Mẹ chồng “sính ngoại”
Chẳng phải là mê hàng Tây nghiện hàng Tàu gì mà mẹ chồng Linh lúc nào cũng chỉ coi con gái và cháu ngoại là nhất.
Ngày nào cũng thấy bà Hòa, mẹ chồng Linh bế cháu ngoại cưng nựng đi chơi khắp xóm. Mấy bà hàng xóm thắc mắc: “Thế cháu nội ở nhà ai chăm?”, bà lại cười xòa: “Hai mẹ con nó ở bên nhà ngoại. Em cho về bên đấy cho mẹ con nó được thoải mái. Con gái nhà ai người ấy chăm bà ạ”.
Cháu ngoại là nhất
Linh và cô em chồng cùng bầu bí, cùng thời gian dự sinh. Nhưng từ lúc nghỉ làm chờ sinh, Linh đã được mẹ chồng “bàn giao” toàn bộ cho bên ngoại với lý do “mẹ biết con dâu nào mà chẳng muốn có mẹ đẻ bên cạnh”.
Đến lúc con dâu và con gái sinh cùng một viện, bà túc trực cả ngày bên phòng con gái. Linh chạnh lòng nhưng bà mẹ chồng đã kịp trấn an tinh thần với lý do: “Mẹ tin tưởng mẹ con lắm nên mới giao con và thằng cháu đích tôn cho bà bên ấy, chứ không như bên này mẹ phải canh chừng từng phút”. Lý do quá khôn khéo của mẹ chồng Linh đã vuốt ve cái sự chạnh lòng tự ái của cả con dâu lẫn ông bà thông gia.
Lúc mẹ con Linh được ra viện, mẹ chồng gợi ý với mẹ đẻ của cô đón hai mẹ con cô về luôn bên đó cho tiện chăm sóc, đỡ ngại khoản phải ở nhà thông gia bất tiện. Còn bà thì đón cháu ngoại và con gái về nhà, làm cỗ ăn mừng.
Sướng hay khổ?
Sinh đứa thứ nhất, rồi đứa thứ hai, Linh vẫn bị mẹ chồng phân biệt đối xử, gửi khéo về bên ngoại. Nhà vốn chật nên những ngày nghỉ lễ tết, lẽ ra cả nhà sum họp quây quần thì mẹ chồng Linh lại gợi ý để hai mẹ con cô về bên ngoại rồi bà gọi con gái và cháu ngoại về chơi.
Linh bức xúc và ấm ức chia sẻ với bạn bè thì ai cũng kêu cô làm dâu thế là sướng nhất rồi mà không hiểu những điều cô canh cánh trong lòng. Cháu nội và cháu ngoại chơi với nhau mà có mâu thuẫn là y như rằng bà lại bênh cháu ngoại và mắng cháu nội. Có lần còn buột miệng nặng lời: “Ông bà ngoại mày không biết dạy mày à?”.
Video đang HOT
Nhiều lần chứng kiến điều đó, Linh chỉ muốn bế con về luôn bên ngoại ở. Nhưng lại nghĩ tới chồng, anh sẽ chẳng bao giờ hiểu cho nỗi lòng của cô. Đàn ông vốn vô tâm thế, họ chỉ nhìn thấy những gì bề nổi để đánh giá sự việc. Lúc nào chồng Linh cũng bảo: “Sướng nhất vợ nhé. Muốn bên bố mẹ đẻ lúc nào cũng được. Em xem bạn bè em có đứa nào được mẹ chồng tâm lý như mẹ chồng em không”.
Ai mà chẳng nghĩ đi lấy chồng được về nhà mẹ đẻ thoải mái như thế là sướng. Chính cô trước đây cũng nghĩ thế nhưng sao giờ cô chỉ thấy chạnh lòng và thương con. Rồi sau này lúc con cô lớn lên đủ để hiểu chuyện cô không biết nó sẽ nghĩ thế nào khi luôn bị bà nội cho ra rìa như thế?
Không phải cô ghen tỵ với em chồng hay với cháu mà cô sợ sự phân biệt đối xử ấy của mẹ chồng sẽ ảnh hưởng tới tâm lý của con mình.
Có lần cô thử bóng gió hỏi mẹ chồng rằng tại sao người ta lại thường quan tâm đến cháu ngoại hơn, bà bảo: “Cháu ngoại thương dại thương dột, cháu nội không vội gì thương”.
