Mẹ côi nuôi con ‘người gỗ’
“Người gỗ” tưởng chừng chỉ trong chuyện cổ tích Pinocchio nước Ý, thế nhưng ngay tại Long An cũng có một “người gỗ” đang cố gắng sống từng ngày với căn bệnh nan y.
Mẹ anh Tú phải dùng khăn thấm nước lau người cho con trong những ngày nắng nóng
Trưa đầu tháng 5, tôi đến ngôi nhà nhỏ ở ấp 4 (xã Mỹ Thạnh Bắc, huyện Đức Huệ, Long An). Trời gần 40 OC, nhà xập xệ, hầm hập nóng. Nơi anh Nguyễn Văn Tú, 39 tuổi, chàng trai được dân địa phương gọi “người gỗ” đang sống mòn.
Nhiều lúc tui thấy con cháu người ta chạy nhảy, quấn quýt bên cha mẹ, còn con mình nằm như khúc gỗ mà tui chảy nước mắt. Tui chỉ lo nếu tui chết trước thì không biết ai lo cho nó bây giờ.Bà Nguyễn Thị Rạch
Vì con, không thể gục ngã
Gặp người lạ, anh Tú chỉ ú ớ không thành tiếng, bà Nguyễn Thị Rạch, mẹ anh, vội nói thay: “Mẹ con sống cùng nhau mấy chục năm nay, ngoài tui ra nó không nói chuyện với ai. Tối ngày nó chỉ nằm đơ như khúc gỗ, không đi lại được nên thấy người lạ nó sợ, không dám nói đâu”.
Căn phòng ọp ẹp, không khí nóng khiến mồ hôi tôi chảy ướt cả áo, nhưng có lẽ anh Tú không cảm nhận được điều đó, vì những cơn đau đang hành hạ trên thân xác mới là thứ khiến anh khổ sở nhất lúc này.
Mấy chục năm qua, việc sinh hoạt hằng ngày của “người gỗ” này đều do một tay bà mẹ nay đã 63 tuổi hỗ trợ. Nhìn bà đỡ anh Tú dậy, tiếng khớp xương va vào giường cộc cộc chẳng khác nào đang đỡ khúc gỗ.
Toàn bộ cơ thể anh Tú không thể xoay chuyển linh hoạt, những nơi có khớp xương như tay, chân, cổ… đều cứng đơ và mong manh vô cùng như chỉ cần bị một tác động hơi mạnh sẽ gãy ngay lập tức.
Vài năm trước, trong một lần đi làm cỏ mướn, bà Rạch để anh ở nhà một mình. Khi đó, “người gỗ” vẫn có thể nhúc nhích đi để tìm mẹ, nhưng những bước chân yếu ớt khiến anh vấp vào ụ đất ngã xuống ruộng trước nhà. Rất may, anh được người hàng xóm phát hiện, đưa vào nhà, nhưng sau cú ngã đó cánh tay vốn rất yếu ớt của anh Tú đã bị gãy.
“Nó giấu đau, không chịu nói với người ta. Khi tui đi làm về, nó mới kêu đưa đi bệnh viện, tới nơi thì bác sĩ bảo là nó đã gãy tay”, mẹ anh nhớ lại.
Sau thời gian bó bột không lành, bác sĩ bắt vít vào cánh tay gãy của anh để cố định. Cho tới nay, cánh tay của người đàn ông bị hành hạ vì bệnh tật vẫn đang mang một nẹp vít bằng kim loại.
Trước mặt tôi, thân hình “người gỗ” chỉ có da bọc xương. Bàn chân teo tóp vì bệnh tật, thẳng tắp như một cây sào khiến anh chỉ tiếp đất bằng các đầu ngón chân, vì thế cũng không tự đứng được.
Cái gật đầu cùng nụ cười có phần gượng gạo là điều mà tôi nhận được khi hỏi anh có muốn ra ngoài chơi không. Không nhiều, chừng đó là đủ để chứng minh sức sống và hy vọng hết bệnh của “người gỗ” 39 tuổi vẫn còn tiềm ẩn đâu đó trong anh.
