Mẹ “chôn sống” con mới lọt lòng, có phạm tội giết con mới đẻ?
Hành vi của bà mẹ bỏ rơi con mới để là một hành vi đáng lên án vì trước hết hành vi này không chỉ vi phạm nghiêm trọng các tiêu chuẩn đạo đức truyền thống mà còn là hành vi vi phạm pháp luật, thậm chí trong một số tình huống cụ thể, người thực hiện hành vi có thể bị xử lý hình sự.
Minh họa Internet
Nội dung vụ án
Tại tỉnh C, người dân phát hiện tiếng khóc yếu ớt từ một lùm cây bên đường. Lại gần thì phát một cháu bé sơ sinh được bọc trong túi nilon, phía bên ngoài bọc bao tải đựng gạo, vùi trong lớp đất, đầu nhô ra ngoài. Ngay lập tức, đứa trẻ được đi cấp cứu và đã may mắn sống sót. Đứa trẻ được một người dân tốt bụng ở gần đó tên là B nhận chăm sóc và cam kết với chính quyền địa phương nếu sau 30 ngày mà không ai đến nhận đứa trẻ thì bà sẽ nhận đứa trẻ làm con nuôi. Tuy nhiên, ngay sau khi đứa trẻ đáng thương được phát hiện một ngày thì danh tính mẹ đẻ của cháu bé đã được làm rõ. Người mẹ ân hận khai báo với cơ quan công an là do hoàn cảnh khó khăn túng thiếu của gia đình nên đã có hành động thiếu suy nghĩ như vậy. Chị đã sinh đứa bé một mình ngay trên nền nhà không ai hay biết, chồng chị cũng không biết việc này. Khi đem cháu ra vườn, chị đào hố, đặt cháu bé xuống và phủ lên một lớp đất mỏng. Chị cũng cố ý để đầu con ngoi lên hy vọng có ai cứu sống. Sau đó, chị trở về nhà và vẫn làm việc bình thường để mọi người không để ý. Chị H muốn nhận lại đứa con của mình. Tuy nhiên, lúc này phức tạp đã xảy ra, bà B – người đã chăm sóc cháu bé, không đồng ý giao con cho chị H, vì cho rằng hành động của chị H không xứng đáng để nuôi đứa trẻ, hơn nữa trong điều kiện hoàn cảnh của chị H không đảm bảo cuộc sống cho đứa trẻ. Trong khi đó, có rất nhiều luồng ý kiến khác nhau: Chính quyền địa phương cho rằng nên đưa bé đến trung tâm bảo trợ xã hội. Bà B khẳng định mình có thể chăm sóc tốt cho đứa trẻ. Còn chị H muốn nhận lại con song lại không được đồng ý?
Quan điểm của bạn đọc trong vụ án này như thế nào? Mẹ đứa trẻ đáng thương kia có phạm tội giết con mới đẻ hay không? Nên để đứa trẻ cho ai nuôi: Chị H, bà B, hay Trung tâm bảo trợ xã hội?
Ý kiến bạn đọc
Là phụ nữ, tôi thấy người mẹ đó thật đáng thương
Tôi nghĩ rằng tất cả những người mẹ đều có bản năng làm mẹ, không ai muốn phải đem chôn sống đứa con mình mang nặng đẻ đau. Chắc vì hoàn cảnh quẫn bách như thế nào đó mới khiến chị H có suy nghĩ nông nổi như vậy. Tôi tin là không ai có thể hiểu hoàn cảnh bất đắc dĩ của chị H bằng chính chị ta. Chỉ có ở hoàn cảnh của chị H mới biết vì sao chị phải quyết định làm một việc đau lòng đến thế. Hơn nữa, trong vụ việc này, tôi thấy có tình tiết người mẹ đó phải sinh con một mình, ngay trên nền nhà, không có chồng con, hay bất cứ người thân nào bên cạnh. Tôi cảm thấy quặn thắt khi hình dung ra một người phụ nữ nghèo phải vượt cạn trong một tình cảnh như vậy. Nhất là khi vừa mới sinh xong mà chị lại phải làm việc nặng nhọc để che mắt mọi người. Tôi rất băn khoăn là tại sao cả quá trình mang thai sắp đến ngày sinh nở mà người thân của chị không hề hay biết, cũng như không có ai bên cạnh khi sinh nở.
