MC gốc Việt có ảnh hưởng nhất tại nước ngoài, đăng quang Hoa hậu và sống giàu có là ai?
Với những đóng góp trong các lĩnh vực văn hóa, giáo dục và cộng đồng, Leyna Nguyễn từng được bầu chọn trong top 25 người Mỹ gốc Việt có ảnh hưởng nhất tại Hoa Kỳ.
MC gốc Việt thành danh trên đất Mỹ
Leyna Nguyễn là một trong những người gốc Việt có ảnh hưởng nhất tại nước ngoài. Cô là phóng viên, MC của loạt chương trình nổi tiếng như Special Olympics Summer Games, Heal the Bay, Without A Trace… của đài truyền hình Mỹ.
Sinh năm 1969 tại Đông Hà, Quảng Trị, Leyna Nguyễn được cha mẹ đặt cho cái tên thân mật là Lina. Năm lên 5 tuổi, cô theo cả gia đình sang định cư ở bang Minesota, Mỹ.
Ở đó, người ta thường gọi Lina là “Leyna”. Vì thế, Leyna Nguyễn trở thành tên Tây chính thức của cô gái mang trong người dòng máu Việt Nam.
Lớn lên ở nước ngoài từ nhỏ, được tiếp xúc với văn hóa phương Tây nhưng Leyna chưa bao giờ quên về nguồn cội của mình.
Leyna kể rằng bố mẹ cô rất kỹ lưỡng trong việc dạy con cái ý thức về nơi “chôn rau cắt rốn”. Cô được học tiếng Việt từ nhỏ song song với tiếng Anh.
Đồng thời, ba mẹ Leyna cũng thường động viên con cái hãy cố vượt qua những mặc cảm là người thiểu số Á Đông để chứng tỏ phẩm chất trí tuệ tuyệt vời của dân tộc mình.
Từ đó, Leyna lớn lên với chí hướng hòa nhập vào xã hội Mỹ nhưng không bao giờ quên cô là người Việt Nam.
Được nuôi dạy trong một gia đình học thức, lại sở hữu gương mặt khả ái, nét đẹp Á Đông truyền thống, năm 17 tuổi, Leyna xuất sắc đăng quang Hoa hậu châu Á tại Mỹ (1987).
Thành tích cao nhất trong cuộc thi sắc đẹp như một “dấu son” trong lý lịch của Leyna Nguyễn. Cô lấn sân sang ca hát và diễn xuất. Trong chặng đường nghệ thuật của mình, cô từng đảm nhận nhiều vai diễn trong các phim Hollywood như Paparazzi, Duplex, The Day After Tomorrow và Price of Glory…
Dù sự nghiệp nghệ thuật rộng mở nhưng Leyna Nguyễn sẵn sàng từ bỏ hào quang showbiz để theo đuổi con đương bao chi.
Cô theo học ngành Mass Communications (Truyền thông đại chúng) ở trường Đại học Webster với ước mơ trở thành người dẫn chương trình thời sự trên truyền hình.
Ra trường, cô mất đến 5 năm kiên nhẫn học việc ở các đài truyền hình địa phương như CBS hay NBC trước khi sự nghiệp thực sự lên “như diều gặp gió” khi về đầu quân cho các đài lớn như KCAL và KCBS ở Los Angeles.
Tại KCBS, Leyna Nguyễn cũng xuất sắc là người trẻ nhất được thử sức ở cơ quan bao hinh lâu đời nhất thế giới này.
Năm 26 tuổi, lần đầu tiên Leyna được đề cử giải Emmy cho phóng sự mang tên Viet Nam: The Journey Back (Hành trình trở về Việt Nam).
Sau đó, cô được đề cử giải Emmy lần thứ hai cho phóng sự cảm động của cô về một đứa bé nghèo cần được phẫu thuật cấy ghép nội tạng ở California. Tuy không giành chiến thắng trong cả hai đề cử, thực lực của Leyna đã được đồng nghiệp và các nhà chuyên môn đánh giá cao.
Với những đóng góp trong các lĩnh vực văn hóa, giáo dục và cộng đồng, năm 2000, Leyna Nguyễn lọt vào top 25 người Mỹ gốc Việt có ảnh hưởng nhất tại Mỹ. Năm 2011, cô được nghị viện bang California vinh danh là “Người phụ nữ của năm”.