Việc chăm sóc người con bệnh tật có lẽ cũng khiến trái tim bà mẹ quên đi hạnh phúc của riêng mình dù đã chia tay chồng từ năm mới 24 tuổi. Một tay đỡ đần, gánh vác mọi thứ khi đang còn ở độ tuổi đôi mươi cho tới già, nhưng chưa bao giờ bà than vãn vì sợ con buồn. Mỗi ngày bà chăm sóc và theo sát anh trong từng bữa ăn, giấc ngủ và cả việc vệ sinh cá nhân.
Mỗi lần bệnh, bà đều cố gắng gượng dậy để còn nấu cơm và chăm sóc người con. Có lần rối loạn tiền đình phải nhập viện, bà chỉ dám xin bác sĩ ở lại đúng một ngày để kịp về lo cho con. Tình thương của người mẹ khiến bà hiểu mình không thể gục ngã, vì con không thể thiếu bà.
Mọi sinh hoạt của anh Tú đều cần bàn tay yêu thương của người mẹ già 63 tuổi – Ảnh: AN VI
Hành trình chữa bệnh gian nan
Căn bệnh quái ác đang đeo bám anh Tú đã nhen nhóm “ tấn công” từ khi anh mới lên 7, bắt đầu là những cơn sốt nhẹ, dần dần trầm trọng hơn.
Ngày ấy, anh đang học lớp 2, sau nhiều lần sốt nặng và lên những cơn co giật trong lớp, thầy cô đã phải khuyên bà Rạch nên cho con nghỉ học vì không an toàn. “Có lẽ người ta sợ nó chết trong lớp, tui cũng không biết làm gì hơn ngoài việc đưa con về”. Câu con ngây thơ hỏi: “ Sao mẹ bắt con nghỉ học?”, đến tận hôm nay vẫn ám ảnh người mẹ già khắc khổ.
Thương con như đứt ruột, người mẹ đơn thân bắt đầu hành trình đưa con đi chạy chữa. Tại Bệnh viện Đa khoa Long An, bác sĩ chẩn đoán anh Tú mắc bệnh bướu xương và phải tiến hành phẫu thuật. Nhưng vì kinh phí tốn kém, bà lại nghèo quá, không đủ khả năng nên quyết định đưa anh về nhà.
Từ thời điểm đó, bà vẫn đều đặn đi bốc thuốc nam cho con uống với hy vọng bệnh tình sẽ thuyên giảm. “Ai chỉ gì là tui đi tìm cho nó uống, mình không có tiền, mình chỉ còn biết mong cứu được con bằng cách này”, bà thở dài tâm sự.
Ngoài bướu xương, anh Tú còn bị nhiều bệnh khác hành hạ với những cơn đau từ xương tủy. Bởi vậy, ngay trên đầu giường con, thuốc giảm đau được bà chuẩn bị rất nhiều.
Bao lần, bà mong muốn đưa con trai đến các bệnh viện lớn tại TP.HCM để tìm thêm hy vọng. Nhưng một phần vì không có tiền, phần nữa là càng ngày việc di chuyển của anh Tú càng trở nên khó khăn nên bà vẫn chưa thể thực hiện được.
Anh Nguyễn Bá Tùng, hàng xóm của bà Rạch, cũng bày tỏ mong muốn đưa Tú đi chữa bệnh nhưng bản thân anh cũng đành bất lực. “Tìm xe chở Tú đi rất khó, tại cả người nó cứng đơ như người gỗ, để lên xe hơi thì người ta không đóng cửa được nên không ai dám nhận.
Nhiều người cũng sợ bệnh của Tú lây nên thường xa lánh. Tui cũng muốn giúp lắm mà giờ chẳng biết giúp như thế nào, nhất là về vấn đề chi phí chữa bệnh, hai mẹ con không thể đủ trang trải nếu lên TP.HCM điều trị”, anh Tùng bộc bạch.
Bà Rạch trải lòng nhiều lúc con than thở đã mệt mỏi với căn bệnh quái ác. Các cơn đau hành hạ anh hơn 30 năm qua. Và những lúc đó, người mẹ chỉ biết nắm chặt lấy tay con mà ước gì san sẻ được nỗi đau cho mình…
“Người gỗ” bệnh gì?
TS Đặng Huy Quốc Thịnh – phó giám đốc Bệnh viện Ung bướu TP.HCM – cho biết bướu xương có tên y học là bệnh u xương hay còn gọi là ung thư xương nguyên phát. Bướu xương là kết quả của quá trình tăng sinh tế bào không kiểm soát tại xương.
