May mắn khó tin của người đàn ông nhiễm HIV
Khác với một số bệnh nhân có HIV luôn canh cánh trong mình sự mặc cảm, tự ti, không dám công khai tình trạng bệnh thì anh Thăng lại khá mạnh dạn khi nói về hành trình bị nhiễm HIV của mình và nghị lực vượt lên số phận để làm người có ích cho cộng đồng.
Anh Thăng (áo sẫm) đang nghe các bác sĩ của Phòng khám ngoại trú, Bệnh viện Đa khoa thị xã Chí Linh hướng dẫn cách phòng tránh HIV, để từ đó anh cùng những người bạn của mình truyền đạt lại cho những người khác. Ảnh: Đ.Việt
Được tiếp thêm nghị lực sống khi gia đình không quay lưng
Tiếp chúng tôi trong căn phòng nhỏ của Phòng khám ngoại trú thuộc Bệnh viện Đa khoa thị xã Chí Linh, tỉnh Hải Dương là người đàn ông với dáng vẻ nhanh nhẹn và khỏe mạnh. Nếu không được cán bộ của phòng khám giới thiệu trước thì chúng tôi không thể biết đó là người đang mang trong mình căn bệnh AIDS.
Người đàn ông đó tên là Vũ Nhật Thăng, 41 tuổi. Trước khi gặp anh Thăng, chúng tôi đã nghĩ đến cảnh người đàn ông này sẽ e dè và ngại nói chuyện với người lạ. Nhưng khi tiếp xúc, chúng tôi không khỏi ngạc nhiên trước cách nói chuyện cởi mở, thậm chí khá cuốn hút của anh. Theo một bác sĩ tại Phòng khám, sự lạc quan đó không chỉ giúp anh Thăng vượt qua căn bệnh thế kỷ mà còn tiếp sức cho rất nhiều hoàn cảnh khác đang điều trị tại đây.
Khác với những bệnh nhân có HIV luôn canh cánh trong mình sự mặc cảm, tự ti, không dám công khai tình trạng bệnh thì anh Thăng lại khá mạnh dạn khi nói về hành trình nhiễm HIV của mình. Anh kể, đó là những ngày mùa thu năm 2003, khoảng thời gian đó, bỗng nhiên anh cảm thấy sức khỏe mình suy kiệt, luôn mệt mỏi trong người. Ban đầu, anh Thăng chỉ nghĩ mình bị ốm bình thường nên không đi khám. Nhưng những tháng ngày sau đó, sức khỏe của anh ngày càng yếu đi, người gầy và xanh xao. Lần này, anh quyết định đến Trung tâm Phòng, chống HIV/ AIDS tỉnh Hải Dương để khám và bàng hoàng khi các bác sĩ ở đây thông báo anh bị dương tính với HIV.
Không tin đó là sự thật, người đàn ông này tiếp tục đi xét nghiệm ở nhiều nơi khác, nhưng kết quả vẫn vậy. Một cảm giác hụt hẫng, suy sụp, đau đớn và lo lắng, anh âm thầm chịu đựng, nằm bệt một chỗ không chịu uống thuốc, không dám nói cho gia đình biết. Nhớ lại chuỗi ngày làm việc xa nhà nhiều năm trước, đôi lần theo bạn bè sa ngã vào chốn ăn chơi “không an toàn”, anh Thăng mới bừng tỉnh biết rằng đó chính là lý do đưa mình đến căn bệnh thế kỷ này.
Nhắc lại khoảng thời gian vừa phát hiện ra căn bệnh quái ác, người đàn ông này kể: “Những ngày đó, cuộc sống của tôi không khác gì địa ngục, tôi chán nản không làm bất cứ việc gì. Khi ấy, tôi thật sự hối tiếc vì mình đang bước vào độ tuổi đẹp nhất của tuổi trẻ, vợ con chưa có, bố mẹ già yếu chưa báo đáp được gì thì đã mang trong mình căn bệnh chết người. Sau khoảng hai tháng giấu bệnh, tôi quyết định nói cho gia đình biết. Khi nghe tin, bố mẹ tôi vô cùng sốc. Mẹ tôi ốm liệt giường mấy tuần liền. Lúc đó, tôi chỉ ước nếu có phép màu để thời gian quay trở lại, tôi sẽ là một đứa con ngoan, sẽ tu chí làm ăn”.
