Mấy tuổi trẻ mới hết tè dầm
Con tôi 30 tháng tuổi, đêm nào cháu cũng tiểu dầm nhiều lần. Cháu cũng hay thức dậy đòi uống nước, một đêm 2-3 lần.
Như vậy con tôi có bị bệnh lý hay không? Tôi phải làm sao để khắc phục tình trạng của cháu. Cảm ơn bác sĩ. (Thanh Tâm)
Trả lời:
Chào bạn,
Tiểu dầm ban đêm (có thuật ngữ: Nocturnal enuresis) chỉ tình trạng tiểu mất kiểm soát khi ngủ vào ban đêm. Chứng này thường gặp ở khoảng 1/5 trẻ. Tình trạng này không nặng nhưng gây ra nỗi lo lắng cho các bậc cha mẹ và gây áp lực tâm lý lớn đối với bản thân trẻ.
Ảnh minh họa: Stonypointsc.com.
Việc bàng quang có thể kiểm soát việc đi tiểu ban ngày (thường sau tuổi lên 3) sẽ hình thành trước khi có thể kiểm soát việc tiểu dầm ban đêm (thường sau tuổi đến trường – lên 6). Vài trẻ cũng có thể gặp tình trạng tiểu dầm này ở lứa tuổi 7-8. Nếu ban ngày trẻ không kiểm soát được việc nhịn và đi tiểu đúng lúc được gọi là tiểu không kiểm soát (incontinence).
Video đang HOT
Từ sau 5 tuổi, tỷ lệ các cháu còn gặp chứng tiểu dầm ban đêm sẽ giảm dần: 5 tuổi còn 20%, 6 tuổi là 12%, 7 tuổi 10%… và 16 tuổi vẫn còn khoảng 1% trẻ tiểu dầm.
Việc kiểm soát bàng quang được hoàn thiện dần theo tuổi:
- Từ sơ sinh đến 18 tháng: Trẻ không biết cảm giác khi bàng quang đầy hay cần tiểu.
- Tuổi từ 18 đến 24 tháng: Trẻ đã có cảm giác, có ý thức để tiểu.
- Lứa tuổi 2-3: Hầu hết trẻ phát triển khả năng kiểm soát việc nhịn tiểu và đi tiểu vào ban ngày và phát triển kỹ năng đi vệ sinh khi thích hợp.
- Lứa tuổi 3-5: Hầu hết trẻ em đã đạt được kiểm soát nước tiểu và không bị tiểu dầm cả ngày lẫn đêm.
Hầu hết trẻ không bị tiểu dầm vào ban đêm sau 3 đến 5 tuổi. Để làm được điều này, đầu tiên, bàng quang sẽ gửi một tín hiệu đến não rằng bàng quang đã đầy nước tiểu và não sẽ gửi một tín hiệu trở lại làm cho bàng quang giãn ra, do đó, nó có thể giữ thêm được nước tiểu nhiều hơn. Thứ hai, nếu bàng quang không thể giữ tất cả nước tiểu cho đến sáng, nó tiếp tục phát tín hiệu lên não cho đến khi trẻ thức dậy và đi vào phòng tắm. Đái dầm xảy ra do sự chậm trễ trong một hoặc cả hai bước này.
Vì vậy, với trẻ của bạn mới 30 tháng, vẫn có thể theo dõi thêm một thời gian ít nhất 6 tháng đến một năm, nhiều nhất có thể đến 5 tuổi. Nếu trẻ không cải thiện bạn có thể đưa bé đến khám với các bác sĩ niệu nhi để đánh giá và điều trị khi cần thiết.
Chúc bạn vui, khỏe.
Thạc sĩ, bác sĩ Lê Anh Tuấn
Trưởng khoa niệu-nam khoa, Bệnh viện quốc tế Thành Đô
Theo VNE
Bé 3 tuổi vẫn tè dầm mỗi đêm
Con trai tôi tròn 3 tuổi. Khi cháu ngủ trưa khoảng 2-3 tiếng thì không đái dầm nhưng về đêm thì cháu lại tè dầm.
Cháu ăn uống, sinh hoạt bình thường, nặng 20 kg, cao 1,02 m. Cháu rất hiếu động và thông minh. Điều khiến tôi băn khoăn là hầu như đêm nào cháu cũng đái dầm 2-3 lần. Tôi rất lo, không biết như vậy cháu có vấn đề gì về sức khỏe và tâm lý không? Mong được bác sĩ tư vấn. (Đạt)
Ảnh minh họa: Moms.popsugar.com.
Trả lời:
Chào bạn,
Đái dầm ở trẻ có nhiều nguyên nhân như: uống quá nhiều nước, viêm nhiễm đường tiết niệu, đái tháo nhạt, rối loạn lo âu...
Trước hết, bạn cần cho bé tập đi tiểu trước khi đi ngủ, hạn chế uống nước trong đêm, không nên đóng bỉm cho bé. Nếu như các biện pháp trên không hiệu quả, bạn đưa bé tới cơ sở chuyên khoa nhi để tìm nguyên nhân gây đái dầm.
Hiện nay Bệnh viện Nhi trung ương áp dụng phác đồ điều trị đái dầm của NICE (Anh) bằng thuốc desmopressin và theo dõi định kỳ đáp ứng của bé. Bạn có thể đưa bé tới khoa Thận tiết niệu của Bệnh viện Nhi trung ương để được tư vấn và theo dõi.
Chúc bé luôn khỏe mạnh và phát triển tốt.
Bác sĩ nhi khoa Nguyễn Đức Thường
Theo VNE
6 điều bạn nhất thiết phải tránh khi uống sữa đậu nành Sữa đậu nành là một thức uống rất bổ dưỡng và lành mạnh cho cơ thể con người. Tuy nhiên, bạn có biết uống sữa đậu nành cần phải chú ý đến những điều gì? Sữa đậu nành được coi như một loại thực phẩm lành mạnh cho cơ thể con người. Sữa đặc biệt tốt cho sự phát triển của cơ thể...