Mấy cái trứng cá quỷ quái đó ăn có lợi ích gì?
Vợ tôi quan niệm cái gì đắt tiền thì cái đó tốt. Vì vậy dù phải làm đầu tắt, mặt tối, nhịn ăn, nhịn mặc nhưng cô ấy vẫn thích vào các trung tâm thương mại lớn, đôi khi chỉ để… mua cho con 100 gr thịt bò nhập khẩu!
ảnh minh họa
Rồi không biết nghe ai bày vẽ hay đọc ở đâu mà cô ấy cũng bon chen đi mua trứng cá hồi, cá tầm, trứng tôm về để bồi dưỡng cho thằng con 3 tuổi của tôi. Sữa cho con thì phải đặt mua hàng xách tay trên mạng với giá đắt gấp rưỡi sữa nội.
Nói không được, có lần tôi nổi cáu: “Vậy chớ anh với em ăn cái gì mà cũng lớn, cũng khôn, cũng khỏe như trâu vậy? Bày đặt cho con ăn mấy thứ thực phẩm công nghiệp đó, nó đổ bệnh rồi hối không kịp”. Vợ tôi hậm hực: “Anh biết gì. Đâu phải vô cớ mà người ta bán mắc? Chất lượng luôn đi đôi với giá cả, biết không?”.
À, ra vợ tôi lấy mớ kiến thức của lớp quản trị kinh doanh mà cô ấy đang theo học tại chức để chứng minh đây mà. Nhưng tôi làm sao mà thông được với cái lý luận không đi đôi với thực tiễn ấy? Bằng chứng là thằng con tôi vẫn ốm quặt quẹo, tiêu chảy liên tục, làm bạn thường xuyên với viêm hô hấp…
Mà có phải chúng tôi giàu có gì cho cam? Thu nhập của hai vợ chồng mỗi tháng tổng cộng được trên dưới 10 triệu đồng. Dù gia đình vợ tôi ở thành phố nhưng hai đứa muốn được tự do nên thuê nhà ở riêng. Tiền nhà, tiền điện, tiền nước đã ngốn mất 2 triệu. Chi phí linh tinh nhưng cần thiết khác như mắm, muối, bột giặt, gas… cũng ngốn thêm từng ấy.
Còn lại 6 triệu đồng thì tiền gởi con nhà trẻ, tiền sữa, tiền đồ ăn cao cấp cho nó đã đi đứt 4 triệu đồng. Vì còn phải để dành một ít phòng khi hữu sự nên hai vợ chồng tôi ăn uống gói ghém trong khoảng 1, 5 triệu đồng mỗi tháng.
Ăn uống kham khổ, ngày nào cũng rau luộc, trứng chiên, dưa muối, đậu hủ… nên bây giờ bữa cơm gia đình đối với tôi là cực hình. Nghe nhà hàng xóm chiên thịt thơm lừng, tôi nuốt nước miếng ừng ực. Sáng đi làm ngang mấy quán phở, tôi cắm đầu phóng nhanh. Buổi tối lên giường, tôi toàn mơ thấy đi ăn tiệc…
Video đang HOT
Cho đến cách đây nửa tháng, tôi hết chịu nổi nên mời vợ… ngồi vào bàn đàm phán. Ban đầu tôi nói nhỏ nhẹ: “Em à, anh thấy mình nên tính toán lại. Không nhất thiết phải mua sữa ngoại, đồ ăn mắc tiền cho con thì nó mới thông minh, khỏe mạnh. Điều quan trọng không kém là phải làm sao bảo đảm sức khỏe cho anh và em để có thể làm lụng kiếm tiền nuôi con…”.
Tôi chưa nói hết ý, vợ tôi đã chen vào: “Bây giờ anh tranh ăn với con nữa à? Đồ cha gì mà mất nết”. Tôi vẫn cố nhịn: “Không phải anh tranh ăn với con mà là chi tiêu cho hợp lý, cái gì đáng thì xài, không đáng thì thôi. Mình là công nhân, đua đòi theo người ta làm gì…”. Vợ tôi gắt ầm lên: “Không lẽ anh cho việc dành tất cả những điều tốt đẹp nhất cho con là không đáng à? Anh đúng là…”.
