Mẹ chồng mở miệng ra là nói “miễn sao các con hạnh phúc là được” và sự thật “đời không như là mơ”
Câu cửa miệng của mẹ chồng Thủy là: “Miễn sao các con hạnh phúc là được, chứ bố mẹ không quan trọng gì cả”. Nghe mẹ chồng nói vậy, Thủy thấy mừng lắm. Tuy nhiên, khi thực sự bước vào cuộc đời làm dâu Thủy mới ngã ngửa ra rằng “đời không như là mơ”.
Thủy lấy chồng đã hơn 3 năm và có một con gái 2 tuổi. Cô làm nhân viên văn phòng còn chồng là kỹ sư công nghệ thông tin. Cả hai vợ chồng đều sinh ra và lớn lên ở Hà Nội, có công ăn việc làm ổn định nên không phải lo nghĩ nhiều về kinh tế.
Dù có điều kiện mua nhà riêng nhưng vì chồng Thủy là con trai duy nhất trong nhà nên vợ chồng cô vẫn ở cùng bố mẹ chồng để tiện bề chăm sóc. Bố mẹ chồng Thủy đều là trí thức và rất được hàng xóm nể trọng vì ông bà sống mẫu mực, lại hiền lành và hay giúp đỡ mọi người.
Ngày biết Thủy về làm dâu ở nhà ông bà Thọ, họ hàng ai cũng mừng và bảo may cho Thủy vì cô vốn hiền lành, ngại to tiếng chỉ sống trong những gia đình như ông bà Thọ thì mới hợp. Thủy lúc đó cũng nghĩ là mình may mắn bởi thực sự trong suốt thời gian cô và chồng yêu nhau, mỗi lần đến nhà anh chơi, Thủy luôn được bố mẹ chồng quan tâm.
Thủy cũng thích cách cư xử tế nhị, cởi mở và cả tư tưởng rất tiến bộ của bố mẹ chồng. Ông bà luôn bảo sau này mọi chuyện trong gia đình con đều do các con quyết định, bố mẹ sẽ không can thiệp. Và Thủy cứ sống theo cách ở nhà mẹ đẻ, không phải lo uốn éo theo cách nhà chồng. Câu cửa miệng của mẹ chồng Thủy là: “Miễn sao các con hạnh phúc là được, chứ bố mẹ không quan trọng gì cả”.
Nghe bố mẹ chồng nói vậy, là con dâu tương lai, Thủy cũng thấy mừng lắm. Tuy nhiên, khi về nhà ông bà sống và thực sự cuộc đời làm dâu Thủy mới ngã ngửa ra rằng “đời không như là mơ”. Bố mẹ chồng cô rất hay xét nét con dâu và phân biệt rõ rệt con dâu, con trai.
Video đang HOT
Ảnh minh họa.
Rõ ràng cả hai vợ chồng Thủy cùng đi làm như nhau cùng chở nhau về nhà cùng lúc nhưng khi về đến nhà, bao giờ bố mẹ chồng Thủy cũng chỉ hỏi han con trai còn con dâu thì ông bà mặc kệ. Nhiều khi nhìn bố mẹ chồng có gì ăn cũng dành cho con trai, còn con dâu ngồi ngay cạnh đó nhưng ông bà coi như không mà Thủy chạnh lòng. Tuy nhiên, Thủy luôn tự nhủ mình bỏ qua mọi việc cho nhẹ đầu mà hơn nữa, con dâu dẫu gì cũng khác máu tanh lòng, làm sao có thể bằng máu mủ ruột rà được.
Nhiều lần có khách đến chơi nhà, Thủy phát ngượng khi mẹ chồng cứ luôn ngọt ngào dành những mỹ từ cho con trai thì với con dâu bà chỉ nói trống không hoặc thậm chí coi như không có mặt. Điều đó khiến nhiều người lại tưởng mẹ chồng và Thủy đang mâu thuẫn với nhau.
Theo lệ, tối nào cũng vậy, sau bữa cơm tối là cả nhà chồng Thủy lại quây quần ở bàn uống nước xem tivi, ăn hoa quả nhưng chưa bao giờ bố chồng Thủy rót nước mời con dâu, trong khi đó thì cứ giục con trai uống. Chồng Thủy nhiều lần góp ý với bố mẹ nhưng ông bà vẫn không thay đổi. Thế nên anh đành động viên vợ: “Bố mẹ già rồi, mình phải thông cảm cho ông bà. Em đừng để ý mà mệt đầu”.
Thủy nghe lời chồng và không để bụng chuyện này nhưng cứ càng sống lâu thêm Thủy lại càng thấy ấm ức trước hành động của bố mẹ chồng. Trước mặt con trai, ông bà Thọ luôn nhẹ nhàng, không bao giờ trách cứ hay đổ lỗi gì cho con dâu.
Nhưng cứ khi nào chỉ có mình Thủy ở nhà thì ông bà đổi hẳn thái độ. Hồi Thủy đang bụng mang dạ chửa, sắp đến ngày sinh, chồng Thủy đề nghị với bố mẹ mình làm hết việc nhà, để Thủy nghỉ ngơi, có sức mà sinh con. Nghe con trai nói thế, ông bà Thọ vui vẻ hưởng ứng. Thế nhưng đấy là chỉ trước mặt con trai chứ ngay khi chồng Thủy đi làm là bố mẹ chồng Thủy lại sai cô làm hết việc này đến việc khác “để cho dễ đẻ”.