Nhiều trường hợp, bệnh nhân còn mắc phải bướu xương do di căn từ ung thư khác. Đến nay, nguyên nhân nguyên phát của bướu xương vẫn chưa được xác định chính xác. Nhưng giả thuyết được đưa ra là do bị nhiễm độc từ môi trường hoặc đột biến gene sẵn có.
Những khối u bướu hành hạ anh Tú suốt nhiều năm
Bướu xương không phải là bệnh hiếm gặp, nhưng cũng không quá phổ biến. Bệnh cũng không nằm trong 10 loại ung thư phổ biến trên thế giới. Trung bình, mỗi năm Bệnh viện Ung bướu TP.HCM tiếp nhận khoảng 100 trường hợp mắc bướu xương và lứa tuổi có xác suất mắc bệnh cao nhất là ở thanh thiếu niên.
Những trường hợp mắc phải bướu xương khiến việc di chuyển khó khăn như anh Tú cũng thường bắt gặp. Đối với các bệnh nhân bị bướu, hay bị ung thư xương do di căn ở vị trí xương cột sống và xương đùi sẽ khiến cơ thể rất khó khăn trong di chuyển.
Tuy nhiên, để xác định chính xác nguyên nhân cứng toàn thân của anh Tú thì cần phải có quá trình kiểm tra lâm sàng và chẩn đoán bằng hình ảnh, cuối cùng là tiến hành xét nghiệm sinh thiết để thử xem đó có phải tế bào ung thư xuất phát từ xương hay không.
“Trong trường hợp anh Tú bị bướu xương nhưng đã phát bệnh từ lúc còn nhỏ thì rất có thể đây là bướu lành tính. Vì thông thường, những người mắc bướu xương hay ung thư xương ác tính nếu không điều trị sớm sẽ mất chức năng chi, trong vòng vài năm sẽ di căn gây nguy hiểm tính mạng.
Tuy nhiên, bướu xương lành tính vẫn tiến triển ở mức độ chậm, vì vậy anh Tú cần phải tiếp tục đi khám để điều trị kịp thời”, bác sĩ Thịnh cho biết thêm.
Mẹ già quặn lòng bên mộ 2 con bị đá vùi lấp, gạt nước mắt cảm ơn anh bộ đội
Sạt lở nghĩa trang Hòa Sơn (TP.Đà Nẵng) chôn vùi nhiều phần mộ khiến nhiều người thân đau xót vì người đã khuất vẫn chưa "yên nghỉ".
Có bà mẹ già đứng bên mộ 2 con cảm ơn các chiến sĩ bộ đội đã trợ giúp. "Không có bộ đội thì gia đình không biết làm sao...".
Mẹ già đau lòng nhìn cảnh "đào đất để tìm con"
Trận mưa lũ lịch sử tại TP.Đà Nẵng hôm 14.10 đã khiến khối lượng đất đá khổng lồ sạt lở vùi lấp nhiều phần mộ ở nghĩa trang Hòa Sơn (H.Hòa Vang). Người thân quặn lòng thắp hương tứ phía, sau nhiều ngày tìm kiếm phần mộ trong vô vọng. Và rồi, sự xuất hiện của các chiến sĩ bộ đội khiến họ thêm vững tâm.
Mẹ già 84 tuổi đau thắt lòng đến bên mộ 2 con bị sạt lở: "ăn ngủ không được"
Ngày 21.10, giữa cái nắng gay gắt sau nhiều ngày mưa dầm ở nghĩa trang, hàng trăm chiến sĩ bộ đội đã cần mẫn dời đất đá tìm kiếm những phần mộ bị đất đá sau khi chính quyền Đà Nẵng lên phương án khắc phục hậu quả.
Hàng trăm chiến sĩ bộ đội tham gia đào bới đất đá tìm kiếm những phần mộ bị đất đá vùi lấp. Ảnh HUY ĐẠT
Hiện trường sạt lở tại nghĩa trang Hòa Sơn (xã Hòa Sơn, H.Hòa Vang) chôn vùi hàng trăm ngôi mộ khiến nhiều người đau xót. Ảnh HUY ĐẠT
Bộ đội dùng tay vận chuyển đất đá "cứu" lấy những ngôi mộ bị đất đá vùi lấp sau trận sạt lở kinh hoàng . Ảnh HUY ĐẠT
Thẫn thờ đứng nhìn hố sâu vừa xuất lộ 2 nóc nấm mồ, cụ bà Nguyễn Thị Cúc (84 tuổi, trú P.Hòa Minh, Q.Liên Chiểu, TP.Đà Nẵng) quặn lòng kể đất đá chôn vùi, gây xáo trộn mộ phần 2 con trai của bà, trong đó người con thứ 2 vừa mất chưa được 1 năm.
