Mẹ chồng “ác nhất Vịnh Bắc Bộ” đối xử với con dâu ngoài đời thế nào?
NSND Lan Hương cũng có con dâu nên nhiều người tò mò chị là người mẹ chồng như thế nào?
Sống chung với mẹ chồng đang là bộ phim truyền hình cực nóng trên mạng xã hội. Câu chuyện mâu thuẫn giữa mẹ chồng – nàng dâu, vốn là đề tài muôn thuở, trở thành đề tài bàn tán xôn xao của những bạn trẻ, những người đã bước chân vào cuộc sống hôn nhân hoặc chuẩn bị kết hôn.
Trong câu chuyện đó, diễn xuất của NSND Lan Hương (Hương “Bông”) trong vai bà Phương – người mẹ chồng khó tính, độc đoán, trở thành tâm điểm chú ý của cư dân mạng, đặc biệt là các cô gái trẻ.
Nhiều người mệnh danh cho vai diễn của NSND Lan Hương là “người mẹ chồng ác nhất Vịnh Bắc Bộ” hay “nỗi ám ảnh của những cô gái chuẩn bị lấy chồng”. Những biệt danh đó khiến nhiều người tò mò ngoài đời, NSND Lan Hương là người thế nào? Chị đối xử với mẹ chồng và con dâu của mình ra sao?
NSND Lan Hương trong vai bà mẹ chồng khó tính trong phim “Sống chung với mẹ chồng”.
“Mẹ chồng – nàng dâu là bi kịch trong nhiều gia đình”
- Xin chào NSND Lan Hương. Vai diễn mẹ chồng của chị trong bộ phim Sống chung với mẹ chồng đang tạo được hiệu ứng cực tốt với khán giả. Là một diễn viên gạo cội, chị có có khăn gì khi vào vai một bà mẹ chồng quá quắt như thế?
Mặt tôi không có lợi cho những vai phản diện nên khi diễn phải để tâm, cẩn thận hơn. Tôi phải cố để diễn mạnh hơn để tách bạch ra. Trong đoàn phim, mọi người vẫn hay nhắc tôi là phải diễn “căng” lên chứ không được như những vai bình thường trước đó, vì như thế thì hiền quá.
Khi diễn, tôi cũng phải dùng nhiều kĩ thuật hơn, căng sức lên nên mệt hơn rất nhiều so với những vai diễn bình thường trước đó. Có những cảnh khó, phải quát tháo, bực bội khiến tôi run người.
Phim thu tiếng đồng bộ nên không thể dừng được, phải quay từ đầu đến cuối. Quát tháo con một hồi khiến tôi chóng mặt, phải ngồi xuống một lúc mới bình tĩnh lại được. Đạo diễn bảo tôi làm thêm 2,3 “đúp” nữa nhưng quả thực tôi phải xin nghỉ ngơi một lát mới có thể tiếp tục. Đóng vai mẹ chồng này, tôi mệt mỏi cả về tinh thần lẫn sức lực và có cả nhiều khó khăn.
- Có thông tin chị từng bị cấp cứu khi vào vai bà Phương?
Trong quá trình làm phim, tôi cảm thấy đau tức trong người nhưng cố chịu vì không muốn ảnh hưởng đến việc của cả đoàn nên cả ngày tôi vẫn quay. Đến chiều, tôi thấy sốt và mệt nên “đổ” cho con trai (diễn viên Anh Dũng) là nó lây ốm cho tôi. Tôi uống thuốc giảm đau thì thấy êm nên tiếp tục quay.
9h tối hôm đó tôi mới về đến nhà, vẫn thấy mệt và đau lắm. Tôi cứ nghĩ là mình lại bị đường ruột, đại tràng như trước đây. Đến đêm, tôi lại sốt nhưng vẫn cố chịu để đi quay đến sáng hôm sau.