Chẳng biết có phải vì thế, hay vì “cháu ngoại mới đích thực là cháu bà nhỉ?” như lần cô tình cờ nghe thấy bà nói nựng với đứa cháu ngoại trước mặt con của cô.
Nhiều người nghĩ có mẹ chồng “sính ngoại” như Linh là sướng. Nhưng chỉ có người trong cuộc như cô mới hiểu thế là sướng hay khổ mà thôi.
Theo VNE
"Bố mất, con cái tôi thất học cũng là do tôi cả..."
Không chịu nổi những ánh mắt chê giếu, gièm pha từ phía bạn bè, cả hai cháu đã bỏ học mặc dù cả gia đình tôi đã hết sức động viên, khuyên bảo nhưng đều bất lực. Tôi thì lại càng không đủ tư cách để khuyên con.
Như không ít người tù mà tôi đã từng gặp, Nguyễn Văn Dân cũng là người có học và khá hiểu biết. Chịu mức án l1 năm cho tội danh buôn bán ma túy, Nguyễn Văn Dân nói rằng không chỉ mình anh thiệt thòi mà còn kéo theo cả gia đình. Anh vào tù là anh đã thiệt thòi cả một quãng đời. Càng ân hận vì quãng thời gian ấy, anh không lo được việc chồng con cho con gái và đau lòng hơn, cha anh mất mà không được nhìn mặt con trai lần cuối. Dưới đây là những lời tự sự của anh từ trong Trại giam Thanh Phong.
Mình có tội thì mình phải trả giá
Tôi sinh ra trong một gia đình nghèo có tới 8 anh chị em ở Tiên Phong, Phổ Yên, Thái Nguyên, năm nay tôi đã 52 tuổi. Tôi không bao giờ quên được ngày các anh công an tìm đến bắt tôi, đó là ngày 21/8/2006. Tôi không ngờ rằng, mình lại phải trả giá nhanh đến vậy cho những phút nông nổi nhất thời của mình gây ra. Khi các anh công an ập đến, cha mẹ tôi, vợ tôi, các con tôi, họ hàng làng xóm đều bất ngờ bởi cái làng quê nhỏ yên bình của tôi có rất ít người phải đi tù, mà trước đó tôi lại là một cán bộ nhà nước vô cùng hiền lành và được mọi người quý mến. Họ không tin được sự thật phũ phàng là tôi lại tham gia vào hoạt động vận chuyển buôn bán trái phép chất ma túy.
Tôi đã từng là một người lính cầm súng chiến đấu ở chiến trường biên giới 1979. Năm 1984, tôi giải ngũ và chuyển về công tác ở Công ty Lương thực Thái Nguyên ở bộ phận làm kế hoạch. Đến khi cải cách mở cửa, cớ chế bung ra, chúng tôi được chia lô để bán hàng. Cuộc sống của tôi cứ thế êm đềm trôi đi, hai vợ chồng tôi đã có hai cô con gái và một cậu con trai xinh xắn, ngoan ngoãn. Công việc dù không khiến cho gia đình tôi giàu có nhưng cũng khá đầy đủ, nhất là so với những người dân xung quanh. Đến năm 2006, tôi gặp lại hai người đồng đội cũ từng đi bộ đội cùng tôi.
Anh em gặp nhau mừng mừng tủi tủi, sau thời gian hàn huyên, chúng tôi bàn tính chuyện giúp nhau làm kinh tế để lo cho cuộc sống gia đình.
Tôi đưa anh bạn đồng ngũ tên là Tuấn đi lấy ma túy ở Bắc Giang. Sau đó, hai anh ấy chuyển hàng về Hà Nội để tiêu thụ thì bị bắt quả tang. Khi công an hỏi, khai ra tôi là người đã chở họ đi, công an tìm đến nhà và tôi bị bắt. Tang vật thu giữ được tại nhà tôi lúc đó chỉ có một chiếc xe Dream là phương tiện vận chuyển và một điện thoại di động làm phương tiện liên lạc. Khi tòa tuyên án xử tôi 11 năm tù giam, vợ tôi đã ngất xỉu ngay tại phiên tòa. Những người thân của tôi thì chẳng biết làm gì hơn cho tôi ngoài việc khóc. Thật không ngờ đã gần hết đời người rồi mà cha mẹ tôi vẫn còn phải lao tâm khổ tứ vì tôi, các con tôi phải tủi nhục vì cha mình. Ngày 9/4/2007, tôi chính thức được chuyển từ trại tạm giam lên Trại giam Thanh Phong.