Sau khi phát hiện con của mình đã được cứu sống, chị H đã ân hận và muốn nhận lại con mình. Vì hoàn cảnh đáng thương của chị mà hãy để chị được nuôi đứa trẻ đó. Theo tôi chưa chắc việc để một người khác nuôi cháu đã là tốt cho đứa trẻ sau này. Tôi tin rằng, đứa trẻ sau khi lớn lên dù cho có biết về việc làm của mẹ nó, nhưng hiểu được nỗi khổ của mẹ nó sẽ dễ dàng tha thứ. Giả như, đứa bé ở với người khác, nếu sau này cháu biết được quá khứ của mình, không ai dám chắc là cháu sẽ không trách người đã nuôi cháu là không trả lại cháu được trở về với máu mủ của mình. Tôi không hiểu biết nhiều về mặt pháp luật nhưng tôi nghĩ có lý thì cũng phải có tình. Tốt nhất là để mẹ cháu được nuôi cháu. Nếu có những nhà hảo tâm thì hãy giúp cho chị H được nuôi cháu bé.
Chị Chu Hồng Diện (Duy Tiên – Hà Nam)
Hành vi của chị H không phải là “chôn sống”
Bộ luật Hình sự Việt Nam quy định về tội giết con mới đẻ: “Người mẹ nào do ảnh hưởng nặng nề của tư tưởng lạc hậu hoặc trong hoàn cảnh khách quan đặc biệt mà giết con mới đẻ hoặc vứt bỏ đứa trẻ đó dẫn đến hậu quả đứa trẻ chết, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến hai năm hoặc phạt tù từ ba tháng đến hai năm”. Như vậy là có 2 hành vi được quy định trong điều luật: “Giết chết” (chôn sống, cho uống thuốc độc, bóp cổ…) và “vứt bỏ” (để mặc đứa trẻ và biết nó sẽ chết). Trong vụ việc này, việc chị H bọc đứa con của mình và chỉ vùi một lớp đất mỏng và vẫn để đầu cháu bé nhô ra ngoài với hy vọng đứa trẻ sẽ được ai đó cứu sống chứng tỏ rằng chị H không muốn con mình bị chết. Tôi nghĩ là hành vi “chôn sống” là việc đào một hố đất sâu, đặt đứa trẻ lọt vào trong lòng đất và lấp đất vùi kín đứa trẻ. Khi chôn sống đứa con, người mẹ biết chắc chắn rằng đứa trẻ sẽ chết. Trong trường hợp này, có thể coi hành vi của chị H là hành vi “vứt bỏ” đứa con mới đẻ. Theo quy định của Luật Hình sự thì tội Giết con mới đẻ là tội có cấu thành tội phạm vật chất, có nghĩa là phải có hậu quả “đứa trẻ bị chết” thì mới có đủ yếu tố cấu thành tội phạm. Nhưng điều kỳ diệu là đứa trẻ được cứu sống nên không đủ yếu tố cấu thành tội phạm. Chính vì thế nên chị H không phạm tội giết con mới đẻ. Khi chị H không phạm tội thì nên để đứa trẻ cho mẹ cháu nuôi là tốt nhất.
