Máy bay mô hình – thú chơi ‘tiền rơi vẫn sướng’
Hàng chục chiếc máy bay lơ lửng trên không trung, xoay lượn những vòng điệu nghệ. Tiếng động cơ nổ chói tai, lẫn vào đó là tiếng hò hét cổ vũ đầy phấn khích…
Đang biểu diễn “sung” trong tiếng hò reo phấn khích của mấy chục “người hâm mộ”, bỗng chiếc máy bay mô hình của Dũng mất lái, chúi đầu, cắm thẳng xuống đất… hạ cánh. Một tiếng “xoảng” vang lên khô khốc, đám đông ồ lên tiếc nuối còn khổ chủ vội chạy lại kiểm tra “vết thương” của con cưng.
“Vứt đi rồi!”, Dũng thở dài nhấc máy bay lên ngắm nghía, phần máy nứt toác, đầu máy bay bị dập nát còn hai hai cánh gãy làm đôi.
Muốn biết chơi là phải… đập
Mặc dù vẫn còn vẻ tiếc nuối nhưng khi được hỏi Dũng vẫn cười xòa, vẩy tay: “Mọi người vẫn nói vui muốn chơi trò này là phải… đập. Từ lúc học chơi, tập điều kiện, thậm chí chơi thạo, chuyện “đập” máy bay là thường. Mình chơi trò này hơn một năm thì… “vứt đi” cả chục cái rồi”.
Cảnh khổ chủ đi nhặt “xác” máy bay như thế này không hiếm. Chính vì thế, thông thường người chơi thạo, sở hữu 4-5 mô hình khác nhau.
Dũng lý giải, sở dĩ như vậy bởi học chơi máy bay mô hình không hề dễ. Phải thường xuyên luyện tập từng bước một. Từ những kỹ thuật bay cơ bản nhất là lượn sau đó nâng lên từng cấp độ khó dần như xoay, bay nghiêng, bay vòng, bay ngửa, đứng yên hay kết hợp vừa nghiêng, vừa ngửa vừa xoay trên một đường thẳng…
“Tuy nhiên, để tập xong kỹ thuật bay cơ bản người “lập kỷ lục” học nhanh nhất cũng mất tháng rưỡi, còn thông thường là 2-3 tháng. Hơn nữa, đây cũng là thú chơi mang tính rủi ro cao. Nếu gió quá mạnh, hoặc bộ điều khiển bị nhiễu sóng là máy bay “rụng” như chơi. Mà cái “giống” này cứ đập xuống đất là mất tiền. Nhẹ thì chỉ phải thay vỏ, nặng thì đi đứt cả bộ máy luôn”, Long nói.
Theo lời Long, với những máy bay tự chế, bộ vỏ “nhẹ tiền” nhất mất 200-300.000 nghìn đồng, máy 2-3 triệu đồng. Với những chiếc máy dạng lớn, nhập ngoại thì nặng tiền hơn, dao động từ 10-30 triệu đồng. Như vậy, nếu quy ra tiền, mỗi người từ lúc học cho đến khi có thể bay thạo đi tong khoảng 40 triệu đồng”.
Máy bay mô hình có 2 dòng: xăng và điện…
… Tùy sở thích và trình độ, mỗi người chơi “sắm” cho mình mô hình có giá khác nhau.
Dòng ngoại nhập thường có giá “khoai” hơn dòng tự chế.
Long kể, chủ nhật tuần nào cũng vậy, anh cùng khoảng 50 thành viên của CLB Hàng Không miền Bắc, hàng tuần đều có mặt tại Sân bay Xuân Đỉnh để chơi. “CLB của chúng tôi có đủ các lứa tuổi. Bác già nhất đã sang tuổi 70, cháu nhỏ nhất mới lên 6. Mỗi người mỗi nghề, có người làm giám đốc, có người làm kinh doanh, có người làm giảng viên ĐH, có SV… Vì thế, nếu đánh giá đây là thú chơi “đốt tiền”, hay thú chơi dành cho các đại gia thì không hẳn chính xác. Người chơi máy bay tự chế thì không tốn nhiều, người chơi “sang” thì sắm máy bay “khủng” nhập từ Mỹ, Hong Kong…”.
Tuy nhiên, Long cũng khẳng định đây là thú chơi khá kén người bởi để tham gia người chơi cần rất nhiều yếu tố: có kinh tế, đam mê, kiên nhẫn, có kiến thức sơ lược về khí động học, điện kỹ thuật…
Video đang HOT
Kết cấu khá đơn giản nên người chơi không mất nhiều thời gian để lắp đặt.
