“Mẹ chồng” vs. “Cô Ba Sài Gòn”: Những điểm giống và khác của hai “bom tấn” cuối năm
Hai “ bom tấn” Việt được trông chờ cuối năm nay vô tình lại có nhiều điểm chung về cách khai thác nhân vật, trang phục và bối cảnh. “Mẹ chồng” và “Cô Ba Sài Gòn” có những điểm giống và khác nhau nào?
Mẹ Chồng và Cô Ba Sài Gòn, hai trong những bộ phim “bom tấn” được trông chờ nhất của điện ảnh Việt cuối năm nay. Cả hai phim đều xoay quanh các biến cố của những người phụ nữ thế kỉ trước với những điểm tương đồng và khác biệt đáng kể trong cuộc đời của họ. Giữa hai bộ phim này có những điểm giống mà cũng khác nhau đến tương phản.
Cuộc đời những người phụ nữ và trang phục truyền thống
Đây chính là điểm chung lớn nhất trong Mẹ chồng và Cô Ba Sài Gòn. Ngay từ những trailer và poster đầu tiên, khán giả đã được mãn nhãn bởi dàn trang phục đậm chất truyền thống từ áo dài đến áo bà ba được thiết kế bởi những nhà thiết kế hàng đầu Việt Nam hiện nay.
Áo dài được tôn vinh một cách tối đa trong Cô Ba Sài Gòn
Áo bà ba là trang phục chủ đạo trong Mẹ Chồng
Những người phụ nữ và cuộc đời của họ cũng là tâm điểm của cả hai bộ phim. Ở Mẹ chồng, sự hiện hữu thấp thoáng của những người đàn ông chỉ có tác dụng là cầu nối giữa mẹ chồng và nàng dâu, họ hoặc là những kẻ ngô nghê, hoặc không có tiếng nói hay ảnh hưởng quá nhiều tới những biến cố trong phim.
Với Cô Ba Sài Gòn, xuyên suốt bộ phim hầu như hoàn toàn là hình ảnh của những người phụ nữ, thậm chí Ngô Thanh Vân còn thông qua nó để nói về vấn đề nữ quyền trong xã hội hiện đại. Phụ nữ không chỉ đại diện cho Sài Gòn những năm 1960 mà còn là người gìn giữ những truyền thống, giá trị tốt đẹp của gia đình và dân tộc.
Dàn diễn viên trong Cô Ba Sài Gòn và bộ ảnh về nữ quyền
Bối cảnh phim mang tính hoài cổ
Cả hai bộ phim đều xoay quanh cuộc sống của những người phụ nữ Nam Bộ thế kỉ trước. Tuy nhiên nếu Cô Ba Sài Gòn có đề cập bối cảnh cụ thể là Sài Gòn những năm 1960 thì ở Mẹ chồng, đạo diễn Lý Minh Thắng lại quyết định lựa chọn một bối cảnh giả tưởng mang tên Đại Điền để tiện cho việc thể hiện những góc nhìn mới mẻ cũng như thêm thắt những yếu tố cần thiết vào phim.
Bối cảnh phim Mẹ chồng được khẳng định là mốc thời gian không xác định, ở một nơi không có thật nhưng được xây dựng theo hơi hướm Nam Bộ thời xưa
Mô tuýp nhân vật
Ở Cô Ba Sài Gòn, những người phụ nữ thể hiện được sự mạnh mẽ của tinh thần nữ quyền, là đại diện cho vẻ thanh lịch, tính truyền thống và nét đẹp của người phụ nữ Sài Gòn những năm 1960.
Trong phim, Ngô Thanh Vân vào vai Thanh Mai, truyền nhân thứ 9 của nhà may Thanh Nữ cũng là người đóng vai trò giữ lửa, truyền lửa đam mê với áo dài cho những thế hệ tiếp theo. Thanh Mai chính là đại diện hoàn hảo nhất cho nét thanh lịch, vẻ đẹp truyền thống của phụ nữ Việt Nam xưa. Trong khi đó, Như Ý – con gái của Thanh Mai do Ninh Dương Lan Ngọc thủ vai lại khiến cho nét đẹp ấy đứng trước nguy cơ biến tướng bởi sự du nhập của những nền văn hóa mới.
