Mẹ con, vợ chồng không biết ngày gặp lại vì lệnh cách ly
“ Công việc hay gia đình?”, những người làm việc tại Hong Kong và sinh sống ở Trung Quốc đại lục rơi vào tình cảnh tiến thoái lưỡng nan khi đặc khu này áp đặt lệnh cách ly.
Zing.vn trích dịch bài đăng trên Channel News Asia, về câu chuyện những người dân ở Hong Kong và Trung Quốc đại lục rơi vào tình cảnh bị chia cắt với gia đình do chính quyền Hong Kong áp lệnh cách ly.
Chờ đợi tại một trạm xe buýt ngăn cách giữa Hong Kong và Trung Quốc đại lục, Billy Yiu chuẩn bị nói lời tạm biệt với vợ và con nhỏ. Trong thâm tâm, anh không chắc bao giờ mới có thể gặp lại hai mẹ con.
Làm việc tại Hong Kong và sinh sống tại Thâm Quyến, Billy di chuyển giữa hai thành phố mỗi ngày. Giá thuê nhà tại Thâm Quyến rẻ hơn rất nhiều so với Hong Kong.
Nhưng đó là trước khi dịch viêm phổi do virus corona gây ra bùng phát tại Vũ Hán và lan rộng ra khắp Trung Quốc.
Lệnh cách ly 14 ngày với du khách đến từ đại lục khiến nhiều người dân sinh sống, di chuyển giữa Hong Kong và các thành phố khác rơi tình thế tiến thoái lưỡng nan. Ảnh: AFP.
Từ 0h ngày 8/2, chính quyền tại đặc khu Hong Kong áp đặt lệnh cách ly 14 ngày với du khách đến từ đại lục, trong nỗ lực ngăn chặn virus lây lan.
Theo lệnh mới ban bố, bất cứ ai từ Trung Quốc đại lục vào Hong Kong đều bị cách ly bắt buộc trong 14 ngày tại nơi cư trú. Bất kỳ ai vi phạm sẽ phải chịu khoản tiền phạt 25.000 HKD ( khoảng 3.200 USD) và 6 tháng tù giam.
Vì vậy, ngày 7/2, Billy về Thâm Quyến, gặp mặt vợ con lần cuối trước khi trở về Hong Kong. Khoảng thời gian sắp tới, anh sẽ sống cùng bố mẹ đẻ.
“Tôi không biết điều này sẽ kéo dài bao lâu nhưng chúng ta còn có thể làm gì khác?”, người đàn ông cho biết.
Video đang HOT
Vợ của Billy chọn ở lại Thâm Quyến cùng với người con của cả hai. “Điều đó không dễ dàng với cô ấy. Nhưng chúng tôi có người giúp việc và vẫn liên lạc được với nhau qua video call”, anh nói.
Lệnh cách ly khiến nhiều gia đình rơi vào cảnh chia cắt, các thành viên ở các nơi khác nhau và tạm thời chưa thể gặp mặt. Ảnh: SCMP.
Giống với Billy, hàng chục nghìn người cũng đang lâm vào hoàn cảnh khó khăn tương tự khi Hong Kong ra lệnh cách ly.
Theo ước tính, khoảng 660.000 người di chuyển từ đại lục vào Hong Kong mỗi ngày, trong đó 17% là người Hong Kong nhưng sinh sống tại các thành phố gần đấy.
William Tang (61 tuổi) làm việc trong ngành tài chính của Hong Kong và sống ở Thâm Quyến. Trước đó, ông từng bàn bạc với cấp trên về cách sắp xếp đi làm hoặc có thể có một kỳ nghỉ dài trong tình thế này.
“Nếu không đi đến thống nhất, tôi buộc phải nghĩ đến trường hợp xấu nhất là mất việc”, ông nói.
Lam Ho, 29 tuổi, là nhân viên văn phòng tại Hong Kong nhưng cư trú tại Thâm Quyến. Sau khi chính quyền đặc khu công bố lệnh mới, cấp trên của anh đã yêu cầu anh nghỉ không lương trong thời gian tới.
“Tôi chỉ là một người bình thường. Cấp trên của tôi thông báo cho tôi về quyết định của ông ta và tôi chẳng thể làm gì khác được”, Lam nói.
Hàng chục nghìn người xếp hàng vào Hong Kong từ cảng vịnh Thâm Quyến vào tối 7/2. Ảnh: SCMP.
Sam Yau, học sinh cấp hai di chuyển vào Hong Kong cùng với mẹ và anh trai.
“Em và anh trai học trường tại Hong Kong nên gia đình phải thuê khách sạn để sống cho đến khi tìm được căn hộ cho thuê”, Yau cho biết.
Người mẹ chỉ tiễn hai con trai đến nơi an toàn và quay về Thâm Quyến sau đó. Người cha sẽ đảm nhận nhiệm vụ chăm sóc con cái trong thời gian tới.
