Mẹ chồng đòi quản lý tiền bạc của con
Vợ chồng em đi làm về có bao nhiêu lương phải nộp cho mẹ chồng hết, thậm chí tiền ăn sáng đôi khi cũng phải xin bà.
Em 26 tuổi, chồng 27, kết hôn được 2 năm. Chồng em là người hiền lành và sống có trách nhiệm với cả hai bên gia đình. Em buồn một nỗi là mẹ chồng khá khó tính, bà muốn quản lý hết tiền bạc của vợ chồng em với lý do hai đứa còn trẻ nên chưa biết cách chi tiêu.
Nhiều khi em nói chuyện nhưng chồng lại bênh mẹ, cái gì anh cũng nghe lời mẹ, từ việc mua đồ đạc đến mọi thứ. Em nghĩ cứ thế này em sẽ không thể chịu được lâu mất vì em thấy mình chẳng có vị trí gì trong mắt anh ấy. Em nên làm gì để chồng em thay đổi? (Quỳnh)
Ảnh minh họa: Informationng.com.
Trả lời:
Khi bước vào cuộc hôn nhân, ai cũng có nhiều hy vọng vào một cuộc sống mới nhưng thực tế không phải lúc nào mọi thứ cũng hoàn hảo như mình mong đợi. Vì vậy, lúc này em sẽ cảm thấy mọi thứ như đang vượt quá sức chịu đựng của mình khi cuộc sống giống như đang bị kiểm soát, mong em hãy bình tĩnh để vượt qua mọi chuyện.
Về phía chồng em: Lúc này hẳn là em đang nhìn nhận rất tiêu cực về anh ấy nhưng ở góc độ khác, em có thấy chồng mình cũng là người đàn ông tốt và hiếu thảo, biết lo lắng quan tâm tới tất cả mọi người bên nội ngoại? Nếu như anh ấy là người sống có trách nhiệm thì việc anh không dám làm mất lòng mẹ mình là có thể hiểu được. Theo những gì em nói thì chồng em lại nghe lời mẹ trong tất cả mọi việc, kể cả chuyện phải nộp toàn bộ tài chính cho bà quản lý.
Video đang HOT
Để có sự nhìn nhận một cách chính xác, em cần thận trọng, không vội vàng quy chụp dẫn tới hiểu lầm và có những hành động đáng tiếc. Em hãy cố gắng tâm sự nhiều hơn, tìm hiểu thật kỹ về các mối quan hệ quanh chồng mình để hiểu anh ấy hơn. Có thể từ trước đến nay anh ấy quen có sự kiểm soát của mẹ nên không dám phản đối dù không muốn vậy, hay lúc nào anh ấy cũng coi ý kiến của mẹ là trên hết?
Lúc này đòi hỏi em sự tế nhị kín đáo. Em cần lựa chọn thời điểm để chia sẻ những lo lắng của mình với anh ấy, trao đổi cởi mở với nhau cũng là cách giúp em và anh ấy hiểu nhau hơn. Nếu trong trường hợp anh ấy quen bị mẹ áp đặt mọi thứ từ nhỏ thì việc thay đổi thói quen cần có thời gian và cần có sự tác động. Ít nhất em hãy giúp anh ấy hiểu rằng đây là thời điểm vợ chồng cần độc lập hơn. Thậm chí việc các em tự quyết định về cuộc sống cũng như tài chính của mình chính là cách để các em học được cách độc lập và trưởng thành hơn. Hơn hết, không vì điều gì mà làm cho tình cảm của cả hai bên bị sứt mẻ.
Em nên bàn bạc với anh ấy nếu trong thời điểm này cả hai vẫn chưa được giữ lương thì xem xét những khoản nào cần phải chi tiêu cố định trong tháng, ví dụ tiền cưới hỏi ăn uống hay đi gặp gỡ bạn bè… Các em sẽ trao đổi với mẹ là cho giữ lại khoản tiền đó, còn lại thì nhờ bà giữ hộ. Em cũng không nên phủ định vai trò của mẹ chồng đối với anh ấy và đối với em, bà vẫn là người quan trọng với chồng em và với cả em nữa. Con người không có ai là hoàn hảo cả, và biết chấp nhận ở điểm nào đó sẽ giúp em và anh ấy hòa hợp với nhau hơn.
