Mẹ chồng bòn rút tiền cưới của chúng tôi
Tiệc cưới chưa xong, bố mẹ chồng đã bắt đếm phong bì và lấy luôn 40 triệu đồng cho các chi phí mà ông bà đã chi trả từ trước.
ảnh minh họa
Tôi quen và đồng ý lấy anh vì tình cảm chân thành anh dành cho tôi và gia đình tôi. Tôi cũng thầm mừng vì gia đình anh không khá giả gì, nhà anh cũng ở quê, gia đình anh xuất thân bình thường. Tôi nghĩ như thế cuộc sống làm dâu trong gia đình anh sẽ nhẹ nhàng. Nhưng càng tiến gần đến đám cưới, tôi càng nhận ra nhiều điều “kỳ quặc” ở gia đình anh.
Ba mẹ anh tuy đã có chút ít thu nhập từ vườn tược nhưng vẫn sống chủ yếu bằng tiền các con gởi hàng tháng, và số tiền này đã được quy định, tháng nào đưa muộn là y như rằng bị mẹ chồng nặng nhẹ: “Cực khổ cả đời nuôi con cái lớn lên, giờ thì con cái phải lo lại cho ba mẹ chứ”. Vậy nên tôi để ý thấy chẳng bao giờ anh dám trốn tránh, dù tháng đó có phát sinh gì, dù ngày cưới đang cận kề.
Ông bà cũng chẳng lo cho chúng tôi bất cứ thứ gì mà các cô dâu khác lẽ ra phải được nhận từ nhà chồng. Vậy là hai đứa phải tích góp để chụp ảnh, mua áo cưới, trang trí bên nhà trai… và những gì bố mẹ chồng yêu cầu.
Rồi thì ngày cưới cũng đến. Ngày rước dâu ông bà cũng cho tôi 5 chỉ vàng (thực tế là 4,5 chỉ), đưa cho nhà gái hơn 10 triệu đồng tiền cưới. Tôi và chồng nhủ thầm, thôi thì ba mẹ cũng đã thương, lo lắng để không ngậm ngùi với bà con họ hàng.
Video đang HOT
Về bên nhà chồng, bước vào phòng hai vợ chồng – căn phòng không được dọn dẹp cũng chẳng được trang hoàng cho ra cái phòng tân hôn – mẹ tôi nghẹn ngào. Dù bà không nói lời nào nhưng tôi nghe kể là trên đường về bà đã khóc, khóc vì không ngờ con gái mình lại thiệt thòi như thế khi về nhà chồng. Nhưng nếu bà biết những gì xảy ra sau đó, chắc bà còn xót xa lắm!
Đám cưới bên nhà trai chia ra nhiều tiệc nên phải đón khách cả ngày. Ai dè tới trưa thì trời bắt đầu chuyển mưa. Thế là bố mẹ chồng gọi tôi vào đếm tiền mừng để liệu coi lời lỗ thế nào. Phong bì mừng được cất trong phòng mẹ chồng chứ hai vợ chồng cũng chẳng được giữ. Mới đếm được hơn 40 triệu đồng (gần nửa số khách mời) thì mẹ chồng bảo tôi là bà giữ lại 40 triệu đồng để trả cho các khoản đã chi, chiều tôi lo đếm nốt phong bì để tính tiền mâm cỗ, rượu bia và những khoản khác bà chưa nhớ ra.
Tôi không hiểu nên hỏi mẹ chồng thì được biết 40 triệu đồng đó bao gồm tiền vàng, tiền cưới, mâm quả và tất tần tật chi phí cho nhà trai đi rước dâu… Tới đây tôi mới ngớ ra là nhà chồng chẳng cho chúng tôi thứ gì và cũng chẳng phải lo bất cứ khoản nào, giờ lại chặn trước số tiền họ đã chi, sợ rằng trời mưa…
Số phận cũng trớ trêu, đêm tân hôn anh phải đi làm. Tôi thì cũng chẳng còn tâm trí nào mà một mình ở lại nhà chồng. Thế là chúng tôi đi, hẹn bố mẹ chồng sáng hôm sau về sớm để thanh toán các khoản còn lại. Tôi mệt nên ngủ thiếp đi, còn anh thì phải thức làm việc đến sáng. Ông bà đã chẳng thương còn gọi điện sớm hỏi khi nào về? Chẳng dám ăn sáng, hai vợ chồng tranh thủ chạy hơn 20 km về nhà.
