Mẹ chồng tương lai chê tôi vô học
“Chỉ người có học mới được vào nhà bà. Còn cái loại ngu như bò, cả ngày chỉ biết rửa móng chân, cắt móng tay cho người khác như cô mà cũng đòi trèo cao”.
Tôi đã trót trao trinh tiết cho anh rồi. (Ảnh minh họa).
Tôi đang gặp bế tắc trong chuyện tình cảm. Mấy năm một tình yêu sâu đậm của tôi đang có nguy cơ tan vỡ. Buồn và đau khổ nhưng tôi chẳng biết trải lòng cùng ai, chỉ biết tâm sự với những người bạn không quen mà thân thiết trong mục Tâm sự này. Mong có nhiều lời khuyên từ các bạn.
Tôi là con gái Hà Nội, nhưng không phải là một tiểu thư đài các. Bố mẹ tôi di dân từ Phú Thọ ra đây làm ăn từ khi còn trẻ và định cư ở lại đây. Họ hàng nhà tôi toàn bộ mọi người vẫn ở quê.
Bố mẹ tôi đều làm nghề lao động chân tay để kiếm sống. Bố tôi mở quán sửa xe máy, mẹ mở hiệu gội đầu. Tuy nghề nghiệp chẳng cao sang nhưng nhờ chăm chỉ lại khéo léo, bố mẹ tôi kiếm khá được. Gia đình tôi cũng thuộc dạng có của ăn của để.
Từ nhỏ tôi đã học không giỏi, năm nào cũng chỉ đạt học sinh trung bình vừa đủ vượt lớp. Bù lại, tôi khéo tay giống mẹ. Học xong cấp ba, tôi đi học thêm lớp làm móng tay, lớp trang điểm để về phụ mẹ kinh doanh cửa hiệu.
Tôi quen Trung trong một lần đến trường Sư phạm trang điểm cho các bạn nữ ở đó. Anh bằng tuổi, lại còn là đồng hương cùng huyện với nhà tôi ở Phú Thọ. Tôi đổ anh ngay từ lần đầu gặp bởi vẻ ngoài sáng láng cộng thêm với lối nói chuyện rất trí thức.
Sau 1 năm cò cưa, chúng tôi trở thành người yêu của nhau. Đối với tôi, Trung là người tuyệt nhất thế gian này, là bầu trời của tôi. Anh thông minh, học giỏi, ứng xử khéo léo, cao thượng và thẳng thắn. Tôi rất nể phục anh.
Trong suốt những năm Trung đi học, thương anh ở trọ vất vả, tôi hết lòng chăm cho anh từng bữa ăn, giấc ngủ. Ngày nào tôi cũng đến dọn dẹp, nấu nướng, giặt giũ cho anh, phục vụ anh từng li từng tí. Vất vả nhưng tôi chẳng nề hà, hi sinh chút ít vì người mình yêu tôi cũng thấy vui.
Video đang HOT
Kỉ niệm 2 năm ngày yêu nhau, tôi đã trao cái ngàn vàng của mình cho Trung. Chúng tôi coi nhau như vợ chồng kể từ ngày ấy, chỉ thiếu một cái đám cưới với tờ hôn thú là đủ lệ.
Sau khi Trung ra trường, anh quyết định về Phú Thọ làm việc. Không muốn để tôi đợi chờ quá lâu, anh đưa tôi về theo giới thiệu với gia đình, bày tỏ đề nghị muốn kết hôn với tôi trong năm. Nào ngờ, vừa bước chân vào gia đình, tôi đã bị phản đối kịch liệt.
Gia đình Trung bố mẹ đều là nhà giáo. Mẹ anh dạy Giáo dục công dân, bố anh dạy môn Công nghệ tại trường cấp II. Đồng lương chẳng được bao nhiêu, hai bác vẫn phải làm nông nghiệp để lo cuộc sống. Tuy vậy, hai người luôn có niềm tự hào to lớn về truyền thống nhà giáo, trí thức của gia đình.
Tôi đổ anh ngay từ lần đầu gặp bởi vẻ ngoài sáng láng cộng thêm với lối nói chuyện rất trí thức.
Vì vậy, ngay khi nghe tôi kể về hoàn cảnh bản thân, gia đình, hai bác đã thẳng thừng phản đối. Họ nói tôi và anh là hai tầng lớp khác nhau, không thể chung sống. Tôi cũng không phù hợp với tiêu chuẩn con dâu của gia đình.
Hai bác mong muốn có một người con dâu nhà giáo, vừa tiếp nối truyền thống gia đình vừa để sau này dạy dỗ con cái nên người. Hoặc ít nhất cũng phải có tấm bằng Đại học chính quy, đi làm Nhà nước ổn định. Họ không chấp nhận loại con dâu “vô học”.
