Mẹ chồng bắt ăn thức ăn thừa từ đám cưới 3 tháng trước
Tôi rất yêu thương và kính trọng bà, nhưng chỉ có điều bà rất lạc hậu và tiết kiệm vô cùng.
Tôi năm nay 25 tuổi, mới lấy chồng được 3 tháng. Vợ chồng tôi sống cùng bố mẹ chồng ở một căn hộ chung cư giữa thủ đô. Vợ chồng tôi thu nhập cũng khá, lại chưa có con cái nên kinh tế cũng có thể nói là không đến nỗi thiếu thốn.
Trước khi lấy chồng tôi đã được các chị trong cơ quan “cảnh báo” về những phức tạp khi sống chung bố mẹ chồng, tôi đã lường trước và cũng cố gắng thích nghi và hòa hợp với mẹ chồng. Tuy nhiên mọi thứ không đơn giản như suy nghĩ của tôi.
Cuộc sống 3 tháng sau hôn nhân đã khiến tôi “sốc nặng”.
Mẹ chồng tôi là người tốt tính, chăm chỉ chịu khó và rất thương con cái. Chỉ có điều bà rất lạc hậu và tiết kiệm vô cùng. Tuy tôi có cố gắng chiều theo ý của mẹ chồng để hạn chế tối đa những mâu thuẫn xảy ra nhưng tôi vẫn không sao hòa hợp được nổi với cách sống siêu tiết kiệm của bà.
Video đang HOT
Bố mẹ chồng tôi trước kia là giáo viên, nay đã nghỉ hưu. Hàng tháng lương hưu của ông bà cũng phải tầm 4 triệu. 2 vợ chồng tôi đưa thêm cho bà 5 triệu để ăn bữa cơm tối và đóng góp thêm chi phí sinh hoạt.
Chỉ có điều rằng, tuy đóng gióp như vậy nhưng bố mẹ tôi rất hà tiện trong ăn uống. Bữa cơm nào cũng toàn món thịt rang, và rau. Rồi thỉnh thoảng lại quay vòng sang cá kho và rau. Cá khi thì là cá khô, khi thì là món cá biển ướp lạnh kho mặn lên rồi ăn liên tục trong vài ba ngày.
Nhiều khi đi làm về mệt mỏi nhìn mâm cơm không muốn ăn chút nào. Chồng tôi thì đơn giản và dễ tính. Anh quen với nếp sống của ông bà từ xa xưa nên chẳng có ý kiến gì cả. Chỉ có tôi thì vẫn không sao quen được. Tôi cũng chẳng yêu cầu sơn hào hải vị gì cao sang nhưng tôi muốn bữa ăn được thay đổi một chút cho phong phú.
Tôi đã vài lần góp ý nhưng bà chỉ ừ ừ rồi đâu lại vào đó. Bà nói rằng thời buổi này phải tiết kiệm. Giờ chi phí mọi thứ đều đắt đỏ, mình phải biết tiết kiệm đề phòng khi trái gió trở trời. Chứ ăn uống hoang tàn sau này lỡ có làm sao thì lấy tiền đâu ra? Vả lại ít nữa có con có cái thì còn phải lo trăm thứ.
Biết tính bà như vậy nên cuối tuần tôi thường chủ động đi chợ, mua đồ ăn thức uống theo ý thích của mình. Mua dư thêm nhiều đồ ngon để bù vào những ngày trong tuần ăn uống kham khổ. Thấy tôi tay xách nách mang bà mặt nặng mày nhẹ. Trong bữa ăn bà chẳng đụng đũa vào những món ăn tôi nấu mà còn nói mỉa tôi rằng hoang tàn, rồi lại dạy xa dạy gần rằng ” đàn bà phải biết lo toan vun vén thì chồng con mới được nhờ, chứ cứ ăn tàn phá hoại hay ăn thủng nồi trôi dế thì chẳng mấy chốc mà tan cửa nát nhà”.
Tôi cũng ấm ức lắm nhưng nghĩ đến mẹ mình (cũng có tính tiết kiệm) và nghĩ rằng: bà cũng chỉ vì muốn tiết kiệm cho con cho cháu nên đành cố nín nhịn Tôi không tức ách gì câu nói đó nữa mà cứ lặng lẽ làm theo ý mình, mặc kệ bà nói gì thì nói.
Về khoản ăn uống như vậy, còn về sinh hoạt thì mới thật khốn khổ. Nhà có máy giặt nhưng mẹ tôi không cho giặt nhiều vì sợ tốn nước. 1 tuần bà chỉ cho giặt 1 lần. Thành ra quần áo dồn lại mỗi lần giặt tôi thấy không sạch, tôi đành phải tự giặt tay.
