Máy bay nào vừa bất ngờ dội bom Trung Quốc?
Theo Diplomat ngày 11/3, Trung Quốc vừa xác nhận việc chiến đấu cơ của Myanmar bất ngờ dội bom vào tỉnh Vân Nam của Trung Quốc trong một cuộc diễn tập.
Theo nguồn tin trên, cuộc không kích vào Trung Quốc diễn ra tại tỉnh Vân Nam hôm 8/3. Vụ ném bom may mắn không gây ra thiệt hại nào về người, nhưng làm hỏng một ngôi nhà của dân. Dù không gây thiệt hại về người nhưng cuộc không kích của Myanmar khiến Trung Quốc có phản ứng.
Khi trả lời câu hỏi của phóng viên về vụ đánh bom trong cuộc họp báo ngày 10/3, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hồng Lỗi cho biết: “Theo thông tin chúng tôi biết, trong bối cảnh xung đột giữa quân đội chính phủ Myanmar và lực lượng dân quân các dân tộc địa phương ngày 8/3, bom đã đi lạc vào lãnh thổ Trung Quốc làm hư hỏng một nhà dân. Nhưng rất may không có ai bị thương hay thiệt mạng”.
“Trung Quốc đã bày tỏ quan ngại nghiêm trọng đối với phía Myanmar, yêu cầu họ điều tra vụ việc này triệt để càng sớm càng tốt và có biện pháp hiệu quả để đảm bảo rằng sự việc tương tự như vậy sẽ không bao giờ lặp lại”, ông Lỗi nhấn mạnh.
Dù Diplomat không cho biết chiến đấu cơ nào của Myanmar đã thả quả bom xuống tỉnh Vân Nam nhưng theo hãng tin này, trong cuộc diễn tập của Không quân Myanmar, nước này đã sử dụng cả hai loại chiến đấu do Trung Quốc sản xuất là Q-5 và J-7.
Căn cứ vào nhiệm vụ mà mỗi chiến đấu cơ này có thể thực hiện cho thấy gần như chắc chắn rằng Q-5 chính là thủ phạm. Bởi đây là dòng máy bay chiến đấu được thiết kế chuyên thực hiện nhiệm vụ tấn công mặt đất, trong khi đó J-7 lại thiên về khả năng đánh chặn.
Video đang HOT
Q-5 là máy bay cường kích thế hệ thứ nhất của không quân Trung Quốc. Nó được Nhà máy chế tạo máy bay Nam Xương, bắt đầu chế tạo vào năm 1958, đến năm 1965 bắt đầu bay thử và đến năm 1968 bắt đầu sản xuất hàng loạt. Trong ảnh: Cường kích Q-5 trong Không quân Bangladesh.
Trong quá khứ, Q-5 đã lập nhiều chiến công lừng lẫy, ví dụ như một chiếc Q-5A đã ném thử quả bom khinh khí (thuộc loại bom nguyên tử) đầu tiên của Trung Quốc năm 1972. Từ đó, Q-5 đã trở thành một trong những loại máy bay chủ lực của không quân Trung Quốc nhiều năm sau đó. Trong ảnh: Cường kích Q-5 trong Không quân Bangladesh.
Q-5 là loại máy bay cường kích 1 chỗ ngồi được Trung Quốc cải tiến trên cơ sở máy bay Mig-19 của Liên Xô. Trong ảnh: Hiện trường chiếc Q-5 của Trung Quốc đâm đầu xuống ruộng ngô hồi tháng 8/2013.
Cường kích này có khả năng mang 2 tấn vũ khí trên 10 giá treo cho phép mang bom 50-150-250-500kg, tên lửa không đối không tầm ngắn PL-2/5/7. Trong ảnh: Cường kích Q-5 của Trung Quốc.
Từ năm 1968 đến khi chấm dứt sản xuất, Trung Quốc đã chế tạo hơn 1.000 chiếc Q-5 (dùng trong nước và xuất khẩu). Trong ảnh: Cường kích Q-5 của Trung Quốc.
Theo Đất Việt
Mâu thuẫn Nga EU liệu có dẫn tới xung đột quân sự?
Hoạt động quân sự đang dồn dập ở các nước có biên giới với Nga cùng động thái EU kêu gọi thành lập quân đội riêng khiến phương Tây - Nga lại nóng lên nguy cơ đọ sức mạnh.