Nhiều buổi trưa, xót vợ, chồng Thủy về nhà ăn cơm. Thấy thế, bố mẹ chồng Thủy một mực không cho cô rửa bát. Vậy mà đến chiều, khi không có chồng Thủy ở nhà là ông bà sai ngay Thủy rửa bát.
Tuy mệt mỏi nhưng Thủy vẫn cố gắng nín nhịn để giữ cho yên bình gia thất. Cứ mỗi khi căng thẳng quá, Thủy lại tâm sự với chồng và nhờ những lời an ủi của anh, Thủy lại thấy mình vượt qua được mọi chuyện. Nhưng trong sâu thẳm, cô vẫn mong một ngày gần đây vợ chồng cô được ra ở riêng, như vậy hạnh phúc gia đình mới được bồi đắp trọn vẹn.
Theo Afamily
Mẹ chồng nằng nặc đòi đưa của hồi môn, con dâu chỉ đưa 1 thứ khiến bà câm nín
Vừa cưới được 1 ngày, mẹ chồng tôi đã lân la hỏi xem trước khi cưới bố mẹ tôi cho gì và ngỏ ý muốn "giữ hộ" chỗ của hồi môn của tôi.
Tôi là một cô gái nông thôn, nhà tôi cũng không quá giàu nhưng cũng không quá khó khăn. Bố mẹ tôi đã cố gắng hết sức để lo cho tôi được bằng bạn bằng bè.
Ở làng tôi, các thanh niên thường đi làm công nhân trong các nhà máy ngay khi tốt nghiệp trung học. Trong khi đó, bố mẹ tôi luôn động viên anh em tôi đi học đại học để có nhiều sự lựa chọn hơn. Họ dạy chúng tôi không ngừng ước mơ để phấn đấu vươn lên và đạt được những điều mình mong muốn.
Sau khi tốt nghiệp đại học, tôi đi làm và gặp chồng tôi bây giờ. Chồng tôi ban đầu làm ở bên cung cấp nguyên liệu cho công ty tôi. Tôi gặp anh nhiều lần vì lý do công việc. Ban đầu, tôi không ưa gì anh ấy cũng như cách làm việc cứng nhắc của anh. Nhưng dần dần sau nhiều lần hợp tác, chúng tôi hiểu biết hơn về nhau và yêu nhau lúc nào không hay.
Mẹ chồng đòi con dâu đưa của hồi môn. Ảnh minh họa
Mặc dù chồng tôi là trai thành phố nhưng điều kiện gia đình anh cũng chẳng mấy khá giả. Anh sống trong 1 căn nhà nhỏ với diện tích chừng 20m2, khá chật chội nếu 1 gia đình 3 thế hệ cùng chung sống với nhau. Mẹ anh ở nhà nội trợ, bố anh là kỹ sư điện đã nghỉ hưu. Cả nhà sống chủ yếu nhờ lương của anh và lương hưu của bố nên mọi chi tiêu khá eo hẹp.
Tuy nhiên, mẹ chồng tôi lại luôn nghĩ rằng họ là người thành phố nên có gì sang trọng, cao siêu hơn những người dân nông thôn chúng tôi. Bà luôn nghĩ rằng tôi có phúc lớn lắm mới được làm dâu thành phố, có hộ khẩu thành phố.
"Cái Lan (tôi) đúng là số may mắn, ra thành phố học, làm việc, lại lấy được chồng thành phố chứ mẹ thấy đầy người chẳng bon chen ở lại phải ngậm ngùi về quê sống", mẹ chồng tôi mỉa mai.
Tuy cảm thấy chạnh lòng, tủi thân vì cách đối xử này nhưng tôi nghĩ đã làm dâu thì phải tôn trọng mẹ chồng, gia đình chồng và cư xử sao cho phải phép.
Nhưng ai biết được, sau ngày cưới của tôi 1 ngày, mẹ chồng tôi đã gõ cửa, lân la hỏi han rồi nằng nặc đòi tôi trao lại của hồi môn "để mẹ giữ, mày không biết giữ để lung tung lại mất".
Nghe những lời của mẹ chồng, tôi thấy có gì đó nghèn nghẹn ở cổ. Khi thấy mẹ chồng hỏi, tôi mỉm cười đưa sổ đỏ đứng tên miếng đất ở quê bố mẹ tôi cho để bà thấy. Xem xét một hồi, mẹ chồng tôi chắc cũng "cạn lời", không biết nói gì và đưa lại cho tôi hết chỗ giấy tờ.
Từ đó, tôi không thấy mẹ chồng hỏi gì về của hồi môn hay tiền của tôi nữa. Mấy ngày nay, tôi cũng thấy cuộc sống ở nhà chồng bớt căng thẳng, đơn giản và dễ thở hơn nhiều. Dù rằng, việc chật chội, bất tiện khiến tôi chỉ mau chóng mong được ra ở riêng cho thoải mái.
Theo Eva
Nhà chồng hay gom đồ thừa để biếu sui gia Của cho không bằng cách cho, thấy nhà chồng hay gom đồ thừa, đồ dư để biếu gia đình tôi vào những dịp lễ Tết, tôi không khỏi chạnh lòng. Nhà chồng tôi thuộc dạng khá giả, có của ăn của để. Nhà tôi thì ở quê, chỉ đủ ăn đủ mặc, đôi lúc còn thiếu thốn, sống phải tần tiện tiết kiệm...