Tuy nhiên, khi nhìn nhận lại con đường đi đến thành công của bản thân, Leyna tâm sự cô không cho rằng nó được trải bằng hoa hồng.
Để đạt được thành tựu như hiện tại, Leyna ngay từ sớm đã phải cố gắng vượt qua hai bất lợi: những định kiến đánh giá thấp năng lực giới nữ và những phân biệt đối xử đối với người nhập cư.
Cuộc sống giàu có, mua nhà triệu đô và hành trình tìm về cội nguồn
Với trái tim luôn hướng về quê hương, năm 2005, Leyna Nguyễn quyết định cùng bạn trai Michael Muriano – đạo diễn kiêm nhà sản xuất phim người Mỹ gốc Italy – vượt nửa vòng trái đất trở về Việt Nam tổ chức hôn lễ.
Đám cưới của cô được tổ chức theo đúng nghi lễ truyền thống của người Việt. Cô dâu chú rể cùng mặc áo dài khăn đóng, đám rước dâu đi dọc theo con đường làng. Leyna Nguyễn tâm sự: “Tôi muốn chồng mình hiểu và trân trọng nét đẹp của văn hóa Việt truyền thống!”.
Video đang HOT
Leyna Nguyễn kết hôn với người chồng đầu vào năm 2005. Cả hai có 2 con chung tuy nhiên đã công khai ly hôn năm 2013.
Năm 2009, vợ chồng Leyna Nguyễn thu hút sự chú ý khi bỏ ra gần 1,5 triệu USD (hơn 34 tỷ VNĐ) mua ngôi nhà tại Los Angeles, Mỹ.
Ngôi nhà số 1155, nằm tại ngã tư đường Valey Spring Lane và Lamp Ave gồm 6 phòng ngủ, 4 phòng tắm với tổng diện tích khuôn viên là 10.275 mét vuông.
Bên trong căn biệt thự triệu đô của Leyna Nguyễn.
Sở hữu cuộc sống xa hoa, giàu có trên đất Mỹ nhưng Leyna Nguyễn không quên đi trách nhiệm làm giàu đẹp hơn cho quê hương Việt Nam.
Năm 1997, cô từng thành lập tổ chức phi lợi nhuận Love Across The Ocean để quyên góp giúp đỡ các trẻ em kém may mắn ở Việt Nam, số tiền đó cô dùng để xây trường học, cung cấp sách vở cho học sinh nghèo.
Nữ MC nổi tiếng thường xuyên về quê hương thực hiện những chuyến đi thiện nguyện.
Đồng thời, những năm về sau, Leyna Nguyễn cũng thường xuyên trở về quê hương để đóng góp, gặp mặt và giúp đỡ những người có hoàn cảnh khó khăn. Cô tâm sự:
“Ở bên Mỹ, Leyna giúp trẻ em tàn tật, giúp người cao niên bị bệnh và Leyna cũng có một hội từ thiện riêng, cũng nhỏ thôi. Những lần về Việt Nam thì Leyna cũng cố gắng giúp tiền xây trường học và phát quà, tặng gạo cho những bà con nghèo ở Đông Hà, Quảng Trị.
Thực ra Leyna cũng thấy là mình quá may mắn trong công ăn việc làm và trong cuộc sống ở Mỹ, nên mong muốn được giúp đỡ những người thiếu may mắn”.
Đồng thời, cô cũng dành thời gian thăm họ hàng, bà con ở Việt Nam.
Hiện tại, dù đã ở tuổi 50, Leyna Nguyễn vẫn vô cùng trẻ trung, xinh đẹp. Cô làm việc nhiệt huyết và tận hưởng cuộc hôn nhân hạnh phúc sau khi tái hôn với người bạn trai Denny Hooten.
Chia sẻ về quê hương, nguồn cội, nữ MC nổi tiếng tự hào: “Mỗi khi về Việt Nam thăm họ hàng và người thân, tôi luôn nói “I’m going home” – trở về nhà, chứ không phải là “vacation” – đi du lịch”.”