Hôm sau, tôi vẫn tiếp tục đau và không có dấu hiệu đỡ. Đến lúc vào đến bệnh viện mới phát hiện là đau ruột thừa và phải mổ luôn. Các y bác sĩ cũng nói với tôi là liều quá, để tình trạng đau như vậy trong hơn 1 ngày trời.
Cũng may ca mổ khá thành công và sau 1 tuần tôi đã hồi phục và tiếp tục đi quay. Đoàn phim phải sắp xếp cho tôi quay những cảnh nhẹ nhàng sau đó.
Video đang HOT
Vai diễn có thể coi là bước ngoặt của NSND Lan Hương – vốn gắn liền với hình tượng những nhân vật hiền lành, cam chịu.
- Nhiều người nhận xét đây là vai diễn bước ngoặt trong nghiệp diễn của chị vì nó khác rất nhiều so với trước đây?
Nó khác chất những vai trước nhất. Những vai diễn trước đây, có thể tôi có lúc bực bội lên mà quát mắng con. Tuy nhiên, ở vai diễn này thì hoàn toàn khác, một bà mẹ nông nổi, yêu thương mọi người bằng cách độc đoán và không đúng phương pháp.
Thực sự bà ấy không phải một bà mẹ chồng xấu mà là một người yêu chồng, thương con. Vì tình yêu với con trai quá lớn mà dẫn đến sự ghen tuông với con dâu, xét nét con dâu. Sự độc đoán trong cách yêu thương chồng, con khiến bà ấy áp đặt tất cả.
Con trai lấy vợ thì lại nghĩ sao nó không lấy con bé kia, con bé kia có phải hơn không. Con cá mất mới là con cá to mà (cười lớn). Nhiều bà mẹ chồng hay suy nghĩ thế lắm. Có rất nhiều sự kì thị mà bà ấy đặt ra khi không được thỏa mãn cái tôi của mình.
- Chị làm gì để có thể diễn tốt vai diễn này trong khi ngoài đời mình không phải người như vậy?
Tôi phải quan sát nhiều. Trong cuộc sống xung quanh tôi có rất nhiều trường hợp như vậy. Nhất là trong bối cảnh ngày nay, mỗi bà mẹ chỉ có 1 đến 2 con. Ngày xưa, mỗi nhà có đên 7,8 người con, sống cứ lít cha lít nhít như vậy thì các bà mẹ không yêu con đến mức đấy.
Còn bây giờ, sinh mãi mới được 1 đứa thì đứa con đó sẽ là vàng. Vì thế, khi người con trai đó mang một người phụ nữ khác về gia đình sẽ xảy ra sự cạnh tranh rất khốc liệt. Đó là bi kịch trong nhiều gia đình hiện nay.
Trong bộ phim này, tôi thấy đạo diễn Vũ Trường Khoa rất giỏi khi chọn nhiều diễn viên “trái chất”. Tôi trước đây toàn đóng vai nhà quê thì nay được giao một vai bà mẹ chồng thành phố. Trong khi đó, chị Lan Hương (NSND Lan Hương “Em bé Hà Nội”) vốn nổi tiếng với những vai thành phố thì lại được giao vai bà mẹ nông thôn.
Bảo Thanh là người nhanh nhẹn chủ động, sắc sảo thì lại vào vai một cô con dâu nhẫn nhịn. Anh Dũng cũng thế, ở ngoài cậu ấy là một người chủ động, tự lập thì khi vào phim lại đóng một vai anh con trai nhu nhược, mẹ bảo gì nghe nấy. Anh Công Lý vốn nổi tiếng đóng hài lại vào một ông bố chân chất, quê mùa.
NSND Lan Hương và diễn viên Bảo Thanh.
- Sau vai diễn bà Phương quá quắt trong Sống chung với mẹ chồng, chị có lời nhắn nhủ nào đến với những khán giả, đặc biệt là những khán giả trẻ, các cô gái đang sợ lấy chồng?
