Mấy lần tôi bị nhà chồng ‘mời’ ra khỏi nhà
Cả nhà chồng đã chửi bới và lại đánh đuổi tôi vì cho rằng tôi quá “mất dạy”. Tôi không hề mất dạy, việc đó cũng giống như việc họ đòi vợ chồng tôi tiền nhà vậy.
ảnh minh họa
Phụ nữ ngày nay quá thiếu bản lĩnh, chưa trầy da xước thịt đã rần rần đòi ly hôn với chả ly dị. Như tôi xem hôn nhân là một cuộc chiến mà tôi sẽ không bao giờ từ bỏ. Đơn giản vì với tôi, hôn nhân là một, là duy nhất, không bao giờ có lần thứ hai.
Dù rất ngại nhưng tôi phải thú nhận, đã mấy lần tôi bị bố mẹ chồng đuổi ra khỏi nhà, rồi đến cả chồng cũng đòi chia tay. Nhưng tôi đã xác định rõ, nhà này là của tôi, chồng con là của tôi, tôi không bao giờ đi đâu cả.
Sống lâu mới biết bố mẹ chồng tôi còn độc hơn cả rắn độc. Đẻ ra con trai rồi bắt con lao động cực nhọc mang tiền về đã đành. Đến con dâu, bà cũng muốn bóc lột đến tận xu cuối cùng.
Nhà chồng tôi khá phức tạp, 6 người 3 thế hệ chung sống với nhau. Bố mẹ chồng, vợ chồng con cái tôi và cả cô em chồng. Đã thế tính tình còn không mấy tốt đẹp nên loạn hết cả.
Cô em chồng tôi còn tuổi đi học, nó cách chồng tôi đến 15 tuổi. Từ sau khi nó tốt nghiệp cấp 3, bố mẹ chồng đẩy hẳn trách nhiệm sang cho chồng tôi. Tức là anh phải nai lưng nuôi nó học đại học.
Video đang HOT
Ai đẻ con ra thì người đấy nuôi, làm gì có chuyện anh nuôi em? Nếu có chỉ là giúp đỡ nhau ba bữa nửa tháng. Nhiệm vụ chính của chồng tôi là nuôi vợ con chứ không phải gánh thêm một gánh nặng nào khác.
Thay vì các con tôi được ăn sung mặc sướng hơn thì nay phải toàn chắt bóp lại để nuôi thêm em chồng.
Họ bảo vợ chồng tôi có trách nghiệm thay mặt bố mẹ để nuôi em, vậy mà chỉ cần tôi đánh nó là cả nhà xúm lại chì chiết hắt hủi tôi. Trong khi những lần tôi đánh nó đều có lý do chính đáng.
Gần đây nhất là do nó quá lười làm việc nhà, chỉ giỏi bày biện nhưng không bao giờ tự giác dọn dẹp. Trước đó nữa là vì nó làm con tôi ngã rồi gân cổ cãi lại khi bị tôi mắng. Lần nào cũng ngụy biện hoặc nói dối. Tôi dạy con thế nào thì dạy nó thế đấy. Vậy mà tôi lại bị mắng mỏ lên án.
Bố mẹ chồng tôi tham tới mức đòi vợ chồng tôi đóng thêm cả tiền nhà. Trong khi căn nhà này trước sau gì cũng là của chúng tôi sau khi bố mẹ qua đời. Thế có khác gì phải đóng thuế ngay trong ngôi nhà của mình?
Tôi không phải người cam chịu dễ dãi, tôi phản đối mặc chồng ba phải vâng lời bố mẹ. Họ dọa đuổi tôi ra khỏi nhà. Tôi bảo họ không biết phân biệt giữa hôn nhân và cảnh đi ở trọ à? Kết quả là nhận lấy một gậy của bố chồng. Hỏi như thế tôi làm sao yêu thương và tôn trọng họ được? Họ không xem tôi là con cái trong nhà thì tôi cũng xem họ là người dưng cho phải đạo.
Tôi đã cho họ cảm giác ấm ức khi bị đòi tiền vô lý như thế. Vợ chồng tôi thuê xe cho cả nhà về quê thăm họ hàng đằng nội. Lúc đi về tôi đòi bố mẹ trả tiền xe đúng với giá 2 ghế nếu đi xe ngoài.
