Máy bay chiến đấu Israel tấn công các cơ sở của Hamas tại Dải Gaza
Bộ Quốc phòng Israel xác nhận đã điều các máy bay chiến đấu tấn công một số mục tiêu nghi là cơ sở của lực lượng Hamas tại Dải Gaza vào rạng sáng 23/10.
Ảnh chỉ có tính minh họa. (Nguồn: Big News Network)
Bộ Quốc phòng Israel xác nhận đã điều các máy bay chiến đấu tấn công một số mục tiêu nghi là cơ sở của lực lượng Hamas tại Dải Gaza vào rạng sáng 23/10. Động thái này nhằm đáp trả vụ hàng loạt rocket xuất phát từ lãnh thổ của người Palestine nhằm vào Israel trước đó.
Các máy bay chiến đấu và các máy bay khác của Israel đã tấn công các xưởng sản xuất vũ khí và những cơ sở hạ tầng ngầm của lực lượng Hamas tại Dải Gaza. Về phần mình, lực lượng Hamas thông báo Israel đã tấn công trại tị nạn Nuseirat và thành phố Khan Yunis, phía Nam dải Gaza nhưng không gây thương vong.
Trước đó, quân đội Israel cho biết phát hiện 2 quả rocket bắn từ Dải Gaza hướng về phía Israel vào chiều 22/10. Lực lượng không quân Israel đã vô hiệu hóa 1 quả, trong khi quả rocket thứ 2 đã nổ bên trong lãnh thổ Israel. Tuy nhiên, vụ việc không gây thương vong và thiệt hại.
Israel cũng xác nhận một đợt tấn công khác bằng rocket từ Dải Gaza xảy ra vào đêm 20/10 sau khi quân đội Israel phát hiện một đường hầm dài hàng chục mét nối từ Dải Gaza vào lãnh thổ Israel do Hamas xây dựng. Phát ngôn viên lực lượng quân đội Israel, Jonathan Conricus cho biết từ năm 2014, lực lượng này đã phát hiện khoảng 20 đường hầm từ Dải Gaza vào lãnh thổ Israel.
Israel đã tiến hành 3 cuộc chiến quy mô lớn và một số các cuộc tấn công nhỏ lẻ nhằm vào lực lượng Hamas từ năm 2007 khi nhóm vũ trang Hồi giáo này đẩy những người Palestine trung thành với Tổng thống Mahmud Abbas ra khỏi vùng lãnh thổ thuộc Dải Gaza. Hai bên đã đạt được một lệnh ngừng bắn không chính thức từ cuối năm 2018 nhờ sự trung gian của Ai Cập và Liên hợp quốc và sự hỗ trợ tài chính từ Qatar. Tuy nhiên, lực lượng Hamas và Israel vẫn thường xuyên vi phạm thỏa thuận này./.
Quân đội Mỹ nhận lá chắn 'Vòm sắt' đầu tiên
Lục quân Mỹ nhận tổ hợp phòng thủ Iron Dome (Vòm Sắt) đầu tiên trong hai hệ thống được đặt hàng từ Israel vào tháng 8/2019.
Bộ Quốc phòng Israel ngày 4/10 cho biết đã bàn giao xong khẩu đội Iron Dome đầu tiên cho lục quân Mỹ, song chưa khẳng định liệu lá chắn phòng thủ này có phù hợp với tầm nhìn hiện đại hóa của lục quân hay không.
Hãng Rafael của Israel cho hay tên lửa đánh chặn Tamir của hệ thống phòng thủ này sẽ do tập đoàn Raytheon của Mỹ sản xuất, đủ sức đối phó với mối đe dọa cách nơi bố trí của tổ hợp Iron Dome khoảng 64 km.
