"
Phạm Công Danh, Chủ tịch Hội đồng Quản trị Ngân hàng Xây dựng (VNCB) đã thực hiện những "cứ lừa ngoạn mục" để rút tiền trả nợ vay và tiêu xài cá nhân. Hơn 9.000 tỉ đồng đã "bốc hơi" bằng những cách thức đơn giản thông qua nhóm "liên minh ma quỷ" được gây dựng từ VNCB.
Ủ mưu từ lâu
Ngày 6-9-2012, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) chấp thuận chủ trương phương án tái cơ cấu TrustBank (sau này đổi tên thành Ngân hàng VNCB nên Phạm Công Danh nắm quyền kiểm soát và chi phối trong khi ngân hàng này đang bị NHNN đặt vào tình trạng kiểm soát. Mọi giao dịch có giá trị từ 5 tỉ đồng trở lên đều phải có ý kiến của Tổ giám sát NHNN.
Phạm Công Danh cùng các đồng phạm tại tòa
Phạm Công Danh lợi dụng vị trí là Chủ tịch Hội đồng Quản trị VNCB, Chủ tịch Hội đồng Thành viên Tập đoàn Thiên Thanh, đã chỉ đạo Hội đồng Quản trị, Ban Điều hành và Ban Kiểm soát VNCB, cấp dưới thuộc Tập đoàn Thiên Thanh và các chi nhánh VNCB, thực hiện các hành vi phạm tội để lấy tiền tiêu xài.
Tháng 5-2013, Phạm Công Danh chỉ đạo các đồng phạm tạo dựng hồ sơ khống trong việc nâng cấp hệ thống CoreBanking, triển khai thực hiện khống để rút hơn 63 tỉ đồng. Phạm Công Danh cùng các đồng phạm thực hiện rút tiền trên 5 tỉ đồng mà không báo cáo Tổ giám sát là vi phạm quy định của Thống đốc NHNN Việt Nam. Việc nâng cấp CoreBanking đã nâng tỷ lệ mua sắm tài sản của VNCB vượt quá 50% vốn điều lệ, nội dung, số liệu, tài liệu kế toán phản ánh không trung thực, không đúng bản chất sự việc.
Đến nay, VNCB không thu hồi được số tiền hơn 63 tỉ đồng. Hành vi của Phạm Công Danh, Phan Thành Mai, Mai Hữu Khương, Bạch Quốc Hào, Trần Văn Bình và Nguyễn Thị Kim Vân, đã phạm vào tội "Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng". Phạm Công Danh có vai trò tổ chức, chỉ đạo trong vụ án. Phan Thành Mai, Mai Hữu Khương, Bạch Quốc Hào, Trần Văn Bình và Nguyễn Thị Kim Vân là đồng phạm, giúp sức cho Phạm Công Danh.
Phạm Công Danh còn có hành vi chỉ đạo các đồng phạm hợp thức nội dung ký hợp đồng khống về việc thuê mặt bằng tại số 268 Tô Hiến Thành và số 816 Sư Vạn Hạnh (TP HCM) với 2 công ty Trung Dung và Hương Việt của Phạm Công Danh. Sau đó, Phạm Công Danh chỉ đạo chuyển 601,6 tỉ đồng từ VNCB trả cho 2 công ty này.
Số tiền trên được Công ty Trung Dung đã hoàn trả 20 tỉ đồng và 581,6 tỉ đồng còn lại được chuyển lòng vòng qua tài khoản cá nhân. Các cá nhân đã rút khoản tiền này để trả lãi cho 6 công ty thuộc Tập đoàn Thiên Thanh, trả tiền chăm sóc cho 21 khách hàng và trả nợ cho Tập đoàn Thiên Thanh.
Nạn nhân Trang phố núi
Từ 12-2012 đến 7-2013, Phạm Công Danh chỉ đạo Phan Thành Mai, Mai Hữu Khương, Hoàng Đình Quyết lập hồ sơ cho nhóm Trần Ngọc Bích vay tiền bằng hình thức cầm cố sổ tiết kiệm. Sau khi hoàn thành thủ tục vay, VNCB giải ngân và chuyển vào tài khoản của Trần Ngọc Bích mở tại VNCB Chi nhánh Sài Gòn.
Khi muốn vay tiền, Bích phải thông qua Phạm Thị Trang (còn gọi là Trang "phố núi") để thỏa thuận, thống nhất việc điều chuyển dòng tiền vào các tài khoản do Trang chỉ định. Trần Ngọc Bích đã thực hiện các thủ tục theo quy định để VNCB chuyển tiền vào các tài khoản một cách hợp pháp.
Đến hạn trả nợ, Bích thống nhất với Trang chuyển trả tiền vào tài khoản do Bích chỉ định. Trong thời gian này, hai bên đã có 16 lần với 122 khoản vay bằng hình thức cầm cố sổ tiết kiệm của nhóm Trần Ngọc Bích với tổng số tiền VNCB đã giải ngân hơn 17.761 tỉ.
Sau khi tiền đến tài khoản, Phạm Công Danh sử dụng để trả nợ cho nhóm Phú Mỹ hơn 2.079 tỉ đồng, chuyển lại cho nhóm Trần Ngọc Bích hơn 9.608 tỉ đồng để tất toán một số khoản vay. Số tiền hơn 4.572 tỉ đồng được chuyển qua nhiều tài khoản của các cá nhân và công ty thuộc Tập đoàn Thiên Thanh để Danh trả nợ, đảo nợ, chi chăm sóc khách hàng và sử dụng cá nhân.
