Máy bay hạ cánh nhầm sân bay, Bộ trưởng Đinh La Thăng xin lỗi
Bộ trưởng Đinh La Thăng khẳng định sự cố của VietJet Air vừa qua là hết sức nghiêm trọng, ảnh hưởng trực tiếp đến an toàn bay. Thay mặt lãnh đạo Bộ Giao thông Vận tải, ông xin lỗi người dân, xin lỗi hành khách vì đã để xảy ra sự cố trên.
Chiều 25.6, tại Hà Nội, Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải đã triệu tập cuộc họp với các bên liên quan để nghe giải trình về sự cố hy hữu “hạ cánh nhầm” sân bay hôm 19.6 vừa qua của Công ty cổ phần Hàng không VietJet (VietJet Air).
Như tin đã đưa, trước đó, chuyến bay mang số hiệu VJ8861 của VietJet Air khởi hành từ Hà Nội đi Đà Lạt lúc 17 giờ 10 phút ngày 19/6, sau hơn 1 tiếng bay đã hạ cánh xuống sân bay Cam Ranh.
Bộ trưởng khẳng định sự cố của VietJet Air vừa qua là hết sức nghiêm trọng, ảnh hưởng trực tiếp đến an toàn bay, do đó, tất cả các cơ quan, cá nhân, doanh nghiệp có liên quan cần nghiêm túc rút kinh nghiệm từ sự cố này.
Theo Bộ trưởng Đinh La Thăng, để xảy ra sự cố trên cần phải nhìn nhận sâu sắc là có trách nhiệm của cơ quan quản lý nhà nước, đã cấp phép cho nhân viên, cho đội bay, hướng dẫn, quản lý bay, quản lý bầu trời chưa đảm bảo. Bản thân VietJet Air là đơn vị vi phạm trực tiếp, tuy nhiên đơn vị quản lý nhà nước phải chịu trách nhiệm.
Bộ trưởng Đinh La Thăng thay mặt lãnh đạo Bộ Giao thông Vận tải xin lỗi người dân, xin lỗi hành khách vì đã để xảy ra sự cố trên.
Video đang HOT
Bộ trưởng Đinh La Thăng giao cho Thứ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Phạm Quý Tiêu họp với các đơn vị có liên quan như Cục Hàng không Việt Nam, Tổng công ty Quản lý Bay Việt Nam, Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam, Cảng vụ, để kiểm điểm rõ trách nhiệm và xử lý các cá nhân, đơn vị có vi phạm.
Ngay tại cuộc họp, Bộ trưởng Đinh La Thăng đã ra hình thức kỷ luật là khiển trách đối với ông Lại Xuân Thanh, Cục trưởng Cục Hàng không Việt Nam vì đã báo cáo sự việc chậm, có hiện tượng bưng bít thông tin.
Mặc dù đã phát hiện VietJet Air do quy mô phát triển nhanh, nhân lực không theo kịp trình độ, năng lực chuyên môn chưa đáp ứng được mà không tăng cường giám sát kịp thời. Cục Hàng không Việt Nam chưa có sự tổ chức điều phối tốt, mặc dù đã có những khuyến cáo cho VietJet Air nhưng lại không có chế tài xử phạt; việc phối hợp giữa các đơn vị cũng chưa tốt, có sự đùn đẩy trách nhiệm cho nhau.
Từ vụ việc trên cùng với việc sửa đổi Luật Hàng không dân dụng Việt Nam, Bộ trưởng Đinh La Thăng cho rằng cần có sự rút kinh nghiệm để đưa vào luật, quy định rõ hơn trách nhiệm quản lý nhà nước của các đơn vị, doanh nghiệp có liên quan đối với vấn đề an toàn hàng không.
Bên cạnh đó, cần rà soát lại các quy trình cấp phép, quy trình đào tạo, bồi dưỡng, quy trình bay hàng không, quy định nào chưa hợp lý thì phải sửa ngay, đặc biệt là phải tuân thủ tuyệt đối các quy định của Tổ chức Hàng không dân dụng quốc tế (ICAO).
Đối với VietJet Air, Bộ trưởng Đinh La Thăng yêu cầu phải xử lý nghiêm những cá nhân có liên quan, đặc biệt là người điều phối, tổ bay, đồng thời phải chú ý phát triển nguồn nhân lực cho phù hợp với việc đầu tư phát triển đội tàu bay. Cục Hàng không Việt Nam phải tăng cường giám sát nhiều hơn đối với VietJet Air.
Kết luận hội nghị, Bộ trường Đinh La Thăng yêu cầu chậm nhất tới ngày 5/7, Cục Hàng không Việt Nam phải có báo cáo với Bộ Giao thông Vận tải để Bộ báo cáo Thủ tướng Chính phủ, đồng thời phải công khai các hình thức xử lý vụ việc cho nhân dân, hành khách biết.
Tại cuộc họp này, đại diện VietJet Air, bà Nguyễn Thị Phương Thảo, Tổng giám đốc VietJet Air đã nghiêm túc nhận lỗi vì để xảy ra sự cố trên, và một lần nữa gửi lời xin lỗi tới hành khách.
