Máy bay phải ngóc đầu, bay vòng vì mất liên lạc với sân bay
Do không xử lý đúng quy trình điều hành bay nên đài chỉ huy không lưu tại Vinh đã để mất liên lạc với chuyến bay PIC522 của Jetstar Pacific khoảng 3 phút, tổ lái PIC522 đã phải thực hiện bay vòng để xin huấn lệnh hạ cánh lần 2.
Ông Lại Xuân Thanh – Cục trưởng Cục Hàng không Việt Nam đã xác nhận thông tin trên với PV Dân trí và cho biết sự việc xảy ra đêm 23/7 vừa qua.
Tổ lái PI522 của Jetstar Pacific được xác định đã thực hiện đúng quy trình và cho máy bay hạ cánh an toàn tại Vinh đêm 23/7.
Theo đó, lúc 22h30, chuyến bay PIC522 từ TPHCM đi Vinh đi vào vùng tiếp cận hạ cánh xuống sân bay Vinh, đài chỉ huy không lưu đã cấp huấn lệnh cho máy bay tiếp cận sân bay, lúc này cơ trưởng xác nhận huấn lệnh và thực hiện giảm độ cao để chuẩn bị đáp xuống đường băng.
Sự việc bắt đầu có vấn đề khi khoảng 10 phút sau khi hạ độ cao, tổ lái PIC522 gọi cho đài chỉ huy không lưu nhiều lần trên tần số điều hành và tần số khẩn nguy để thông báo về việc sắp hạ cánh, nhưng không nhận được thông tin phản hồi từ kiểm soát viên không lưu.
Để xử lý tình huốn khẩn nguy này, tổ lái PIC522 đã phải cho máy bay ngóc đầu bay ngược lên trời và thực hiện lại quy trình hạ cánh để đảm bảo an ninh an toàn bay, 10 giây sau thì tổ lái kết nối được liên lạc với đài chỉ huy.
“Kiểm soát viên không lưu từ đài chỉ huy nhận được thông tin từ tổ lái Jetstar Pacific và phát đi huấn lệnh hạ cánh, nhưng lạ lùng là sau khi đã cấp huấn lệnh kiểm soát viên không lưu vẫn tiếp tục nhận được thông tin xin huấn lệnh hạ cánh của phi công khoảng hơn 10 lần. Việc mất liên lạc kéo dài trong khoảng 3 phút đồng hồ” – Cục trưởng Lại Xuân Thanh cho biết.
22h44′, khi đài chỉ huy không lưu liên lạc được với tổ lái PIC522 của Jetstar Pacific trên tần số điều hành, lúc này thì tổ lái thông báo họ đang thực hiện lại quy trình hạ cánh. Chuyến bay PIC522 hạ cánh an toàn xuống sân bay Vinh lúc 22h58 phút, chậm 13 phút so với lịch trình dự kiến do phải tiếp cận hạ cánh lại.
Theo Cục trưởng Lại Xuân Thanh, Tổ điều tra đã xác minh sự việc, sau khi đọc ghi âm buồng lái và ghi âm tại đài chỉ huy không lưu cho thấy đây là tình huống mất thông tin liên lạc một chiều, lỗi là do kiểm soát viên không lưu bấm nhầm nút điện đàm nên gây ra sự gián đoạn trong điều hành bay, vì thế đài chỉ huy phát đi huấn lệnh nhưng máy bay không thu được sóng để xác nhận lệnh hạ cánh.
“Sự việc gây uy hiếp an toàn bay nhưng không phải ở mức độ nghiêm trọng. Tổ lái PIC522 của Jetstar Pacific đã xử lý rất tốt trong tình huống này khi cho máy bay ngóc đầu lên và thực hiện lại quy trình hạ cánh nhằm đảm bảo an toàn tuyệt đối cho hành khách và quy định khai thác bay” – Cục trưởng Lại Xuân Thanh khẳng định.
Được biết, kiểm soát viên không lưu trực tiếp điều hành chuyến bay PIC522 là người có 5 năm kinh nghiệm, có đầy đủ năng định và giấy phép. Kiểm soát viên này được điều từ Nội Bài vào Vinh để tăng cường. Cục trưởng Lại Xuân Thanh cho rằng, vấn đề ở đây là do quy trình xử lý tình huống của kiểm soát viên không lưu chưa tốt dẫn đã đến mất liên lạc với tổ lái.