Họ đã chửi bới và lại đánh đuổi tôi vì cho rằng tôi quá “mất dạy”. Tôi không hề mất dạy, việc đó cũng giống như việc họ đòi vợ chồng tôi tiền nhà vậy. Nếu họ thấy điều đó đúng vì vợ chồng tôi ở “ké” nhà họ thì tôi cũng thấy việc tôi làm là đúng vì họ đi “ké” xe tôi thuê. Dù sao đi nữa tôi cảm thấy hài lòng vì cho họ nếm mùi bị vòi tiền ngu là thế nào.
Mới đây tôi và chồng lại hục hặc vì tôi không vừa lòng với thái độ của bố mẹ anh. Lần đầu tiên trong đời anh tát tôi đến chảy máu lợi, còn chảy rất nhiều nữa. Anh thanh minh anh không cố ý nhưng cái tát đó không chỉ tát vào miệng tôi mà còn tát cả vào lòng tự trọng tôi. Tôi đã chung sống, sinh con cho anh, phụng dưỡng bố mẹ và cả nuôi báo cô em anh thế nào. Liệu tôi có xứng đáng nhận cái tát này không?
Vì không cam lòng và do quá tức giận, hôm sau lại tôi đã lên công an phường báo cáo về hành vi bạo lực gia đình của chồng. Họ đã mời cả vợ chồng tôi lên làm việc. Song do lần đầu vi phạm và lúc đấy tôi đã bớt giận nên mọi chuyện không đến nỗi nghiêm trọng.
Tôi kiên gan là thế nhưng đôi lúc thấy mệt mỏi. Cuộc chiến với bố mẹ chồng nặng nề hơn tôi nghĩ (Ảnh minh họa)
Chuyện chỉ có vậy thôi mà bố mẹ chồng tôi lại ầm ĩ mạt sát tôi “ngu, hại chồng” và lại một lần nữa bắt tôi phải ly hôn và ra khỏi nhà. Họ có một cái lạ, họ luôn nghĩ con dâu chỉ là thứ ăn nhờ ở đậu nên hễ có mâu thuẫn là đuổi và bắt ly hôn.
Tôi kiên gan là thế nhưng đôi lúc thấy mệt mỏi. Cuộc chiến với bố mẹ chồng nặng nề hơn tôi nghĩ. Nhưng tôi đâu dễ dàng từ bỏ để họ được toại nguyện. Tôi phải tiếp tục ở lại để họ biết ai mới là người đúng, ai mới là người sai. Giá như không có sự tồn tại của mấy chữ mẹ chồng, em chồng, nhà chồng… thì cuộc sống này sẽ dễ thở hơn biết mấy.
Theo VNE
Vợ thông thái
Nhà ông Hạo vừa lĩnh tiền đền bù đất giải tỏa khu vườn tới mấy trăm triệu. Cầm cọc tiền, ông bảo vợ: "Chiều nay tôi sẽ đem gửi ngân hàng ngay và sẽ đứng tên tôi".
Bà Danh xưa nay không bao giờ nghi ngờ chồng về vấn đề tiền nong nhưng hôm nay bà vẫn phải lên tiếng: "Đành rằng ông đứng tên nhưng khi gửi, tôi phải đi cùng ông". Thấy vợ nói thế, ông Hạo gắt: "Bà không tin tôi à?". Bà Danh nhẹ nhàng: "Tôi chỉ muốn nhìn thấy ông gửi tiền đúng vào ngân hàng Nhà nước. Không gửi chỗ vớ vẩn". "Bà bảo chỗ nào là chỗ vớ vẩn? Vớ vẩn mà lãi suất 20% một tháng à?" - ông Hạo quát lớn.
Á à. Thế là rõ, ông ấy muốn gửi chỗ nhà cô Liên trên phố huyện đây. Bà Danh đoán được ý chồng nhưng không nói ra, nhỏ nhẹ nhưng dứt khoát: "Gửi tiền ngân hàng tuy lãi suất thấp nhưng đảm bảo. Tôi nhất định không cho ông gửi chỗ tín dụng cá nhân". Lời của vợ làm ông Hạo nổi cáu. Từ ngày lấy nhau đến giờ, có khi nào vợ ông chống đối lại ý của ông đâu. Nay có tí tiền trong nhà, bà ấy đã nổi máu cửa quyền. Nghĩ vậy ông Hạo quát tướng: "Bà bây giờ ghê nhỉ? Dám ngăn cản việc lớn của tôi đấy? Vậy thì tôi nói lại để bà rõ, miếng vườn đó là của bố mẹ tôi cho chứ không phải của bố mẹ bà nhá". Tức thì bà Danh nói ngay: "Tôi rất biết điều đó. Tôi không đòi cho tôi nhưng tôi cần cho bọn trẻ. Mất số tiền đó là mất cơ hội cho các con học hành, mất số vốn làm kinh tế bù vào mảnh vườn trồng trọt đã không còn. Nếu căng thẳng quá tôi sẽ làm đơn li dị để tòa họ chia phần tiền ấy cho các con".
