Máy bay chở Phó Tổng thống Mỹ gặp sự cố kỹ thuật
Chuyến công du nước ngoài đầu tiên của Phó Tổng thống Mỹ ngày 6/6 đã bị hoãn sau khi máy bay chở bà đã buộc phải quay trở lại Căn cứ hỗn hợp Andrews ở bang Maryland sau khoảng một giờ cất cánh vì một “ sự cố kỹ thuật”.
Phó Tổng thống đắc cử Mỹ Kamala Harris phát biểu tại một sự kiện ở Washington, DC ngày 4/1/2021. Ảnh: AFP/TTXVN
Theo phóng viên TTXVN tại Mỹ, người phát ngôn Symone Sanders của Phó Tổng thống Harris xác nhận “không có vấn đề lớn và an toàn” và bà Harris sẽ đổi máy bay để tiếp tục chuyến công du kéo dài 3 ngày với trọng tâm nghị sự về vấn đề gốc rễ tình trạng nhập cư bất hợp pháp vào Mỹ.
Theo lịch trình, Phó Tổng thống Harris sẽ tới Guatemala vào ngày 6/6 và đến Mexico vào ngày 8/6 để thảo luận về phát triển kinh tế, khí hậu, tình trạng mất an ninh lương thực và các vấn đề liên quan đến phụ nữ.
Kể từ khi Tổng thống Mỹ Joe Biden nhận chức hồi tháng 1, số lượng người nhập cư trái phép bị bắt giữ ở khu vực biên giới với Mexico tính theo tháng đã tăng lên mức cao nhất trong 20 năm. Hồi tháng 3, ông đã giao nhiệm vụ cho bà Harris giảm thiểu tình trạng nhập cư từ nhóm quốc gia “tam giác miền Bắc”, gồm Guatemala, Honduras và El Salvador.
Mỹ tăng hỗ trợ tài chính cho các nước Trung Mỹ để giải quyết làn sóng di cư
Ngày 26/4, Phó Tổng thống Mỹ Kamala Harris cho biết Mỹ sẽ cung cấp thêm 310 triệu USD tiền cứu trợ nhân đạo cho các nước Trung Mỹ trong bối cảnh khu vực này đang phải giải quyết làn sóng di cư tăng nhanh đột biến tới khu vực biên giới phía bắc của Mỹ.
Người di cư Honduras di chuyển tại Camotan, Guatemala trong hành trình tới Mỹ. Ảnh: AFP/TTXVN
Theo phóng viên TTXVN tại Washington, Phó Tổng thống Mỹ đưa ra cam kết trên trong cuộc hội đàm trực tuyến với Tổng thống Guatemala Alejandro Giammattei diễn ra cùng ngày.
Văn phòng của Phó Tổng thống Mỹ cho biết Phó Tổng thống Harris đã công bố khoản viện trợ 310 triệu USD của chính phủ Mỹ dành cho El Salvador, Guatemala và Honduras để cứu trợ nhân đạo và giải quyết tình trạng mất an ninh lương thực giúp cho hàng triệu người khốn khó tại 3 quốc gia này.
Theo thông báo, lãnh đạo hai nước nhất trí sẽ phối hợp các nỗ lực thực thi pháp luật để xử lý hoạt động của các tổ chức tội phạm, vốn là nguyên nhân dẫn tới làn sóng người di cư, cũng như mở các trung tâm nguồn lực di cư để thúc đẩy việc di cư hợp pháp, an toàn. Phó Tổng thống Harris cho biết Mỹ có kế hoạch tăng cường cứu trợ cho khu vực, tăng cường hợp tác để quản lý di cư một cách hiệu quả, an toàn và nhân đạo, đồng thời nhấn mạnh Mỹ muốn hợp tác với Guatemala để giải quyết cả "nguyên nhân trước mắt" và "nguyên nhân gốc rễ" của làn sóng di cư, qua đó giúp đảm bảo cuộc sống cho những người Guatemala ở lại quê hương.
Về phần mình, Tổng thống Alejandro Giammattei nhất trí về việc cần "tạo ra hy vọng" ở Guatemala và khẳng định Chính phủ Guatemala muốn trở thành một đối tác của Mỹ để giải quyết vấn đề nghèo đói và cả các tệ nạn khác ảnh hưởng tới hai nước. Tổng thống Giammattei cũng bày tỏ mong đợi chuyến thăm của Phó Tổng thống Harris vào tháng 6 tới.
Cuộc hội đàm trực tuyến giữa Phó Tổng thống Mỹ Harris và Tổng thống Guatemala Alejandro Giammattei diễn ra trong bối cảnh làn sóng người di cư tới khu vực biên giới giữa Mỹ và Mexico tăng cao trong những tuần gần đây do hy vọng sẽ được vào Mỹ theo chính sách mới của Tổng thống Joe Biden. Ông Biden kể từ khi nhậm chức đã đảo ngược các chính sách nhập cư cứng rắn của người tiền nhiệm Donald Trump.
Ước tính, hơn 172.000 người nhập cư không có giấy tờ, bao gồm gần 19.000 trẻ vị thành niên không có người đi kèm, đã bị giam giữ vào tháng 3 tại khu vực biên giới phía Nam của Mỹ, tăng 71% trong một tháng và là mức cao nhất trong 15 năm qua. Hầu hết người di cư đến từ ba quốc gia Trung Mỹ vốn chịu ảnh hưởng nặng nề từ thiên tai, hạn hán kéo dài và đại dịch COVID-19.
Đặc phái viên Mỹ tới Guatemala, El Salvador giải quyết vấn đề người di cư Ngày 5/4, đặc phái viên Mỹ về Tam giác Bắc Trung Mỹ (gồm Guatemala, El Salvador và Honduras) Ricardo Zúiga đã bắt đầu chuyến công du kéo dài 3 ngày tới Guatemala và El Salvador để tìm cách giải quyết tận gốc rễ vấn đề người di cư. Người di cư Honduras di chuyển tại Camotan, Guatemala trong hành trình tới Mỹ. Ảnh:...