Máy bay Malaysia rơi: Thảm họa nào đã xảy ra?
Các giả thuyết được đặt ra về nguyên nhân khiến chiếc máy bay đâm xuống biển.
Ngày 9/3, một luật sư hàng không đã từng đại diện cho các nạn nhân trong nhiều vụ tai nạn tương tự như vụ máy bay của hãng Malaysia Airlines rơi trên Biển Đông nhận định rằng việc máy bay không phát đi bất cứ tín hiệu cảnh báo nào chứng tỏ đã có một sự cố vô cùng khủng khiếp xảy ra giữa không trung.
Luật sư Steve Marks thuộc hãng luật Podhurst Orseck ở Miami, Mỹ là người đại diện cho gia đình các nạn nhân trong vụ máy bay hãng SilkAir rơi năm 1997 và vụ máy bay Air France đâm xuống Đại Tây Dương năm 2009. Từ kinh nghiệm của mình, ông Marks cho rằng việc tìm thấy xác máy bay và xác định nguyên nhân tai nạn sẽ vô cùng khó khăn và phức tạp.
Một thảm họa khủng khiếp có thể đã xảy ra với chiếc máy bay
Năm 1997, chuyến bay 185 của hãng SilkAir chở nhiều doanh nhân từ Jakarta tới Singapore đã gặp tai nạn và người ta đã phải rất vất vả mới tìm thấy xác chiếc máy bay ở dưới sông Musi.
Hiện hàng chục tàu thuyền, máy bay của nhiều nước đang quần thảo tại vùng biển phát hiện vệt dầu loang nhằm xác định vị trí chiếc máy bay gặp nạn nhưng vẫn chưa thành công. Dự kiến chiến dịch tìm kiếm cứu nạn sẽ phải kéo dài nhiều ngày, và ưu tiên quan trọng trong những ngày tới là phát hiện vị trí chính xác của máy bay, tìm kiếm và vớt các thi thể, sau đó mới trục vớt xác máy bay để tìm các bằng chứng về những gì đã diễn ra.
Lý do khiến luật sư Marks cho rằng đã có một thảm họa diễn ra ở độ cao 10.000 mét là từ những kinh nghiệm của ông trong vụ tai nạn thảm khốc của chuyến bay 447 hãng hàng không Air France.
Chiếc máy bay Airbus A-330 trong vụ tai nạn này đã đâm xuống biển vì gặp phải thời tiết xấu, và vài phút trước khi rơi, các hệ thống cảnh báo tự động trên máy bay đã gửi rất nhiều tín hiệu báo động về trụ sở của Airbus ở Pháp về độ cao và tốc độ bất thường của máy bay. Chính những tín hiệu vào phút chót này đã giúp lực lượng cứu hộ có thể lần ra địa điểm máy bay rơi.
Nếu một sự cố thông thường xảy ra, chiếc Boeing 777 trong vụ tai nạn lần này lẽ ra cũng phải gửi những tín hiệu cảnh báo như vậy về đất liền. Chính vì vậy, ông Marks cho rằng đã có một thảm họa vô cùng khủng khiếp đã xảy ra, thậm chí có thể máy bay đã vỡ thành nhiều mảnh nhỏ.
Theo dự đoán của ông Marks, nếu chiếc máy bay bị nổ tung, các mảnh vỡ của nó sẽ rơi lả tả xuống biển chứ không phải đâm sầm xuống với tốc độ tối đa, và các dấu vết của vụ nổ sẽ vẫn lưu lại trên xác máy bay.
Video đang HOT
Vệt dầu loang nghi là từ xác chiếc máy bay trên biển
Vậy chuyện gì đã xảy ra đối với chuyến bay mất tích một cách bí ẩn này. Sau đây là một số giả thuyết được AP đặt ra:
1. Lỗi kỹ thuật: Một lỗi rất nghiêm trọng phát sinh tại phần thân hoặc động cơ của máy bay. Phần lớn các máy bay đều được chế tạo bằng nhôm, và vật liệu này sẽ bị hao mòn theo thời gian, đặc biệt là ở những vùng có độ ẩm cao. Tuy nhiên giả thuyết này ít thuyết phục vì chiếc máy bay này mới được kiểm tra cách đây 10 ngày và được khẳng định đạt tiêu chuẩn.
