Màu xanh trong lành từ Nhơn Lý
Nhơn Lý là một xã ven biển của thành phố Quy Nhơn, tỉnh Bình Định. Khách du lịch mới chỉ để mắt đến làng chài độc đáo lâu đời này từ khi khu du lịch Eo Gió – Kỳ Co tại đây phát triển sau khi được đầu tư xây dựng hạ tầng quy mô và hiện đại.
May mắn là những chiến lược của nhà đầu tư lớn đã tôn trọng giá trị lịch sử, không làm mất đi dáng vẻ cổ kính, giản dị của một làng chài trong lành trong tổng thể một vùng biển đẹp mê hồn như Quy Nhơn.
Bến tàu du lịch ở làng chài Nhơn Lý. Ảnh: TTH
Cái tên Eo Gió-Kỳ Co bật lên là một điểm đến xu hướng nổi trội trong năm vừa qua nhờ nắng gió và biển xanh Quy Nhơn. Làng chài Nhơn Lý nằm ngay trong khu du lịch chính là điểm hoàn hảo cho bức tranh du lịch Quy Nhơn. Hơn cả mong đợi, làng biển sạch, đẹp, mộc mạc và giản dị như chính đời sống của ngư dân bao năm nay. Mặt hướng ra biển của làng chài hiện nay có một bến tàu du lịch phục vụ du khách thăm viếng Eo Gió-Kỳ Co, ngắm san sô bằng tàu đáy kính, lặn biển, thưởng thức hải sản địa phương. Ngoài ra, có một vài cơ sở thờ tự Phật giáo để du khách hành lễ tâm linh, tham quan. Còn lại toàn bộ làng chài duyên hải này đang bắt đầu bùng nổ các cơ sở dịch vụ, lưu trú dạng homestay.
Thú vị nhất là con đường từ thành phố Quy Nhơn về, đi qua làng chài ra mặt biển quanh co và bất ngờ, cứ qua các khúc quanh san sát các ngôi nhà có cửa sổ và cửa đi sơn màu xanh nổi bật trên tường vôi trắng tựa như một làng biển của châu Âu. Con đường qua làng chỉ lọt vừa một làn đi xe máy đã có từ rất lâu đời. Đường vốn chỉ dành đi bộ và gánh cá cho người dân trong làng. Họ có thói quen sinh hoạt đi thuyền ghe, chứ không đi xe máy, xe hơi. Mặt làng hướng ra biển, đi đâu cũng ra bến lấy thuyền mà đi. Mặt hướng về thành phố khi nào cũng là mặt hậu của làng.
Đi hết các khúc cua quanh co rồi, mặt biển mới hiện ra cuối dốc, nơi ánh mặt trời quanh năm chói chang và ghe tàu, thúng chai của ngư dân đậu san sát. Vịnh biển đẹp như tranh và đây là một trong những bãi cát có tên trong danh sách bảo tồn bãi rùa đẻ. Du khách có thể lên tàu du lịch ra ngoài vịnh thăm thú, cũng có thể ghé các quán ăn, nhà hàng ven biển thưởng thức hải sản chờ hoàng hôn xuống. Con nhum – còn gọi là cầu gai cũng là loài hải sản có nhiều ở vịnh biển, sống trong các rạn san hô, ngon có tiếng của Nhơn Lý. Tất cả hội tụ thành một miền biển hoàn hảo trong mơ ước của khách du lịch.
Hình thái cư trú của ngư dân có mật độ cao, bám biển hợp thành kiểu đô thị của làng chài Nhơn Lý còn độc đáo ở chỗ nhà ở được bố trí dựa vào tập quán và đặc điểm nghề cá để ngư dân có thể sinh sống và làm việc tiện lợi, an toàn. Tất cả các con đường chính ở làng chài đều theo một cách nào đó hướng ra mặt biển. Tất cả sinh hoạt trong làng tuôn ra phía biển, nước mưa cũng ra biển một cách tự nhiên. Con đường ra biển là con đường thấp nhất, khúc khuỷu hình chữ chi để ngăn gió từ biển thốc thẳng vào làng, mùa gió nồm nam mát lành mà mùa gió chướng thì bớt nóng.
Điều thú vị là toàn bộ cách sinh hoạt xây dựng nhà của ngư dân đều tự phát và đông đúc nhưng không loạn xạ. Người đến sau để ý người đến trước, tất cả nhường nhịn, nể nang nhau nhưng tạo thành một kiến trúc cổ xưa rất khoa học. Cách cư trú này chỉ có thể tìm thấy trong các làng chài cổ ở châu Âu và các làng biển ven Thái Bình Dương.