"Chưa đêm nào tôi yên giấc, nghe tin sạt lở lấp mộ 2 con trai mà lòng đau xót vô cùng. Cứ tưởng các con mất đi đã là nỗi đau lớn nhất rồi, vậy mà bây giờ phải chứng kiến cảnh đào đất để tìm con...", bà Cúc nước mắt lăn dài.
Chỉnh chiếc nón lá cũ bạc màu, bà mẹ già 84 tuổi hướng mắt về các chiến sĩ bộ đội đang hô lớn "1,2,3... cố lên!" để di dời một tảng đá lớn và luôn miệng nói lời cảm ơn. Bà dặn người con dâu cũng đang cầm xẻng đào đất, cố lật lại nắp mộ bằng đá: "Con mua thêm nước cho các cháu bộ đội uống. Ông trời làm khổ cả người sống và người đã chết".
Bà Nguyễn Thị Cúc (84 tuổi, trú P.Hòa Minh, Q.Liên Chiểu, TP.Đà Nẵng) thẫn thờ bên phần mộ 2 con trai bị đất đá vùi lấp . Ảnh HUY ĐẠT
Tâm sự với PV Thanh Niên, bà Cúc kể nhiều ngày qua cả gia đình cứ bứt rứt, vì thương cảnh mộ phần người thân đang ngập sâu trong đất đá. Ngay khi xảy ra sạt lở, đứa cháu nội vội vã đi tìm mộ cha và chú trong ngổn ngang đất đá và đã khụy xuống khóc vì bất lực.
"Con cháu bỏ công việc để lên đào đất, bưng đá tìm mộ nhưng không thể làm gì được với khối lượng đất đá khủng khiếp như vậy. Rất may, chính quyền địa phương đã đưa bộ đội vào giúp. Các chú ấy rất nhiệt tình, gia đình được an ủi rất nhiều. Chỉ mong đào lộ ra mộ của tất cả, để người đã khuất được yên nghỉ", bà Cúc nói.
Bộ đội cùng người thân nỗ lực "cứu" lấy mộ phần 2 người con trai của cụ bà Nguyễn Thị Cúc . Ảnh HUY ĐẠT
Bộ đội nhẹ tay bới đất
Mẹ già 84 tuổi đau thắt lòng đến bên mộ 2 con bị sạt lở: "ăn ngủ không được"
Vượt đường xa hơn 20km, anh Trần Văn Hoài (trú Q.Hải Châu, TP.Đà Nẵng) cho biết được sự phân công của Công ty cơ khí ô tô và thiết bị điện Đà Nẵng (đóng tại số 149 Trần Phú), những ngày này anh có mặt thật sớm tại nghĩa trang để hỗ trợ khắc phục hậu quả sạt lở cho 40 ngôi mộ vô danh.
Dùng dụng cụ thô sơ và sức người để giải phóng đất đá, tìm kiếm mộ phần. Ảnh HUY ĐẠT
Các chiến sĩ trẻ xếp hàng dời đá đến bãi tập kết để tìm các phần mộ bị chôn vùi. Ảnh HUY ĐẠT
Theo anh Hoài, đây là những ngôi mộ trong khuôn viên công ty được di dời lên nghĩa trang từ nhiều năm trước.
"Khi có chủ trương di dời mộ vô danh trong khuôn viên công ty, hằng năm nhân viên công ty đều đến nghĩa trang để dâng hương. Bây giờ, sạt lở vùi lấp hơn 10 phần mộ, ai nấy đều đau xót. Thấy bộ đội đào bới nhẹ nhàng, tìm kiếm tỉ mỉ để sửa lại phần mộ người đã khuất, tôi cũng yên lòng", anh Hoài nói.