2. Thời tiết xấu: Máy bay chở khách được thiết kế để có thể vượt qua những cơn bão nghiêm trọng nhất. Tuy nhiên vào tháng 6/2009, chiếc máy bay Airbus A330 của hãng hàng không Air France đã đâm xuống biển vì gặp phải một cơn bão lớn trên Đại Tây Dương. Trước khi xảy ra tai nạn, cảm biến tốc độ của máy bay gặp trục trặc, và một quyết định sai lầm của phi công đã khiến máy bay đâm sầm xuống biển, khiến toàn bộ 228 hành khách và phi hành đoàn thiệt mạng. Trong vụ tai nạn này, phi công cũng đã không hề phát tín hiệu cầu cứu. Tuy nhiên thời tiết trên Biển Đông hôm thứ Bảy lại rất yên bình, trời quang mây tạnh, nên giả thuyết này cũng ít thuyết phục.
3. Máy bay lạc đường: Có thể phi công đã thiết lập chế độ lái tự động, tuy nhiên bằng cách nào đó chiếc máy bay đã đi chệch khỏi hướng bay đã định, và các phi công nhận ra điều đó quá muộn. Chiếc máy bay có thể đã bay lạc đường trong 5 hoặc 6 giờ đồng hồ, tương đương với khoảng cách gần 5000 km. Tuy nhiên điều này ít có khả năng xảy ra bởi như thế chiếc máy bay này sẽ được trạm radar ở các nơi khác phát hiện.
4. Cả hai động cơ đều bị hỏng: Tháng 1/2008, một chiếc Boeing 777 của British Airways đã bị trượt và đâm trên đường băng sân bay Heathrow vì cả hai động cơ mất lực đẩy do đường băng đóng băng trơn trượt. Tuy nhiên, các chuyên gia hàng không cho rằng trong trường hợp cả 2 động cơ của chuyến bay MH370 đều bị hỏng đột ngột thì chiếc máy bay cũng không đâm sầm ngay xuống mà sẽ lượn trên không thêm khoảng 20 phút, quá đủ thời gian để phi công phát tín hiệu cầu cứu. Năm 2009, một chiếc Airbus A320 của US Airways bị hỏng cả 2 động cơ ngay sau khi cất cánh từ sân bay, nhưng phi công vẫn có tới 6 phút để thông báo tình hình với đài không lưu trước khi hạ cánh bằng bụng xuống sông Hudson.
5. Đánh bom khủng bố: Nhiều máy bay đã bị rơi vì bom, chẳng hạn như chuyến bay 103 của hãng Pan Am năm 1988. Giả thuyết này đang ngày càng được củng cố hơn khi có thông tin được xác nhận rằng có 2 hành khách đã sử dụng hộ chiếu giả để lên máy bay. Ngoài ra, rất nhiều hành khách trên máy bay là người Trung Quốc, nơi vừa diễn ra vụ tấn công khủng bố bằng dao đẫm máu ở nhà ga Côn Minh do những kẻ ly khai Tân Cương gây ra.
6. Không tặc: Thông thường bọn không tặc sẽ buộc phi công hạ cánh xuống một sân bay nào đó và đưa ra một số điều kiện mặc cả. Tuy nhiên những kẻ không tặc với mục đích khủng bố như trong vụ 11/9 cũng là một khả năng, nếu chúng quyết định đâm máy bay xuống biển.
7. Phi công tự sát: Đã từng có 2 vụ máy bay đâm xuống đất cuối những năm 1990 trong đó các điều tra viên nghi ngờ phi công đã cố tình điều khiển máy bay lao xuống.
