Máy bay Trung Quốc ở Trường Sa có thể tấn công tới Úc
Việc Trung Quốc xây đường băng ở Đá Chữ Thập trong quần đảo Trường Sa để bố trí máy bay quân sự khiến không chỉ các nước ASEAN mà cả Úc cũng lo lắng.
Máy bay ném bom H-6K cùng vũ khí đi kèm của Trung Quốc tại một triển lãm hàng không – Ảnh: topwar.ru
Theo trang tin News của Úc ngày 25.11, lần đầu tiên lãnh thổ Úc nằm trong tầm hoạt động của máy bay ném bom H-6K của Trung Quốc (bán kính hoạt động 3.500 km) một khi loại máy bay này được triển khai ở sân bay trên Đá Chữ Thập (của Việt Nam, bị Trung Quốc chiếm đóng) tại quần đảo Trường Sa.
Việc Trung Quốc ồ ạt cải tạo đất và mở rộng đảo tại Trường Sa đang khiến nhiều nước phản đối. Mới nhất là tạp chí quốc phòng IHS Jane’s ngày 20.11 công bố ảnh vệ tinh của Airbus Defence & Space chụp ngày 14.11.2014 cho thấy Trung Quốc đã cải tạo và mở rộng Đá Chữ Thập thành đảo nhân tạo rất lớn, có đường băng có thể phục vụ máy bay quân sự.
Việc Trung Quốc xây dựng các đảo nhân tạo này không diễn ra âm thầm mà rất công khai, cả trên báo chí Trung Quốc trong năm 2014 lan truyền các ảnh đồ họa về căn cứ quân sự tương lai ở Đá Chữ Thập.
Video đang HOT
Trang tin của Úc nhận định rằng khi căn cứ không quân trên Đá Chữ Thập hoàn tất, dài 3 km, rộng 200 – 300 m, sẽ ảnh hưởng đến an toàn của nước Úc. Công trình này được cho tốn khoảng 6 tỉ USD, mất 10 năm mới hoàn tất.
Ảnh vệ tinh Airbus Defence & Space chụp ngày 14.11.2014 cho thấy Trung Quốc đã cải tạo và mở rộng đá Chữ Thập thành đảo nhân tạo rất lớn (hơn đảo Ba Bình đang bị Đài Loan chiếm đóng). Ảnh ghi nhận nhiều tàu hút cát hoạt động để bồi đắp đảo nhân tạo, một khu vực bến cảng, một mạng lưới các đường ống phu cát và xây dựng – Ảnh: CNES/IHS
Đồ họa căn cứ không quân và hải quân ở Đá Chữ Thập khi hoàn tất, ảnh đăng trên các báo Trung Quốc
Báo chí Đài Loan cũng cho rằng loại máy bay ném bom H-6K (biến thể của máy bay ném bom Tu-16, sản xuất theo giấy phép của Nga từ cuối những năm 1950) vũ trang thêm tên lửa hành trình tầm xa là đủ tấn công các căn cứ của Mỹ tại Úc.
Máy bay H-6K đi vào hoạt động trong Không quân Trung Quốc từ năm 2009, bán kính tác chiến theo Trung Quốc công bố là 3.500 km. Loại máy bay ném bom chiến lược này có thể gắn thùng nhiên liệu phụ trong khoang chứa bom để tăng tầm bay xa, khi đó vũ khí gồm 6 tên lửa gắn ở cánh, như loại tên lửa hành trình mang đầu đạn hạt nhân CJ-10A có tầm bắn 2.000 km.
Với tầm hoạt động của máy bay và tầm bắn của tên lửa CJ-10A, hầu như các căn cứ quân sự Mỹ ở Úc đều nằm trong tầm khống chế của Trung Quốc một khi H-6K triển khai ở Đá Chữ Thập.
Tầm hoạt động của máy bay ném bom H-6K và tên lửa hành trình mang đầu đạn hạt nhân CJ-10A của Trung Quốc – Nguồn: News Corp
Máy bay ném bom H-6K của Trung Quốc tại một triển lãm hàng không – Ảnh: topwar.ru
Máy bay ném bom H-6K của Trung Quốc chế tạo theo mẫu Tu-16 của Nga từ cuối những năm 1950, có tầm hoạt động 3.500 km – Ảnh: Không quân Trung Quốc
Tạp chí IHS Jane’s nhận định căn cứ quân sự trên Đá Chữ Thập sẽ cung cấp cho Trung Quốc vị thế đàm phán mạnh hơn rất nhiều so với các cuộc đàm phán về tranh chấp lãnh thổ đã từng được tổ chức. Như vậy Úc có thêm lý do lo lắng trước các hoạt động của Trung Quốc trên Biển Đông.
Anh Sơn
Theo Thanhnien