Mâu thuẫn với Thủ tướng Lý Hiển Long, em trai sẽ rời Singapore
Hai em Thủ tướng Singapore công khai chỉ trích anh trai lạm dụng chức vụ và họ cảm thấy bị đe doạ khi cố thực hiện nguyện ước của cha.
Lý Quang Diệu (trái), Lý Hiển Long và hai người em Lý Hiển Dương, Lý Vỹ Linh. Ảnh: StraitsTimes
Trong thông cáo được đăng trên tài khoản Facebook vào khoảng 2 giờ sáng nay, ông Lý Hiển Dương và bà Lý Vỹ Linh cho biết họ cảm thấy bị “đe doạ vì ông Hiển Long lạm dụng chức vụ và sức ảnh hưởng đối với chính phủ Singapore cùng các cơ quan để thực hiện chương trình cá nhân”, theo SCMP. Hai chị em cảm thấy bị theo dõi chặt chẽ và lo ngại các cơ quan nhà nước quấy rối họ cùng người thân.
Họ cho biết tình hình nghiêm trọng đến mức ông Lý Hiển Dương cảm thấy cần rời khỏi Singapore. “Tôi đau lòng khi sẽ phải rời Singapore trong tương lai gần… Tôi không muốn rời đi. Hiển Long là lý do duy nhất cho việc ra đi của tôi”, ông Lý Hiển Dương cho biết.
Hai chị em cáo buộc rằng kể từ khi người cha Lý Quang Diệu, thủ tướng đầu tiên của Singapore, qua đời hồi năm 2015, nước này có những thay đổi không thể hiện những giá trị mà ông Lý đã đại diện. Họ cảm thấy mất niềm tin vào anh trai, Thủ tướng Lý Hiển Long, với tư cách lãnh đạo.
Họ nhắc lại nguyện ước của cha về việc phá huỷ căn nhà gia đình tại số 38 phố Oxley sau khi ông qua đời, nhưng Thủ tướng Lý Hiển Long cùng vợ đã phản đối mong muốn này. Hai chị em cho rằng việc duy trì căn nhà sẽ cho phép anh trai “và gia đình ông kế thừa một tượng đài hữu hình về quyền lực của Lý Quang Diệu”.
Bà Lý Vỹ Linh và ông Lý Hiển Dương là những người thực hiện và được uỷ thác tài sản của cố thủ tướng.
Hai người còn cáo buộc Thủ tướng Lý và bà Hà Tinh, vợ ông, nuôi tham vọng chính trị cho con trai Lý Hồng Nghị.
Video đang HOT
Thủ tướng Lý Hiển Long đăng thông cáo lên Facebook, cho rằng đây là “tuyên bố kỳ quặc” và bác bỏ mọi tham vọng dành cho con trai ông, theo Straits Times. “Tôi đau buồn sâu sắc trước những cáo buộc không may mà họ đã đưa ra. Hà Tinh và tôi bác bỏ những cáo buộc này, đặc biệt là tuyên bố kỳ quặc rằng tôi có tham vọng chính trị cho con trai”, ông Lý phản bác tuyên bố dài 6 trang của hai người em.
Ông buồn và thất vọng vì vấn đề riêng của gia đình bị những người em công khai. “Tôi sẽ làm hết sức để tiếp tục làm những điều đúng đắn với cha mẹ tôi. Đồng thời, tôi sẽ tiếp tục phục vụ người Singapore một cách chân thật, hết sức có thể. Đặc biệt, điều đó nghĩa là duy trì chế độ nhân tài, một giá trị căn bản của xã hội chúng ta”.
Bà Lý Vỹ Linh là một nhà giải phẫu thần kinh hàng đầu, còn em trai bà, Lý Hiển Dương, là một cựu tướng, đã nắm giữ nhiều vị trí trong các tập đoàn, bao gồm 12 năm làm giám đốc điều hành công ty SingTel. Ông hiện là chủ tịch Cơ quan Hàng không Dân dụng Singapore.
Trọng Giáp
Theo VNE
Tài năng toán học của Thủ tướng Singapore Lý Hiển Long
Ông Lý Hiển Long từng đạt danh hiệu xuất sắc về toán học ở Đại học Cambridge và được giảng viên hết lời ca ngợi.
Thủ tướng Singapore Lý Hiển Long. Ảnh: Washington Post
Thủ tướng Singapore Lý Hiển Long và phu nhân thăm Việt Nam từ ngày 21/3 đến 24/3 nhằm tăng cường mối quan hệ Đối tác chiến lược và hợp tác trong ASEAN.
Ông Lý Hiển Long, sinh năm 1952, là con cả của thủ tướng đầu tiên của Singapore Lý Quang Diệu. Năm 1971, ông Lý theo học chuyên ngành toán tại trường Trinity của Đại học Cambridge, Anh. Năm 1973, ông trở thành người Singapore đầu tiên đạt danh hiệu sinh viên toán xuất sắc nhất (Senior Wrangler), theo Straits Times.