Video đang HOT
Ngay khi sự việc xảy ra, các kiểm soát viên không lưu trực tiếp điều hành chuyến bay PIC522 đã bị đình chỉ công tác không thời hạn để làm kiểm điểm. Trưởng và phó đài chỉ huy không lưu tại sân bay Vinh bị đình chỉ nhiệm vụ 15 ngày để kiểm điểm trách nhiệm.
Trước đó, đài chỉ huy không lưu cũng cấp huấn lệnh bay sai tại Cảng hàng không quốc tế Đà Nẵng ngày 27/6 khiến máy bay của Vietnam Airlines suýt va chạm với máy baycủa Jetstar Pacific. Điều đáng nói là người trực tiếp điều hành 2 chuyến bay này chỉ là một thực tập viên và chưa có giấy phép kiểm soát theo quy định. Cục Hàng không Việt Nam cho biết, sự cố đã uy hiếp an toàn hoạt động bay nghiêm trọng, nếu không được phát hiện và xử lý kịp thời thì có thể dẫn đến tai nạn máy bay gây hậu quả thảm kh ốc.
Châu Như Quỳnh
Theo Dantri
Bộ trưởng Thăng: "Rút phép bay nếu không giảm chậm, hủy chuyến"
"Chậm chuyến là do các hãng hàng không dồn khách để tăng doanh thu, đừng đổ lỗi cho thời tiết, kỹ thuật! Mỗi ngày tôi phải xin lỗi người dân 50-60 lần vì máy bay chậm, hủy chuyến. Từ bát mì tôm Bộ trưởng cũng phải lo thì Cục trưởng Hàng không làm gì?".
Bộ trưởng GTVT Đinh La Thăng chỉ trích gay gắt khi chủ trì cuộc họp bàn về thực trạng chậm, hủy chuyến bay ngày càng nghiêm trọng và trách nhiệm của Cục Hàng không Việt Nam cũng như hãng vận chuyển vào sáng nay 11/7.
Mở đầu cuộc họp, Bộ trưởng Đinh La Thăng nhấn mạnh về sự bức xúc của nhân dân, của hành khách đi máy bay trước thực trạng bị chậm, hủy chuyến. Lâu nay, thói quen của quản lý nhà nước cứ có tồn tại là nghĩ ngay đến người dân và doanh nghiệp mà không nghĩ đến trách nhiệm của mình. Trong khi đó, các hãng hàng không bản thân chưa tốt, chưa hỗ trợ với nhau mà toàn nói xấu nhau.
Máy bay lòng vòng như... xe buýt
Báo cáo về tình hình chậm, hủy chuyến bay, ông Lại Xuân Thanh - Cục trưởng Cục Hàng không Việt Nam - cho biết, máy bay cất cánh chậm 15 phút so với giờ khởi hành thì bị coi là chậm. Trong 6 tháng đầu năm, tỷ lệ chậm, hủy chuyến tăng và tăng cao hơn năm 2013, trong đó tỷ lệ chậm cao nhất là 44% của VietJet Air và Jetstar Pacific.
Theo ông Thanh, nguyên nhân cơ bản của tình trạng này là do hoạt động khai thác của các hãng, tắc nghẽn lên máy bay do xếp khách chưa khoa học, thời gian quay đầu chưa phù hợp năng lực khai thác, thời tiết, kỹ thuật, hạ tầng cơ sở tại cảng hàng không sân bay... So với thế giới, tỷ lệ hủy chuyến của Việt Nam ở mức trung bình và thấp.
Nghe báo cáo này, Bộ trưởng Đinh La Thăng cắt ngang: "Dồn chuyến mới là nguyên nhân chính dẫn đến chậm hủy chuyến. Chậm hủy chuyến năm nay cao hơn năm trước dù số lượng máy bay nhiều hơn. Bản thân mình không khá lên, không so sánh với chính mình mà lại đi so sánh với các nước? Như thế thì không tiến bộ được".