Về phía mẹ chồng: Các em mới lấy nhau được 2 năm và đang ở những giai đoạn đầu của hôn nhân. Có thể chồng em không phải là người quyết đoán hoặc từ trước tới nay chưa biết cách quản lý chi tiêu trong gia đình nên mẹ anh ấy sẽ cảm thấy lo lắng và muốn giữ tiền cho các em. Nếu trong trường hợp bà chỉ giữ hộ sau này các em cần bà sẽ đưa cho thì không có vấn đề gì, tất nhiên là vẫn có những điều bất tiện khi các em có những việc lớn cần phải chi tiêu.
Em hãy cố gắng tìm hiểu những thói quen sinh hoạt giao tiếp từ các thành viên khác trong gia đình chồng, thông thường một cá nhân sẽ chịu ảnh hưởng rất nhiều từ môi trường giáo dục gia đình. Nếu hiểu được mọi người, em sẽ có câu trả lời cho những điều đang khúc mắc ở hiện tại. Đừng vì cách ứng xử của bà mà em có thái độ tiêu cực, như vậy em sẽ chỉ làm cho mọi việc trở nên trầm trọng hơn mà thôi. Bởi nhìn theo chiều hướng tích cực thì mẹ chồng em cũng là người mẹ tận tụy luôn lo lắng cho con cái mình.
Hãy thử quan tâm chia sẻ nhiều hơn với mẹ chồng, xây dựng mối quan hệ tốt với bà. Khi em có được tình cảm của mẹ chồng thì lúc đó em sẽ có cơ hội trao đổi với bà mong muốn của mình mà không bị hiểu lầm. Khi mối quan hệ mẹ chồng – nàng dâu được cải thiện hơn thì em sẽ càng được chồng yêu thương trân trọng hơn.
Chúc em sẽ sớm giải quyết được vấn đề của mình.
Chuyên viên tư vấn Vũ Ánh Tuyết
Trung tâm tư vấn tình cảm Linh Tâm
Theo VNE
Tết và những chuyện đau đầu của các bà vợ
'Ngày nhỏ thì mong đến Tết, bây giờ nhắc đến Tết thôi là đã cảm thấy đau đầu' - đó là câu nói của nhiều chị em trong những câu chuyện phiếm dịp cuối năm.
Không đau đầu sao được khi Tết cũng là đợt khủng hoảng của nhiều gia đình, từ khâu nhân sự, tài chính, cho đến lập kế hoạch và chăm sóc, bảo vệ sức khỏe...
Từ khủng hoảng nhân sự...
"Tết vắng ôsin", đó là nỗi ám ảnh khủng khiếp nhất của các bà vợ hiện đại. Chị Minh Ngọc (quận Bình Tân, TP HCM) than thở: "Mình có Tết thì người giúp việc cũng có Tết. Mình muốn sum vầy với gia đình thì họ cũng thế. Vì vậy, không cho nghỉ thì tội nghiệp người giúp việc mà cho nghỉ thì tội nghiệp... mình. Cái gì cũng quen giao chị ấy làm, giờ phải tự tay làm, trong khi công việc ở cơ quan thì cứ bộn bề. Tôi cũng đã thử gọi điện thoại đến các trung tâm môi giới người giúp việc theo giờ nhưng đa số đều lắc đầu vì đã nhận việc kín lịch rồi. Thế mới khổ!".
Vắng ôsin đã cực, chuyện đưa đón con trong dịp cận Tết còn nan giải hơn gấp nhiều lần. Hầu hết các trường đều cho học sinh nghỉ từ ngày 25, 26 tháng Chạp, trong khi bố mẹ thì đến tận ngày 28, 29 mới kết thúc công việc cuối năm. Chị Ngọc Lan (quận Ba Đình, Hà Nội) chia sẻ: "Bình thường, con tan học lúc 4h30, cũng là lúc mình hết giờ làm nên có thể thu xếp để đón con được. Mấy ngày cận Tết, trường cho nghỉ học sớm quá, mình chẳng biết phải làm thế nào. Ông bà nội ngoại đều ở quê, mình phải xin nghỉ phép để ở nhà trông trẻ trong khi việc ở công ty thì còn nhiều".