Video đang HOT
Thanh Mai (Ngô Thanh Vân) – đại diện tiêu biểu cho nét đẹp của phụ nữ Sài Gòn xưa
Trái lại, ở Mẹ chồng, những người phụ nữ lại chịu ảnh hưởng sâu sắc của nền giáo dục Nho giáo đến độ nữ quyền gần như bị hạn chế tới mức tối đa.
Ba Trân chịu đựng sự hà khắc từ mẹ chồng
Sự kìm hãm, sự hà khắc của truyền thống gia đình, những giáo điều tồn tại trong xã hội đẩy người phụ nữ vào những vòng tròn bị kịch luẩn quẩn và đánh mất chính bản thân mình.
Sự ảnh hưởng của chất “truyền thống” trong hai phim
Trong Cô Ba Sài Gòn, những người phụ nữ bị ảnh hưởng bởi truyền thống của gia đình và dân tộc – may và gìn giữ tà áo dài. Cho đến truyền nhân thứ 9, truyền thống ấy vẫn được gìn giữ đúng nguyên mẫu và phát huy một cách tối đa.
Thanh Mai và Như Ý – những truyền nhân của tiệm may Thanh Nữ
Bối cảnh của phim thuộc những năm 1960 – thời thịnh hành nhất của áo dài Việt Nam và cũng là thời đại của sự du nhập những nền văn hóa mới. Chính bởi điều này, tính truyền thống ít nhiều bị “tấn công” bởi sự cách tân, nguyên nhân của những xung đột về tư tưởng và văn hoá. Rõ ràng, mâu thuẫn giữa hai mẹ con Thanh Mai và Như Ý đều xoay quanh chuyện gìn giữ tà áo dân tộc.
Trong Mẹ chồng, tính truyền thống chính là sự ảnh hưởng của nền giáo dục Nho giáo, sự áp đặt đối với người phụ nữ trong mỗi gia đình. Khác với Cô Ba Sài Gòn, truyền thống gia đình trong Mẹ chồng bị hiểu theo chiều hướng tiêu cực khi nó trực tiếp hủy hoại con người Ba Trân ( Thanh Hằng thủ vai) dẫn đến những hệ lụy sau này.
Từ một người con dâu phải chịu đựng sự khắt khe, kìm hãm của mẹ chồng, Ba Trân áp đặt chính những gì mình từng nhận được lên các con dâu của mình. “Truyền thống” gia đình đã tự tay đẩy những người phụ nữ vào một vòng tròn bi kịch luẩn quẩn không lối thoát.
Sự khác và giống nhau trong yếu tố trang phục
Trang phục truyền thống được khai thác tối đa chính là điểm giống nhau nổi bật trong hai “bom tấn” của điện ảnh Việt cuối năm nay. Tuy nhiên, ở mỗi bộ phim, trang phục truyền thống lại được khai thác theo một cách riêng.
Ở Cô Ba Sài Gòn, ngay từ những trailer đầu tiên, người xem đã có thể hiểu vai trò chủ chốt của áo dài trong bộ phim. Nó không chỉ đơn thuần là phục trang mà còn đảm nhận một “vai diễn” trong phim. Áo dài có linh hồn, là tượng trưng cho người phụ nữ cùng Sài Gòn xưa, nó là căn nguyên của mọi mâu thuẫn, xung đột trong phim và cũng chính áo dài giúp cởi những nút thắt về sự khác biệt giữa các thế hệ.
Dàn diễn viên của Cô Ba Sài Gòn nổi bật cùng áo dài truyền thống
Áo dài trong Cô Ba Sài Gòn được giữ đúng với nguyên mẫu của những năm 1960 và được khai thác một cách triệt để, xuất hiện xuyên suốt từ đầu đến cuối bộ phim. Cốt lõi của phim không chỉ là hoài niệm xưa cũ mà còn dùng áo dài để lồng ghép những câu chuyện hiện tại, những vấn đề về truyền thống và sức mạnh của người phụ nữ.