Bố tôi mất, con cái tôi thất học cũng là do tôi cả
Tôi vẫn biết rằng, tôi sai lầm thì phải trả giá đó là đích đáng. Nhưng quả thực tôi không bao giờ ngờ đến hậu quả của nó lại nghiêm trọng đến như vậy đối với gia đình của tôi. Việc tôi bị bắt đi tù vì tội vận chuyển buôn bán trái phép chất ma túy là một cú sốc lớn khủng khiếp đối với người thân của tôi. Khi tôi bị bắt, con gái của tôi đã lấy chồng và có một cháu đã được ba tuổi thì ít chịu ảnh hưởng nhưng cháu cũng đã phải tủi hổ với dư luận và gia đình nhà chồng.
Hai con út của tôi khi đó đang học lớp 9 thì không chịu nổi sức ép của dư luận. Khi vừa đỗ vào trường cấp ba, do các cháu đang tuổi ăn tuổi lớn nên chịu nhiều áp lực từ việc tôi đi tù dẫn đến kết quả học tập ngày càng sa sút, cộng với việc không chịu nổi những ánh mắt chê giếu, gièm pha từ phía bạn bè, cả hai cháu đã bỏ học mặc dù cả gia đình tôi đã hết sức động viên, khuyên bảo nhưng đều bất lực. Tôi thì lại càng không đủ tư cách để khuyên con.
Khi tôi bị bắt, cả bố và mẹ tôi đang sống cùng cậu em trai út của tôi. Bố mẹ tôi khi đó đều rất khỏe mạnh. Hành động sai lầm của tôi đã khiến cho bố mẹ tôi phải suy nghĩ rất nhiều. Sau khi tôi bị bắt, sức khỏe của bố mẹ tôi bị giảm sút nghiêm trọng. Là con trai cả trong gia đình, tôi không những không chăm sóc được bố trong những năm tháng cuối đời mà lại còn không chịu tang, không thắp được cho bố một nén hương. Tôi đúng là một đứa con bất hiếu.
Người chịu nhiều thiệt thòi từ sự sai lầm của tôi ngoài bố mẹ và các con tôi thì còn có người vợ tần tảo của tôi. Từ khi tôi đi cải tạo, cô ấy phải thay đôi gánh vác việc gia đình, cô ấy trở thành trụ cột kinh tế trong gia đình, công việc mà trước đó chưa bao giờ cô ấy nghĩ là mình sẽ phải cáng đáng. Dù sao, tôi vẫn thấy mình là người đàn ông may mắn bởi sau bao nhiêu sóng gió như vậy, những người thân của tôi vẫn hết sức thương yêu và thông cảm cho tôi. Họ là động lực để tôi có thể cố gắng cải tạo thật tốt, để sớm được về lại với gia đình, với những người thân yêu của tôi để bù đắp phần nào những thiệt thòi mà tôi đã gây ra cho họ.
Yên tâm cải tạo thật tốt, đấy là nhiệm vụ lớn nhất của tôi lúc này
Từ ngày vào trại giam, tôi luôn xác định nhiệm vụ duy nhất của mình lúc này là cải tạo thật tốt để không phụ sự trông đợi của những người thân. Ban đầu, tôi cũng có nhiều lo lắng và chán nản nhưng sau này khi đã tĩnh tâm hơn, tôi biết rằng mình chẳng thể làm gì được. Nếu mình phân tâm, dao động thì chỉ càng làm cho người thân của mình phải nghĩ ngợi nhiều hơn. Từ đó tôi yên tâm cải tạo với hy vọng sẽ được hưởng sự khoan hồng của nhà nước, sớm được trở về với gia đình, với xã hội bên ngoài. Được sự tin tưởng của cán bộ, tôi làm đội trưởng đội tự quản và cũng có nhiều cố gắng trong quá trình cải tạo nên tôi đã được giảm án hai lần.