Trong khi vợ tôi loay hoay tìm từ ngữ thích hợp thì cục tức của tôi đã dồn lên… tận óc o! Tôi đỏ mặt tía tai: “Không phải anh không muốn dành cho con những điều tốt đẹp nhưng mình phải liệu cơm gắp mắm. Mấy cái thứ trứng cá quỷ quái đó ăn có lợi ích gì? Sữa nào không phải sữa mà đua đòi sữa ngoại nhập, xách tay? Nếu em cứ khăng khăng bảo thủ như vậy thì đưa thẻ ATM của anh lại đây, từ nay tiền ai nấy xài”.
Tôi đã suy nghĩ kỹ càng rồi mới nói như vậy. Trước giờ thẻ lương của tôi vợ giữ, cô ấy toàn quyền chi tiêu, chỉ báo lại với tôi chi vào việc gì. Còn bây giờ, tôi nhất quyết phải kiểm soát và định doạt chi tiêu của vợ. Không phải tôi nhỏ mọn, ích kỷ nhưng với cái kiểu sính ngoại, sính đắt đỏ, sính cao cấp như vợ tôi thì phải đại gia mới đáp ứng được. Trong khi tôi chỉ là một người công nhân bình thường; mỗi tháng làm vỡ mật mới được 5-7 triệu đồng, xài kiểu vợ tôi thì chắc cả đời này, tôi không biết đến một bữa ăn ngon.
Không biết vợ tôi nghĩ gì mà vứt cái thẻ ATM trả tôi rồi ẳm con về nhà cha mẹ. Tôi gọi điện cô ấy không thèm nghe máy, qua nhà trẻ đón con thì cô ấy dặn người ta không cho đón. Tôi muốn qua nhà cha mẹ vợ xem tình hình thế nào nhưng lại ngại, sợ vợ tôi thêm bớt điều gì có thể khiến cha mẹ vợ tôi hiểu lầm.
Mãi cho tới cách đây 3 hôm, vợ tôi nhắn: “Con hết sữa rồi, anh lên mạng đặt sữa cho con đi”. Tôi lần theo địa chỉ mà cô ấy cho, thấy hộp sữa có giá… hết hồn! Tôi run tay không dám bấm vào cái nút “đặt hàng” vì quá đắt nhưng rồi lại bần thần vì sợ con không có sữa uống.
Tôi không biết các chị vợ là công nhân khác có suy nghĩ, quan niệm như vợ tôi không? Mình nghèo thì phải liệu cơm gắp mắm chứ đua đòi, học người giàu sang để làm gì? Có cách gì làm cho vợ tôi tỉnh ngộ ra không chứ thiệt tình là tôi bó tay rồi! Tôi ước mình là đại gia để thỏa sức sắm sửa, tiêu xài cho vợ con. Chứ còn như bây giờ thì nghe tới “vợ con” là tôi sợ xanh mặt.
Nếu được làm lại từ đầu, tôi thà ở vậy một mình cho yên thân…
Theo NLĐ
Nếu giữ lời mà sau đó... tiêu luôn thì sao?
Sự có mặt của các đức ông chồng chỉ có giá trị về tinh thần, tuy nhiên nếu sau khi chứng kiến bà xã mình vượt cạn mà các anh bị khủng hoảng tinh thần đến độ... tiêu luôn thì e rằng lợi bất cập hại; không có mặt thì vẫn tốt hơn là có mặt mà "xôi hỏng, bỏng không".
(NLĐO)- Bà xã tôi có bầu con so được 7 tháng. Tôi rất thương bà xã nên muốn khi cô ấy sinh con sẽ có mặt bên cạnh để động viên tinh thần. Thế nhưng có một chuyện rất tế nhị khiến tôi băn khoăn.
Số là tôi có một anh bạn, năm nay 32 tuổi, vợ anh cũng mới sinh con đầu lòng chừng 1 năm. Vốn nổi tiếng yêu vợ nên anh ấy đã đăng ký dịch vụ có mặt bên cạnh vợ lúc vượt cạn. Ai cũng khen anh ấy là "đàn ông đích thực". Thế nhưng được một thời gian thì râm ran tin đồn anh bạn tôi bị... bất lực.