Anh Cấn Quốc Sơn (Hoàng Mai – Hà Nội)
Đứa trẻ không chết là ngoài ý muốn của chị H
Là người mẹ chị H đã từng có 2 đứa con trước đó, chị H cần phải biết một đứa trẻ mới lọt lòng mẹ bị vứt ra ngoài như vậy không thể sống được nếu không được phát hiện cấp cứu, cho dù chị H không có hành vi “chôn sống” con. Địa phương chị H đang ở không phải là vùng sâu, vùng xa đến mức cổ hủ lạc hậu không biết nhận thức pháp luật, chị H cũng không có biểu hiện bệnh lý tâm thần. Chị H buộc phải biết một đứa trẻ sơ sinh bị vứt ngoài sẽ dẫn đến cái chết cho dù chị có mong muốn hậu quả xảy ra hay không. Việc đứa trẻ được phát hiện cứu sống là ngoài ý muốn của chị H. Hành vi dùng súng bắn người, dù bắn trượt, nạn nhân không chết nhưng vẫn bị khởi tố về tội giết người vì nạn nhân không chết nằm ngoài ý muốn chủ quan của đối tượng. Dù hành vi phạm tội chưa đạt nhưng tội phạm đã hoàn thành. Trong trường hợp của chị H, nếu như đứa trẻ không được phát hiện thi đương nhiên hậu quả sẽ xảy ra. Chị H nhận thức được hành vi có thể dẫn đến sự nguy hiểm cho tính mạng con mình nhưng vẫn vứt bỏ nên cần phải truy tố chị H về tội giết con mới đẻ. Hơn nữa, hiện nay tình trạng giết, vứt bỏ con mới đẻ xảy ra ngày càng nhiều, gây dư luận bất bình trong xã hội cần phải có hình thức xử lý nghiêm mới có tác dụng răn đe và phòng ngừa đối với hành vi nguy hiểm này. Việc Luật Hình sự hiện hành quy định đối với tội giết con mới đẻ chỉ khi có hậu quả dẫn đến đứa trẻ chết mới đủ yếu tố cấu thành tội phạm thì cần sửa đổi bổ sung để phù hợp với tình hình thực tế. Việc để cháu cho ai nuôi, tôi nghĩ tốt nhất là để cháu trở về với mẹ. Nếu mẹ phải chấp hành hình phạt mà gia đình cháu không ai nuôi được thì có thể giao cho trung tâm bảo trợ xã hội nuôi cho đến khi mẹ cháu chấp hành xong hình phạt.
Video đang HOT
Chị Nguyễn Thị Hạnh (Quốc Oai – Hà Nội)
Bình luận của luật sư Phạm Hồng Hải
Hành vi của bà mẹ bỏ rơi con mới để là một hành vi đáng lên án vì trước hết hành vi này không chỉ vi phạm nghiêm trọng các tiêu chuẩn đạo đức truyền thống mà còn là hành vi vi phạm pháp luật, thậm chí trong một số tình huống cụ thể, người thực hiện hành vi có thể bị xử lý hình sự.
Để làm rõ điều luật điều 94 Tội giết con mới đẻ được quy định trong Bộ luật Hình sự chúng ta cần tham khảo Nghị quyết 04/ HĐTP ngày 19-11-1986 của Hội đồng thẩm phán – Tòa án nhân dân tối cao hướng dẫn áp dụng một số quy định trong phần áp dụng các tội phạm của Bộ luật Hình sự mà thực tiễn xét xử vẫn vận dụng. Nghị quyết này quy định rõ con mới đẻ là đứa trẻ dưới hoặc bằng 7 ngày tuổi, nghĩa là nếu đứa trẻ trên 7 ngày tuổi mà người mẹ bỏ rơi trẻ làm trẻ bị chết sẽ bị truy cứu theo tội danh “Giết người” với hình phạt nặng hơn. Về chủ thể, tội giết con mới đẻ là chủ thể đặc biệt chỉ là người mẹ, nếu cha hoặc bất cứ người khác có hành vi này đều bị truy cứu tội danh “Giết người”. Luật Hình sự cũng quy định chỉ khi đứa trẻ mới đẻ bị giết hoặc bị vứt bỏ phải bị chết thì người mẹ mới bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội giết con mới đẻ, nếu người mẹ có hành vi tước đoạt tính mạng đứa trẻ hoặc có hành vi vứt con mới đẻ, nhưng đứa trẻ không chết thì chưa cấu thành tội giết con mới đẻ và như vậy, tội giết con mới đẻ không có trường hợp phạm tội chưa đạt.