“Em đã bắt đầu thấy nhớ mẹ”, Yau thở dài.
Nhiều tòa nhà chọc trời ở Thâm Quyến, thành phố bên cạnh Hong Kong, được thắp sáng với các khẩu hiệu cổ vũ người dân.
“Cuộc sống và sức khỏe của mọi người là trên hết”, “Người quyết tâm chiến thắng trong cuộc chiến chống lại dịch bệnh”, các khẩu hiệu viết.
Về phía Billy, bản thân anh nhận định quyết định của chính quyền là cần thiết. “Người dân đi lại khó khăn, nhiều gia đình bị chia cắt nhưng tại thời điểm này, chúng ta vẫn chưa tìm ra cách nào khác để ngăn chặn virus”, anh nói.
Theo Zing
Vũ Hán bị cách ly khiến nội bất xuất ngoại bất nhập, hai mẹ con bị chia cắt ở 2 đất nước không rõ ngày nào được đoàn tụ
Người mẹ bất lực phải để con gái 9 tuổi ở lại giữa "ổ dịch" Vũ Hán vì không tìm được cách giúp con rời đi.
Selina, một công dân Úc nhập tịch, đã đưa con gái Theresa của mình về thăm ông bà ở Vũ Hán vào dịp Giáng sinh năm ngoái. Đầu tháng 1, do công việc nên Selina đã trở về Úc một mình và để con gái ở lại Vũ Hán với ông bà.
Ngay sau đó, đại dịch viêm phổi do virus corona gây ra bùng phát tại Vũ Hán đã khiến thành phố này bị phong tỏa, nội bất xuất ngoại bất nhập. Việc đưa con gái Theresa trở lại Úc là một việc khó khăn khiến cho hai mẹ con bị chia cắt và không biết đến ngày nào mới được gặp lại.
Cuối tháng 1 vừa rồi, Chính phủ Úc đã bắt đầu lệnh sơ tán công dân tại Vũ Hán, tuy nhiên, Theresa không được phép lên máy bay vì cô bé không có người giám hộ hợp pháp. Ông bà của Theresa không được lên máy bay sơ tán vì chuyến bay này chỉ phục vụ công dân Úc và vợ chồng, con cái họ.
Selina nói với SCMP rằng: "Làm thế nào mà họ lại có thể cô lập một đứa trẻ. Không phải điều đầu tiên quan trọng nhất là để một đứa trẻ được rời khỏi khu vực này hay sao?"
Người mẹ sau đó đã gọi 4 lần tới Dịch vụ Lãnh sự của Bộ Ngoại giao và thương mại và 2 lần tới Bộ phận kiểm soát biên giới của Úc nhưng chỉ nhận được câu trả lời rằng: "Chúng tôi không thể làm được gì."
Selina sau đó đã gửi đơn để xin được bay từ Úc sang Vũ Hán đón con nhưng bị từ chối dù cô đã đề nghị trả tiền cho chuyến bay. Selina nói: "Tôi nói với họ rằng tôi chỉ ngồi trong máy bay chờ con gái tôi lên, tôi sẽ không rời khỏi máy bay nhưng họ đều từ chối. Họ nói họ không được trang bị cơ sở y tế cho tôi hoặc cho tình huống này."
Chuyến bay cuối cùng đã rời Vũ Hán vào sáng thứ Hai vừa qua và bay đến căn cứ RAAF Learmonth của Exmouth, Tây Úc với 241 hành khách. Những người này được chuyển đến Đảo Giáng sinh để cách ly trong 2 tuần. Có 600 người Úc đã đăng kí ở lại tỉnh Hồ Bắc.
Selina cho biết cô thậm chí sẵn sàng ở trên đảo cách ly cùng với con gái mình nếu cô bé được ra khỏi Vũ Hán. Cô nói: "Tôi không biết khi nào thì con bé mới được trở về. Con bé cần được đi học, cần được chăm sóc và bảo vệ."
Một chuyên gia tư vấn đường dây nóng của Smartraveller đã nói với Selina hôm thứ Ba vừa qua rằng hãy đợi cho đến khi chính phủ Trung Quốc gỡ bỏ lệnh phong tỏa Vũ Hán.
Theo SCMP/nhipsongviet
Bệnh nhân nhiễm virus corona cảm ơn bác sĩ khi xuất viện Kết thúc hành trình chống chọi với dịch viêm phổi cấp do virus corona gây ra, người bệnh vui vẻ cảm ơn đội ngũ nhân viên y tế đã chăm sóc họ trong quá trình cách ly, điều trị. Ngày 4/2, bệnh nhân vẫy tay tạm biệt nhân viên y tế trước khi rời khỏi Bệnh viện Đường Đỗ thuộc Đại học Quân...