“Mẹ chồng”: Đúng công thức nhưng chưa đủ sáng tạo
Phim “Mẹ chồng” có những thành công nhất định trong việc xây dựng kết cấu, nhân vật, không khí nhưng đi sâu về chi tiết lại chưa được thuyết phục.
Tháng 4/2017, phim truyền hình Sống chung với mẹ chồng tạo nên cơn sốt mạnh mẽ khi đề cập thẳng thừng chủ đề mẹ chồng – nàng dâu, chuyện của mọi nhà. Có lẽ thành công đó đã tạo một nguồn cảm hứng cho đạo diễn Lý Minh Thắng nên không lâu sau đó, anh công bố phim điện ảnh Mẹ chồng với dàn diễn viên “nặng kí”.
Thế nhưng, chuyện mẹ chồng nàng dâu trong phiên bản điện ảnh không còn là những mâu thuẫn thường nhật trong cuộc sống vợ chồng, hay chuyện bếp núc nội trợ nữa mà được đẩy lên thành những cuộc đấu đá có thể trả giá bằng cả tính mạng. Với bối cảnh giả tưởng Đại Điền những năm 1950, bức màn của gia đình Hội đồng Lịnh dần được vén lên bằng những bi kịch nối tiếp.
Ba Trân ( Thanh Hằng) là một cô gái xinh đẹp, được gả vào làm dâu nhà họ Huỳnh là Hội đồng Lịnh quyền uy nhất Đại Điền (bối cảnh giả định trong phim). Thế nhưng, cô lại sơ sẩy khiến mình mất đứa con đang mang trong bụng. Từ đó, Ba Trân sống trong sự khinh ghét của bà Hội đồng (Diễm My). Không chỉ bị “đày ra lãnh cung”, Ba Trân còn phải chứng kiến chồng mình lấy vợ hai là Bảy Loan ( Ngọc Quyên).
Nhưng Ba Trân không bỏ cuộc, cô đã tìm cách để vượt qua những biến cố, sinh được đứa con trai và trở thành mợ cả quyền lực nhà họ Huỳnh. Con dâu Tư Thì (Lan Khuê) lặp lại bi kịch của Ba Trân khi không thể sinh con nối dõi, nên lại phải chứng kiến mẹ chồng cưới thêm vợ cho chồng. Để rồi khi Tuyết Mai ( Midu) xuất hiện, nhà hội đồng Lịnh bắt đầu bước vào một cơn bão thật sự, mọi nền nếp trước kia có thể đảo lộn bất cứ lúc nào.
Kịch bản phim tuy khá phức tạp nhưng chủ đích được chia thành 4 hồi xuân – hạ – thu – đông với ý muốn thể hiện một vòng tròn không điểm dừng của định kiến và nỗi đau của người phụ nữ thời phong kiến. Về phần chìm, Mẹ chồng truyền đạt khá tốt những uẩn ức, đau thương lẫn sự trói buộc của lề thói và xã hội lên cuộc đời phụ nữ. Từng nỗi thống khổ từ khi bước chân về nhà chồng, gánh nặng sinh con nối dõi, niềm đau khi phải chịu kiếp chồng chung cho đến khi trở thành những bà mẹ chồng tiếp tục áp đặt điều đó lên đời sau đều được thể hiện rõ ràng thông qua mối quan hệ chồng chéo của các nhân vật.
Giống như câu hát vang lên từ những phút đầu tiên: “Bông xanh, bông trắng, bông vàng, xuân tàn còn lại mấy bông?”. Nó không chỉ khái quát được những cảm xúc hỉ nộ ái ố trong cuộc sống của người phụ nữ khi về nhà chồng mà còn ngầm chỉ ra sự đấu đá đến một mất một còn của những người phụ nữ dòng họ Huỳnh.