Như vậy căn cứ vào quy định pháp luật hiện hành, hành vi của chị H. không phải là hành vi “Giết con mới đẻ”. Điều 4, Điều 6 và Điều 7 (Luật Bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em năm 2004) quy định: “Trẻ em, không phân biệt gái, trai, con trong giá thú, con ngoài giá thú, con đẻ, con nuôi, con riêng, con chung… đều được bảo vệ, chăm sóc và giáo dục, được hưởng các quyền theo quy định của pháp luật; mọi hành vi vi phạm quyền của trẻ em, làm tổn hại đến sự phát triển bình thường của trẻ em đều bị nghiêm trị theo quy định của pháp luật”. Khoản 1 Điều 9 Nghị định 91/2011/NĐ-CP ngày 17-10-2011 của Chính phủ Quy định xử phạt vi phạm hành chính về bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em quy định: Sau khi sinh con, cha, mẹ bỏ con, không chăm sóc, nuôi dưỡng bị xử phạt từ 5 triệu đến 10 triệu đồng. Ngoài ra người vi phạm còn bị buộc phải thực hiện nghĩa vụ chăm sóc, nuôi dưỡng và giáo dục trẻ em theo quy định của pháp luật. Trong trường hợp này, chị H. dù không bị truy cứu trách nhiệm hình sự nhưng sẽ bị xử phạt hành chính và bắt buộc chăm sóc nuôi dưỡng con mình.
Về ý kiến của bạn đọc đặt vấn đề chị H có quyền được nuôi con khi đã xác định là phạm tội cần xem xét các quy định pháp luật về vấn đề này. Điều 41 Luật Hôn nhân và Gia đình quy định: Khi cha, mẹ đã bị kết án về một trong các tội cố ý xâm phạm sức khỏe, nhân phẩm, danh dự của con hoặc có hành vi vi phạm nghiêm trọng nghĩa vụ trông nom, chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục con; phát tán tài sản của con; có lối sống đồi trụy, xúi giục, ép buộc con làm những việc trái pháp luật, trái đạo đức xã hội thì tùy từng trường hợp cụ thể tòa án có thể tự mình hoặc theo yêu cầu của cá nhân, cơ quan, tổ chức ra quyết định không cho cha, mẹ trông nom, chăm sóc, giáo dục con, quản lý tài sản riêng của con hoặc đại diện theo pháp luật cho con trong thời hạn từ một năm đến năm năm. Tòa án có thể xem xét việc rút ngắn thời hạn này. Như vậy ai sẽ được nuôi đứa trẻ không phải cơ quan hành chính hoặc chị H., bà B. có thể quyết định được. Thẩm quyền cho ai nuôi đứa trẻ phải do tòa án quyết định. Nhưng dẫu tòa án quyết định thế nào, chị H. vẫn phải có trách nhiệm nuôi dưỡng, hoặc nuôi trực tiếp hoặc góp tiền nuôi dưỡng cho những người được tòa án ủy quyền nuôi dưỡng đứa trẻ.
Theo ANTD
Việt kiều thuê người bắt cóc con đẻ, phạm tội gì?
Chị Trần Thị P.D. có một thời gian chung sống như vợ chồng với ông X. là một người Australia gốc Việt vẫn còn bố mẹ ở Phan Thiết. Hai người có một con chung là bé B. (2 tuổi). Do có mâu thuẫn hai người chia tay nhau, chị P.D chung sống với người khác và có thai đến ngày sinh nở.