Cũng theo anh Thăng, anh may mắn khi gia đình không quay lưng lại, đặc biệt là mẹ anh. Bà luôn động viên, an ủi, ở bên cạnh con để chống chọi với bệnh tật. “Mẹ tôi chính là người khuyên tôi đi điều trị tại Phòng khám ngoại trú , Bệnh viện Đa khoa thị xã chí Linh, nếu không có mẹ ở bên động viên thì chắc chắn tôi đã từ bỏ rồi, vì lúc đó tôi chỉ nghĩ đến cái chết”, anh Thăng xúc động khi nói về mẹ.
Hạnh phúc vì vợ con không nhiễm HIV
Nói về vợ, anh Thăng rất hào hứng. Theo anh, vợ mình chính là người phụ nữ tuyệt vời nhất vì đã chấp nhận lấy một người mang trong mình căn bệnh như anh. Anh kể, cách đây mấy năm, khi đó anh vừa điều trị ARV tại Phòng khám vừa đi làm xe ôm thì tình cờ gặp chị. Anh yêu chị từ cái nhìn đầu tiên nhưng không dám thổ lộ vì tự ti. Nhưng sau một thời gian suy nghĩ, anh quyết định không giấu lòng mình nữa. Anh gặp chị và nói ra tình cảm của mình, anh cũng không ngần ngại tâm sự thật về căn bệnh mình trong mang trong người.
“Tôi không nghĩ là mình sẽ nhận được cái gật đầu của cô ấy, khi đó cảm giác của tôi vui sướng lắm. Tuy nhiên, cũng có một rào cản từ phía gia đình cô ấy, ban đầu cả gia đình không ai chấp nhận một đứa con rể bị HIV như tôi cả. Nhưng vợ tôi vẫn cố gắng thuyết phục bố mẹ rằng, bây giờ căn bệnh của tôi có nhiều thuốc để chữa trị và vẫn có thể sinh con bình thường mà không bị lây nhiễm. Sau nhiều lần thuyết phục, cuối cùng tôi cũng nhận được cái gật đầu của bố mẹ cô ấy. Chúng tôi lên xe hoa trong sự vui mừng của gia đình hai bên và càng hạnh phúc hơn khi chúng tôi sinh đứa con trai đầu lòng. Sau khi sinh, tôi đưa vợ con đi xét nghiệm thì cả hai đều không bị nhiễm HIV”, anh Thăng rưng rưng trong niềm hạnh phúc.
Hằng ngày, anh Thăng chạy xe ôm, còn vợ thì đi làm công ty giày da, thu nhập của hai vợ chồng khoảng hơn 7 triệu đồng/tháng. Số tiền này đủ cho anh trang trải tiền chữa bệnh và lo cho chi phí sinh hoạt gia đình. Thời gian rảnh rỗi, anh còn tích cực tham gia hoạt động xã hội cùng các các thành viên trong nhóm đi tuyên truyền, hỗ trợ những người có HIV, đẩy lùi đại dịch HIV/AIDS, xóa tan khoảng cách, hòa nhập cộng đồng. Chia sẻ về cuộc sống hiện tại, anh Thăng tâm sự: “Tôi rất biết ơn vợ. Chính vợ là người khiến tôi được sống lại, chiến thắng bệnh tật. Thực sự, sau cú vấp ngã đó tôi mới cảm nhận được hạnh phúc đích thực của cuộc đời. Điều mong muốn lớn nhất đối với tôi lúc này là sự bình yên trong cuộc sống của vợ và con trai”.
Anh Thăng cho biết, nhờ được sự giúp đỡ của các bác sĩ tại Phòng khám ngoại trú thuộc Bệnh viện Đa khoa thị xã Chí Linh và sự hỗ trợ của Trung tâm Phòng, chống HIV/ AIDS tỉnh Hải Dương, nên anh kiểm soát tốt căn bệnh. Đến nay, hơn 10 năm điều trị thuốc ARV đều đặn mỗi ngày, anh có thể trạng khỏe mạnh. Hiện tại, nhờ có sự hỗ trợ tư vấn của Trung tâm Phòng, chống HIV/ AIDS tỉnh Hải Dương nên sức khỏe của anh luôn ổn định, cuộc sống vợ chồng bình yên, hạnh phúc. Bằng những biện pháp chống lây nhiễm cùng phương pháp lọc tinh trùng, vợ chồng anh cũng đang tính sinh thêm một em bé nữa.