Bộ trưởng GTVT Đinh La Thăng: "Mỗi ngày tôi phải xin lỗi người dân 50-60 lần vì máy bay chậm chuyến"
Bộ trưởng Đinh La Thăng chỉ trích Cục trưởng Lại Xuân Thanh: "Ông chưa nhận ra khuyết điểm của ông và của ngành thì không thể tiến bộ. Đây mới là mấu chốt. Tình trạng ngành như hiện nay mà ông vẫn vô cảm thì còn chậm, còn hủy, không ai chịu trách nhiệm. Một ngày 50-60 lần tôi phải xin lỗi người dân vì họ phản ánh máy bay chậm chuyến, chứ họ nhắn tin cho tôi, tôi lại chuyển để Cục xin lỗi dân à?
Cũng giống như xe buýt khi ít khách thì chạy lòng vòng, nhưng máy bay không chạy lòng vòng được thì cố tình chậm chuyến để đợi khách nhằm tăng doanh thu. Còn Cục Hàng không, khi hãng hàng không lăn lộn để kinh doanh thì Cục phải nhảy xuống cùng "bơi" với doanh nghiệp chứ. Việc đầu tiên phải nhận trách nhiệm của Cục Hàng không, giải pháp đầu tiên giảm chậm, hủy là đổi mới toàn diện Cục Hàng không, chứ từ bát mì tôm Bộ trưởng cũng phải lo thì Cục trưởng Hàng không làm gì?
Dịch vụ phi hàng không kinh doanh thiếu lành mạnh, giá cả loạn, mì tôm vẫn 100.000 đồng/bát, sân bay không được như ga tàu, đến đón tiễn khách mang chiếu, đồ ăn, rải ở sân bay ăn uống không ai kiểm soát, cực kỳ lộn xộn".
Bộ trưởng cũng bị "nhốt" trong ống lồng
Tại cuộc họp, nói về công tác điều hành bay và kiểm soát không lưu, ông Đỗ Quang Việt - Tổng Giám đốc Tổng Công ty quản lý Bay Việt Nam - khẳng định luôn làm đúng quy chế Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) ban hành.
"Trong hủy chuyến chúng tôi không có liên quan, còn chậm thì có thể do khi dẫn dắt máy bay, kiểm soát viên tính tốc độ máy bay không chuẩn nên giữ khoảng cách không chính xác" - ông Việt phân bua.
Nghe vậy, Bộ trưởng Đinh La Thăng cắt lời Tổng Giám đốc Tổng Công ty Quản lý Bay và dẫn chứng vụ máy bay Jetstar Pacific đang trên đường băng nhưng kiểm soát viên không lưu lại cho máy bay Vietnam Airlines ở phía sau cất cánh trước.
"Hôm đó phi công của Jetstar Pacific không phát hiện ra thì có phải sẽ là một thảm họa không? Tổng Công ty này nhiều vụ lắm rồi nhưng đùn đẩy trách nhiệm, công tác chưa chặt chẽ" - Bộ trưởng Đinh La Thăng gay gắt.
Tình trạng chậm hủy chuyến bay được cam kết sẽ giảm từ tháng 8 tới đây
Vai trò và trách nhiệm của Tổng Công ty Cảng Hàng không Việt Nam cũng bị Bộ trưởng Đinh La Thăng nhắc nhở khi máy bay hạ cánh rồi không có thang xuống, không mở cửa được, vị Bộ trưởng này cũng chính là nạn nhân của một trong những vụ việc như thế.
"Ít nhất tôi phải 3 lần gọi điện về việc này nhưng không thấy các anh nhắc đến. Tôi cũng có lần bị nhốt trong ống lồng lúc trời nóng vì máy bay xuống rồi, khách ra đến nơi rồi nhưng ông cầm chìa khóa đi đâu mất không tìm được" - Bộ trưởng Đinh La Thăng cho biết.
Theo Bộ trưởng, cách làm giảm chậm hủy chuyến phải ưu tiên là thông tin đến khách cho đi chuyến gần nhất, trên 20 chuyến bay bị chậm thì phải công bố ngay nguy cơ vỡ lịch và khi đó Tổng Giám đốc hãng hàng không phải điều hành toàn mạng.