Chị P.D có thuê một người giúp việc tên là Đ. Ngày 13-8, chị P.D. vào bệnh viện chờ sinh nở, công việc chăm sóc đứa con trai, chị giao lại cho bà Đ.Chiều hôm ấy, bà Đ đón bé B. rồi đưa đứa bé đi mất. Sáng hôm sau, chị P.D trở dạ sinh con mà trong lòng như lửa đốt vì không liên lạc được với bà Đ.
Những ngày trong bệnh viện, chị liên tục gọi cho bà Đ nhưng vô vọng, tin tức con trai bặt tăm. Sinh đứa thứ hai được 4 ngày, chị liên lạc với gia đình bà Đ để mong có thông tin thì chị được biết, bà Đ nhắn lại rằng bé B đã được đưa về phía bên nội. Chị P.D. tức tốc liên lạc với người chú của con ở Phan Thiết thì nhận được những câu trả lời qua loa, khi thì phủ nhận mọi chuyện, khi thì nói rằng con chị đã được đưa qua Úc với cha của bé, khi thì lại nói con của chị đang nằm bệnh viện. Chị P.D. vội vàng báo cơ quan công an.
Ảnh minh họa
Cáo trạng của VKSND tỉnh
Trên cơ sở điều tra của Công an TP, đã xác định như sau: Từ đầu năm 2013, ông X đã liên hệ và thuê Đ bắt cháu B. để giao cho ông. Thù lao của việc này là 2.000 USD. Nhân cơ hội chị P.D. vào bệnh viện sinh đẻ, Đ đã bế bé B giao cho M là em họ của ông X. và đã nhận của ông X số tiền 43.000.000 VNĐ tương đương 2.000 USD qua tài khoản.
Cơ quan điều tra cũng xác định, ông X là cha bé B. và chị P.D. cũng xác nhận điều này. Ông X. và gia đình chưa bao giờ có ý kiến với chị P.D. về việc đón bé B. về nuôi dưỡng và chị P.D. cũng không đồng ý để gia đình ông X đón bé B. về nuôi dưỡng.
Phía ông M khai với cơ quan điều tra, ông không biết về việc thuê mướn giữa ông X. và Đ. Ông chỉ nhận cháu ông do ông X nhờ cậy qua điện thoại và Đ bế cháu đến giao cho ông. Xét thấy ông M. tuy có tham gia vào vụ án nhưng không biết rõ đây là hành vi vi phạm pháp luật, khi bị phát hiện đã cộng tác tốt với cơ quan điều tra vì vậy cơ quan điều tra đề nghị không truy cứu trách nhiệm hình sự với ông M.
Về ông X. Do ông X. không phải là công dân Việt Nam, hiện ông X không có mặt trong nước, cơ quan điều tra không triệu tập được để lấy được lời khai của ông X. nên cơ quan điều tra tách hành vi của ông X. riêng ra để tiếp tục làm rõ, xử lý sau.
Căn cứ vào chứng cứ và những tình tiết nêu trên, Viện KSND kết luận: Đ lợi dụng sơ hở của chị Trần Thị P.D. để mang bé B. con chị P.D cho gia đình ông X. để lấy một số tiền lớn, gây nguy hiểm cho bé B. và gây tổn thất cả về sức khỏe và vật chất cho gia đình chị Trần Thị P.D. Đủ căn cứ để xác định bị can Đ có lý lịch như trong hồ sơ, bị bắt tạm giam từ ngày 1-10 đã phạm vào tội "Mua bán, đánh tráo hoặc chiếm đoạt trẻ em" theo khoản 2, điều 120 Bộ Luật hình sự: 1. Người nào mua bán, đánh tráo hoặc chiếm đoạt trẻ em dưới bất kỳ hình thức nào, thì bị phạt tù từ ba năm đến mười năm.
2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ mười năm đến hai mươi năm hoặc tù chung thân:
A) Có tổ chức;
B) Có tính chất chuyên nghiệp;
C) Vì động cơ đê hèn;
D) Mua bán, đánh tráo hoặc chiếm đoạt nhiều trẻ em;
Đ) Để đưa ra nước ngoài;
...