Đối với Mẹ chồng, trang phục truyền thống cũng được khai thác một cách tối đa. Tuy nhiên từ áo dài đến áo bà ba đều được cải biến khá nhiều và hướng về áo bà ba nhiều hơn. Chính vì bộ phim được xây dựng trong một bối cảnh giả tưởng nên sự cách tân của trang phục truyền thống cũng được khán giả đón nhận với thái độ khá tích cực.
Thanh Hằng và Mi Du diện trang phục cách tân trong họp báo ra mắt Mẹ Chồng
Dĩ nhiên, sự cách tân này hoàn toàn nằm trong chủ ý của nhà sản xuất, mỗi trang phục đều có một câu chuyện riêng để phù hợp với thân phận, địa vị thậm chí là tính cách của mỗi nhân vật, chỉ trừ trang phục xuất hiện trong đám cưới là giữ khá đúng với nguyên mẫu những năm 1930 – 1945.
Trang phục của Ba Trân (Thanh Hằng) thường sẫm màu, toát lên vẻ sang trọng cùng những họa tiết hình con rắn đại diện cho sự mưu mô, quyền lực. Trong khi đó, áo bà ba của Tuyết Mai (Midu) lại mang tông màu sáng, thiết kế khá đơn giản nhưng đầy gợi cảm, mang hơi hướng của trang phục phương Tây đại diện cho lớp người trẻ trung, phóng khoáng nhưng không kém phần thông minh, sắc sảo và quyết liệt.
Nếu ở Cô Ba Sài Gòn, trang phục truyền thống đóng vai trò chủ chốt, đại diện cho cả một xã hội thì ở Mẹ chồng, trang phục truyền thống chỉ dừng lại ở mức giúp khắc họa rõ nét nhân vật hơn.
Mâu thuẫn và bi kịch
Cả hai phim đều xoay quanh những mâu thuẫn giữa các thế hệ trong gia đình nhưng xuất phát điểm của các mâu thuẫn lại khác nhau.
Với Cô Ba Sài Gòn, mâu thuẫn đến từ sự thay đổi của xã hội, tác động sâu sắc đến suy nghĩ của người trẻ khiến nhận thức về truyền thống gia đình của họ trở nên biến tướng. Bi kịch trong phim chỉ dừng lại ở mức những người trẻ khao khát được đổi mới, có thành kiến với giá trị xưa cũ. Dự đoán sẽ là một kết thúc đại đoàn viên khi nhân vật của Lan Ngọc nhận ra được giá trị truyền thống và hoà hợp với sự cách tân của thời đại.
Còn ở Mẹ chồng, mâu thuẫn xuất phát từ chính những thành kiến trong nội bộ gia đình và những gì mà bản thân mỗi người phụ nữ phải chịu đựng. Sự hiềm khích, đố kị lẫn những âm mưu kinh khủng liên quan đến quyền lợi, quyền lực cá nhân chính là những thứ sẽ khiến bi kịch xảy ra. Thế hệ này áp lên thế hệ sau, trở thành một vòng tròn luẩn quẩn thể hiện qua chính câu nói “Mẹ chồng nào cũng từng là nàng dâu”.
Với những điểm khác biệt và tương đồng như vậy lại có thời gian công chiếu khá gần nhau, liệu những người phụ nữ nào sẽ cùng câu chuyện của họ làm nên kỉ lục mới của điện ảnh Việt Nam cuối năm nay? Bạn mong chờ phim nào hơn?
Theo TTT
"Cô Ba Sài Gòn": Cơ hội hay thách thức của Ninh Dương Lan Ngọc?
Sau nhiều vai diễn không gây được ấn tượng suốt bấy lâu dù bản thân có thừa thực lực, liệu Lan Ngọc có ghi lại được ấn tượng cho bản thân với vai chính trong Cô Ba Sài Gòn hay không!?