Còn chưa kịp vào nhà, mới đặt chân đến cửa thì bố chồng đã đưa cho chồng tôi tờ giấy với một danh sách những khoản chi. Tính xong thì lỗ gần chục triệu đồng, chưa kể trước, sau hai vợ chồng chi cũng hơn 20 triệu đồng. Vậy là chúng tôi ra riêng với bàn tay trắng. Nói đúng hơn thì còn chút hồi môn mẹ tôi cho để mua sắm trong nhà.
Vậy cũng chưa yên. Sau khi cưới được ít ngày, vì quá bận mà chưa gửi tiền hàng tháng về, mẹ chồng lại gọi điện nhắc chuyện lo đám cưới cho chúng tôi, lo cho tôi 5 chỉ vàng nên ốm, giờ nói tôi cho lại 1 chỉ vàng. Nghe chồng nói mà không thể tưởng tưởng nổi tại sao bà lại mở lời như thế được? Tại sao bà không nghĩ các con chỉ mới ra riêng còn bộn bề thế nào, còn bao nhiêu khoản phải chi trả.
Nhưng để êm nhà êm cửa, để chồng khỏi khó xứ tôi cũng đồng ý. Nhưng bấy nhiêu đó cũng chưa làm tôi buồn bằng việc sau cưới, mẹ chồng tỏ ra khó chịu, coi thường, phân biệt đối xử và gần như chẳng hài lòng với bất cứ điều gì tôi làm cho bà.
Sau hôn nhân tôi thực sự sốc nhưng may mắn thay tôi còn có chồng bên cạnh. Chúng tôi tự động viên nhau vượt qua thời gian này, bàn tay trắng chúng tôi sẽ gây dựng tổ ấm như mình mong ước. Cố lên nhé chồng yêu!
Theo VNE
Cỗ to mừng nhiều, cỗ bé mừng ít
Nhìn cỗ cưới quá nhạt, chẳng thấy tí hương vị cưới xin nào, mà giống như một đám cỗ mở ra để kinh doanh.
Mà đã nói thì nhất định phải nói thật chua cay, thật ác liệt để những người đọc được phải thay đổi ngay cách suy nghĩ của mình về đám cưới. Có quá nhiều người mang đám cưới, hạnh phúc cả đời của người thân ra làm việc kinh doanh, kiếm lời. Và khách khứa đến dự thì quá ư là bức xúc vì cỗ cưới mà nhìn như cơm nhà, thậm chí chất lượng không ngon bằng cơm nhà, bữa cơm bình thường, vào một ngày bình thường, của một người rất bình thường nấu, với số tiền quá ư là ít.
Tôi nói như vậy vì tôi đã dính phải quá nhiều đám cưới như thế. Tôi đích thị là &'siêu cao thủ đám cưới' vì gần như tới tuổi này, khi đã 30, tôi đã đi tới cả trăm đám cưới. Bạn bè cấp 2, bạn bè cấp 3, bạn bè đại học bốn phương, bạn bè công việc và còn nhiều mối quan hệ này nọ, đích thị là tôi đã đi quá nhiều. Nhưng trong những đám cưới ấy, phải liệt kê được cả chục tá các đám cưới có ý đồ kinh doanh.