Tìm hiểu kỹ thì quả là có như vậy. Cuối cùng anh bạn tôi cũng thú nhận là có chuyện đó. Tận mắt chứng kiến cảnh vợ "banh da, xẻ thịt" để đẻ con cho mình, anh quá kinh hãi, sau đó anh bị ám ảnh nên mất hẳn hứng thú sinh hoạt vợ chồng, dần dần bị... liệt luôn.
Tôi rất sợ đến lượt mình cũng như vậy thì nguy nhưng đã hứa với vợ mà không thực hiện thì sợ cô ấy giận, còn nếu như giữ lời mà sau đó... tiêu luôn thì sao?
thanhminh...@gmail.com
Bạn thân mến,
Trường hợp bị ảnh hưởng tâm lý dẫn đến mất khả năng quan hệ tình dục như bạn của anh không phải hiếm. Thường đó là những cú sốc tâm lý rất nặng nề khiến mỗi khi nhớ lại người ta thấy sợ hãi, các dây thần kinh cảm giác gần như tê liệt hoàn toàn.
Ông bạn của anh có lẽ hơi... yếu đuối. Chính vì vậy nên khi tận mắt chứng kiến cảnh tượng vợ mình đang "xẻ thịt, banh da", đang đau đớn kêu la; rồi thì cảnh đứa trẻ lọt lòng với máu me đầm đìa... anh ấy đã sợ hãi, thậm chí có thể còn cho rằng mình chính là thủ phạm đã gây ra tất cả những đau đớn đó của vợ. Cảm giác có lỗi đã khiến cho anh ấy không còn ham muốn chuyện gần gũi vợ chồng.
Nói như vậy không có nghĩa là ai chứng kiến cảnh ấy cũng bị khủng hoảng tinh thần. Ngược lại, nhiều người càng yêu thương, đối xử tốt hơn sau khi hiểu rõ những nhọc nhằn, hiểm nguy, đau đớn mà vợ mình phải trải qua.
Có thể nói không ngoa rằng phụ nữ là những người tuyệt vời nhất khi họ chấp nhận nếm trải mọi vất vả, nhọc nhằn, hiểm nguy để những người đàn ông của họ có được hạnh phúc làm chồng, làm cha. Vì vậy, chuyện các anh muốn thể hiện tình yêu thương; sự quan tâm, chia sẻ với người bạn đời của mình cũng là điều đáng hoan nghênh.
Tuy nhiên, như đã nói, nếu thấy thần kinh mình không vững thì có thể biểu hiện sự quan tâm bằng những hành động khác chứ không nhất thiết phải có mặt bên cạnh lúc các chị lâm bồn. Thật ra thì ngàn đời nay, các chị, các mẹ đã quen "đi biển một mình", huống hồ gì bây giờ y học tiến bộ rất nhiều nên những rủi ro, tai biến sản khoa cũng đã giảm đáng kể.
Sự có mặt của các đức ông chồng chỉ có giá trị về tinh thần, tuy nhiên nếu sau khi chứng kiến bà xã mình vượt cạn mà các anh bị khủng hoảng tinh thần đến độ... tiêu luôn thì e rằng lợi bất cập hại; không có mặt thì vẫn tốt hơn là có mặt mà "xôi hỏng, bỏng không".
Trường hợp của anh, nếu quyết định có mặt bên cạnh bà xã lúc sinh con thì nên có sự chuẩn bị kỹ càng. Từ bây giờ, anh phải tìm hiểu tài liệu, phim ảnh về quá trình sinh nở của phụ nữ; hỏi ý kiến bác sĩ để được tư vấn... Ý kiến của cá nhân tôi trong trường hợp này là nếu những người phụ nữ vẫn bình thản giong buồm ra khơi, còn các đấng mày râu chỉ đứng nhìn đã thấy sợ thì... còn ra cái thể thống gì?
Theo VNE
Tôi còn tin ai trên cõi đời này? Tôi không thể diễn tả được tâm trạng của mình khi An thú nhận anh đã lấy sổ hồng căn nhà của chúng tôi thế chấp ngân hàng để vay nợ. Nếu như đứa cháu ruột của anh không gọi điện để hỏi tiền đóng tiền lãi ngân hàng thì tôi cũng không biết chồng mình đã dấm dúi làm chuyện tày trời....