Tôi không nghĩ là bộ phim sẽ khiến các bạn trẻ e dè trong việc kết hôn hơn. Nhiều khán giả có nói chuyện với tôi và bảo rằng trò chuyện với tôi thì rất thích nhưng sau khi xem phim xong mà bảo làm con dâu tôi thì cũng hơi “rén”. Nói vui vậy thôi, tôi chỉ mong rằng sau bộ phim, những cách ứng xử mẹ chồng – nàng dâu như trong phim sẽ dần tuyệt chủng.
Thương con dâu hơn cả con trai
- Chị cũng có gia đình và chắc chắn cũng là một người con dâu. Mối quan hệ giữa chị và mẹ chồng có êm ấm, hòa thuận không ?
Tôi cũng có mẹ chồng chứ. Bà là người nghiêm khắc nhưng cũng rất hiền, ít nói, nói khẽ, đi chậm. Bà là người phụ nữ cổ của ngày xưa, rất nhẹ nhàng. Tôi học ở mẹ chồng nhiều thứ và ngưỡng mộ bà như mẹ đẻ của tôi vậy. Mẹ chồng tôi rất bao dung, sống tốt với họ hàng, nội ngoại. Ai cũng yêu quý bà lắm.
Tôi nhìn vào mẹ chồng tôi và cách sống của bà để học theo. Các cụ ít nghĩ cho bản thân mà toàn nghĩ cho con cái, cô dì chú bác, anh em ruột thịt. Bà có thể mặc một bộ quần áo cũ từ đầu năm đến cuối năm cũng chẳng suy nghĩ gì cả. Thực sự tôi là người may mắn khi có mẹ chồng như vậy.
- Hình như ở ngoài đời, chị cũng đã là một bà mẹ chồng? Chị đối xử với con dâu mình như thế nào?
Tôi học nhiều điều từ mẹ chồng tôi để đối xử với con dâu mình. Các cụ vẫn có quan niệm con gái mà ngủ đến trưa là không được, làm ăn rất đoảng. Khi tôi mới lấy anh Đỗ Kỷ, mẹ vẫn hay nhắc vợ chồng tôi dậy sớm từ 5-6h sáng nhưng nghề diễn viên thì thường làm đêm, sáng dậy khá muộn. May mắn là tôi có chồng cùng nghề nên anh ấy đã nói với mẹ để hai vợ chồng ngủ đủ giấc.
Thời xưa chưa có máy giặt nên mỗi lần giặt giũ chăn màn, ga trải giường, tôi hoàn toàn phải làm bằng tay. Chồng nhìn thấy vợ như vậy thì xót nên nói để anh ấy làm giúp. Tuy nhiên mẹ chồng tôi lại không đồng ý vì cho rằng, việc nhỏ thế này con dâu phải làm. Khi đó, tôi cũng chạnh lòng đấy.
Nhờ những kinh nghiệm làm dâu đó, tôi đã có những bài học cho mình khi trở thành mẹ chồng. Tôi cũng không bênh con trai đâu. Tôi nghĩ, mình phải coi con dâu là con gái đẻ thì mọi chuyện mới dễ dàng và êm thấm.
Tôi chiều con dâu hơn cả con trai bởi con dâu vất vả vừa đi làm vừa chăm sóc con cái. Tôi luôn nhắc con trai phải hỗ trợ việc nhà cho vợ và nếu tôi giúp được gì cho con dâu, tôi sẽ giúp.
- Nói thế chứ chẳng nhẽ giữa chị và con dâu không có mâu thuẫn?
Tôi tự thấy mình là người chân thành chứ không hẳn là quá khéo trong mối quan hệ với con dâu. Bây giờ các bạn trẻ cập nhật thông tin thông qua Internet nên họ “bật” nhanh lắm. Họ vẫn nghĩ “Mẹ biết gì, bây giờ người ta chăm em bé thế này, thế kia”. Lúc đầu tôi khó chịu lắm, nhưng dần dần tôi nhìn vào khía cạnh tích cực hơn để không làm nảy sinh mâu thuẫn.
