Mẹ chồng đòi ở riêng cho… sướng thân
Ngày nay, nhiều mẹ chồng cũng muốn thoát cảnh chung đụng với con cái để được sống theo ý mình những năm cuối đời.
Ở riêng cho tự do thoải mái không chỉ là nguyện vọng của các nàng dâu. Ngày nay, nhiều mẹ chồngcũng muốn thoát cảnh chung đụng với con cái để được sống theo ý mình những năm cuối đời.
Oán hận mẹ chồng vì xin ở chung không được
Mỗi lần họp “Hội nói xấu mẹ chồng”, trong khi các chị em trong công ty kêu trời về cảnh sống ngột ngạt, nặng nề dưới “ách áp bức của mẹ chồng”, về khát khao vô vọng là được “ra riêng” thì Trang lại thốt ra những lời cay đắng: “Các chị đừng kêu nữa, sướng mà không biết hưởng. Em thèm ở chung còn không được đây. Thử hỏi có mẹ chồng nào như mẹ chồng em không? Người ta về già ai cũng thích ở cùng con cháu, trong khi bà nội nhà này chỉ muốn đuổi con cháu đi cho khuất mắt”.
“Bà ấy không thích ở với con dâu à? Hay bà ấy ghét em? Hay nhà bà ấy chật chội, bất tiện?”, một chị hỏi. Trang kêu lên: “Ghét ư, bà ấy còn động viên hai đứa cưới sớm đấy. Còn nhà thì biệt thự nhé, hơi bị to!”.
Hồi sắp cưới, ai cũng nắc nỏm khen Trang tốt số, được về ở trong ngôi nhà to vật, tiện nghi, mẹ chồng thì thoáng tính, lại tỏ ra thích con dâu. Ấy thế mà vừa cưới xong, cô đã vỡ mộng: “Sau tuần trăng mật, bà ấy gọi hai đứa lại bảo, quan điểm của mẹ rất hiện đại, tôn trọng cuộc sống riêng tư, mẹ con tuy yêu quý nhau nhưng sống chung kiểu gì cũng có điều bất tiện, rồi bất hòa, vì thế hai đứa hãy ra ở riêng. Các con đều được nuôi ăn học tử tế, giờ trưởng thành và tự lập được rồi. Tưởng mẹ nói quan điểm thế, còn có ra riêng hay không là tùy con, ai ngờ bà cứ giục suốt cho đến lúc bọn em tìm được nhà thuê mới thôi”.
Video đang HOT
Hồi sắp cưới, ai cũng nắc nỏm khen Trang tốt số, được về ở trong ngôi nhà to vật, tiện nghi, mẹ chồng thì thoáng tính, lại tỏ ra thích con dâu. (ảnh minh họa)
Trang cho biết, vợ chồng cô thu nhập cũng khá, nhưng dù sao khi phải thuê nhà thì cũng phải mất đi một khoản không nhỏ, lại còn chuyện sắm sửa đồ đạc, không thể tiện nghi, sang trọng như nhà mẹ chồng được, tiền tích lũy vì thế cũng ít đi. “Các chị xem, mang tiếng làm dâu Hà Nội, nhà chồng khá giả, mà chúng em có khác gì cặp đôi nhà quê, phải đi thuê nhà, trong khi mẹ chồng ở một mình một ngôi nhà to trên phố? Thật không hiểu nổi sao lại có bà mẹ ích kỷ như thế. Chẳng qua bà sợ bọn em làm vướng chân, không yêu đương bồ bịch được mà thôi”.
Mẹ chồng Trang chưa đầy 50 tuổi, ly hôn đã nhiều năm. Bà trẻ đẹp so với tuổi, ăn mặc sành điệu, và có cuộc sống khá sôi động, nếu không bận rộn với việc kinh doanh thì cũng đi tập thể hình, đi bơi, tụ tập bạn bè và… yêu đương. Bà có một người tình lâu năm, tuy không cưới nhưng rất gắn bó. Hễ có thời gian là họ rủ nhau đi du lịch, khiêu vũ, bơi lội… rất vui vẻ. Vì thế, bà chẳng có thời gian cho con cái, dù là chăm sóc hay săm soi. Mỗi lần gặp nàng dâu, bà đều vui vẻ hỏi han, vô tư góp ý về kiểu tóc, màu son của Trang mà không hề biết rằng cô oán bà vô kể.