Senior Wrangler là người có điểm thi cao nhất trong số các sinh viên toán hàng đầu tại Cambridge. Chương trình giảng dạy toán ở trường Cambridge nổi tiếng là có độ khó cao và danh hiệu nói trên được coi là một trong những thành tựu trí tuệ lớn nhất có thể đạt được ở Anh.
Năm 1974, ông tốt nghiệp Cambridge với bằng cử nhân toán học hạng ưu. Ông còn có văn bằng khoa học máy tính tương đương thạc sĩ cũng tại trường Cambridge. Năm 1980, ông tốt nghiệp thạc sĩ quản trị công tại trường hành chính John F. Kennedy thuộc Đại học Harvard.
Năm 1984, ở tuổi 32, ông đắc cử vào quốc hội Singapore, theo bước cha mình tiến vào con đường chính trị. Ông đảm đương nhiều vị trí quan trọng và vào năm 1990, ông được bổ nhiệm làm phó thủ tướng Singapore. Năm 2004, ông trở thành thủ tướng Singapore.
Những sinh viên xuất sắc nhất ngành toán của trường Cambridge như ông Lý đã trở thành các chuyên gia hàng đầu trong toán học, vật lý và các lĩnh vực khác. Vì vậy, nhiều người, đặc biệt là giảng viên của ông, bất ngờ khi ông Lý không đi theo con đường trở thành học giả mà tập trung vào sự nghiệp chính trị.
Lý Hiển Long (giữa) cùng bố mẹ là ông Lý Quang Diệu và bà Kha Ngọc Chi. Ảnh: allsingaporestuff
Ông Lý giải thích trong một bức thư với giảng viên rằng ông "sẽ không bao giờ trở thành một nhà toán học", theo Must Share News.
"Nhà toán học có ít tiếng nói trong những gì diễn ra ở thế giới xung quanh. Điều này không quan trọng ở những nước phát triển lớn như Anh, nhưng ở Singapore, điều đó rất có vấn đề với tôi", ông viết.
Theo NUS, giáo sư toán học Bela Bollobas là giảng viên từng dạy cho ông Lý ở Đại học Cambridge. "Tôi chắc chắn tôi đã dạy ông ấy nhiều hơn bất cứ ai ở Cambridge, tôi có thể nói một cách trung thực rằng ông ấy là một sinh viên đặc biệt xuất sắc, tôi không chắc có nhiều người Singapore biết đến điều này hay không", ông Bollobas nói.
"Mọi người có thể cho rằng vì ông Lý hiện là thủ tướng nên tôi phải tán tụng ông ấy. Nhưng không, ông ấy thật sự nổi bật. Ông ấy là người đứng đầu và bỏ xa các sinh viên khác", giáo sư Bollobas chia sẻ.
"Tôi nghĩ rằng ông ấy đã học thêm khoa học máy tính chủ yếu là vì cha ông không muốn ông chỉ ở trong ngành toán học thuần túy. Ông Lý không chỉ chăm chỉ, tận tâm, chuyên nghiệp mà còn rất sáng tạo", ông nói thêm.
"Tất cả đặc điểm đó cho thấy rằng ông sẽ là một nhà nghiên cứu toán học tầm cỡ thế giới. Tôi chắc rằng cha ông không nhận ra con trai mình đặc biệt đến nhường nào. Ông ấy chỉ nghĩ ông Lý giỏi nhưng ông Lý còn ưu tú hơn thế", giáo sư nhấn mạnh.
"Tôi từng thuyết phục ông Lý Quang Diệu rằng 'hãy nhìn xem, con trai ông đặc biệt xuất sắc, ông nên khuyến khích cậu ấy đi theo ngành toán', nhưng ông Lý Quang Diệu ám chỉ điều đó là không thể, bởi vì nếu ông Lý Hiển Long trở thành một nhà toán học chuyên nghiệp hàng đầu và rời khỏi Singapore để đến Đại học Princeton, Harvard hoặc Cambridge thì điều đó sẽ gửi tín hiệu sai đến người dân Singapore".
"Tôi phải đồng ý rằng đây là một luận điểm rất có lý. Bây giờ tôi còn ấn tượng trước Thủ tướng Lý Hiển Long hơn những năm trước đây. Tôi rất tự hào vì tôi từng dạy ông ấy. Có vẻ ông ấy đã làm việc rất tốt. Tôi nghĩ rằng thật sự tốt cho ông Lý khi đi theo con đường chính trị. Ông ấy chắc chắn có thể làm nên nhiều điều khác biệt", giáo sư Bollobas nhận xét.
Phương Vũ
Theo VNE
Tranh cãi về 'chính trị triều đại' giữa anh em thủ tướng Singapore Hoạt động tưởng niệm một năm ngày mất của cố thủ tướng Lý Quang Diệu trở thành tâm điểm trong cuộc tranh cãi hiếm thấy giữa các con của ông. Thủ tướng Lý Hiển Long đứng bên bức ảnh cha mình, ông Lý Quang Diệu, trong buổi lễ tưởng niệm một năm ngày mất của ông Lý Quang Diệu tại tòa nhà quốc...