Lý Cây Bông – Nhạc phim Mẹ Chồng
Áp dụng chính xác công thức phim cung đấu
Và những cuộc tranh đấu này chính là phần nổi của phim. Áp dụng công thức của phim “cung đấu” rất phổ biến trong điện ảnh truyền hình Trung Quốc, TVB, Mẹ chồng thể hiện sự khéo léo nhất định trong chú trọng xây dựng đường dây kịch bản giữa nhiều nhân vật khác nhau. Nếu xem Huỳnh gia là một hậu cung thì Ba Trân chính là hoàng hậu nương nương, nắm quyền cai quản tam cung lục viện, chỉ cần một tiếng bước chân, một cái liếc mắt cũng khiến tất thảy khiếp sợ. Trên Ba Trân chính là bà Hội đồng dù đã bị liệt nhưng vẫn còn giữ gia bảo nên vẫn là Thái Phật gia quyền uy nhất. Dưới Ba Trân chính là tất cả những người còn lại: Tư Thì, Tuyết Mai, Bảy Loan, nô bọc. Ai nấy đều phải sống trong cảnh nhìn sắc mặt Ba Trân mới dám thở, có kẻ ngấm ngầm ủ mưu đoạt quyền, có người chỉ muốn yên thân, cũng có người non dạ cho rằng cuộc sống “cấm cung” không kinh khủng như người ta nghĩ.
Bên cạnh những mỹ nữ, chính cánh mày râu cũng không kém phần phức tạp. Không tham gia trực tiếp vào cuộc đấu đá, nhưng những gã đàn ông trong phim “cung đấu” luôn có những tác động không nhỏ dẫn đến những cuộc thay đổi lớn. Có thể là tình yêu, cũng có khi là quyền lực. Những gã đàn ông như Hai Đìa, Chín Tị, Hai Phước, Thiện Khiêm trong Mẹ chồng tác động đến cả hai thứ quan trọng ấy. Từng bước dẫn đến những xung đột lớn ở cuối phim, và vạch ra một âm mưu bất ngờ.
Nhưng vẫn còn thiếu đột phá
Thoạt nghe qua thấy Mẹ chồng đang xây được một kịch bản rất “chuẩn phim cung đấu”, giải được kết quả một bài toán phức tạp, nhưng thực chất chỉ mới hoàn thành bước một, những nút thắt còn lại sẽ phản ứng và tạo ra điều gì hoàn toàn bị bỏ sót. Những mâu thuẫn của từng cặp nhân vật đối đầu chỉ được mô tả tuyến tính, đúng theo những gì người ta có thể mường tượng từ trước. Cụ thể hơn, căng thẳng ngầm giữa Ba Trân và Tư Thì từ đầu đến cuối chỉ là chuyện nối dõi tông đường, một người thị uy – một người nhẫn nhịn mà không có nhiều biến chuyển trong chi tiết để khán giả bị cuốn vào. Hay như mối quan hệ giữa Tuyết Mai và Thiện Khiêm cũng không tạo ra điều gì bất ngờ từ khi được công bố cho đến hết phim. Thậm chí, những chi tiết như xuất thân của Tư Thì, vì sao cô lại lấy Hai Phước cũng được bỏ qua vì vấn đề thời lượng.
Đường dây can thiệp giữa các nhân vật nam vào câu chuyện chính cũng chỉ được khai thác ở bề mặt. Lý ra Hai Phước và Thiện Khiêm phải có nhiều tương tác và mâu thuẫn hơn. Hai Đìa và Chín Tị, Chín Tị và Ba Tuông, Ba Tuông và Thiện Khiêm, có rất nhiều “đất” để câu chuyện được thêm thắt gia vị, hòng tạo ra một sự âm ỉ luôn tồn tại trong cách “trị vì” của Ba Trân, để đoạn kết trở nên thật hùng tráng và ấn tượng.
Nhưng vì thời lượng ngắn mà nhân vật lại nhiều, tham nhiều thứ đã xuất hiện “nhẵn mặt” trong các phim cùng thể loại nên yếu hẳn về chi tiết. Một người hạ độc, một người rình mò, một người ương ngạnh, một người cam chịu… các nhân vật trong phim được xây dựng đúng một chiều, không có sáng tạo về chi tiết, khiến cho cách mà các cô hung ác hay hiền lành cũng bị cũ hẳn.