Hoài Thu, 32 tuổi, cũng nuôi nỗi oán giận với bố mẹ chồng vì “bỏ mặc con cháu khốn khổ”. Ông bà sống trong căn hộ chung cư cũ hai phòng ngủ, theo Thu là tuy không rộng rãi nhưng cũng chẳng đến nỗi không dung nổi gia đình nhỏ của cô. “Bọn em biết bao giờ mới đủ tiền mua nhà riêng? Mà tiền thuê nhà thì quá nặng, vì khoản đó mà các con em phải ăn sữa bột rẻ tiền, trong khi ông bà sống một mình. Thật không có tình cảm gì cả”, Hoài Thu ấm ức.
Thực ra hai năm đầu cưới nhau, vợ chồng Thu vẫn sống chung với bố mẹ. Nhưng sau khi em bé ra đời được 13 tháng, bố gọi các con lại, yêu cầu tìm thuê nhà ở riêng, bởi em bé khóc quấy nhiều quá khiến mẹ không ngủ được, giảm sút sức khỏe, ông bà sẽ cho cháu mỗi tháng 2 triệu đồng tiền sữa. “Tưởng số tiền đó mà to sao? Em mất hơn 4 triệu tiền thuê nhà, đó là chưa kể không ai giúp đỡ, con mới 1 tuổi đã phải cho đi nhà trẻ, xót đứt ruột”, Thu nói.
Vất vả càng tăng lên khi Thu bị vỡ kế hoạch, sinh đứa thứ hai. Một mình xoay như chong chóng, cô nhờ chồng nói với bố mẹ cho trở về. Nhưng ông bố vẫn lấy lý do sức khỏe của mẹ để từ chối, nói sẽ tài trợ 50% tiền thuê giúp việc. Nỗi hận của Thu lớn đến nỗi cô không kìm được mà tâm sự với một người họ hàng của chồng rằng, ông bà đã bỏ mặc con cháu khổ cực như thế thì sau này già yếu cũng đừng mong cô báo hiếu.
Người già cũng có quyền sống cho mình
Những lời oán thán của con dâu rồi cũng đến tai ông Thịnh, bố chồng Thu. Ông chia sẻ, lúc yêu cầu các con ra ngoài ở, ông cũng biết con dâu nghĩ gì, nhưng vẫn bảo lưu quyết định vì đó là điều tốt nhất ông có thể làm. “Ngay khi cháu ra đời, nó đã quấy khóc suốt ngày suốt đêm, vợ tôi vốn sức khỏe kém, càng trở nên kiệt sức vì mất ngủ. Tôi vẫn động viên bà ấy chịu khó ít lâu, vì trẻ con chỉ khóc mấy tháng đầu, nhưng khi lớn hơn thì con bé vẫn khóc lóc nhõng nhẽo suốt vì được chiều quá mức, cứ không vừa ý là gào xé họng bất kể lúc nào”.
Dương tâm sự, thấy bố mẹ chồng khỏe hẳn lên sau một thời gian sống riêng, cô mới thấy trước đây mình đã vô tình lạm dụng họ. (ảnh minh họa)
“Lỗi không phải ở cháu tôi, nhưng góp ý mãi về cách nuôi dạy trẻ mà hai đứa nó chẳng nghe. Mà không chỉ chuyện mất ngủ, vợ tôi còn phải chăm cháu vào ban ngày khi bố mẹ nó đi làm, sức đã yếu lại càng suy kiệt. Tôi thì vụng chẳng biết chăm trẻ, bế nó nó còn không cho, cứ khóc toáng lên. Nhà thì không đủ rộng để thuê osin”.
“Tôi cũng biết chúng nó thuê nhà thì vất vả, nhưng tôi không đủ sức giúp cả vợ lẫn con, vì vậy tôi buộc phải lựa chọn. Con cái trưởng thành rồi, đã có thể lo được cho mình dù còn nhiều khó khăn. Còn vợ tôi, bà ấy đã lam lũ cả đời, về già lại đau yếu, tôi phải vì quyền lợi của bà ấy trước đã”.