Theo Thông tấn xã Việt Nam
Bộ trưởng Giao thông xin lỗi về việc Vietjet Air bay nhầm
Bộ trưởng Đinh La Thăng cũng đề xuất có hình thức tăng cường kiểm soát với hãng, đồng thời không cho tăng số lượng tàu bay nếu không không đủ điều kiện.
Gần một tuần sau vụ "nhầm" sân bay của phi cơ Vietjet Air, chiều 25/6, Bộ trưởng Giao thông Vận tải - Đinh La Thăng đã chủ trì cuộc họp kết luận sự cố. Thay mặt ngành giao thông, Bộ trưởng đã đưa ra lời xin lỗi toàn dân về việc để xảy ra sự cố nêu trên. Trước đó, trong cuộc họp, ông Thăng cũng không ngừng "chất vấn" đại diện Cục Hàng không về việc liệu Vietjet Air có đủ khả năng, điều kiện để tiếp tục bay hay không.
"Đây là sự cố nghiêm trọng, uy hiếp trực tiếp đến an toàn bay. Chuyến bay không có hậu quả nào là một điều may mắn. Nhưng chúng ta có may mắn mãi được không?", Bộ trưởng Đinh La Thăng đặt câu hỏi.
Với nhận định này, Bộ trưởng Đinh La Thăng yêu cầu Cục Hàng không đánh giá lại điều kiện của hãng hàng không tư nhân Vietjet và không cho phép đơn vị này nhận thêm tàu bay nếu không khắc phục được những lỗi hệ thống. "Thậm chí sau khi rà soát lại, nếu năng lực của hãng không đủ thì cất bớt tàu bay đi", vị tư lệnh ngành giao thông nói. Hiện Vietjet Air có 15 tàu bay và dự định sẽ nhập thêm nhiều chiếc trong các năm tới.
Bộ trưởng Đinh La Thăng nhận định do Vietjet phát triển quá nhanh nên năng lực chuyên môn, đội ngũ nhân lực chưa theo kịp.
Phân tích sâu hơn về vụ việc, Thứ trưởng Phạm Quý Tiêu nhận định có nhiều lỗi như tiếp viên của hãng biết khách đi Đà Lạt, nhưng suốt chuyến bay không trao đổi gì với phi công về việc này. Cơ trưởng cũng cho máy bay thẳng hướng Cam Ranh và tưởng mình đi đúng đường cho đến khi chỉ còn cách sân bay 5 dặm (khoảng 8 km). Lúc này, tàu bay không thể chuyển hướng được nữa và bắt buộc phải hạ cánh.
Ngoài ra, nhân viên điều độ của hãng thực hiện nhiệm vụ đưa kế hoạch bay cho phi công ngày hôm đó là người học việc, chưa có giấy phép. Do chưa có kinh nghiệm, người này đã không đưa kế hoạch bay cho phi công ký, dẫn đến phi công không có thông tin.
Bên cạnh đó, bên quản lý bay cũng đã có lỗi chậm thông báo tàu bay cất cánh. Theo quy định của ICAO, bên quản lý bay phải phát đi điện văn thông báo cho sân bay ngay lâp tức sau khi tàu bay cất cánh. Tuy nhiên, thực tế cho thấy sau khi tàu bay đã cất cánh 28 phút, bên quản lý bay mới thông báo. "Nếu phát hiện nhầm lẫn ra sớm hơn, phi công có thể thực hiện thay đổi đường bay đi Đà Lạt", Thứ trưởng Tiêu nhận định.
Với những nhận định trên, Bộ trưởng Đinh La Thăng nhận định Cục Hàng không cần tăng cường giám sát với Vietjet Air. Theo Bộ trưởng, do hãng hàng không tư nhân này có quy mô phát triển nhanh nên trình độ năng lực chuyên môn, đội ngũ nhân lực chưa theo kịp. Theo Bộ trưởng, với mô hình như thế phải đưa ra chế tài kiểm soát đặc biệt, thậm chí giám sát hàng ngày.
Trao đổi tại cuộc họp, Tổng giám đốc Vietjet Air - Nguyễn Thị Phương Thảo một lần nữa đưa ra lời xin lỗi hành khách và lãnh đạo ngành giao thông về sự cố nêu trên, cam kết không để tái diễn. Đại diện hãng cũng cam kết chấp hành cách hình thức kiểm soát của lãnh đạo ngành giao thông và cho biết đã tiến hành kiểm điểm và cho thôi việc một số cá nhân có liên quan.
Cũng tại buổi làm việc, Bộ trưởng Đinh La Thăng đã đề nghị khiển trách Cục trưởng Cục Hàng không do "báo cáo chậm và có hiện tượng bưng bít thông tin". Người đứng đầu ngành Giao thông cam kết có hình thức kỷ luật cao hơn nếu những sự cố tương tự lặp lại.
Theo Vnexpress
Lố bịch trò bịt mắt dư luận của VietJetAir Hết đổ lỗi cho thời tiết, VietjetAir lại quay sang tố tội cái...Ipad để lấp liếm cho vụ bay nhầm ngớ ngẩn của mình. Đang từng bước khẳng định mình thì mới đây, sự cố bay nhầm ngớ ngẩn ảnh hưởng khá lớn vị thế của VietjetAir trên thị trường hàng không. Tuy nhiên, vấn đề khiến dư luận bất bình nhất là...