Video đang HOT
* Tên nhân vật đã được thay đổi.
1.805 trường hợp nhiễm HIV còn sống tại Hải Dương BS Nguyễn Văn Hải, Giám đốc Trung tâm Phòng, chống HIV/AIDS tỉnh Hải Dương cho biết, tính đến ngày 30/6/2016, số trường hợp nhiễm HIV hiện còn sống tại Hải Dương là 1.805 người; số bệnh nhân chuyển AIDS còn sống là 1.298 người; 1.605 trường hợp đã tử vong do AIDS. Tỷ lệ nhiễm HIV là 101 người/100.000 dân. TP Hải Dương vẫn là địa phương có số người nhiễm HIV hiện còn sống được quản lý cao nhất toàn tỉnh (470), tiếp đến là thị xã Chí Linh (287), thứ 3 là huyện Kinh Môn (243). Trong đó, số người nhiễm được tiếp cận điều trị ARV là 1.298 người. Trong năm 2015 và 6 tháng đầu năm 2016, toàn tỉnh xét nghiệm phát hiện mới 135 trường hợp nhiễm HIV; 162 bệnh nhân AIDS; 42 trường hợp tử vong do AIDS.
Theo Đình Việt (Gia đình xã hội)
Chùa cổ gần 300 năm tuổi của người Hoa ở chợ Lớn
Nằm tọa lạc tại số 710 Nguyễn Trãi, (Q.5, TP.HCM), chùa Bà Thiên Hậu là một trong những ngôi chùa cổ nhất mang đậm kiến trúc của người Hoa ở Chợ Lớn.
Chùa Bà Thiên Hậu được nhóm người Hoa gốc Tuệ Thành (tức Quảng Châu thuộc tỉnh Quảng Đông) di dân sang Việt Nam góp vốn và góp công xây dựng vào khoảng năm 1760
Chùa nằm trong khu trung tâm của những người Hoa đầu tiên đến tạo lập nên Chợ Lớn sau này. Chùa được công nhận là di tích kiến trúc nghệ thuật cấp Quốc gia ngày 7 tháng 1 năm 1993
Chùa Bà từng được trùng tu lớn vào các năm 1800, 1842, 1890, 1916...
Nóc chùa được trang trí hoa văn hình hoa lá, hình nhân bằng gốm sứ do hai lò Bửu Nguyên và Đồng Hòa sản xuất vào năm Mậu Dần (1908)
Trang trí ở các điện là hình hoa lá, chim thú và hoành phi, câu đối, biển tự thường là màu đỏ, vàng tạo sự ấm áp, tin tưởng. Chùa còn có các bức tranh đắp nổi liên hoàn, các con vật thuộc "tứ linh"
Theo học giả Vương Hồng Sển thì Thiên Hậu Thánh Mẫu (vị thần được thờ chính trong chùa) có tên là Mi Châu, sinh ngày 23 tháng 3 (âm lịch) năm Giáp Thân (1044), sống ở Phước Kiến (Trung Quốc). Một hôm, cha Bà là Lâm Tích Khánh cùng hai anh trai đi thuyền chở muối đến Giang Tây, giữa đường gặp bão lớn. Lúc đó, Bà đang ngồi dệt vải cạnh mẹ nhưng xuất thần để đi cứu cha và hai anh. Dù cố gắng, nhưng Bà chỉ cứu được hai anh, còn cha bị sóng cuốn. Từ đó, mỗi khi thuyền bè ngoài biển bị nạn người ta đều gọi vái đến Bà. Năm Canh Dần (1110) nhà Tống sắc phong cho Bà là "Thiên Hậu Thánh Mẫu"
Chùa Bà Thiên Hậu có lối kiến trúc tam quan cách điệu với cửa vào ở chính giữa và hai hành lang, tạo sự thông thoáng để mọi người dễ dàng di chuyển trong những ngày đông người đến viếng. Đây là tổ hợp 4 ngôi nhà liên kết nhau tạo thành mặt bằng giống hình chữ "khẩu" hoặc chữ "quốc". Ba dãy nhà ở giữa tạo thành tiền điện, trung điện và chính điện.