Chỉ cần nhìn thấy cháu mình mạnh khỏe, thông minh, lanh lợi là tôi bỏ qua hết chuyện với con dâu. Nhiều hôm, cả nhà ngồi ăn cơm chung nhưng con dâu lại hì hục làm đồ ăn cho cháu theo nhiều kiểu và rất cầu kỳ.
Tôi nhận ra, con dâu mình là một bà mẹ rất yêu thương con. Hôm nào con dâu đi làm, tôi ở nhà chăm cháu thì phải nấu nướng theo đúng cách mà con dâu hướng dẫn. Tôi thấy mình lớn tuổi rồi và phải học tập bọn trẻ
Hiện tại tôi đang có hai con trai. Con trai lớn đã kết hôn và có hai cháu. Con trai thứ hai vẫn đang độc thân, cháu cũng còn nhỏ thôi, mới có 21 tuổi. 4 thế hệ gia đình tôi đang sinh sống với nhau.
Các thành viên trong gia đình đều muốn tôi làm phim bởi ngoài việc có thêm thu nhập, nó còn là đam mê, mang lại niềm vui. Mỗi khi tôi bận quay phim, mọi người đều san sẻ việc nhà. Những lúc rảnh, tôi thường ở nhà nội trợ và chăm sóc cháu.
Xin cảm ơn chị!
Theo Danviet
'Mẹ chồng' NSND Lan Hương hơn 30 năm đóng phim và hàng loạt vai diễn đắt giá
Không riêng "Sống chung với mẹ chồng", NSND Lan Hương còn chinh phục khán giả bằng hàng loạt vai diễn ấn tượng trong hơn 30 năm gắn bó với điện ảnh.
NSND Lan Hương sinh năm 1961, giới trong nghề hay gọi chị với biệt danh Hương "bông" để phân biệt với NSND Lan Hương trong phim Em bé Hà Nội. Hơn 30 năm gắn bó với sân khấu của Nhà hát Kịch Việt Nam, là gương mặt truyền hình quen thuộc, ở địa hạt nào, NSND Lan Hương cũng có thành công nhất định.
Những ngày gần đây, dù đã về hưu nhưng NSND Lan Hương lại được nhắc đến rất nhiều trên khắp các phương tiện truyền thông qua vai diễn bà mẹ chồng khó tính trong bộ phim truyền hình Sống chung với mẹ chồng của đạo diễn Vũ Trường Khoa. Đây là vai diễn phản diện đầu tiên trong hơn 30 năm làm nghề của NSND Lan Hương, thế nhưng, chị đã thể hiện rất xuất sắc và khiến khán giả phải trông ngóng từng tập lên sóng. Từ cái nhíu mày, liếc mắt dành cho cô con dâu (diễn viên Bảo Thanh) đã giúp NSND Lan Hương trở thành "linh hồn" của bộ phim, khẳng định sự chuyên nghiệp của một người nghệ sĩ gạo cội, cũng như chứng tỏ một điều khó chối bỏ trong nghệ thuật: vàng thau không thể lẫn lộn.
Tham gia bộ phim "Sống chung với mẹ chồng", NSND Lan Hương lần đầu tiên vào vai phản diện trong hơn 20 năm làm nghề. (Ảnh: Đoàn phim cung cấp).
Trước vai diễn mẹ chồng khó tính này, NSND Lan Hương thường xuyên gắn bó với hình ảnh một người phụ nữ hiền lành, giản dị. Thế nhưng, ở vai diễn nào, NSND Lan Hương cũng mang đến sự mới mẻ để khán giả không bao giờ thấy nhàm chán.
Cô Thủy trong bộ phim Mùa ổi của đạo diễn, NSND Đặng Nhật Minh là vai diễn gây ấn tượng lâu nhất của NSND Lan Hương. Với vai diễn này, năm 2001 chị đã giành được giải Diễn viên xuất sắc nhất trong kỳ LHP quốc tế tại Singapore. Bộ phim thành công đến độ, đã mười lăm năm từ ngày bộ phim ra đời, nhưng nhắc đến Hương Bông, người ta lại nhớ đến Mùa ổi.
