Máy bay, tàu ngầm Mỹ diễn tập hiệp đồng tác chiến đánh chìm chiến hạm
Dàn khí tài quân sự “khủng” của Mỹ kết hợp nhịp nhàng trong một cuộc tập trận quân sự bắn đạn thật và đã đánh chìm một chiến hạm.
Chiến hạm về hưu USS Ingraham bị chìm sau khi trúng hỏa lực (Ảnh: Hải quân Mỹ).
Hạm đội Thái Bình Dương ngày 17/8 phát đi thông báo cho biết, lực lượng vũ trang Mỹ ngày 15/8 đã tiến hành cuộc diễn tập đánh chìm mục tiêu (SINKEX) ở ngoài khơi Hawaii.
Tàu hộ vệ tên lửa dẫn đường đã loại biên USS Ingraham đã trở thành mục tiêu diễn tập. Tàu này về hưu năm 2015 sau 25 năm phục vụ trong hải quân. Nó đã nổ tung và chìm sau khi trúng hỏa lực từ dàn khí tài Mỹ.
Phó đô đốc Steve Koehler, chỉ huy Hạm đội 3, cho biết “các cuộc diễn tập tấn công chính xác và phối hợp phá hủy và đánh chìm tàu mục tiêu nhanh chóng”, nhấn mạnh rằng các cuộc tấn công “thể hiện khả năng của chúng tôi trong việc sử dụng vũ lực một cách quyết đoán trên vùng biển”.
SINKEX không phải là loại hình tập trận hiếm gặp trong quân đội Mỹ. Washington coi các hoạt động này là các bài huấn luyện có giá trị mà quân nhân của nước này cần để nâng cao kỹ năng tác chiến thực tế, vốn không thể thực hành trên các thiết bị mô phỏng.
Tên lửa được bắn từ đất liền, cách tàu chiến mục tiêu 185 km (Ảnh: Hải quân Mỹ).
Hải quân Mỹ không cung cấp thông tin chi tiết về vụ diễn tập. Tuy nhiên, dựa trên hình ảnh mà Mỹ cung cấp, Business Insider cho biết, cuộc tập trận có sự tham gia của Hệ thống đánh chặn tàu viễn chinh – hải quân Mỹ (NMESIS). Hệ thống này sử dụng một phương tiện trên mặt đất được trang bị bệ phóng tên lửa để bắn vào các khí tài hải quân của đối phương. Tên lửa trong cuộc tập trận được bắn từ vị trí cách tàu chiến mục tiêu hơn 185 km.
Ngoài ra, tiêm kích F/A-18 Super Hornet phóng từ tàu sân bay USS Carl Vinson cũng tham gia cuộc tập trận. Thêm vào đó, ít nhất một chiếc P-8A Poseidon, một máy bay tuần tra chống tàu ngầm và hàng hải cũng tham gia diễn tập. Trong khi đó, tàu ngầm tấn công nhanh lớp Los Angeles USS Chicago đã nạp tên lửa chống hạm UGM-84 Harpoon vào ống phóng trong cuộc tập trận.
Tiêm kích F/A-18E Super Hornet phóng từ tàu sân bay USS Carl Vinson (Ảnh: Hải quân Mỹ).
Các thủy thủ trên tàu USS Chicago (SSN 721) phối hợp phóng tên lửa Harpoon trong cuộc diễn tập (Ảnh: Hải quân Mỹ).
Trận hải chiến lớn nhất lịch sử quân sự năm 1916
Với 250 tàu, trong đó có 34 thiết giáp hạm, trận Jutland giữa Anh và Đức là hải chiến lớn nhất lịch sử quân sự xét về tổng lượng giãn nước.
Năm 1916, hải quân Anh và Đức đối đầu nhau trong trận hải chiến tại vùng Biển Bắc ngoài khơi bán đảo Jutland của Đan Mạch, với sự tham gia của 250 chiến hạm và gần 100.000 thủy thủ. Đây được coi là trận đánh bất phân thắng bại, dù hải quân Đức bị đối phương áp đảo về số tàu chiến và công nghệ.
Thế chiến I là thời kỳ đỉnh cao của thiết giáp hạm. Đây là loại tàu chiến thống trị đại dương, thể hiện sức mạnh của các cường quốc vào thời điểm khi máy bay hải quân và tàu sân bay chưa phổ biến. Hải quân Anh và Đức khi đó sở hữu những hạm đội mạnh nhất thế giới với nòng cốt là thiết giáp hạm kiểu dreadnought có lượng giãn nước 18.200 tấn, trang bị nhiều pháo cỡ lớn với tầm bắn xa.
Mô phỏng trận Jutland ngày 31/5/1916. Video: Smithsonian .
Tháng 5/1916, lực lượng Anh và Đức đều tìm cách giành chiến thắng vang dội trước đối phương. Thời điểm đó, Anh đang phong tỏa Đức và khiến đối phương chịu thiệt hại, nhưng không bên nào chiếm được quyền kiểm soát rõ ràng với Biển Bắc. Đế quốc Đức tìm cách tổ chức phục kích cách bờ biển Đan Mạch khoảng vài trăm km, nhưng Anh nắm được kế hoạch này và triển khai lực lượng đối phó.