Kinh nghiệm lập làng cũng phải là những ngư dân lâu năm, minh triết mới biết được. Ở đây, nhà dân phân bố theo từng tầng rải đều theo độ dốc của những lối đi quanh co. Kiến trúc nhà đa dạng, xây bằng vật liệu bền chắc, kiến trúc vững chãi, không lỏi quá mà cũng không đều một màu. Các căn nhà xây kiểu lựa địa hình, chứ không bạt đi sườn đồi để làm móng nên cao thấp khác nhau, có độ nghiêng dốc và đặc biệt không lo sợ đổ, sạt nền. Nhiều căn nhà cao quá thì làm bậc lên xuống quanh co, tạo nên vẻ đẹp rêu phong thú vị của làng. Nhiều căn nhà còn lựa cả lối đi, nhưng đều có hướng nhìn ra biển đón gió. Cho nên làng biển lúc nào cũng trong lành, không bức bí, đời sống nhờ thế mà an nhiên, thuận hòa.
Tôi gặp ông lão Nguyễn Văn Cơ ở căn nhà rất đẹp hướng biển ven làng Nhơn Lý. Hỏi ông tại sao có nhiều căn nhà có cửa sơn xanh trên nền tường trắng rất đẹp, có phải ngư dân thích màu xanh không. Ông lão thủng thẳng đáp, vì người ta sơn tàu đi biển còn thừa mang về sơn cửa nhà đó. Sơn tàu thì chỉ có màu xanh nước biển đó thôi! Ông lão bật cười sảng khoái trong tiếng sóng biển dường như chờm tới hiên nhà.
Video đang HOT
Đã có ý kiến cho rằng, việc bảo tồn giá trị độc đáo của làng chài Nhơn Lý về mặt kiến trúc cần phải nghiên cứu nhà ở và hình thái đô thị, cảnh quan, không gian công cộng các làng chài này. Ngoài việc bảo tồn các giếng cổ, đường thông ngõ xóm, cảnh quan cổ kính giản dị, còn phải giữ gìn cả nét hồn hậu của những người dân nơi đây nữa. Hình thức du lịch cộng đồng để du khách gần gũi, trải nghiệm đời sống làng chài sẽ giúp cho người dân thấy rõ hơn giá trị đó, tự mình giữ gìn, để người dân gắn bó với phát triển du lịch bền vững.
Mặt khác, giữ làng chài Nhơn Lý là giữ được nếp sống ngư dân, bảo tồn nét đẹp của biển miền Trung, về lâu dài giữ được các giá trị còn tiềm ẩn trong các làng chài duyên hải của Việt Nam.
Thúy Hằng
Theo bienphong.com.vn
Kiệt tác giữa rừng
Dưới góc nhìn của hàng chục ngàn du khách, qua từng khung hình "check-in" của nhiều người, cầu tre vạn bước xuyên rừng đã trở nên độc đáo và lung linh chẳng khác chú rồng thiêng xứ núi.
Xen giữa và xuyên rừng, nhìn từ trên cao, công trình cầu tre tựa như "Trúc bạch Long" khổng lồ trườn mình uốn lượn xé thảm bèo nhung xanh mượt len lỏi qua những tán tràm cổ thụ xanh rì hút mắt. Hình ảnh sống động đẹp như bức tranh ấy tạo thêm nét chấm phá vô cùng kỳ diệu chỉ có ở khu rừng tràm đẹp nhất Việt Nam.
Trong hành trình du xuân về vùng Bảy Núi, rừng tràm Trà Sư đã đón gần 40.000 lượt du khách đổ về cùng thản bước trên cây cầu tre dài nhất Việt Nam.
Anh Andréy cùng đoàn du khách đến từ Anh Quốc đã thốt lên: "Khu rừng là một nơi rất yên bình, thật đẹp, khi tôi nhìn thấy được sự bảo tồn thiên nhiên cây cối được trồng mới. Các loài chim, cuộc sống hoang dã và tất cả mọi thứ khác cùng cuộc sống cộng đồng địa phương ở khu rừng này thật sự rất tốt. Ấn tượng nhất là cây cầu tre thân thiện và rất Việt Nam".
"Lần đầu đi trên cây cầu tre trong rừng dài nhất Việt Nam rất thích, len qua tán tràm đẹp. Vừa ngắm cảnh rừng, vừa đi thể dục, thật tiện" - một du khách đến từ TP Châu Đốc thích thú chia sẻ.
Trong hành trình du xuân của rất nhiều người về vùng Bảy Núi, rừng Tràm Trà Sư đã đón gần 40.000 lượt du khách cùng thản bước Marathon trên cây cầu tre dài nhất Việt Nam. Họ đến để thưởng lãm không gian xuân thật trong lành, mát mẻ và thi vị.
Như một phép màu
Vào một ngày đẹp trời dưới cái nắng gió phương Nam, rồng tre đã hiện nguyên hình đẹp ngỡ ngàng trên cánh rừng tràm đặc dụng. Có chiều dài gần 4.000 mét (ở giai đoạn I), cây cầu tre dài nhất Việt Nam đang chứng minh độ "HOT" khi được báo giới săn lùng và du khách khắp nơi háo hức trải nghiệm trên nhịp cầu thân thiện.