Vì các lẽ trên: Quyết định truy tố bị can Đ. có lý lịch như trong hồ sơ trước Tòa án nhân dân để xét xử về tội "Mua bán, đánh tráo hoặc chiếm đoạt trẻ em" theo khoản 2, điều 120 Bộ luật Hình sự.
Luật sư bảo vệ quyền lợi cho bị hại
Bị cáo là người ít học, từ nhỏ sống ở vùng sâu vùng xa, hoàn cảnh gia đình khó khăn, phải đi làm giúp việc, không hiểu biết về pháp luật, lại bị quyến rũ bởi số tiền lớn, nên có hành vi phạm tội. Mặt khác, cháu B. đã được đưa trả lại gia đình, không bị ảnh hưởng đến sức khỏe. Hành vi bắt cháu B. cũng không phải để bán mà chỉ để giao lại cho cha đẻ của cháu. Vì vậy chúng tôi thấy truy tố bị cáo Đ khoản 2 điều 120 Bộ luật Hình sự là quá nặng. Đề nghị truy tố bị cáo khoản 1 điều 120 là hợp lẽ.
Gia đình bị cáo rất khó khăn, bị cáo không có thân nhân, nay lại phải chịu án hình không có điều kiện chịu trách nhiệm dân sự. Đề nghị Hội đồng xét xử xem xét.
Luật sư bảo vệ quyền lợi bị cáo
Hành vi bắt cóc cháu bé 2 tuổi của bị can lúc mẹ cháu đang sinh em bé không chỉ là hành vi đê hèn mà còn là hành vi rất nguy hiểm, dễ gây tai biến, ảnh hưởng đến tính mạng của chị P.D. cùng đứa trẻ mới sinh.
Hành vi giao cháu bé không chỉ là hành vi chiếm đoạt trẻ em mà còn là hành vi mua bán trẻ em theo Thông tư 01/2013/ TTLT-TANHTC-VKSNDTC-BCA-BQP-BTP có điều khoản cụ thể:
Điều 4: Xác định hành vi mua bán, đánh tráo hoặc chiếm đoạt trẻ em:
1.Mua bán trẻ em là hành vi dùng tiền, tài sản hoặc lợi ích vật chất để trao đổi trẻ em (dưới 16 tuôi) như một loại hàng hóa.
2. Chiếm đoạt trẻ em là hành vi dùng vũ lực, đe dọa dùng vũ lực, bắt trộm, lừa đảo, lợi dụng tình trạng khó khăn, sự lệ thuộc của cha mẹ, người nuôi dưỡng trẻ em để chiếm giữ hoặc giao cho người khác chiếm giữ đứa trẻ đó.
3- Vì những lẽ trên, chúng tôi hoàn toàn đồng ý với cáo trạng truy tố bị can Đ.P.L khoản 2 Điều 120 Bộ luật Hình sự với mức án tăng nặng. Ngoài trách nhiệm hình sự đề nghị Hội đồng xét xử xem xét trách nhiệm dân sự của bị cáo để bù đắp thiệt hại của cháu B. và gia đình chị P.D.
Về ông X., mặc dù cơ quan điều tra đã tách ra để xử lý sau, tuy nhiên để đảm bảo an toàn cho cháu bé, đề nghị Hội đồng xét xử có chế tài để ông X. không có những hành vi gây hại đến cháu bé B. và gia đình chị P.D.
Ý kiến bạn đọc
- Bị cáo không có điều kiện thực hiện đền bù cho chị P.D. thì đề nghị Tòa án dùng số tiền 43 triệu thu được để đền bù thiệt hại cho gia đình chị P.D.