Bộ đội dùng tay nhẹ nhàng bới đất tìm mộ phần, hài cốt trong ngổn ngang đất đá. Ảnh HUY ĐẠT
Người thân đau xót thắp hương tứ phía cầu nguyện cho linh hồn người đã khuất. ẢnhHUY ĐẠT
Theo thông tin từ Bộ Tư lệnh Quân khu 5, từ chiều qua 20.10, Sư đoàn 315 triển khai lực lượng, phương tiện, cơ động giúp nhân dân khắc phục sạt lở tại nghĩa trang Hòa Sơn.
Ghi nhận vào ngày 21.10, đã có hơn 600 cán bộ, chiến sĩ Sư đoàn 315 nỗ lực thu dọn, vận chuyển đất đá, cây cối gãy đổ tại hiện trường, từng bước khắc phục hiện trường sạt lở. Bên cạnh đó, xe cơ giới cũng được huy động để dọn đất đá đổ lấp đường nhựa tại các khu vực, thông tuyến để vận chuyển đất đá đi nơi khác.
Tại đây, các chiến sĩ bộ đội đã dùng dụng cụ thô sơ, bới đất bằng tay để xác định các khu vực mộ bị vùi lấp, tìm kiếm hài cốt bị nước lũ cuốn trôi.
Nhẹ nhàng dùng tay bới đất sau khi đã dời nhiều tảng đá lớn đè lên một mộ phần vô danh, binh nhì Võ Quốc Vỹ (Tiểu đoàn 1, Trung đoàn bộ binh 971) cho biết người thân của Vỹ cũng được yên nghỉ ở nghĩa trang Hòa Sơn, vì vậy khi hay tin sạt lở xảy ra tại đây thì anh rất thương xót.
Binh nhì Võ Quốc Vỹ cùng hàng trăm chiến sĩ đội nắng đào bới, di dời đất đá tại hiện trường sạt lở. Ảnh HUY ĐẠT
Theo lời Vỹ, các chiến sĩ được chỉ huy yêu cầu vận chuyển đá bằng tay, sử dụng những dụng cụ thô sơ để đào bới, tìm kiếm những mộ phần bị vùi lấp.
"Các đồng đội tôi cũng dặn nhau rằng phải nhẹ nhàng trong mỗi bước đi, vì biết đâu bên dưới ngổn ngang đất đá là hài cốt của những người đã khuất. Chúng tôi với tinh thần vì nhân dân sẽ nỗ lực hết sức để khắc phục hậu quả sạt lở đầy thương tâm này", binh nhì Võ Quốc Vỹ nói.
Như Thanh Niên đã thông tin, sau trận mưa lớn lịch sử vào đêm 14.10 đã gây sạt lở tại nghĩa trang Hòa Sơn (H.Hòa Vang, TP.Đà Nẵng), một khối lượng đất đá khổng lồ đã đổ xuống vùi lấp nhiều ngôi mộ. Nhiều thân nhân đã đến tìm kiếm phần mộ trong vô vọng.
Theo báo cáo của Sở Xây dựng TP.Đà Nẵng, sau trận mưa lớn kèm theo lũ quét vào ngày 14.10, tại nghĩa trang Hòa Sơn đã xuất hiện 6 điểm sạt lở, ước tính hơn 15.700 m 3 đất đá phủ lấp diện tích khoảng hơn 2,2 ha, ảnh hưởng đến 610 ngôi mộ. Trong đó, có mộ bị vùi lấp, có mộ bị cuốn trôi chưa xác định được dấu tích.
Vì vậy, nhiều người dân mong muốn được chính quyền hỗ trợ, đưa lực lượng quân đội đến giúp người dân tìm kiếm phần mộ của người thân bị đất đá sạt lở vùi lấp sau trận lũ lịch sử. Đến nay, lực lượng quân đội đã vào cuộc.
Hạnh phúc của người vợ ung thư, mù 2 mắt: Tôi bảo anh lấy vợ khác nhưng anh không chịu Từ ngày mù hai mắt vì ung thư vòm mũi, di căn mắt, vòm họng, chị Đỗ Thị Thương (32 tuổi) không hề suy sụp bởi "ánh sáng" từ người chồng khi anh chăm vợ, chăm 3 con và cả cha mẹ già, anh trai bệnh tật nhưng chưa một lần than phiền. Nhìn nghị lực của vợ, tôi có thêm sức mạnh...