Hành vi nêu trên của Phạm Công Danh và các đồng phạm đã không phản ánh đúng nghiệp vụ tài chính phát sinh, không phản ánh trung thực hiện trạng, bản chất sự việc, nội dung và giá trị nghiệp vụ kế toán. Các hành vi này bị pháp luật nghiêm cấm.
Đến nay, VNCB không thu hồi được số tiền 5.490 tỉ đồng mà Phạm Công Danh và đồng phạm đã rút từ VNCB ra để sử dụng. Phạm Công Danh, Phan Thành Mai, Mai Hữu Khương và Hoàng Đình Quyết đã phạm vào tội "Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng".
Phạm Công Danh chỉ đạo Mai, Khương, Quyết lập hồ sơ phát hành 2.500 trái phiếu Tập đoàn Thiên Thanh và bán 1.000 trái phiếu Tập đoàn Thiên Thanh cho 3 công ty thông qua Quỹ Lộc Việt. Sau khi phát hành trái phiếu, Phạm Công Danh đã chỉ đạo Phan Thành Mai, Mai Hữu Khương quyết định ủy thác cho Quỹ Lộc Việt 900 tỉ đồng đầu tư trái phiếu 3 công ty của Quỹ Lộc Việt, gồm: Công ty Thạch Hà, Công ty An Lộc và Công ty Minh Quang. Danh để 3 công ty này mua 900 trái phiếu của Tập đoàn Thiên Thanh với số tiền 900 tỉ đồng từ nguồn tiền của Ngân hàng VNCB rồi chuyển tiền về cho Danh sử dụng.
Hành vi của Phạm Công Danh, Phan Thành Mai, Mai Hữu Khương và Hoàng Đình Quyết ủy thác 900 tỉ đồng khi chưa được NHNN đồng ý bằng văn bản. Hành vi "Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng" như đã nêu trên của Phạm Công Danh và các đồng phạm đã gây thiệt hại cho VNCB tổng số tiền hơn 7.037 tỉ đồng.
Mẹ của Cường "đôla" suýt mang vạ
Từ 28-12-2012 đến 11-3-2014, Phạm Công Danh cần tiền để "đảo nợ" cho các nhóm vay: Phú Mỹ, Trần Ngọc Bích, Ngân hàng BIDV và sử dụng cá nhân nên đã tổ chức nhiều cuộc họp để chỉ đạo thuộc cấp sử dụng pháp nhân của 12 công ty thuộc Tập đoàn Thiên Thanh và 2 pháp nhân tiếp tục làm... ảo thuật.
Phạm Công Danh thông qua mối quan hệ với bà Nguyễn Thị Như Loan, Chủ tịch Tập đoàn Quốc Cường Gia Lai, xây dựng các bộ hồ sơ kinh doanh mua bán nguyên vật liệu khống và phương án trả nợ khống. Danh lập các biên bản họp HĐQT không có thật, chỉ đạo định giá nâng giá các lô đất thuộc sân vận động Chi Lăng và lô đất tại 209 Trường Chinh (TP Đà Nẵng) lên nhiều lần làm tài sản đảm bảo để vay tại VNCB 5.000 tỉ đồng.
Danh tiếp tục chỉ đạo sử dụng tiền vay trái với phương án và mục đích kinh doanh. Phạm Công Danh chỉ đạo 15 cá nhân là nhân viên của Tập đoàn Thiên Thanh chuyển khoản hoặc rút tiền mặt với số tiền 4.700 tỉ đồng để trả nợ cho các nhóm vay. Số tiền 1.465 tỉ đồng còn lại, Phạm Công Danh khai chi chăm sóc khách hàng nhưng không giải trình được cụ thể đã gây thiệt hại cho VNCB.
NHNN Việt Nam đã đưa 13 lô đất tại Sân vận động Chi Lăng và lô đất tại 209 Trường Chinh (TP Đà Nẵng) để thẩm định, xác định các lô đất thế chấp nêu trên có tổng giá trị hơn 2.604 tỉ đồng. Sau khi trừ phần thu được từ giá trị của tài sản thế chấp, VNCB không thể thu hồi được số tiền hơn 2.095 tỉ đồng bị thất thoát.
Hành vi nêu trên của Phạm Công Danh và các đồng phạm đã "Vi phạm quy định về cho vay trong hoạt động của các tổ chức tín dụng". Trong vụ án này, Phạm Công Danh là người chỉ đạo, tổ chức thực hiện tội phạm và những người tích cực, giúp sức đắc lực cho Phạm Công Danh là Mai, Khương, Viễn, Quyết và Tùng.
Theo Năng Lượng Mới
Đại án 9.000 tỷ: Cáo trạng nhắc nữ doanh nhân nổi tiếng Với cáo buộc cố ý làm trái, Phạm Công Danh và các đồng phạm bị cho là đã gây thiệt hại 7.037 tỷ đồng. Trong đó, ông chủ tập đoàn Thiên Thanh đã chỉ đạo cấp dưới rút 5.190 tỷ đồng từ tài khoản của bà T.N.B tại ngân hàng Xây dựng. Liên quan đến số tiền này, bà T.N.B - một nữ...