Bạn đọc Nguyễn Thị Quỳnh (P 101 - Khu tập thể Quỳnh Mai, Hà Nội)
Bình luận của PGS.TS. Luật sư Phạm Hồng Hải
Về mặt tố tụng: Theo đúng Cáo trạng, bị cáo đã thực hiện hai hành vi phạm tội: chiếm đoạt và mua bán trẻ em, nhưng tại điều 7 Thông tư liên tịch 01/2013/TTLT đã quy định: một người thực hiện nhiều hành vi phạm tội mà hành động này là hệ quả tất yếu của hành động kia thì bị truy tố tội danh đầy đủ theo điều 120 Bộ luật Hình sự và chỉ chịu một hình phạt. Yêu cầu của Luật sư bảo vệ quyền lợi của bị hại là không cần thiết
Không thể dùng lý do không hiểu biết pháp luật để bào chữa cho các hành vi vi phạm pháp luật. Việc vì tiền mà dứt một đứa trẻ 2 tuổi ra khỏi mẹ cháu không chỉ là hành vi vi phạm pháp luật mà còn là hành vi vi phạm các tiêu chuẩn đạo đức, cần có hình phạt nghiêm khắc.
Khoản tiền 43 triệu đồng là tang vật của vụ án và bị tịch thu sung công quỹ. Không thể dùng số tiền này để giao cho bị cáo thực hiện nghĩa vụ dân sự được. Trách nhiệm dân sự là của bị cáo không phải của ngân sách nhà nước. Ý kiến của bạn Nguyễn Thị Quỳnh không phù hợp với các quy định pháp luật.
Khi hai vợ chồng không sống với nhau, quyền bình đẳng của cha mẹ trong nuôi dưỡng, chăm sóc và giáo dục trẻ em cũng là một căn cứ quan trọng để Toà án có thẩm quyền xem xét, quyết định việc giao con chung cho người vợ hay người chồng nuôi dưỡng. Nếu trẻ dưới 3 tuổi, đương nhiên người mẹ có quyền và nghĩa vụ chăm sóc cháu. Sau 3 tuổi, theo khoản 2 Điều 92 Luật Hôn nhân và Gia đình năm 2000 quy định, vợ, chồng thỏa thuận về người trực tiếp nuôi con, quyền và nghĩa vụ của mỗi bên sau khi ly hôn đối với con. Trường hợp này cha đẻ cháu B đã từ chối quyền nuôi con ngay từ đầu, tuy nhiên ông X có quyền khởi kiện ra tòa để dành quyền nuôi con sau khi bé B. quá 3 tuổi. Bất cứ hành vi cưỡng đoạt hoặc giúp sức cho việc cưỡng đoạt trẻ em đều bị nghiêm trị trước pháp luật. Do có hành vi cưỡng đoạt cháu B. chắc chắn nếu ông X. ra tòa để dành quyền nuôi cháu B. các tòa án sẽ không bao giờ giải quyết yêu cầu của ông X. Đây là bài học cho tất cả những người muốn dành quyền nuôi con.
Bạn đọc có bình luận về vụ án trên Báo An ninh Thủ đô Cuối tuần, xin được gửi về địa chỉ email: anninhthudocuoituan@gmail.com. Báo ANTĐ Cuối tuần trân trọng cảm ơn ý kiến tham gia của bạn đọc (đề nghị bạn đọc có thể để lại địa chỉ cụ thể, hoặc số tài khoản để chúng tôi gửi nhuận bút đối với những ý kiến được đăng tải trên Báo ANTĐ Cuối tuần)
Theo ANTD
Súng cướp cò, cháu bé 14 tuổi chết thảm Do bị ngã, chiếc súng săn tự chế chĩa thẳng vào mặt cháu bé 14 tuổi cướp cò phát nổ. Ảnh minh họa Thông tin từ UBND xã Yên Tĩnh (Tương Dương, Nghệ An) cho biết, trên địa bàn xã vừa xảy ra một vụ tai nạn thương tâm, khiến 1 cháu bé 14 tuổi tử vong. Nạn nhân được xác định là...