Vai diễn ấn tượng trong phim "Mùa ổi" đã giúp NSND Lan Hương gặt hái được rất nhiều thành công và ghi dấu mạnh với khán giả truyền hình. (Ảnh: Đoàn phim cung cấp).
Sau Mùa ổi, Lan Hương tiếp tục góp mặt trong hàng loạt bộ phim truyền hình: Bến đò Lăng, Gió làng Kình, Vệt nắng cuối trời, Bí thư tỉnh ủy, Nếp nhà, Những công dân tập thể, Viết tiếp bản tình ca, Hoa sữa cuối thu, Làm chồng đại gia... Phần lớn những vai của Lan Hương trong các phim này là vai bà mẹ. Có thời điểm VTV cùng lúc chiếu 3 phim với 3 hình ảnh bà mẹ khác nhau của Lan Hương.
Ở Vệt nắng cuối trời, NSND Lan Hương khắc hoạ hình ảnh bà mẹ chồng hết lòng yêu thương con dâu, còn trong phim Nếp nhà, nhân vật chị Giao là người phụ nữ coi trọng văn hóa truyền thống, biết trân trọng giá trị gia đình. Khán giả cũng nhớ nhiều đến bộ phim Bí thư tỉnh ủy NSND Lan Hương hoá thân thành một người vợ hiền thục, chịu thương chịu khó và với Trái tim có nắng, chị vào vai một bà mẹ hiền lành, chịu nhiều đau khổ, phải đi giúp việc nhà để lấy tiền trả nợ cho chồng.
Mặc dù các vai diễn có tính cách khá giống nhau, nhưng về hoàn cảnh sống, tính cách, ứng xử các nhân vật lại có nhiều điểm khác biệt.
NSND Lan Hương trong bộ phim "Bí thư tỉnh ủy". (Ảnh: Đoàn phim cung cấp).
Trong bộ phim "Nếp nhà", NSND Lan Hương đóng cùng chồng - NSND Đỗ Kỷ. (Ảnh: Đoàn phim cung cấp).
Bên cạnh đó, trên vài mét vuông sàn diễn của Nhà hát Kịch Việt Nam, nơi mệnh danh là "Anh cả đỏ" của sân khấu thủ đô, NSND Lan Hương cũng có tới hàng trăm vai diễn lớn nhỏ. Cuộc chia tay tháng 6, Người đá lạc đội hình, Nhân danh công lý, Tiếng hát cuộc đời, Trần Thủ Độ, Trên dải trời xanh, Đêm của bóng tối... là những vở kịch ghi dấu ấn đậm nét của NSND Lan Hương.
NSND Lan Hương trong vở kịch "Tai biến" - vở diễn đặc biệt dành riêng cho chị trước khi chính thức nghỉ hưu ở tuổi 60. (Ảnh: NVCC)
Cho đến nay, khi đã ở tuổi ngoài 60 và về hưu sau hơn 30 năm gắn bó nghệ thuật. NSND Lan Hương vẫn giành trọn tâm huyết cho các vai diễn bằng việc nhận lời cộng tác, tham gia những bộ phim truyền hình, vở kịch lớn nhỏ. Với NSND Lan Hương, điện ảnh không chỉ là nghề, mà còn là cái nghiệp để chị bám lấy và tâm huyết cống hiến cả cuộc đời.
Theo VNM - PLXH
NSND Lan Hương bị hàng xóm mắng té tát vì vai mẹ chồng ghê gớm "Tiên sư mày. Mày còn đứa con trai thứ 2 mà đóng vai bà mẹ chồng đáo để trên phim như vậy con mày lấy vợ làm sao?", một người hàng xóm đã nói với NSND Lan Hương như vậy. - Những ngày qua khi bộ phim "Sống chung với mẹ chồng" công chiếu, chị nhận phản hồi như thế nào từ phía...