Nhìn từ trên cao, cây cầu tre vạn bước tựa như con rồng khổng lồ trườn mình uốn lượn quanh rừng tràm Trà Sư.
Đã từ rất lâu, cây tre gắn liền hình ảnh dân tộc ta trong công cuộc chống giặc ngoại xâm, tre đi vào thi ca văn học nghệ thuật, tre thường trực trong đời sống sinh hoạt của mọi gia đình. Và tre cũng đã được một số doanh nghiệp dùng trang trí làm du lịch nhưng cũng không phổ biến. Và cho đến khi có một nhà đầu tư sử dụng các loại tre làm vật liệu chính để xây dựng cây cầu "thế kỷ" thì mới làm nên chuyện. Vô hình chung, cây tre - biểu tượng của Việt Nam lại một lần nữa trở thành niềm tự hào trong trái tim của mọi người:
"Cầu tre vạn bước xuyên rừng
Trà Sư xanh mãi nhịp cầu tre ơi"
Ngoài trải nghiệm cầu tre, du khách còn có thể lướt tắc ráng len lỏi vào rừng tràm để ngắm chim, cò...
Kiệt tác giữa rừng
Hành trình xuôi về An Giang thăm rừng tràm Trà Sư, nơi có hệ sinh thái điển hình nhất cho vùng ngập nước phía Tây sông Hậu sẽ tạo dấu ấn trong lòng du khách với những trải nghiệm thú vị như: Lướt tắc ráng băng rừng, tham gia hái sen, hái ấu, chài cá và thưởng thức các đặc sản bốn mùa. Đặc biệt, du khách sẽ được cận cảnh mục sở thị từng đàn chim bay về tổ ấm, tiếng côn trùng réo rắt, từng cánh hoa dần khép mi khi ngả bóng nắng chiều... trên sân ngắm chim trời độc nhất vô nhị.
Trà Sư là một bức tranh thiên nhiên với đầy đủ màu sắc, hoa lá, nhiều loại chim, côn trùng, loài bò sát như đang bừng tỉnh để cùng nhau chào đón ngày mới.
Tiếp nối sự thành công cây cầu tre vạn bước, tới đây, Sao Mai sẽ cho xây dựng thêm cầu gỗ dài nhất Việt Nam, hứa hẹn sẽ cho du khách những điểm check-in tuyệt vời nhất tại Trà Sư.
Nơi đây không có khói bụi của đô thành, không tiếng ồn ào của xe cộ, chỉ có những ngôi nhà gỗ, cầu tre. Chụp ảnh ngược sáng, màu xanh chuyển thành trắng bạc như băng tuyết Siberia độc đáo. Vừa ngồi xuồng, vừa chạm tay vào những đám bèo ngay sát mặt nước, mở toang lồng ngực, hít thở không khí trong lành, mắt no nê cùng đất trời hào phóng. Tận hưởng cảm giác sảng khoái ấy sẽ giúp cho mọi người lấy lại phong độ, "Refresh" lá phổi để nạp năng lượng tích cực từ hàng triệu chùm hoa tràm thoang thoảng hương .
Sắp tới, công trình cây cầu gỗ đẹp nhất Việt Nam sẽ được xây dựng để đón đầu nhiều dịp lễ trong năm. Trà Sư đang vươn đến mục tiêu lập nhiều cú đúp kỷ lục quốc gia sau khi sở hữu danh hiệu "Rừng tràm đẹp nhất Việt Nam, cây cầu tre trong rừng dài nhất Việt Nam".
Trà Sư một điểm đến lý tưởng cho mọi người để tận hưởng cảm xúc thật thiên nhiên. Từ chuỗi lâu đài bồ câu trắng tinh, đàn lễ tân bồ câu xinh xắn, công viên hoa ngập sắc màu, bè hoa dập dềnh trên sóng nước Trà Sư đến tiết trời trong lành thanh khiết... sẽ là những kiệt tác thú vị của khu "Vườn Tràm điạ đàng" ở miền Tây.
Bài, ảnh: NGUYỄN NHUNG
Theo baocantho.com.vn
Khánh Hòa được bình chọn là 10 điểm lặn biển đẹp nhất thế giới Mới đây, Hiệp hội Du lịch Nha Trang - Khánh Hòa cho biết, tạp chí Forbes (Mỹ) vừa công bố danh sách 10 điểm lặn đẹp nhất thế giới năm 2020, trong đó có Khánh Hòa. Du khách lặn biển ở Khánh Hòa. Theo đó, tạp chí Forbes (Mỹ) đã đề cập đến Hòn Ông là vùng biển có nhiệt độ trung bình...