Leyna Nguyễn tận hưởng cuộc sống giàu có, hạnh phúc bên Mỹ.
Ở tuổi 50, cô vẫn vô cùng tươi trẻ, rạng ngời.
Nữ MC gốc Việt bên 2 con.
Hiện tại, cô đã tái hôn sau cuộc hôn nhân đầu đổ vỡ.
Theo Trí Thức Trẻ
Thầy giáo người Mỹ gốc Việt được trao 'Oscar giáo dục': Tôi chỉ muốn được gọi là thầy giáo!
Ở tuổi 27, thầy giáo người Mỹ gốc Việt Ben Hoàng Nguyễn vừa được trao giải thưởng cao quý Milken Educator Awards cuối tháng 10 - giải thưởng mà tạp chí Nhà Giáo gọi là 'Oscar giáo dục', kèm số tiền 25.000 USD.
Thầy giáo Ben Hoàng Nguyễn phát biểu trong lễ công bố giải thưởng Milken Educator Awards 2019 - Ảnh: NVCC
"Có quá nhiều phẩm chất để định nghĩa một giáo viên thành công. Khi nghĩ lại về những người thầy/cô có ảnh hưởng nhất với mình, tôi tin họ đều có ba điểm quan trọng nhất: một là kiên định, hai là giỏi chuyên môn và ba là khả năng truyền đạt."
Thầy Ben Hoàng Nguyễn
Giải thưởng này chỉ được trao cho 40 giáo viên trên toàn nước Mỹ mỗi năm để ghi nhận sự tận tụy, xuất sắc và cảm hứng khoa học họ đã khơi dậy ở học trò.
Ben Hoàng Nguyễn là giáo viên môn tự động hóa, chế tạo và robotics tại Trường trung học Sunrise Mountain ở thành phố Las Vegas, bang Nevada (Mỹ).
"Giải Oscar cho giáo dục"
* Trước hết, xin chúc mừng anh về giải thưởng Milken Educator Awards. Giải thưởng có ý nghĩa thế nào với anh?
- Giải thưởng Milken Educator Awards do Quỹ gia đình Milken thành lập nhằm tôn vinh các nhà giáo dục đang ở giai đoạn bắt đầu hoặc giữa sự nghiệp trồng người.
Về cơ bản, nó như một sự tưởng thưởng cho sự xuất sắc và để truyền cảm hứng cho những người khác trong cộng đồng nhà giáo ở Mỹ khi có quá ít những giải thưởng "nổi tiếng" được trao cho những người giảng dạy.
Giải thưởng là một lời nhắc nhở tôi phải nỗ lực hơn nữa trong thời gian tới, tiếp tục tận tụy cống hiến và mài giũa kiến thức cũng như năng lực giảng dạy trong các lĩnh vực đã chọn.
* Ngay từ đầu anh có mơ ước trở thành giáo viên không? Cha mẹ muốn anh làm nghề gì?
- Theo lẽ thường, hầu hết các gia đình đều không muốn con mình theo nghề sư phạm. Nhiều người trong chúng tôi còn được nhắc nhở về điều này mỗi khi có tin tức các giáo viên biểu tình, phản ứng về điều kiện làm việc cũng như tình trạng bị đối xử bất công.
Cha mẹ tôi, vì rất nhiều lý do, muốn tôi trở thành bác sĩ. Cha tôi từng thi đậu vào ngành này khi học xong phổ thông. Mẹ tôi cũng từng mơ được làm y tá, mẹ hiểu rõ tầm quan trọng của nghề này, những đòi hỏi về trình độ kiến thức rất cao cũng như cả tâm đức của người làm nghề đó nên mẹ cũng muốn tôi theo nghề y.
* Vậy lý do nào khiến anh chọn nghề giáo, anh yêu thích nhất điều gì tại ngôi trường Sunrise Mountain, thưa anh?
- Giảng dạy là một điều cơ bản trong sự biểu đạt của con người. Tôi nghĩ mình muốn làm thật giỏi nghề này như một cách để giúp cho nhân tính vượt lên trước những thay đổi hung hăng của hành xử con người có nguồn gốc từ công nghệ và những thế lực khác.