... đến khủng khoảng tài chính
Tết là dịp tiêu tiền, mua sắm quà cáp cho hai bên nội ngoại, trang hoàng nhà cửa, lại thêm lì xì mừng năm mới, chuyện cân đối chi tiêu cũng trở thành gánh nặng cho bất kỳ bà nội trợ nào. Vấn đề chi tiêu tiết kiệm, hợp lý trong dịp Tết luôn là bài toán hàng đầu của nhiều gia đình khi mà có quá nhiều thứ cần phải mua. Năm nay, với quãng thời gian được nghỉ lên đến 9 ngày thì nhu cầu về sắm sửa đồ dùng, thực phẩm lại càng tăng cao hơn bao giờ hết.
Chị Hoài Thu (quận Bình Chánh, TP HCM) cho biết, với mức thưởng Tết 2,5 triệu đồng (cả Tết âm lẫn Tết dương), chị chỉ kỳ vọng sắm sửa đủ được những thứ thiết yếu nhất như thực phẩm, bánh trái, hoa quả, mứt Tết. Ngoài ra, những khoản cần chi phí nhiều hơn như đi chúc Tết người thân, chúc Tết sếp, chi phí thuê xe về quê và lì xì cho mọi người sẽ được huy động từ tiền thưởng Tết của chồng (7 triệu đồng).
Trong khi đó, chị Bích Hòa (quận Ba Đình, Hà Nội), nhân viên hành chính của một doanh nghiệp Nhà nước cho hay: "Tết nào cơ quan chị cũng xếp hàng đi Tết sếp nên chị không thể không đi. Mà quà cho sếp thì không thể mua quà rẻ tiền được, ít nhất cũng phải ngốn tiền triệu trở lên. Như vậy là mất đứt tiền thưởng Tết của vợ hoặc chồng rồi".
... và cả chuyện chăm sóc sức khỏe gia đình
Ngày Tết là dịp họp mặt, vui chơi sau một năm bận rộn nên mọi người thường liên tục tham gia những bữa tiệc lớn nhỏ, làm suy giảm sức khỏe va tinh thân đáng kể. Đó là chưa kể thói quen ăn lặt vặt, rải rác suốt cả ngày làm thay đổi nhịp tiêu hóa của ngày thường (3 - 4 bữa một ngày). Ngoài ra, thức uống trong dịp Tết thường là rượu, bia, nước ngọt, không có lợi cho cơ thể, đặc biệt là dạ dày, gan và hệ thần kinh.
Chị Thu Thảo (quận Thủ Đức, TP HCM) ngán ngẩm: "Đến Tết là bọn trẻ cứ bạ đâu ăn đấy, uống nước ngọt suốt cả ngày. Nhà cửa thì liên tục có khách, tiệc tùng cả đêm, mình dọn dẹp đến mệt phờ cả người, chỉ mong mau mau chóng chóng cho qua 3 ngày Tết. Tết là dịp để vui đùa, nghỉ ngơi nhưng thật sự là thời gian khổ ải nhất của mình, chỉ mong ông xã tâm lý để hỗ trợ mình 'đỡ nhà nội, gỡ nhà ngoại', chứ tình trạng này mà kéo dài thì chắc năm sau mình sẽ 'trốn' Tết bằng cách du lịch nước ngoài mất".
Ngày Tết gia đình nào cũng mong thuận hòa, yên ấm. Vì vậy, hãy thẳng thắn chia sẻ những ấm ức, mong mỏi của mình cùng với mọi người, nhất là bạn đời để tìm phương án giải quyết hiêu qua. Tết cũng là dịp đoàn viên, gắn bó để chồng chung vai sát cánh và đỡ đần cho vợ dù là việc nhỏ nhặt đơn giản nhất.
Theo Ngoisao
Tôi luôn thấy lạc lõng, cô đơn khi ở nhà chồng Đã lập gia đình, nhưng hễ có việc gì của hai vợ chồng anh đều đi kể hết với mẹ mà không bàn bạc trước với vợ bao giờ. Em năm nay 21 tuôi đã lập gia đinh. Em đang mang thai đươc 7 thang, chông em 29 tuôi. Chúng em yêu nhau được 4 năm trước khi cưới, trong thời gian đó...