Bị phản đối, tôi rất buồn nhưng tình yêu sâu sắc không thể bỏ. Vả lại, tôi đã cho anh hết tất cả, bây giờ chẳng còn đường lùi nữa. Tôi vẫn quyết tâm thuyết phục bố mẹ Trung đến cùng.
Lúc đầu họ còn nhẹ nhàng từ chối, càng về sau, bố mẹ anh càng lạnh lùng xua đuổi. Họ không cho tôi bước chân vào nhà. Bố anh đuổi chó ra cắn tôi, mẹ anh thì đem muối hất vào mặt tôi ngay trước bàn dân thiên hạ.
Không kiềm chế nổi sự tức giận, họ oang oang nói: “Chỉ người có học mới được vào nhà chúng tôi. Còn cái loại cả ngày chỉ biết rửa móng chân, cắt móng tay cho người khác như cô mà cũng đòi trèo cao để ngã cho đau ra. Tôi van xin cô hãy buông tha cho con tôi”.
Đêm đêm, tôi khóc ròng vì quá đau xót cho mối tình của mình. Mẹ tôi thương con bèn sắp xếp một chuyến lên Phú Thọ đến gặp bố mẹ Trung. Họ mong rằng lời nói giữa người lớn với nhau sẽ làm bố mẹ anh thay đổi.
Nào ngờ, khi mẹ tôi đến nhà anh còn bị đối xử nhục nhã hơn nhiều. Mẹ anh mát mẻ: “Nói thật là tôi cũng chẳng ghét bỏ gì nó đâu. Thất học thì đi học. Bây giờ nó còn trẻ, vẫn còn học được. Tôi chẳng lo!”.
“Cái tôi không ưa là bố mẹ nó cơ. Sao bà có thể làm cái nghề hạ đẳng như vậy. Nghề này chắc phải xoa đầu, xoa mặt, cạo râu cho nhiều đàn ông lắm rồi nhỉ. Đàn bà mà làm những hành động nhấm nhẳng với giai như vậy, thứ lỗi cho tôi nói thẳng, chỉ có loại gái bao rẻ tiền”.
Mẹ tôi bị vố đau, về nhà làm ầm ĩ. Bà khóc lóc, chửi tôi ngu và bắt tôi nhanh chóng từ bỏ. Bố mẹ lại kịch liệt phản đối quan hệ của tôi và Trung. Bố mẹ không hiểu được rằng con gái họ chẳng còn đường lùi nữa.
Người yêu tôi thì hết sức nhu nhược. Anh không dứt khoát được, chẳng dám cãi lời bố mẹ, cũng chẳng bỏ được tôi. Anh thường xuyên âu sầu, say xỉn. Mẹ anh thấy anh như vậy càng xót, càng hận tôi đã làm hỏng đứa con trai ngoan của bà. Bà càng cấm đoán nhiều hơn.
Tôi càng cố gắng bao nhiêu thì đáp lại chỉ là sự ruồng rẫy, nhục nhã bấy nhiêu. Tôi không hiểu sao bố mẹ Trung có thể lạc hậu vậy. Xét về gia cảnh, bố mẹ tôi còn giàu hơn. Mà nói trắng ra, nghề nghiệp chính của nhà anh cũng chỉ là nông dân quèn chứ có sang trọng gì hơn gia đình tôi mà ra điều khinh bỉ.
Tôi chán nản lắm rồi, nhưng tình cảm lâu năm của tôi dành cho anh vẫn sâu đậm quá. Hơn nữa tôi còn trao cả trinh tiết cho anh nữa. Tôi phải làm sao để thoát khỏi cục diện rối ren bây giờ?
Theo TTVN
Nộp đơn ly hôn mà tôi vẫn lưỡng lự
Anh ta là người vô trách nhiệm, thiếu văn hóa nhưng tôi vẫn muốn cho anh cơ hội để con có đủ cha mẹ. Tôi là một nhân viên kế toán còn chồng tôi làm trong viện kiểm sát của bộ quốc phòng. Khi kết hôn với anh ấy, tôi và anh ấy chỉ có thời gian quen và tìm hiểu nhau chưa đầy bốn tháng. Tôi tin rằng một sĩ quan quân đội, bố mẹ đều là công chức, đảng viên thì không thể nào sinh ra một người con quái gở được. Nhưng tất cả không như tôi nghĩ. Ngay sau khi cưới, anh ấy thay đổi hoàn toàn, luôn tỏ ra là một người gia trưởng, cục cằn, thô lỗ.