8. Một vụ bắn nhầm: Năm 1988, tàu tuần dương tên lửa USS Vincennes của hải quân Mỹ đã vô tình bắn hạ một máy bay chở khách của hãng hàng không Iran Air khiến toàn bộ 290 người trên máy bay thiệt mạng. Tháng 9/1983, một chiến đấu cơ của Nga cũng đã vô tình bắn hạ một máy bay chở khách của hãng Korean Air Lines của Hàn Quốc.
Theo Khampha
Lập sở chỉ huy ở Phú Quốc chỉ đạo tìm máy bay
Đề xuất lập sở chỉ huy Phú Quốc của Bộ Giao thông Vận tải vừa được Phó thủ tướng thông qua trong cuộc họp chiều nay. Dự kiến ngày 10/3, đoàn sẽ bay vào để chuẩn bị các phương án thành lập sở chỉ huy.
17h chiều ngày 9/3, Phó Thủ tướng Chính phủ Hoàng Trung Hải đã có cuộc họp khẩn với các đơn vị liên quan nghe báo cáo về vụ máy bay của Malaysia mất tích.
Phó Thủ tướng đồng ý đề xuất lập Sở chỉ huy ở Phú Quốc
Trong quá trình tìm kiếm, đội cứu nạn phát hiện ra một số vật thể lạ, nhưng sau khi xác minh những vật thể lạ đó không phải của máy bay bị nạn. Đặc biệt, vết nghi được cho là vệt dầu loang trên biển chỉ là bọt biển, các đơn vị cứu hộ lại tiếp tục mở rộng phạm vi tìm kiếm máy bay Malaysia mất tích.
Trước diễn biến đó, Bộ Giao thông Vận tải đã đề xuất phương án lập sở chỉ huy ở Phú Quốc lên cấp trên và được sự đồng ý của Phó Thủ tướng Chính phủ. Dự kiến, ngày 10/3, đoàn sẽ bay vào Phú Quốc để chuẩn bị các phương án thành lập sở chỉ huy.
"Việc lập sở chỉ huy sẽ tạo điều kiện cho các đoàn nước ngoài hạ cánh tham gia vào việc tìm kiếm, cứu hộ. Đồng thời việc chuẩn bị này cũng tạo điều kiện cho các thân nhân của những người bị nạn có nhu cầu khi sang Việt Nam được thuận lợi", ông Tiêu chia sẻ.
Phó Thủ tướng Chính phủ nghe báo cáo và chỉ đạo việc tìm kiếm máy bay Malaysia mất tích.
Theo ông Tiêu, trong trường hợp xấu tìm thấy máy bay rơi ở vị trí khả nghi, nếu như nằm ở trong không phận của Việt Nam thì sẽ cho thành lập ngay một tổ chức điều tra để tìm nguyên nhân của vụ việc. Ông Tiêu cũng nhận định rằng, đây là vụ mất tích máy bay khá bí ẩn bởi trước đây ông cũng từng biết đến một số vụ mất tích liên quan đến máy bay nhưng chỉ sau hai ngày là có thể tìm ra. Tuy nhiên, đến hiện nay mọi thông tin về chiếc máy bay vẫn còn khá mơ hồ.
Ông Lại Xuân Thanh, Cục trưởng Cục hàng không cho hay, trong trường hợp xấu tìm thấy máy bay rơi ở không phận của Việt Nam, các bên liên quan sẽ vào cuộc điều tra. Phía Malaysia cũng cho biết, trường hợp xấu xảy ra sẽ có khoảng 800 đến 900 thân nhân của những hành khách mất tích có mong muốn sẽ đến Việt Nam.
"Như vậy việc lập sở chỉ huy ở Phú Quốc sẽ tạo thuận lợi về mặt hàng không. Còn về cơ sở hạ tầng sẽ rất khó khăn, bởi với số lượng khách đông như vậy sẽ khó lòng phục vụ được tốt", ông Thanh lo lắng.