Nói xong bà Danh đứng lên lấy giấy bút viết đơn li dị ngay trước mặt ông. Chưa bao giờ thấy vợ "ghê gớm" thế nên ông Hạo có phần nể sợ. Ông tính ngay trong đầu. Nếu li dị, tòa sẽ chia cả căn nhà và cả số tiền đền bù làm 4 phần. Ba mẹ con bà ấy sẽ được 3 phần, ông chỉ 1 phần. Thế là ông bị thiệt mà lại tan cửa nát nhà. Nghĩ thấy hoảng, ông liền xuống thang: "Thôi. Được rồi. Bà đừng đơn từ gì hết, tôi sẽ đưa bà nửa số tiền, còn tôi giữ một nửa. Coi như tòa chia?". Nhưng lạ chưa, vợ ông vẫn ghê gớm: "Không được. Tôi nghĩ lại rồi. Của chồng - công vợ. Tôi cũng phải được hưởng. Phải chia ba phần tư cho mẹ con tôi. Số tiền đó sẽ gửi ngân hàng đứng tên thằng Tùng con trưởng". Nghe vợ nói thế, ông Hạo ức lắm nhưng đành chịu. Ông đứng lên cầm bọc tiền đếm lấy 100 triệu, còn 300 triệu ông quăng trả vợ.
Sáng hôm sau, ông Hạo phóng xe đạp ra phố huyện sớm. Một lúc trở về, ông giơ 10 triệu cho vợ nhìn: "Đây này, vừa gửi trăm triệu có ngay lãi suất 10 triệu đưa trước, cuối tháng lấy 10 triệu nữa. Sướng không biết đường sướng!". Bà Danh chẳng nói gì.
Chưa đầy 2 tuần sau, lúc ông Hạo đang tính từng ngày đi nhận nốt số tiền 10 triệu lãi suất thì hay tin vợ chồng nhà Liên - kẻ vay tiền đã cao chạy xa bay. Ông hốt hoảng phi ngay xe lên phố xem thực hư thế nào. Đến nơi, ông Hạo tái mặt. Đám đông đến cả trăm người đang gào thét trước ngôi nhà đóng cửa im ỉm của mụ Liên. Người kêu: "Tôi mất 600 triệu rồi làng nước ơi!", kẻ gào khóc: "Nó nuốt của tôi 2 chục cây vàng, tôi sống sao đây?". Tiếng chửi rủa, rên xiết. Một người hét rú lên: "Căn nhà này có tịch thu cũng không trả được tôi 5 tỉ đâu. Phải lấy mạng nó". Nhưng than ôi, "mạng nó" đã biến mất từ mấy hôm nay rồi.
Ông Hạo thất thần trở về nhà nằm vật ra giường như người sắp chết. Vừa lúc đó bà vợ về. Ông Hạo liền chồm dậy ôm lấy vợ: "Bà ơi! Bà quả là người vợ thông thái của tôi!". Lạ thật, cả đời ông luôn trịch thượng với vợ con vậy mà bỗng dưng, ông Hạo ôm vợ khóc tu tu. Bà Danh hiểu chuyện, từ tốn ngồi xuống cạnh ông. Đoạn, giọng bà rất nhỏ: "Thôi, của đi thay người ông ạ! Thân ông được bình an là phúc lớn cho tôi và các con rồi!".
Theo VNE
Ra riêng Từ lúc bàn với chị về dự định ra ở riêng, chị giận anh không thèm nhìn mặt. Những lý lẽ chị đưa ra, anh đều hiểu nhưng anh cũng có nỗi khổ tâm riêng. Gần năm năm ở rể, anh đã phải chịu đựng nhiều điều. Giờ lại đến nỗi lo vì các con... Gia đình anh ở nông thôn, đã nghèo...