Trailer Mẹ chồng
Quần là áo lượt, nhưng cảm giác… sai sai
Phần hình ảnh của phim được khen ngợi hoành tráng, chỉn chu từ bối cảnh đến trang phục. Không sai! Nhưng việc tạo ra bối cảnh giả tưởng vẫn không thể xua đi cảm giác “sai sai” cho người xem khi nghĩ đến tương quan thực tế giữa xã hội trên phim và xã hội Việt Nam thực thời đó. Những bộ trang phục trên phim được chăm chút hoành tráng đến từng chiếc trang sức nhưng tiếc thay lại không cho cảm giác muốn ứng dụng, muốn khoác vào như Cô Ba Sài Gòn đã làm được, dù những bộ cánh của cả hai phim đều đến từ nhà thiết kế Thủy Nguyễn.
Bối cảnh phim chủ yếu cũng chỉ xoay quanh căn nhà cổ, lặp đi lặp lại đôi lúc khiến khán giả có cảm giác phim bị “truyền hình”. Tuy nhiên, phải khen ngợi ekip khi đã phục dựng những đại cảnh hoành tráng rất bắt mắt như hội cướp thóc, hát Hồ Quảng và cảnh nổi loạn ở kho thóc.
Âm nhạc được tính toán tốt
Nhạc phim cũng đa dạng từ cải lương, thơ, vè, nhạc cụ dân tộc đến cả nhạc trẻ được tính toán thời điểm để vang lên khiến cảm xúc phim được bồi đắp thêm nhiều phần.
Cảm giác về một bộ phim “Thanh Hằng và những người bạn”
Diễn xuất của các diễn viên cũng là một điểm đáng nói, khi hơn nửa dàn nhân vật chính đều là những người không thường xuyên đóng phim. Bên cạnh vai diễn được xây dựng chi tiết và màn lột xác thành công của Thanh Hằng thì vai Tuyết Mai của Midu cũng là một nhân vật dễ được yêu thích. Vốn gắn liền với hình tượng tiểu thư hiền lành, nhưng lần này Midu gây ấn tượng khá tốt với vai một cô gái tân thời có cá tính, không phục tùng tuyệt đối những luật lệ cổ hủ.
Trong khi đó, vai của Lan Khuê lại gây ra nhiều bối rối cho khán giả bởi chính phong thái “người mẫu” hàng ngày của mình, khiến nhân vật càng trở nên khó hiểu một cách không cần thiết. Hơn nữa, sự điềm tĩnh trong tính cách Tư Thì khi được Lan Khuê thể hiện, lại khiến khán giả cảm giác như xem những đoạn… “slo-mo”, đôi khi không thấy cô nhẫn nhịn từ tốn nữa mà chỉ thấy chậm một cách khó hiểu. Cách diễn xuất của Lan Khuê trong đoạn tay đôi cuối phim khiến nhiều người phì cười dù đó lí ra phải là một phân đoạn căng thẳng. Ngọc Quyên với vai Bảy Loan cũng không tạo được ấn tượng gì, một vai mà kiểu ai cũng sẽ diễn được.
Ngoài ra, Lâm Vinh Hải, Song Luân cũng chỉ ở mức vừa đủ vì tuyến nhân vật nam dù chiếm vai trò quan trọng nhưng lại được xây dựng nửa vời. Vì thế, đối với những gương mặt còn mới ở điện ảnh như Lan Khuê, Song Luân, Lâm Vinh Hải, có thể nói ở dự án này, bộ bốn chỉ thể hiện nhân vật vừa đủ cho khán giả nắm bắt thay vì những cao trào kịch tính từ những mâu thuẫn, tham sân chồng chéo của các lớp nhân vật. Vậy nên, theo dõi phim, điều mà ai cũng thấy là “spotlight” (đèn rọi) gần như chỉ chiếu vào mỗi Thanh Hằng.