Về chuyện con dâu nói sau này sẽ không báo hiếu, ông Thịnh chia sẻ, ông nuôi con không hề mong được báo đáp, và đã có phương án cho tuổi già của hai vợ chồng để khỏi phiền các con. Cái ông mong đợi từ con cái là tình cảm chứ không phải tiền phụng dưỡng: “Bị con oán, tôi buồn, nhưng tôi tin rằng theo thời gian, chúng nó sẽ biết thông cảm cho bố mẹ hơn”.
Cũng bị bố mẹ chồng “đuổi ra khỏi nhà” nhưng thái độ của Thùy Dương lại khác hẳn. Cô nói: “Lúc bố mẹ chồng bảo chúng tôi phải đi vì ông bà mệt mỏi với việc phải chờ hết hơi ngoài cửa toilet hay thường xuyên bầm tím vì bị lũ trẻ xô vào người, tôi biết rằng mình không nên tiếp tục dựa dẫm nữa. Chúng tôi đã lớn mà còn tiếp tục bắt bố mẹ phải hy sinh vì mình thì thật là vô lý. Vì thế tôi nhanh chóng tìm nhà thuê, gần nhà ông bà để tiện qua lại. Ở riêng, tôi vất vả hơn nhưng đã khắc phục bằng cách chia việc cho chồng và huấn luyện tính tự lập cho con, rồi mọi chuyện cũng ổn”.
Dương tâm sự, thấy bố mẹ chồng khỏe hẳn lên sau một thời gian sống riêng, cô mới thấy trước đây mình đã vô tình lạm dụng họ.
Anh Trần Phong, chồng Dương, thì bày tỏ: “Bố mẹ nuôi mình đến lúc ăn học xong là đã tròn trách nhiệm, sau đó mình phải tự lo chứ. Tôi thấy nhiều người rất vô lý khi trách móc bố mẹ già không tiếp tục hy sinh cho con cho cháu. Nếu đã không thể tự lo cho mình và con cái thì lập gia đình làm gì. Nên coi chuyện phải thuê nhà, phải tự chăm con là bình thường. Đã dám đẻ con ra thì dĩ nhiên mình phải tự mà chăm, sao lại nghĩ đó là trách nhiệm của ông bà được? Bố mẹ mình ngày xưa cũng phải nhặt nhạnh cả đời mới mua được căn nhà bé tí. Mình muốn có nhà thì cũng phải tự cố gắng chứ, cứ đòi ăn sẵn sao được”.
Cùng quan điểm trên, chị Hồng Phúc, 34 tuổi, nói: “Chị em mình cứ hay kêu ca chuyện phải ở chung, muốn được sống riêng cho thoải mái tự do, vậy tại sao không nghĩ rằng người già cũng có nhu cầu đó nhỉ?”.
Theo chị, trong mấy chục năm nuôi con, các ông bố bà mẹ đã phải hy sinh hầu hết các thú vui riêng. Khi con cái đã trưởng thành và tự lo được cho mình cũng là lúc họ có thể sống như ý mình muốn. Nhiều người muốn được quây quần suốt ngày bên con cháu, coi chuyện chăm cháu làm vui, nhưng cũng nhiều người muốn có sự riêng tư, không vướng bận, để được yên tĩnh đọc sách, nghe nhạc, tụ họp bạn bè…, điều mà trước đây họ không làm được.
“Theo tôi, các nàng dâu nên mừng khi bố mẹ chồng muốn sống riêng, độc lập, điều đó chứng tỏ các cụ khỏe mạnh và không thích làm phiền con cháu”, chị Phúc nói. “Nếu bạn muốn sống chung cho vui thì còn được, chứ nếu chỉ vì muốn nhờ vả, dựa dẫm thì thật là ích kỷ. Như vậy có nghĩa là bạn muốn bóc lột, muốn &’tận thu’ bố mẹ ngay cả khi các cụ đã già”.
Theo Eva