Sau khi tung ra các teaser, Cô Ba Sài Gòn khiến khán giả hào hứng vì khai thác về trang phục truyền thống Việt Nam, những khó khăn và giá trị xung quanh nó mà lâu nay ít ai chịu làm. Nhưng ở góc nhìn về điện ảnh đơn thuần, thì vai diễn Như Ý của Lan Ngọc trong phim là một chủ đề đáng để tranh luận. Liệu rằng vai Như Ý - truyền nhân nhà may áo dài Thanh Nữ, con gái Thanh Mai (Ngô Thanh Vân) - có đủ sức lèo lái bộ phim khi mà liên tục trước đây Lan Ngọc phải thể hiện những vai nhạt nhòa, dù bản thân cô là người có năng lực.
Hiện tại, trong mắt của số đông, Lan Ngọc chỉ là một cái tên "nhẹ kí". Bởi mặc dù có xuất phát điểm rất tốt, nhưng Lan Ngọc lại chưa tìm được điểm bật cho sự nghiệp của mình trong suốt những năm vừa qua. Vai diễn chính đầu tiên mà Ngọc đảm nhận là Nương trong Cánh đồng bất tận. Và cũng từ đó, điện ảnh Việt Nam phát hiện ra một tài năng mới, người ta ưu ái gọi cô là "ngọc nữ" mới của làng điện ảnh.
Lan Ngọc có ngoại hình ưa nhìn, khuôn mặt phúc hậu, cộng với diễn xuất rất ngọt của vai Nương nên người ta "đóng khung" Ngọc với những vai chính diện hiền hậu. Điểm nhấn hay nhất trên gương mặt Ngọc chính là nụ cười. Trước cái kết đầy đau thương của Cánh đồng bất tận, nụ cười của Nương khiến trấn an được nhiều sự chua xót.
Lan Ngọc đã diễn tả một Nương đầy cảm xúc, với giọng kể buồn bã đi vào lòng người. Không cần quằn quại khóc lóc, đôi mắt thất thần của Lan Ngọc đã lột tả được nội tâm giằng xé của nhân vật. Tất cả những xúc cảm thảng thốt, đau đớn, bất lực, tủi nhục mà Nương phải chịu đã lấy đi rất nhiều nước mắt người xem.
Giới chuyên môn không tiếc lời nhận xét Lan Ngọc là diễn viên giỏi, có kĩ thuật và có khả năng nhập vai tự nhiên. Sau Nương, Ngọc hóa thân thành nhiều loại vai hơn. Cô Thơm tốt bụng trong Trúng Số, cô Lụa tưng tửng trong Vừa Đi Vừa Khóc và một loạt những vai diễn nhỏ nhỏ trong các phim lớn khác.
Lụa trong Vừa Đi Vừa Khóc
Thơm trong Trúng Số
Thế nhưng, đó cũng chính là những rào cản trong sự nghiệp của Lan Ngọc. Càng ngày cô càng bị bó trong những vai hiền dịu, không có cơ hội thoát ra dù Ngọc thừa sức. Cho đến khi cô đảm nhận vai Cám trong Tấm Cám: Chuyện chưa kể, những người quan tâm Ngọc đều trông chờ cô sẽ có một cuộc bứt phá ngoạn mục. Thế nhưng, vai diễn lại bị cắt xén khá nhiều trong bản phim cuối cùng, khiến cho những cái liếc mắt, biểu cảm "ác xuất sắc" của Ngọc trở nên bị nửa vời, nhân vật một màu. Cám không có quyền nói lên ý kiến của mình, chỉ biết nghe theo mẹ, bảo làm một biết một. Ngay cả việc ở bên Hoàng tử không khiến Cám thực sự hạnh phúc, Cám cũng không có một giây để nói ra. Đáng nhẽ, Cám phải được nhiều đất diễn hơn, để nó trở thành nhân vật lý tưởng, nhưng có thể vì lý do logic nên cô phải cắt bớt cảnh của mình. Bởi vậy mà việc đây là vai diễn hời hợt và trở nên cụt lủn là điều dễ hiểu.