Chiếc máy bay mô hình này có giá khoảng 2000 USD, có thể biểu diễn kỹ thuật bay 3D (bay ngược, xuôi, vòng trên một đường thẳng cũng như nhau).
Các mô hình trước khi cất cánh đều phải thử động cơ kỹ càng để tránh rủi ro.
Điều kiện bay lý tưởng là trời đứng gió.
“Vợ cho mượn được, nhưng máy bay thì… không”
Đó chỉ là câu nói đùa vui của anh Trần Công Tùng, thành viên CLB Hàng không phía Bắc nhưng nó cũng phần nào diễn tả “một cách tượng hình” niềm đam mê của anh với thú chơi máy bay mô hình này. Bởi theo anh, có một lần cầm điều khiển cho “con cưng” của mình bay vút lên trời, nghe tiếng phành phạch của động cơ mới thấm được hết cái thú, cái vui sướng của những dân “nghiện” máy bay mô hình như anh.
Còn Nguyễn Hải Nam, sinh viên năm 2, ĐH Bách Khoa, cũng là dân nghiện máy bay mô hình thì vui vẻ chia sẻ : “Cái cảm giác cả đêm thức hí hoáy cắt rồi lắp ráp máy bay, sáng ra cầm điều khiển nhìn máy bay mình cất cánh vui sướng lắm. Bao nhiêu mệt mỏi tan biến, chỉ thiếu mỗi nước nhảy cẫng lên mà hò reo. Cứ như mấy tháng “cưa cẩm” một cô gái, một ngày đẹp trời cô ấy gật đầu “cái rụp” ấy”.
Anh Trần Công Tùng: “Phải cầm điều khiển, thử trải nghiệm mới thấm được hết cái thú chơi này”.
Cậu sinh viên Nguyễn Hải Nam với chiếc máy bay mô hình tự chế. “Em chơi máy bay mô hình bằng tiền làm thêm”.
Lê Trang
Theo BĐVN
Đua xe mô hình - 'thú chơi nhà giàu' ở Hà Nội
30 chiếc xe ô tô lao vun vút với tốc độ 80-120 km/h trước sân vận động Mỹ Đình. Tiếng động cơ nổ đanh giòn đến chói tai kéo theo những vệt khói trắng, khét lẹt...
12h trưa chúng tôi có mặt tại sân vận động Mỹ Đình hòa vào đám người đang hò reo cổ vũ. Mặc cái nắng cháy da, mồ hôi nhễ nhại nhưng khuôn mặt họ có đầy vẻ phấn khích. Trong đám đông có cả những cậu nhóc 3, 4 tuổi, ông lão tóc muối tiêu, một vài đôi tình nhân và cả cánh lái xe tải cũng tạt vào theo dõi cuộc đua đầy chăm chú.
Không quản nắng nôi, rất nhiều người tụ tập...
... thậm chí "cánh xe tải" cũng tranh thủ tạt qua chăm chú theo dõi những đường đua "bốc lửa"...
Đám đông reo lên thích thú khi nhìn những chiếc xe lao vun vút với tốc độ chóng mặt và cua những góc đầy điệu nghệ, có lúc họ lại thốt lên đầy lo lắng khi những chú "chiến mã" mất lái lộn tùng phèo 3, 4 vòng.
"Thú chơi nhà giàu"
Đây chỉ là một trong những cuộc đua diễn ra hàng tuần của nhóm HRC tại Hà Nội, dành cho những người mê ô tô mô hình, thú chơi mà theo nhiều người vẫn gọi tếu táo là "thú chơi nhà giàu".
Những chiếc xe như thế này có giá cả chục triệu đồng. Được thiết kế y như xe thật, chỉ khác về kích thước và... không có số lùi.
Lao vun vút với tốc độ 80 - 120 km/h.
Không ngại "va chạm"
Bốc đầu đầy điệu nghệ
Nhả khói khét lẹt
Khiến cả người chơi lẫn người xem nhiều phen "căng thẳng".
"Sở dĩ mọi người gọi vui vậy bởi bước khởi đầu người chơi phải "đầu tư" ít nhất 8 - 10 triệu đồng để đặt mua xe từ Mỹ hoặc Hong Kong", anh Vinh trưởng nhóm HRC cho hay.