Tối đến nhiều khi thấy 2 ông bà ngồi trong phòng khách xem ti vi mà nhà tối om. Hóa ra là bà mặc định rằng: cứ bật ti vi thì phải tắt đèn và tắt ti vi thì bật đèn. Tôi đã từng nhẹ nhàng khuyên rằng: Bố mẹ cứ bật đèn sáng lên không xem thế này hại mắt lắm. Tivi không tốn điện lắm đâu. Tuy nhiên mẹ chồng chỉ ậm ừ cho xong rồi đâu vẫn hoàn đó.
Ngay cả đến những vật dụng trong nhà bà cũng chọn mua những hàng rẻ nhất. Từ chai nước mắm cũng mua theo lít cho tới những cái khăn mặt, bàn chải mua ở vỉa hè. Ngay cả đôi dép đi đã mòn đế mà đứt bà cũng tiếc muốn mang dán hay khâu lại để đi tiếp.
Quần áo mới tôi mua mà toàn phải lén lút giấu bà, phải mua một thời gian mới dám mặc. Khổ nỗi đó là tiền tôi tự bỏ ra mua chứ nào phải ăn trộm hay ăn cắp gì đâu. Tôi toàn phải len lén giặt để bà không nhìn thấy kẻo nếu thầy là bà kêu ca phàn nàn suốt cả ngày. Đối với bà quần áo cả tủ kia còn đầy thì mua mới làm gì cho lãng phí. Tôi thì không muốn nghe những lời ca thán như vậy. Nhiều lúc thấy mình khổ quá, tiền làm ra mà không dám chi tiêu cho bản thân, mua cái gì cũng phải hỏi ý kiến.
Đỉnh điểm nhất là mới hôm qua, vợ chồng tôi đang ngồi trong phòng thấy bà hét toáng lên, chạy ra tưởng chuyện gì hóa ra bà lôi được trong ngăn đá tủ lạnh một túi đựng thịt gà đã chặt thành miếng và túi cá cắt thành miếng tẩm bột chiên. Nhìn thấy túi thức ăn bà mừng ra mặt và hớn hở mang ra chế biến xào xào nấu nấu cho cả nhà ăn. Hóa ra đó là 2 túi thức ăn thừa từ hôm cưới cách đây… 3 tháng.
Nhớ lại hôm đó, mọi người mang đồ ăn thừa từ khách sạn về nhiều quá không có đủ chỗ chứa nên đành phải để ngăn đá và quên cho tới tận hôm nay. Tôi choáng luôn. Trong thâm tâm lúc đó cứ nghĩ rằng bà sẽ mang vứt đi, không ngờ đến bữa cơm lại thấy 2 đĩa thức ăn to đùng. Chồng tôi chỉ mang lên ngửi ngửi rồi ăn cũng chả ý kiến gì cả. Bố mẹ chồng vừa ăn vừa tấm tắc khen, có tủ lạnh sướng thật, đồ ăn để thoải mái mà không sao.
Còn tôi, tôi không muốn làm một kẻ lạc loài. Tôi cố gắng gượng gắp (bởi nếu không gắp thì chẳng còn gì để ăn) và ngửi thì thấy khó chịu vô cùng bởi cỗ cưới mà để trong túi nilon và lại còn trong ngăn đá mang ra dù có đun kĩ đến đâu thì vẫn không thể nuốt nổi.
Tôi cố ăn một bát cơm rồi lặng lẽ đứng lên trước sự khó chịu của bà bởi bà cũng để ý tôi suốt từ đầu bữa. Tôi tự hỏi bản thân liệu có phải mình quá khắt khe trong chuyện ăn uống hay không? Tại sao tôi cố dùng hòa với mẹ chồng rồi nhưng sao lại thấy khó đến thế?
Tôi viết những dòng này, nhờ các anh chị độc giả cho tôi lời khuyên. Điều tôi muốn kể ở đây là mẹ chồng tôi là người quan trọng và quyết tất cả mọi vấn đề trong gia đình. Tôi là dâu, là con, biết rằng cả đời này sẽ sống với bà, tôi không muốn “đối đầu” với mẹ chồng, cũng không muốn bà phật ý. Nhưng làm sao đây để bố mẹ chồng tôi thay đổi, đặc biệt là mẹ chồng. Nhờ các anh chị chia sẻ, tư vấn giúp tôi. Xin nói thêm, chồng tôi có góp ý nhiều thì ông bà vẫn để ngoài tai. Huống chi tôi là dâu.
Theo Megafun