Thời điểm tháng 9 năm ngoái, Ngọc gần như đã phủ sóng rạp chiếu dày đặc khi xuất hiện với vai chính và thứ chính trong 3 phim: Tấm Cám: Chuyện chưa kể, Phim Trường Ma và Găng Tay Đỏ. Tưởng đâu đây là một cơ hội để người ta khắc ghi hình ảnh Lan Ngọc vào đầu, nhưng đó lại là một điều xui của cô. Ngọc nhận các phim ở thời điểm khác nhau, trong lúc cô chưa thực sự muốn đột phá trong sự nghiệp, nhưng khi các phim tụ lại một thời điểm, có cả phim dở lẫn phim hay thì khán giả sẽ bị loạn. Một điểm chung nữa ở cả 3 vai diễn trong thời điểm đó (cộng với vai khách mời trong Nắng) là đều không xuất sắc. Thế là tưởng được thăng hoa, Lan Ngọc lại khiến người ta mau quên.
Nói rõ hơn như trong Găng tay đỏ, khi thoát xác được những vai diễn dịu dàng, mềm yếu để trở thành cô sát thủ bí ẩn, thì bộ phim lại... quá dở, khiến Ngọc cũng bị ảnh hưởng theo.
Chất liệu hay ho của Găng Tay Đỏ được diễn đạt quá tệ hại, khiến nhân vật chính của Ngọc cũng trở nên loạn xà ngầu
Năm nay, với Cô Ba Sài Gòn, Lan Ngọc một lần nữa được đảm nhận vai quan trọng, có tính quyết định với cả sự nghiệp 9 đời của nhà may Thanh Nữ. Với những hình ảnh được tung ra rất "nhỏ giọt", khán giả có thể tạm thời hình dung ra rằng, Như Ý (vai diễn của Lan Ngọc) sẽ là một cô gái trẻ, người dám đưa những thiết kế Tây hóa vào một tiệm may truyền thống của Sài Gòn. Về lẽ thông thường, khi mà người ta còn trẻ, người ta rất khó để thuyết phục người đi trước rằng những điều mới mẻ mình đang làm là đúng, là tiến bộ. Và còn khó hơn nữa khi mà đặt những người trẻ ấy vào một xã hội đang cựa mình thay đổi. Vai diễn này thực sự rất khó! Đòi hỏi thần thái, phong cách và thậm chí là cả hình thể của nhân vật phải thực sự hoàn hảo, nếu không chính xác sẽ trở thành "quá cố" chứ không phải là "tiến bộ".
Hơn thế, cần cả sự phẫn nộ đúng mực khi đối diện sự thật bị phản đối
Trước một vai diễn lớn, nhân vật luôn có hai hướng bị đẩy vào, hoặc được ca tụng hết lời, hoặc bị bới móc mà chỉ trích. Vậy đối mặt với những thách thức và cơ hội được đặt ngang hàng như vậy, liệu Lan Ngọc sẽ giải quyết ra sao ? Đây thực sự là một cơ hội lẫn thách thức của Lan Ngọc cho sự nghiệp diễn xuất của mình. Liệu cô gái chưa đủ may mắn này có tận dụng được sức nóng của bộ phim, của câu chuyện hứa hẹn được yêu thích để đưa mình trở thành tâm điểm, không chỉ là một "Cô Ba" của Sài Gòn mà phải là một "Cô Ba" lừng lẫy của điện ảnh Việt sau khi là "ngọc nữ", "đả nữ" lẫn "ma nữ" suốt mấy năm qua.
Theo TTT
Nữ diễn viên Cô Ba Sài Gòn từ già đến trẻ đồng loạt gồng tay thể hiện tinh thần nữ quyền nhân tháng Phụ nữ Càng gần đến thời gian công chiếu, Cô Ba Sài Gòn càng cho thấy nhiều tham vọng cũng như ý tưởng mà đả nữ Ngô Thanh Vân muốn gửi gắm trong bộ phim. Trước thềm "mang con đi đánh xứ người" tại LHP Busan, Ngô Thanh Vân bất ngờ chia sẻ quan điểm về vấn đề nữ quyền trong xã hội hiện đại...