"Tổ hợp Iron Dome là một phần thuộc hệ thống phòng thủ tên lửa nhiều lớp của Israel, phản ánh sức mạnh của nền quốc phòng Israel", Bộ trưởng Quốc phòng Israel Benny Gantz cho biết trong một thông cáo của Rafael. "Hệ thống đã bảo vệ sinh mạng nhiều người ở mặt trận phía nam Israel nhờ tính hiệu quả của nó. Tôi tự hào rằng hệ thống tiên tiến này sẽ bảo vệ lục quân Mỹ".
Tổ hợp Vòm Sắt khai hỏa hồi năm 2017. Ảnh: Rafael.
Lục quân Mỹ công bố kế hoạch mua lá chắn Iron Dome hồi tháng 2/2019 và ký hợp đồng mua hai tổ hợp với Israel vào tháng 8/2019. Lãnh đạo hãng Rafael cho biết tổ hợp Iron Dome tham gia nhiều cuộc thử nghiệm của lục quân Mỹ tại thao trường tên lửa White Sands, bang New Mexico.
Tuy nhiên, chưa rõ liệu lá chắn Iron Dome có đáp ứng nhu cầu hệ thống chống hỏa lực cầu vồng của lục quân Mỹ hay không. Các quan chức phụ trách chương trình hiện đại hóa của quân chủng cho biết tổ hợp Iron Dome cần chứng minh khả năng tích hợp với hệ thống phòng thủ tên lửa IBCS vốn được lục quân Mỹ sử dụng để quản lý toàn bộ cảm biến phòng không và hệ thống đánh chặn.
Lục quân Mỹ dự kiến nhận khẩu đội Iron Dome thứ hai vào tháng 2/2021 và đảm bảo các tổ hợp này hoạt động hiệu quả với IBCS vào quý II năm sau. Các tổ hợp Iron Dome sau đó sẽ tham gia buổi bắn thử của quân chủng vào mùa thu năm sau, sự kiện cho các công ty quốc phòng chứng minh hệ thống của họ kết nối được với IBCS.
Lá chắn bảo vệ Israel trước đòn tập kích bằng rocket. Video: Bloomberg.
Israel bắt đầu phát triển Iron Dome sau cuộc chiến tại Lebanon năm 2006, khi nhóm vũ trang Hezbollah liên tục rót "mưa rocket" vào lãnh thổ Israel. Các nhóm vũ trang Gaza được trang bị pháo phản lực cỡ nòng 122 m với tầm bắn trên 20 km, đe dọa gần một triệu cư dân ở miền nam Israel.
Bộ Quốc phòng Israel đặt mục tiêu phát triển hệ thống phòng không di động tầm ngắn chuyên đối phó với đạn pháo không điều khiển vào tháng 2/2007. Tổ hợp này khai hỏa thành công lần đầu vào tháng 3/2009, nhưng chưa thực hành đánh chặn mục tiêu. Các đợt thử nghiệm diễn ra liên tục cho đến giữa năm 2010.
Israel đang vận hành 10 hệ thống Iron Dome và có thể biên chế thêm 5 tổ hợp trong tương lai. Một tổ hợp Iron Dome hoàn chỉnh có giá khoảng 50 triệu USD, gồm ba thành phần chính là radar cảnh giới và bám bắt mục tiêu, hệ thống quản lý tác chiến và điều khiển hỏa lực (BMC) và 3-4 bệ phóng đạn (MFU). Mỗi bệ MFU trang bị 20 tên lửa đánh chặn Tamir có tầm bắn 70 km.
Israel và Hamas đạt thỏa thuận ngừng bắn: Dải Gaza chưa hết nỗi lo Với lệnh ngừng bắn này, cửa khẩu lưu thông hàng hóa chính của Gaza sẽ được mở lại và ngư dân Gaza cũng sẽ được ra khơi đánh cá trong phạm vi 15 hải lý. Sau nhiều tuần căng thẳng, dải Gaza (Palestine) nay đã tạm yên tiếng súng khi phong trào Hamas kiểm soát dải đất này và Israel mới đạt được...