Theo lời anh Vinh, xăng dành cho những chiếc xe này phải dùng loại xăng đặc biệt, nhập từ Sài Gòn với giá 200.000 đồng/l (thông thường mỗi buổi chơi hết 1 lit xăng). Phụ kiện xe cũng có giá rất "chát", chẳng hạn một con ốc vít có giá 300 nghìn đồng, hay một bộ lốp là 1,5 triệu đồng, bàn cân chỉnh xe: 4 triệu đồng... Tính trung bình, thú chơi này "tiêu tốn" của người chơi ngót 1 triệu đồng/ tháng.
"Chơi xe là không được... sợ bẩn"
Anh Vinh cho hay, không chỉ "nặng vốn", thú chơi này còn rất... kén người. "Thích thôi chưa đủ, muốn chơi ô tô mô hình phải có ít nhất 3 yếu tố: say mê, có kinh tế và... không sợ bẩn".
Chăm sóc xe trước khi... đua
Anh Vinh lý giải, do hầu hết những chiếc xe này đều được nhập khẩu từ nước ngoài nên việc sửa chữa, bảo dưỡng là do người "đi trước" truyền kinh nghiệm cho người sau, hoặc tự người chơi mày mò chứ chưa có cửa hàng bán phụ tùng hay thợ chuyên nghiệp sửa.
Thông thường, mỗi ngày phải mất 2-3 giờ chăm sóc xe. Thậm chí trước ngày chơi phải bỏ ra vài tiếng đồng hồ để "khám bệnh" cho con cưng. Chân tay, quần áo dính dầu mỡ lem nhem là chuyện thường
"Với người mới việc "khám bệnh" này không dễ, nhưng với những người đã có kinh nghiệm chỉ cần sờ bánh xe hoặc nghe tiếng nổ là biết bệnh ngay", anh Nguyễn Thanh Tuấn, một "đệ tử ruột" của thú chơi ô tô mô hình, vừa quệt mồ hôi vừa kể.
Đã chơi là mê... như người nghiện
Trong số những người chơi, Phạm Xuân Bách, 14 tuổi, Gia Lâm, Hà Nội nom trẻ tuổi nhất. Trong lúc những người chơi khác đang tập trung chỉnh sửa xe trước cuộc đua thì cậu ngồi thất thần một góc.
Phạm Xuân Bách - một 9X mê ô tô mô hình.
Khi được hỏi, Bách thở dài kể: "Em mới chơi được một tháng nhưng mê lắm. Thú chơi không những giúp em có những lúc thư giãn sau giờ học căng thẳng mà còn giúp em rèn luyện bản lĩnh. Bố mẹ em cũng ủng hộ. Xe của em bị hỏng từ tuần trước chưa sửa được. Hôm nay ra cổ vũ cho bớt... nhớ".
Những người còn lại trong nhóm cũng ở nhiều lứa tuổi và ngành nghề khác nhau. Có người làm xây dựng, có người là kỹ sư, có người làm kinh doanh... nhưng cùng một điểm chung là ham thích "thú chơi nhà giàu này".
"Tôi ngồi họp phụ huynh mà nhấp nhổm không yên, cả tuần chỉ có một buổi thôi nên bỏ lỡ thì tiếc lắm. Cuối cùng phải xin về sớm để ra chơi cùng anh em", anh Hoàng Chiến Thắng, Hồ Đắc Di, Đống Đa kể.
Nói rồi, anh vội đặt chiếc xe của mình xuống, dùng khăn nhẹ nhàng lau chùi, vừa cười khà khà đầy phấn khích: "Chơi cái anh này là giảm căng thẳng lắm, bao nhiêu mệt nhọc cả tuần đều tan biến. Lâu dần thành nghiện như người ta... nghiện thuốc ấy. Cái cảm giác cầm điều khiển, nghe tiếng xe lao vun vút, rồi cua loẹt xoẹt thật không gì tả được".
Lê Trang
Theo DV
Ký ức hãi hùng của 'quái xế' sau cuộc đua 10 người chết 9 15 năm nay, trong giấc ngủ hàng đêm, có nhiều khi Hải vẫn thường gặp những giấc mộng chỉ với một cảnh tượng duy nhất. Tiếng động cơ ầm ào rú rít. Ánh đèn pha loang loáng. Gió xé ào ào. Vạch kim rướn rướn trên đồng hồ tốc độ. Bóng những chiếc xe gắn máy trượt trên đường tóe lửa lao vào...