Với công việc hiện tại của tôi, đó là "công việc mơ ước" khi được là một giáo viên và có một tư duy trẻ trung.
Tương lai trong các lĩnh vực chuyên môn của tôi là vô hạn, tôi cảm thấy như vậy, và sự tận hiến của tôi với việc học hành cũng như giảng dạy sẽ giúp tôi vững vàng tiến tới giai đoạn trung niên trong khi phát triển thành thục kỹ năng nghề nghiệp.
* Được biết anh có chia sẻ chỉ thực sự suy ngẫm sâu hơn về nghề giáo của mình trong khoảng 3 năm qua. Tại sao vậy?
- Lần đầu tiên tôi giữ cương vị một người thầy là trong chương trình Teach for America (TFA) với thời gian cam kết 2 năm.
Theo chương trình đó, về cơ bản các sinh viên mới tốt nghiệp ĐH sẽ được đưa về giảng dạy ở những ngôi trường nhiều thách thức nhất trên toàn nước Mỹ.
Cùng với 2 năm đầu tiên giảng dạy ở chương trình TFA, chúng tôi cũng được khuyến khích để đạt được các bằng cấp cao học trong giáo dục, nhất là về các lĩnh vực chúng tôi đang giảng dạy.
Trong 3 năm qua, tôi có nhiều thời gian hơn để ngẫm nghĩ về nghề nghiệp của mình mà không còn quá bận rộn với bài vở như hồi học ĐH, mặc dù tôi vẫn dành một lượng lớn thời gian mỗi ngày để đọc và học thêm.
Nghề giáo không có mấy tiếng tăm trong rất nhiều lĩnh vực có ảnh hưởng lớn của xã hội, từ các hoạt động chăm sóc trẻ cho tới cả những giảng viên ĐH, chúng ta cần thay đổi điều đó.
* Anh cũng nói anh muốn được gọi là "thầy giáo" mà không phải "nhà giáo dục". Có sự khác biệt nào chăng?
- Thầy giáo (teacher) dùng kỹ năng sư phạm của họ, vận dụng các kỹ thuật giảng dạy trên cơ sở nghiên cứu và những lý thuyết để truyền đạt sự học cho các bộ óc đang phát triển khác.
Nhà giáo dục (educator), theo tôi, thường tập trung vào việc ứng dụng phương pháp sư phạm ở tầm vĩ mô. Và nữa, giảng dạy là việc tôi đang làm và nghề này xứng đáng có một sự phân biệt thích đáng.
Khơi dậy tình yêu STEM
* Các môn anh đang dạy thuộc nhóm các môn STEM (khoa học, công nghệ, kỹ thuật và toán học), những môn không "dễ nhằn" với nhiều học trò. Anh làm sao để thu hút học sinh?
- STEM thường bị coi là khó vì hệ thống đơn vị tính toán cần phải thành thạo. Điều này cũng có nghĩa học sinh thường mất nhiều thời gian hơn để suy nghĩ và học hỏi nghiêm túc về các khái niệm trừu tượng có thể có liên hệ trực tiếp hoặc không với các hiện tượng học sinh gặp trong đời sống hằng ngày.
Chuyện này dễ dàng hơn khi tôi khuyến khích học sinh áp dụng những phương diện khác nhau của STEM vào những mối quan tâm riêng của chính các em.
Tôi cho phép học sinh được thoải mái sử dụng một công nghệ cụ thể, ví dụ như là in 3D, để tạo ra thứ gì đó giá trị với cuộc sống các em, trong khi vẫn học các kiến thức tiêu chuẩn theo yêu cầu của chương trình, trong trường hợp này là sử dụng phần mềm Computer-Aided Design (CAD - thiết kế có sự hỗ trợ của máy tính).
Thay vì ép buộc học sinh phải tuân theo những mô hình kiểm tra cứng nhắc và những bài thử mạch điện, tôi tin việc kích thích những quan tâm của các em thông qua tư duy cá nhân sẽ giúp người học trưởng thành và phát triển tình yêu với STEM.
* Sau một số năm giảng dạy, anh thấy đâu là điều quan trọng nhất để giáo viên giúp học sinh thành công, thưa anh?