Hãng tin Tass ngày 9/3 dẫn lời Ủy viên Ủy ban Quốc phòng Duma Quốc gia Nga Franz Klintsevich cho rằng việc thành lập một đội quân EU là một sự "khiêu khích" đối với Nga. Cùng với tuyên bố này là những động thái quân sự "sẵn sàng" cho một cuộc đáp trả nếu biên giới bị xâm phạm.
NATO, Na Uy tập trận bất chấp sự "giận giữ" của Nga
Theo Sputnik, cuộc tập trận Joint Viking của Na Uy đang được cho là nhằm vào Nga. Ngày 9/3, 5.000 binh sỹ và 400 thiết bị quân sự đã tiến sát 2 địa điểm là Lakselv và Alta gần biên giới Nga.
Binh sỹ Na Uy tham gia tập trận (ảnh: AFP)
Theo người đại diện của quân đội Na Uy phụ trách cuộc tập trận Aleksander Jankov, khu vực biên giới với Nga là địa điểm chính diễn ra cuộc tập trận. Đây là cuộc tập trận lớn nhất tại khu vực kể từ năm 1967. Tất cả mọi loại vũ khí sẽ được sử dụng vào cuộc tập trận này.
Na Uy, một thành viên của Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO), đã đình chỉ hợp tác quân sự với Moscow sau khi Nga sáp nhập bán đảo Crimea hồi tháng 3/2014. Cũng như NATO, chính quyền Na Uy cáo buộc Nga hỗ trợ lực lượng miền Đông Ukraine gây ra cuộc nội chiến chống lại chính quyền Kiev.
Cuộc tập trận lần này của Na Uy tiến hành ngay sau khi NATO thực hiện cuộc tập quy mô lớn khác trên vùng Biển Đen. Hãng RT (Nga) dẫn nguồn tin từ Cơ quan chỉ huy lực lượng thuỷ quân lục chiến NATO tuyên bố, 6 chiến hạm của NATO đã tiến vào Biển Đen vào hôm 4/3 nhằm tham gia các bài tập trận với hải quân của các nước Bulgari, Romania và Thổ Nhĩ Kỳ. Cuộc tập trận bao gồm các bài diễn tập chống không kích và chống tàu ngầm, đối phó với các đợt tấn công từ tàu chiến nhỏ và điều khiển phối hợp giữa các tàu.
Bất chấp lời cáo buộc "NATO đang muốn tận dụng tình hình Ukraine như một cái cớ để di chuyển quân đến gần biên giới Nga", NATO cho rằng: Việc triển khai tàu chiến NATO đến Biển Đen là hoạt động đã được lên kế hoạch và hoàn toàn tuân theo luật pháp quốc tế. NATO tuyên bố: các tàu tập trận được tiến hành chỉ rời vùng biển này và đi về Địa Trung Hải vào cuối tháng 3.
EU đang gia tăng hiềm khích với Nga
Chủ tịch Uỷ ban Châu Âu Jean-Claude Juncker ngày 8/3 đã kêu gọi thành lập lực lượng quân đội riêng của Liên minh Châu Âu nhằm tăng cường an ninh cho khối này. Lời kêu gọi đưa ra trong bố cảnh EU cũng như Mỹ đang bế tắc trong việc tháo gỡ "mối bòng bong" Ukraine. Song thực tế, lời kêu gọi này lại cho thấy mâu thuẫn đang lớn dần lên trong nội tại của EU, cũng như gia tăng các mối hiềm khích với Nga.
Tờ Welt am Sonntag của Đức dẫn lời ông Juncker cho biết, việc thành lập một lực lượng quân đội chung của EU sẽ giúp khối này tránh được những đe dọa an ninh từ phía Nga, đồng thời có thể tự xây dựng một chính sách an ninh và đối ngoại chung một cách có hiệu quả. Ông Juncker cũng nói thêm rằng việc thành lập một lực lượng liên quân EU sẽ giúp việc chi tiêu ngân sách cho trang thiết bị quân sự trở nên hiệu quả hơn và 28 quốc gia thành viên trong khối sẽ trở nên thống nhất hơn.
Từ khi bùng phát cuộc xung đột Ukraine, EU ngày một bị tách ra làm 2 phe : ủng hộ hay chống lại việc cung cấp vũ khí sát thương cho chính phủ Ukraine; cũng như hạn chế hay tăng cường lệnh trừng phạt chống lại Nga. Khi mà Mỹ, Anh đang nghiêng về giả thuyết hỗ trợ vũ khí sát thương cho chính phủ Ukraine thì Đức và Pháp lại lên tiếng khẳng định hành động này sẽ chỉ làm chiến sự ngày càng leo thang và gia tăng đổ máu.