Lực lượng cứu nạn phải tìm kiếm 24/24h
Sau khi nghe báo cáo sự việc, Phó thủ tướng Hoàng Trung Hải thông tin, phía Việt Nam đã tạo điều kiện thuận lợi cho thông tấn báo chí, phương tiện nước bạn tham gia tìm kiếm ở khu vực nghi máy bay bị rơi. Bộ Quốc phòng, Bộ Giao thông cũng đang nỗ lực hết sức trong việc cứu hộ cứu nạn.
Về tín hiệu phát hiện vết dầu loang, vật thể lạ, máy bay và tàu Hải Quân cũng đang ra khu vực đó tìm kiếm. Tuy nhiên Phó thủ tướng cũng yêu cầu các đơn vị tham gia tìm kiếm không vì thấy có dấu hiệu đó mà tập trung hết lại cùng một khu vực này. Lực lượng tìm kiếm phải chia khu vực, vị trí tìm kiếm ra để tìm, mở rộng địa bàn. Khi tìm kiếm, lực lượng của Việt Nam và các nước bạn cũng phải phối hợp chặt chẽ với nhau để tránh tốn kém.
Vị trí chấm đỏ các lực lượng cứu hộ đang tìm kiếm
"Khi chưa có kết luận chính xác về vết dầu loang từ cơ quan chức năng, các đơn vị phải nỗ lực tìm kiếm 24h/24h. Trong trường hợp xấu nhất mà tìm thấy máy bay rơi thì vẫn còn người sống sót. Do vậy, lực lượng tìm kiếm phải luôn phiên nhau tìm kiếm ở khu vực khả nghi và mở rộng ra các khu vực khác theo hướng gió", Phó thủ tướng nói.
Đại diện Bộ Ngoại giao cũng cho biết, ngày hôm nay 9/3, các nước bạn đã cuộc tọa đàm với Việt Nam đề nghị tạo điều kiện cho tàu nước bạn tham gia tìm kiếm cứu hộ, cứu nạn. Phía Việt Nam cũng đã đồng ý và giúp đỡ các tàu nước bạn trong quá trình tìm kiếm. Hiện tại, 2 tàu Hải Quân của Trung Quốc đang trên đường tới vị trí có vết dầu loang để tìm kiếm
Theo báo cáo Ủy ban Quốc gia tìm kiếm cứu nạn, khoảng 8h50 ngày 9/3, máy bay AN 26 số hiệu 286 đã phát hiện vết dầu loang kích thước 10 x 80 km theo hướng Bắc Nam tại tọa độ 07o27'41" N - 102o58'58" E cách vị trí ban đầu khoảng 80 km về hướng Tây Nam. Nhận định này phù hợp với hướng gió trôi dạt. Lúc 11h00 ngày 09/3, đơn vị của Quân chủng Hải quân điều máy bay thủy phi cơ DHC6 cơ động từ Cam Ranh về Tân Sơn Nhất và tham gia tìm kiếm, đồng thời chuẩn bị 01 đội thợ lặn sẵn sàng tham gia khi có lệnh. Lực lượng nước ngoài đăng ký tham gia tìm kiếm gồm 12 máy bay, 28 tàu. Cụ thể, Malaysia 6 06 tàu; Mỹ 1 máy bay, 2 tàu; Trung Quốc 2 máy bay, 14 tàu; Philippin 1 máy bay trinh sát, 3 tàu tuần tra; Singapore 2 máy bay C130, 03 tàu.
Theo Khampha
Vật thể lạ không phải là cửa thoát hiểm máy bay bị nạn Một quan chức Mỹ tham gia vào chiến dịch tìm kiếm cứu nạn đã xác nhận rằng, vật thể lạ trôi trên biển không phải là cửa thoát hiểm của chiếc máy bay bị nạn. 23h35 ngày 9/3 Một quan chức Mỹ tham gia vào chiến dịch tìm kiếm cứu nạn đã xác nhận với CNN rằng, vật thể lạ trông giống cửa...