Anh nợ nần rất nhiều, trước khi lấy tôi về, bố mẹ anh ấy đã phải trả nợ bớt cho anh ấy một phần. Nhà anh ấy cũng khá giả lắm, lấy nhau về, anh ấy hỏi tiền mừng cưới nhưng tôi mới ra trường đi làm, bạn bè toàn ở xa nên cũng không có nhiều. Vì thế, anh ấy sử dụng tiền mừng của anh ấy riêng mà không chung với tôi nữa. Trong kinh tế cũng vậy, anh ấy không bao giờ cho tôi biết là anh ấy làm được bao nhiêu tiền và cũng chẳng đưa tiền cho tôi.
Mẹ chồng tôi, ngay sau ngày cưới đã gọi cho dì của chồng tôi chê bai gia đình tôi nghèo khó. Mà thực ra, gia đình tôi cũng ở mức trung bình. Bố tôi là công nhân về mất sức, mẹ dạy học nhưng cũng nuôi bốn chị em tôi học hết đại học. Tôi rất tủi thân nhưng cũng nhịn nhục vì mới đi lấy chồng, tôi sợ mâu thuẫn và có chuyện xảy ra. Nhưng có lẽ tôi đã sai lầm vì tôi càng nhẫn nhịn thì gia đình chồng tôi và chồng tôi càng lấn tới, coi tôi như kẻ ăn người ở trong nhà. Trước khi sinh con, vợ chồng tôi phát sinh một số mầu thuẫn như: Chồng không cho vợ biết thu nhập hàng tháng, trong khi đó lại giấu vợ lấy vàng là quà cưới riêng của vợ đi sử dụng. Đến khi vợ không thấy và hỏi thì nói là đã đem bán nhưng cũng không chịu nói là bán để làm gì, vì sao mà bán. Tôi có hỏi thì anh ấy cục cằn, cáu gắt.
Khi tôi có thai, do bị dọa sảy thai nên tôi đã nghỉ làm ở nhà nhưng phải đảm trách toàn bộ việc nhà, phục vụ gia đình nhà chồng và cả em gái, em rể của chồng. Đến khi tôi có thai được 7 tháng, mẹ chồng tôi phải đi chăm con gái thứ hai sinh con ở Hà Nội. Gia đình nhà chồng muốn em gái thứ nhất của chồng tôi ở lại và để tôi chăm sóc em ấy, chồng em ấy và con em ấy để em ấy đi làm. Vì tôi thấy sức khỏe không đảm bảo và bụng đã to nên muốn từ chối nhưng chồng tôi đã nghe gia đình tỏ ra khó chịu với tôi. Gia đình anh ấy đi nói tôi thế này thế khác. Anh ấy không quan tâm đến đứa con và sức khỏe của tôi.
Không lâu sau, khi tôi có thai được gần 8 tháng thì bị dọa đẻ non, mẹ chồng tôi cũng không về chăm sóc mà gửi tôi cho nhà bà dì làm việc ở bệnh viện. Sống trong nhà dì, mọi người đi làm cả ngày, tôi chỉ ngồi một mình một chỗ, không được đi đâu mà ở đây đang xây dựng đường nên rất bụi và ồn ã. Tôi cảm thấy rất buồn và mệt mỏi. Tôi sợ môi trường ngột ngạt sẽ ảnh hưởng không tốt tới con tôi. Khi dì bảo đã ổn định có thể về nhưng do mẹ chồng tôi không muốn chăm sóc tôi nên vẫn bắt tôi ở lại nhà dì. Nhận thấy nhà dì rất chật, chú dì cũng không muốn người lạ ở lâu, tôi xin phép về nhà nhưng gia đình chồng tôi và chồng tôi không đồng ý vì anh ấy rất nghe lời bố mẹ, anh chị em trong nhà.
Sau khi tôi sinh con ra, chồng tôi không yêu quý đứa bé, không quan tâm chăm sóc hai mẹ con tôi. Con tôi sinh ra cũng hay quấy khóc nhưng kể từ những ngày đầu sinh cháu, chỉ có mình tôi chăm sóc. Những ngày đầu, có hôm nhờ được chồng ngủ cùng để thỉnh thoảng bế con giúp thì anh ấy tỏ ra rất khó chịu, vùng vằng và cáu gắt. Khi con khóc, anh ấy quát mắng và văng tục, chửi đứa bé, dù nó chỉ mới được có hơn 10 ngày tuổi. Không những không đưa tiền nuôi con mà số tiền họ hàng đến thăm cho con tiền mua sữa, anh ấy cũng lấy đi dùng. Nếu tôi có nói thì anh ấy quát rằng đó cũng là tiền của anh ấy vì ngày trước anh ấy cho con cái họ. Rồi anh ấy đánh lô đề, mỗi tin nhắn là anh ấy đánh cả hai chục số lô.