Ngay cả trong nội bộ NATO cũng đang có sự chia rẽ về vấn đề này. Tại hội nghị của NATO diễn ra vào ngày 5/2, một số bộ trưởng quốc phòng các nước EU đã lên tiếng phản đối việc cung cấp vũ khí cho quân đội chính phủ Ukraine, và cảnh báo về sự rạn nứt giữa hai bờ Đại Tây Dương nếu Mỹ quyết định thúc đẩy kế hoạch này. Bộ trưởng Quốc phòng Đức, bà Ursula von der Leyen cho rằng, việc đổ thêm vũ khí vào miền đông Ukraine sẽ không thể đem lại một giải pháp cho cuộc khủng hoảng hiện nay. Bộ trưởng Quốc phòng Hà Lan, bà Jeanine Hennis-Plasschaert cũng nhất trí với quan điểm của người đồng cấp Đức. Tuy nhiên, trái với quan điểm của Đức và Hà Lan, Anh lại đưa ra tuyên bố trái chiều.
Đối đầu có thể đến mức chiến tranh?
Từ cuối tháng 2, Nga cũng có nhiều động thái gia tăng sức mạnh quân sự. Nga đã tiến hành cuộc tập trận do Lực lượng Tên lửa chiến lược Nga và Quân khu phía Nam tiến hành độc lập trong hai ngày 18 và 19/2.
Theo Tass, trong khuôn khổ cuộc tập trận, Lực lượng Tên lửa chiến lược Nga đã kiểm tra khả năng chiến đấu của lực lượng trong điều kiện sát tình huống chiến tranh.
Su - 34 tham gia cuộc tập trận ở khu vực biên giới Nga - Ukraine hôm 20/2 (ảnh: Pixshark.com)
Cùng thời điểm, hơn 10 máy bay tiêm kích ném bom đa chức năng Su-34 được huy động tại khu vực Rostov và Volgograd.
"Trong những điều kiện chiến đấu, các phi công đã sẵn sàng làm nhiệm vụ đảm bảo hỏa lực yểm trợ cho các đơn vị xe tăng cơ giới tấn công và phòng thủ", hãng Tass dẫn nguồn tin báo chí Quân khu phía Nam của Nga cho biết.
Hôm 16/2, Nga đã kết thúc cuộc tập trận tên lửa lớn nhất trong năm 2015, với tất cả các loại tổ hợp tên lửa được trang bị trên 12 khu vực của Liên bang Nga.
"Lực lượng Tên lửa chiến lược đã sử dụng tất cả các loại tổ hợp tên lửa hiện đang có trong biên chế để tiến hành diễn tập. Một trong những nội dung quan trọng được thực hiện là xác định khả năng điều khiển các sư đoàn và trung đoàn tên lửa thực hiện những biện pháp nhằm đạt tình trạng sẵn sàng chiến đấu ở mức cao nhất trong bất kỳ tình huống nào", Đại tá Igor Egorov nói.
Trước những động thái gây hiềm khích của phương Tây những ngày qua, hãng Tass ngày 9/3 dẫn lời Ủy viên Ủy ban Quốc phòng Duma Quốc gia Nga Franz Klintsevich cho rằng "phương Tây đang khiêu khích Nga", và ông lấy làm tiếc nếu đề xuất thành lập quân đội riêng của EU được ủng hộ.
Nhà phân tích quân sự Nga Leonid Slutsky cho rằng EU đang hoang tưởng về Nga: "Phiên bản hoang tưởng của châu Âu: Tuyên bố thành lập một đội quân thống nhất để tạo đối trọng với Nga, quốc gia chẳng có ý định gây chiến với ai".
Ông Slutsky nhận định: "Nga có quyền tập trận và phỗ diễn sức mạnh quân sự nhưng chắc chắn sẽ không bao giờ gây chiến, trừ phi biên giới nước này bị xâm phạm, Moscow sẽ có biện pháp đáp trả một cách thích đáng"./.
Theo Ngân Giang/VOV.VN
Nga triển khai chiến đấu cơ theo dõi NATO tập trận Nga đã điều máy bay tiêm kích mới nhất và máy bay tấn công ném bom lớp Su tới Biển Đen để theo dõi cuộc tập trận của Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO). Su-30 là một trong những dòng máy bay tiêm kích mới nhất của hải quân Nga hiện nay (Ảnh: Airliner) Theo hãng thông tấn RIA Novosti,...