Với tình hình nội tại của hãng, ông Lưu Đức Khánh - Giám đốc Thương mại VietJet Air đã nhận trách nhiệm chuyến bay bị chậm, tỷ lệ chuyến bay đúng giờ mới đạt 60% dù mục tiêu đặt ra là 95%. Tuy nhiên, ông Khánh giải thích chuyện chậm chuyến hoàn toàn không phải vì dồn khách. Ông Khánh cam kết trong tháng 7 và tháng 8, tỷ lệ chuyến bay bị chậm của VietJet Air sẽ giảm một nửa.
Còn ông Lê Hồng Hà - Tổng Giám đốc của Jetstar Pacific cho biết cuối năm nay đội bay của hãng sẽ tăng lên 10 máy bay nên việc điều hành máy bay hỗ trợ sẽ linh hoạt hơn, tỷ lệ chậm hủy cũng sẽ giảm. Jetstar Pacific hiện cũng đang phối hợp với Vietnam Airlines để hỗ trợ vận chuyển hành khách trong trường hợp lịch bay thay đổi.
Rút phép bay nếu không giảm chậm, hủy chuyến
Bộ trưởng Đinh La Thăng nhấn mạnh, việc các hãng hàng không để chậm, hủy chuyến tăng cao là do thiếu tôn trọng khách hàng, toàn ngành hàng không phải thấy xấu hổ vì không có khả năng bay đúng giờ.
Kiên quyết giải quyết tận gốc tình trạng chậm, hủy chuyến bay, Bộ trưởng Đinh La Thăng yêu cầu Vụ Vận tải - Bộ GTVT bổ sung ngay chế tài xử lý vi phạm đối với hãng hàng không. Theo đó, nếu các hãng hàng không để tỷ lệ chuyến bay bị chậm, hủy tăng cao thì có thể rút giấy phép bay.
"Làm như vậy để phải có ai đó chịu trách nhiệm, không thể hòa cả làng như hiện nay, chỉ mỗi hành khách phải chịu khổ, lang thang cơ nhỡ ở sân bay. Coi thường khách hàng, thiếu tôn trọng, bắt thượng đế lang thang ở sân bay, lúc thì xin lỗi, lúc thì không" - Bộ trưởng Đinh La Thăng cho hay.
Theo Bộ trưởng, Vietnam Airlines, Jetstar Pacific, VietJet Air đều mang thương hiệu Việt Nam thì phải cảm thấy xấu hổ khi hoãn hủy nhiều như vậy. Chậm hủy chuyến bay trước hết trách nhiệm thuộc về Cục Hàng không Việt Nam.
Bộ trưởng Đinh La Thăng yêu cầu tất cả các đơn vị trong ngành hàng không phải nghiêm khắc với chính mình, vì để chậm hủy chuyến bay như trong 6 tháng qua, từ Cục Hàng không, Vụ Vận tải, Vụ Tổ chức, Tài chính, Thanh tra đều liên quan. Riêng với Tổng Công ty Quản lý Bay, Bộ trưởng Đinh La Thăng yêu cầu kiểm điểm nhưng phải xác định nguyên nhân, trách nhiệm thực của người có liên quan, trong đó có Chủ tịch, Tổng Giám đốc.
"Cạnh tranh phải lành mạnh, phải đặt lợi ích quốc gia lên trên hết. Lỗi lớn nhất là "Tôi không có lỗi gì, là lỗi của người khác"." - Bộ trưởng Đinh La Thăng chốt lại buổi làm việc.
Châu Như Quỳnh
Theo Dantri
Bộ trưởng Đinh La Thăng: 'Phải biết xấu hổ khi chậm, hủy chuyến bay' Tại buổi làm việc với Cục Hàng không Việt Nam ngày 11.7, Bộ trưởng Bộ GTVT Đinh La Thăng chỉ rõ, nếu không biết tự xấu hổ khi chậm chuyến, hủy chuyến thì các hãng hàng không của Việt Nam không thể khắc phục được những yếu kém đang tồn tại. Cố tình chậm chuyến, hủy chuyến Theo Cục Hàng không Việt Nam,...