Ngày 30/5/1916, hạm đội Anh gồm 151 tàu, trong đó có 28 thiết giáp hạm và 9 tuần dương hạm, lên đường sau khi nắm được vị trí và ý đồ của quân Đức. Ở bên kia chiến tuyến, Đức huy động 99 tàu, gồm 16 thiết giáp hạm và 5 tuần dương hạm.
Chiều 31/5, lực lượng trinh sát hai bên phát hiện nhau và bắt đầu giao tranh ác liệt. 5 tuần dương hạm bọc thép của Đức nã đạn vào 6 tàu Anh. Cả hai bên vừa bắn vừa di chuyển song song. Tuy nhiên, tàu chiến Anh mắc sai lầm lớn khi chần chừ khai hỏa khi có cơ hội và để cho phía Đức đánh theo chiến thuật của họ.
Nhóm tàu trinh sát Đức đánh chìm hai tuần dương hạm Anh, đồng thời dẫn dụ các tàu trinh sát Anh di chuyển về phía hạm đội chủ lực. Các tàu Anh kịp thời nhận ra sai lầm và quay ngược về phía bắc trong khi hứng chịu hỏa lực dữ dội từ lực lượng Đức.
Tàu HMS Queen Mary của Anh bị đánh chìm trong trận Jutland. Ảnh: Wikipedia .
Lúc này, phía Anh đã mất hàng nghìn thủy thủ và hai chiến hạm cỡ lớn nhưng vẫn nắm lợi thế. Tuần dương hạm Anh chạy về phía bắc không thể liên lạc với lực lượng chủ lực, nhưng vẫn lôi kéo được đối phương về địa điểm tập kết của hạm đội.
Dù không nhận được thông tin tình báo cần thiết để chuẩn bị, chỉ huy hạm đội Anh vẫn kịp ra lệnh cho các tàu lập đội hình thành vòng cung để tạo bẫy phục kích phía Đức. Hạm đội Đức lao thẳng vào chiếc bẫy này và hứng chịu hỏa lực nặng nề từ đội hình bán nguyệt của Anh, khiến nhiều tàu trúng đạn và bốc cháy.
Quân Đức sau đó tìm cách rút lui và tổ chức lại đội hình, nhưng quân Anh triển khai chiến thuật phá vây hình chữ T, trong đó tàu chiến Anh lập thành tuyến bắn với toàn bộ pháo chủ lực nhằm thẳng đội hình Đức, trong khi đối phương chỉ có vài khẩu pháo trước mũi có góc bắn trả.
Đội hình Anh vừa giữ vị thế ngăn quân Đức thoát vây, vừa có ưu thế tầm nhìn rõ do Mặt trời ở phía sau các tàu Đức.
Quân Đức chống trả quyết liệt khi rơi vào tình thế tuyệt vọng, gây thiệt hại nặng và khiến nhiều tàu Anh chìm trong buổi tối. Chỉ huy Đức cũng tìm ra cách cho đội hình vòng lại và trốn thoát về phía tây.
Lúc này, quân Đức cần di chuyển về phía đông và nam. Sau nỗ lực chuyển sang hướng đông thất bại vì hứng chịu hỏa lực dữ dội từ đối phương, hạm đội Đức phóng loạt ngư lôi lớn, buộc đội hình Anh đổi hướng và tạo khoảng trống cho tàu chiến Đức rút lui. Tuy nhiên, không quả ngư lôi nào trúng mục tiêu.
Quân Đức chiếm lợi thế khi màn đêm buông xuống, khi tàu chiến Anh mất lợi thế về tầm bắn và các tàu phóng lôi Đức có thể áp sát đối phương. Trong suốt đêm 31/5, hạm đội Đức cố gắng chiến đấu để mở đường thoát. Họ giành chiến thắng trong một số trận giao tranh nhỏ và cuối cùng phá được vòng vây vào ngày 1/6.
Tuần dương hạm SMS Seydlitz lết về cảng sau trận Jutland. Ảnh: Wikipedia .
Đức tuyên bố giành thắng lợi chiến thuật, khiến Anh hứng tổn thất nặng khi mất 14 tàu chiến, hơn 6.000 thủy thủ trong chưa đầy 24 giờ, đổi lại là 2.551 binh sĩ thiệt mạng và 11 tàu bị chìm. Tuy nhiên, Berlin phải trả giá về mặt chiến lược vì nhiều tàu chiến hư hại nghiêm trọng và phải sửa chữa trong nhiều tuần sau trận chiến, trong khi London vẫn duy trì được lực lượng phong tỏa trên biển.
Đức sau đó buộc phải chuyển sang tác chiến tàu ngầm để phá hoại tuyến tiếp tế của Anh dọc Đại Tây Dương. Dù vậy, ngay cả chiến lược này cũng thất bại sau khi Mỹ tham chiến cùng các công nghệ và trang bị săn ngầm mới.
Trung Quốc tăng ngân sách quốc phòng 6,8% Bộ Tài chính Trung Quốc cho biết ngân sách quốc phòng nước này dự kiến tăng 6,8%, lên mức 1,36 nghìn tỷ tệ, trong nỗ lực hiện đại hóa quân đội. "Chúng tôi sẽ cung cấp sự đảm bảo tài chính mạnh mẽ hơn để tích cực hỗ trợ quá trình hiện đại hóa quốc phòng và các lực lượng vũ trang, giúp...