Hôm rồi về quê, có cậu bạn đi ăn cưới cùng tôi. Vì là cùng đoàn chơi với nhau, dù không quá thân nhưng đám cưới vẫn được mời. (ảnh minh họa)
Các bạn nhầm, không phải cứ mở ra ở một nơi sang trọng mà đòi thu được tiền nhiều đâu nhé. Bây giờ người ta cũng tính toán lắm, đi đám cưới cũng phải tính tới chất lượng cỗ bàn. Nên những đám cưới có ý kinh doanh thì lỗ là đương nhiên rồi, không phải bàn luận.
Hôm rồi về quê, có cậu bạn đi ăn cưới cùng tôi. Vì là cùng đoàn chơi với nhau, dù không quá thân nhưng đám cưới vẫn được mời. Chúng tôi dự tính là đi 300 nghìn cả vì mức độ chơi cũng bình thường. Thế là cả đội góp tiền vào cho một người bỏ vào phong bì. Thế nhưng, khi đến nhà gái, cỗ được bày ra, anh bạn này ngán ngẩm bảo, rút lại mỗi người một trăm. Chuyện nghe hài hước nhưng đúng là thế, anh bạn tôi khó chịu về việc tổ chức tiệc cưới, giống như một hình thức kinh doanh, nhìn mà bực không muốn gắp. Nghĩ lại đám cưới trước, cũng của cậu bạn cùng nhóm, ăn đến phát ngán mà vẫn thừa đầy. Cỗ ở đây mỗi người một gắp là hết, nghĩ mà nản. Nhìn cỗ cưới quá nhạt, chẳng thấy tí hương vị cưới xin nào, mà giống như một đám cỗ mở ra để kinh doanh.
Thế là hôm sau, cậu bạn tôi bảo mang số tiền thừa đi uống cà phê. Nghe thì có vẻ buồn cười nhưng đúng là thế. Đi ăn cỗ, bỏ ra đồng tiền mừng, nếu như không phải quan hệ thân tình, nhất là các ông bà lớn tuổi, họ sẽ tính toán rất chi ly. Đừng tưởng rằng, làm cỗ bịp thiên hạ mà xong đâu.
Với những đám cưới có mục đích kinh doanh, nhiều người thu lời lớn đấy, nhưng kết quả sau đó là gì? (ảnh minh họa)
Món xào mực thì toàn độn rau, mỗi người gắp một gắp là hết. Thịt bò xào thì đúng là khỏi nói, chỉ có cần tây xào bò chứ không phải bò xào cần tây. Thịt bò ba miếng bên trên, bên dưới toàn rau củ độn vào. Ở quê người ta không chuộng hình thức hoa hoét để trang trí, chỉ cần tháy cỗ ngon là người ta thích, nhất là mấy cụ mấy ông. Thế nên, tính chuyện kinh doanh cỗ ở quê thì hơi bị nhầm, vì chẳng ai có tiền mà bỏ ra từng ấy đồng đi ăn một bữa cỗ không ra gì.
Nếu tính ra một đám cưới như thế, chỉ cần mỗi người mừng 200 nghìn cũng lãi to, chứ đừng nói gì tới chuyện lỗ. Ở quê, các cụ thường đi ít hơn so với thành phố, thế nên cái đám mà chúng tôi đi thực sự họ đã tính toán rất kĩ càng rồi. Xem ra đó đúng là một hình thức kinh doanh nhanh để thu lợi.
Với những đám cưới có mục đích kinh doanh, nhiều người thu lời lớn đấy, nhưng kết quả sau đó là gì? Sẽ là tiếng cười, những lời đàm tiếu của thiên hạ rằng: &'nhà ông ấy cỗ bé thế', &'nhà ấy làm ăn mất khách', hay &'biết thứ mừng 200 thôi, cỗ không ngửi được'. Cái quan trọng là phải biết giữ chữ tín, để người ta nghĩ mình thật sự có lòng vì người thân, vì hạnh phúc của con cái. Và có lòng với bà con lối xóm, mong họ đến chung vui chứ không phải chuyện mời họ đến chỉ để nhận cái phong bì. Có lòng thì con cái mới hạnh phúc vẹn toàn được.
Theo VNE