Trong thời gian tôi ở kiêng sau sinh, anh ấy luôn kiếm cớ này khác để chửi mắng tôi, từ chuyện tôi kiêng không gội đầu nên chiếc lược bẩn đến chuyện bạn bè gọi điện hỏi thăm, anh ấy cũng nói và bắt phải thế này thế khác. Tôi nói chẳng lẽ bạn bè hỏi thăm lại không trả lời thì anh ấy làm um lên, bảo tôi là đồ mất dạy. Tôi khóc thì anh ấy bảo giống trâu chó như mày mà biết khóc sao? Rồi chỉ đũa vào mặt tôi, đuổi tôi khỏi mâm cơm, không cho ăn nữa.
Mỗi lần có chuyện gì ở nhà, mẹ chồng tôi lại gọi điện nói với anh làm mọi thứ rối cả lên, khiến anh cứ về đến nhà là chửi mắng tôi. Trong mỗi lần vợ chồng mâu thuẫn, câu đầu tiên là anh ấy xưng mày tao rồi chỉ tay tận mặt, coi tôi như kẻ ăn người ở. Rồi anh văng tục, chửi tục, xúc phạm bố mẹ đẻ của tôi. Từ khi sinh con ra cho đến khi con được gần 4 tháng tuổi, anh ấy liên tục xúc phạm và chửi đuổi tôi vô cớ rất nhiều lần. Tôi đã nói chuyện với chồng và gia đình chồng mong anh ấy sửa đổi nhưng anh ấy đã không khác được. Do không chịu nổi cách sống thiếu văn hóa, vô trách nhiệm của chồng, tôi đã quyết định ly thân cho đến nay.
Thời gian sống ly thân, tôi một mình nuôi dưỡng và chăm sóc con, chồng tôi không bỏ bất kỳ một khoản chi phí nào. Tôi có yêu cầu cấp dưỡng nuôi con thì anh ấy từ chối. Khi mới ly thân, lúc nào cháu ốm, tôi thương cháu, nhắn tin bảo đến thăm thì anh ấy mới đến, còn không thì anh ấy cũng không gọi điện hay hỏi thăm gì đến cháu. Mấy tháng gần đây, anh ấy đến thăm con hai lần nhưng cũng chỉ ngồi với con nhiều lắm là hai tiếng đồng hồ. Anh ấy cũng không bao giờ mảy may hỏi han gì về tôi. Không những vậy, khi đến nhà tôi thăm con, anh ấy đòi bắt con. Tôi không chịu thì anh ấy đánh tôi và chửi cả gia đình tôi.
Thấy chồng tôi không hề thay đổi và không muốn hàn gắn gia đình nên tôi đã quyết định gửi đơn ly hôn ra tòa. Khi tôi ly thân, gia đình anh ấy và anh ấy nói với bố mẹ tôi đưa tôi về xin lỗi gia đình nhà chồng, còn nếu không thì giải quyết sớm. Nhưng anh ấy bắt tôi phải viết đơn chứ anh ta không viết. Vì thương con, tôi muốn có thời gian để hai vợ chồng suy nghĩ lại, nhưng anh ấy lại không như vậy.
Khi tôi viết đơn và yêu cầu đưa giấy tờ để nộp ra tòa, anh ấy không chịu đưa. Tôi phải nhờ bạn bè của anh ấy can thiệp thì anh mới chịu cung cấp. Ban đầu, anh ấy thuận tình ly hôn, sau rồi lại không đồng ý và bảo tôi là: "Mày đi mà nộp đơn đơn phương", mặc dù chính anh ấy đã in sẵn mẫu đơn cho tôi viết. Tôi chẳng thể hiểu nổi anh ấy có ý gì nữa. Ở với nhau thì làm khổ tôi, giờ chia tay thì cũng gây khó dễ. Thực lòng tôi muốn anh ấy thay đổi để gia đình đoàn tụ cho con tôi có bố, có mẹ. Nhưng anh ấy vẫn mãi cứ như vậy. Tôi nộp đơn rồi nhưng lại muốn rút đơn và cho anh ấy thêm thời gian. Các bạn cho tôi lời khuyên với.
Theo Ngoisao
Cười người chớ có cười lâu! Giờ giải lao mấy chị em đang quây quần gọt hoa quả ăn uống vui vẻ, thân mật, thì bỗng cái Tuyết hét lên: "Chị Lan, chị về "ken" ngay cái bụng vào đi, kẻo chồng chán nó ruồng bỏ, khóc cũng không ai thương đâu". Chị Lan nghe ức lắm, vừa sinh đứa thứ hai xong, hớt hơ hớt hải chăm chúng...