Khi tôi vào trại, tôi mới chỉ có một cháu ngoại được 3 tuổi. Khi tôi bị bắt, cháu khóc rất dữ dội khiến tôi không thể kìm được lòng. Cho đến bây giờ, con gái lớn của tôi đã có thêm một cháu, con gái thứ hai đã lập gia đình và cũng có thêm 2 cháu nữa. Cả 4 cháu ngoại cũng đã từng theo bố mẹ nó lên đây thăm tôi rồi. Tôi quá may mắn vì các con tôi không những không oán giận mình mà còn động viên tôi rất nhiều. May mắn vì vợ tôi đã thay tôi chăm sóc, lo lắng cho con cái. Những tưởng án tù của tôi sẽ khiến các con tôi phải thiệt thòi bởi không phải ai cũng đủ dũng cảm để làm thông gia với một người tù đang thi hành án như tôi. Thế nhưng con tôi vẫn có người thương yêu và thông cảm với hoàn cảnh của gia đình tôi, đấy là điều khiến cho tôi cảm thấy an ủi phần nào, bớt đi phần nào cảm giác có lỗi với các con.
Con trai tôi sinh năm 1990 cũng định lập gia đình vào năm nay nhưng thời gian vừa rồi con lên thăm, tôi nói với con rằng con còn trẻ, nên cố gắng làm ăn trước đã, chờ tôi về rồi cưới cũng không muộn vì tôi muốn đám cưới của con có mặt đủ cả bố mẹ. Cả con trai và con dâu tương lai của tôi đều ủng hộ ý kiến của tôi và cả gia đình thông gia tương lai cũng hết sức thông cảm.
Mẹ tôi năm nay đã 80 tuổi rồi. Thời gian cải tạo của tôi cũng không còn dài, tôi hy vọng mẹ tôi sẽ mạnh khỏe để tôi có được cơ hội chăm sóc, bù đắp cho mẹ những tháng năm mà tôi không có ở nhà, bù đắp lại những gì tôi đã gây ra cho mẹ tôi. Chỉ vì nông nổi, tôi đã trở thành đứa con bất hiếu, trở thành một người chồng tồi và một người cha thiếu trách nhiệm.
Lời bạt của phóng viên:
Đời người, ai cũng có sai lầm. Điều quan trọng là phải biết sửa chữa và đứng lên từ sau những sai lầm đó. Sự lầm lạc của Nguyễn Văn Dân đã phải trả giá bằng 11 năm tù. 11 năm phải sống xa gia đình, xa những người thân yêu nhất. Nhưng tất cả những điều đó, không khủng khiếp bằng việc những người thân của anh phải gánh chịu cùng những lôi lầm mà anh đã gây ra. Sai lầm của Nguyễn Văn Dân đã buộc anh phải trả giá, một cái giá đích đáng.
Người viết đã từng có cơ hội tiếp xúc với những người tù. Họ, do nhiều nguyên nhân khác nhau mà lầm lạc. Xã hội cũng đã trao cho họ cơ hội được sửa chữa những lầm lạc ấy. Nhưng không phải ai cũng biết cách nắm lấy cơ hội. Trong cuộc đời làm nghề của mình, tôi đã gặp không ít phạm nhân trong tù đến lần thứ hai, lần thứ ba, thậm chí là nhiều hơn nữa. Mỗi lần gặp lại họ một cách không mong muốn như thể, tôi luôn cảm thấy một nỗi buồn man mác, bởi lần trước đó, tôi cũng đã tưởng họ có thể vượt qua những sai lầm để làm lại từ đầu.
Dầu có vậy, tôi cũng hy vọng rằng nếu tôi có cơ hội gặp lại Nguyễn Văn Dân, khi đó, sẽ là một hoàn cảnh khác và một con người khác. Tôi luôn chúc những phạm nhân mà tôi từng tiếp xúc, rằng họ sẽ làm lại cuộc đời, để chuộc lại những tháng năm lầm lỡ mà họ đã tự tay làm tuốt mất.
Theo ANTD
Mệt mỏi vì thông gia "đại chiến" giành quyền chăm cháu Mặc cho những đứa trẻ còn ngô nghê trước sự tranh giành của người lớn, mặc cho các nàng dâu phải rơi nước mắt vì khó xử, công cuộc tranh giành quyền chăm cháu của ông bà nội, ngoại vẫn diễn ra trong nhiều gia đình. Với khuôn mặt tiều tụy, chị Lan (Hà Đông, Hà Nội) vừa trút bầu tâm sự với...