Cảnh nóng này không xuất hiện trong bản phim chính thức
Tạm kết
Tóm lại, từ đầu, ta luôn hiểu cả biên kịch lẫn đạo diễn đều đang hiểu rõ mình đang làm gì và hào hứng với cuộc chơi này. Tuy nhiên, họ lại không đủ bình tĩnh để giải quyết bài toán khó nhất về thời lượng, khiến cho những sáng tạo vô tình bị kiềm lại, khiến câu chuyện nhà chồng này không biết nên khen chê thế nào, vì nó chưa “đã” đến mức gọi lại hay, cũng khó thể nào chê dở khi mà Mẹ Chồng được góp vào phần diễn xuất tốt đặc biệt từ Thanh Hằng. Giống như một tòa nhà được xây thật cao trên nền móng chưa thực sự vững chãi, nếu may mắn, những người trong căn nhà đó vẫn có thể sống an nhàn nhưng nếu xui rủi, một cơn bão thổi qua thì có thể sụp đổ như chính vận mệnh nhà họ Huỳnh ở cuối phim.
Mẹ Chồng được khởi chiếu chính thức từ ngày 1/12/2017.
Theo Trí Thức Trẻ
Đạo diễn "Mẹ Chồng" Lý Minh Thắng chia sẻ gì về cảnh nóng bị cắt trong phim?
Việc nam diễn viên Song Luân khoe trọn "vòng 3" trong cảnh nóng với Thanh Hằng được nhiều người chú ý trong thời gian qua. Tuy nhiên, trong bản phim chính thức của "Mẹ chồng", cảnh này đã bị cắt bớt.
Cách đây ít lâu, cảnh nóng giữa Thanh Hằng và Song Luân trong phim Mẹ chồng được nhà sản xuất tung ra, khiến dư luận sôi sục vì sự táo bạo của phim cũng như bàn tán về... vòng 3 của nam ca sĩ Song Luân. Sau đó, thông tin phim bị dán nhãn C16 (cấm khán giả dưới 16 tuổi) càng khiến khán giả cho rằng do phim có nhiều cảnh nóng. Tuy nhiên, trong bản phim chính thức được trình chiếu trong buổi công chiếu đầu tiên tại Sài Gòn, cảnh nóng ấy đã bị cắt bớt, vòng 3 của Song Luân đã biến mất.
Chúng tôi đã liên hệ với đạo diễn Lý Minh Thắng để làm một cuộc phỏng vấn nhanh về việc này cũng như bản thân bộ phim Mẹ chồng.
Phỏng vấn đạo diễn Lý Minh Thắng
Anh cho biết từ đầu, cảnh nóng đã được chủ đích giản lược trong phim, mục đích là để khán giả không bị cuốn vào, hòng chuẩn bị cho những nỗi đau, mất mát đã được chuẩn bị cho Ba Trân ở phía sau. Nhưng do phía truyền thông và ekip cảm thấy thích phân đoạn đó quá nên muốn giới thiệu trước cho khán giả thưởng thức chứ không phải vì vụ việc gây tranh cãi mà phải cắt đi.
Anh còn nói thêm bản thân mình cảm thấy không tự tin rằng Mẹ chồng sẽ được khán giả yêu thích bởi nội dung phim nặng nề, nhiều bi kịch, dường như không hợp với khán giả trẻ.
Cảnh nóng giữa Thanh Hằng và Song Luân
Phim Mẹ chồng sẽ công chiếu toàn quốc từ ngày 1/12/2017.
Theo Trí Thức Trẻ
Thanh Hằng, Lan Khuê thi nhau mặc trang phục "cắt trên xẻ dưới" Dường như cả Lan Khuê lẫn Thanh Hằng đều muốn mình là tâm điểm của sự kiện. Tối 29/11 tại TP.HCM đã diễn ra buổi họp báo công chiếu bộ phim "Mẹ chồng" của đạo diễn Lý Minh Thắng. Sự kiện quy tụ nhiều nghệ sĩ được khán giả yêu mến và sự góp mặt của dàn diễn viên toàn chân dài. Khi...