Tiền điện là hai trang thờ hai bên cổng vào: Phúc Đức Chánh thần (phải) và Môn Quan Vương Tả (trái). Tại đây có bia đá ghi truyền thuyết về Thiên Hậu Thánh Mẫu và các bức tranh lớn vẽ cảnh bà đang hiển linh trên sóng nước
Giữa các dãy nhà này có một khoảng trống gọi là thiên tỉnh (giếng trời), giúp không gian chùa thoáng đãng, đủ ánh sáng cho hậu cung và có chỗ thoát khói hương
Chùa xây toàn bằng vật liệu bên Tàu đem qua, từ viên gạch, tấm ngói, đến những đồ gốm gắn trên mái nóc...
Trung điện có bộ lư phát lam lớn niên hiện Quang Tự thứ 12 (1886). Hai bên bộ lư là kiệu sơn son thiếp vàng, bằng gỗ tốt, dành rước Bà vào ngày vía Bà với chiếc thuyền rồng chạm hình nhân, rước theo cùng với kiệu Bà
Những cuộn hương vòng mang đặc sắc văn hóa tín ngưỡng của người Hoa
Người dân đến chiêm bái tại chùa Bà Thiên Hậu
Chính điện, được gọi là Thiên hậu Cung, gian giữa thờ Bà Thiên Hậu, hai bên thờ bà Kim Hoa Nương Nương (phía phải) và Long Mẫu Nương Nương (phía trái)
Được biết pho tượng Bà Thiên Hậu tạc từ một khối gỗ nguyên cao 1m, có từ khá lâu, trước khi xây chùa, vốn được thờ ở Biên Hòa và đến năm 1836 mới di chuyển về đây. Hai pho tượng còn lại bằng cốt giấy sơn màu. Các pho tượng đều được khoác áo thêu lộng lẫy. Gian phụ nằm hai bên chính điện thờ Quan Thánh, Địa Tạng, Thần Tài
Chính điện chùa còn hai đại đồng chung niên hiệu Càn Long năm thứ 60 (1796) và Đạo Quang năm thứ 10 (1830). Trong tủ kính lớn ở chính điện là tượng Bát Tiên và tướng lịnh của D'Ariès vào năm 1860 cấm các binh sĩ Pháp và Y-Pha-Nho phá phách.
Hai chuông cổ đặt trong chính điện.
Chùa Bà Chợ Lớn hằng ngày vẫn đón tiếp những người đến cúng lễ khá đông. Nhưng đông hơn là vào các ngày mùng 1và rằm hằng tháng, các ngày lễ, tết trong năm của người Hoa như tết Nguyên đán, tết Nguyên tiêu, Tết Đoan ngọ...
Đặc biệt, ngày 28 tết, chùa tiến hành lễ cúng Bà và lễ khai ấn. Riêng ngày vía Bà (23-3 âm lịch) được xem là ngày hội chính của chùa. Ngay từ đêm hôm trước, tại chùa đã cử hành lễ tắm Bà. Sáng ngày 23, mọi người lại tổ chức lễ rước Bà: Tượng Bà được đặt vào kiệu do các thanh niên nam nữ ăn mặc đẹp đẽ diễu qua các đường phố quanh chùa. Theo sau kiệu có thuyền rồng, các tấm bảng đỏ ghi tên các vị thần được thờ phụng trong chùa, các đội múa gồm: múa lân, múa sư tử, múa rồng, các đội nhạc dân tộc vừa biểu diễn vừa múa hát tạo nên một quang cảnh náo nhiệt trong các khu phố đông đảo người Hoa...
Ngoài ra, chùa còn khoảng 400 đồ cổ, trong đó có bảy pho tượng thần, sáu tượng đá, chín bia đá, hai chuông nhỏ, bốn lư hương đồng, một lư hương đá, 10 bức hoành phi, 23 câu đối và 41 tranh nổi... Tất cả cổ vật này đều được chế tác rất công phu, tỉ mỉ.
Theo Hoàng Giang (Pháp Luật TPHCM)
Những người hùng thầm lặng trong lũ dữ Trong những ngày mưa lũ "oanh tạc" miền Trung, dòng nước dâng cao, chảy xiết như muốn nuốt chửng cả vùng quê nghèo. Giữa những dòng nước dữ dằn ấy, đã có những người hùng quên mình lao ra cứu người khi phát hiện có tiếng kêu cứu. Anh Trần Hàn và hai người em ruột đã lao ra dòng nước lũ cứu...