- Một phần quan trọng trong những gì tôi học hỏi được từ những bộ óc trẻ trung, và cũng không khác với những gì tôi đã trải nghiệm hồi ở ĐH, đó là sự tích cực suy nghĩ và tư duy phản biện.
Theo đó, giáo viên sẽ yêu cầu học sinh giải thích lập luận của các em, cho phép các em phát triển một cách hiểu vấn đề. Tuy nhiên, nếu cách hiểu đó chưa đúng, giáo viên sẽ vận dụng những kiến thức phù hợp để định hướng lại cho các em cách học.
Với cách này, học sinh có thể tự tìm ra cách học mà không có cảm giác phải tuân theo mọi ý muốn của giáo viên.
"Tôi rất tự hào là người Việt Nam"
Trong bức ảnh chụp năm 2011 này, anh sinh viên tình nguyện Ben Hoàng Nguyễn đang mừng sinh nhật cùng các em nhỏ ở trại mồ côi Thủy Xuân và giải thích với các em một buổi sinh nhật được tổ chức như thế nào - Ảnh: NVCC
* Anh có thể kể thêm về chuyến trở lại quê hương Việt Nam lần đầu vào năm 2011 của anh?
- Tôi luôn khao khát được hiểu về quê hương mình. Tôi nghĩ việc hiểu về nguồn cội là trách nhiệm của mỗi người. Trong chuyến trở về Việt Nam năm 2011, tôi làm tình nguyện viên, dạy học tại trại trẻ mồ côi Thủy Xuân ở thành phố Huế.
Lần đó tôi được gặp GS Trần Thanh Vân và vợ ông, bà Lê Kim Ngọc. Tôi cũng may mắn được gặp nhà hảo tâm người Pháp Odon Vallet có rất nhiều đóng góp từ thiện ở Việt Nam mà sau này tôi mới biết. Ông ấy đã tặng tôi cuốn sách và dành những lời chúc tốt đẹp cho tôi. Kể từ sau khi gặp họ, tôi biết mình đã có một mục tiêu để hướng tới.
Trong những ngày cuối tuần, tôi về thăm lại ngôi làng quê cũ của mình ở làng cá Hải Nhuận (xã Phong Hải, huyện Phong Điền, Thừa Thiên Huế - PV).
Tôi vẫn đang viết một cuốn sách về những trải nghiệm của mình, có lẽ khoảnh khắc này trong đời sẽ thôi thúc tôi hoàn thành nó. Tôi rất tự hào là người Việt Nam và chuyến đi chỉ 2 tháng trong năm đó đã tạo nên tất cả thay đổi với cuộc đời tôi.
Ralph Perry Jr. - sinh viên năm 2 khoa khoa học máy tính, Viện Bách khoa Worcester ở Worcester, bang Massachusetts - đã được học thầy Ben Hoàng Nguyễn trong 2 năm ở Trường THPT Sunrise Mountain cho biết so với các thầy cô khác, điểm nổi bật của thầy Ben Hoàng Nguyễn là việc tạo ra hứng thú qua cách dạy truyền rất nhiều cảm hứng của thầy.
"Tôi thích việc thầy dạy cách ứng dụng vào cuộc sống những kiến thức tự động hóa, drone, robot.
Thầy còn thiết kế những cuộc thi để chúng tôi tranh tài, giúp chúng tôi trải nghiệm những điều chúng tôi có thể sẽ gặp trong ngành này. Mặc dù giờ không còn học thầy nữa nhưng tôi vẫn thường xuyên giữ liên lạc với thầy" - Ralph Perry Jr. chia sẻ.
Theo tuoitre
Người Việt đi lao động nước ngoài : Sao em tin giấc mộng đổi đời từ kẻ xa lạ? Ai cũng quan niệm rằng thà cắn răng chịu đựng đi vượt biên khổ sở một chút, rồi cuộc sống sẽ sang trang. Thế nhưng, thực tế thì thường nghiệt ngã, có khi là tàn khốc. Mimi Vũ. Chuyên gia chống buôn người. Mimi Vũ là chuyên gia người Mỹ gốc Việt về lĩnh vực chống buôn người, đã sinh sống và làm...