Mâu thuẫn gia tộc làm lung lay “trụ cột” ủng hộ Tổng thống Syria Assad
Mâu thuẫn giữa Tổng thống Assad và người em họ – doanh nhân Makhlouf cho thấy những nguy cơ đang chực chờ trong nội bộ chính phủ Syria.
Từ người bảo vệ thành người đối đầu
Vào một buổi chiều tháng 7 cách đây 20 năm, doanh nhân Rami Makhlouf đứng trong một chiếc lều được đặt trên quảng trường trung tâm ở thủ đô Damascus và ca ngợi những đức tính tốt đẹp của người anh họ Bashar al-Assad. Vài ngày sau đó, một cuộc trưng cầu ý dân đã chính thức đưa ông al-Assad trở thành Tổng thống Syria, kế thừa quyền lực từ cha ông.
Ông Makhlouf, anh em họ của Tổng thống Syria Bashar al-Assad, là doanh nhân giàu có và quyền lực nhất quốc gia Trung Đông này. Ảnh: AP.
Giờ đây, ông Makhlouf đang gặp rắc rối về mặt pháp luật và dường như không thể trực tiếp tiếp xúc với Tổng thống Assad – nhà lãnh đạo đã giúp ông trở thành doanh nhân giàu có bậc nhất Syria. Tổng thống Assad đang yêu cầu giới chức Syria tịch thu tài sản của người em họ, cấm công ty của ông làm ăn với nhà nước trong 5 năm. Quyết định này được đưa ra sau nhiều tuần tranh cãi về các khoản tiền thuế quá hạn hơn 180 triệu USD mà chính phủ yêu cầu Tập đoàn viễn thông Syriatel do ông Makhlouf điều hành, phải thanh toán.
Người dân Syria đã bị sốc bởi mâu thuẫn công khai trong gia tộc của Tổng thống Assad trong một vài tuần qua, sau khi ông Makhlouf đăng tải các video trên Facebook thể hiện sự bất bình đối với nhà lãnh đạo Syria.
Trong các đoạn video, ông Makhlouf nói rằng, ông đã đóng tất cả các khoản phí cho chính phủ, trong đó có 12 tỷ bảng tiền thuế vào năm 2019. Đôi lúc, ông Makhlouf gọi ông Assad là “Ngài Tổng thống”, hối thúc nhà lãnh đạo này điều một nhân vật nào đó kiểm tra các chứng từ chứng minh ông đã chi trả đầy đủ.
Trong một video ngày 17/5, ông Makhlouf cảnh báo những biện pháp mới nhất chống lại ông và tập đoàn Syriatel sẽ dẫn đến việc phá hủy một trong số ít các công ty sinh lời còn tồn tại ở quốc gia này. Ông cho biết, tập đoàn Syriatel thuê mướn hơn 6.500 nhân viên, có hơn 11 triệu thuê bao và dùng hơn một nửa lợi nhuận họ có được để đóng thuế. Nhân vật này khẳng định, số tiền mà ông được lệnh phải trả không phải là một khoản thuế mà là một khoản tiền bị “áp đặt bất hợp pháp” bởi người ông không tiện nêu tên.
Với những lời chỉ trích gay gắt, doanh nhân 50 tuổi này đã biến mình từ một trong những người bảo vệ lớn nhất của ông Assad thành người đối đầu với anh họ mình. Các video cũng cho thấy, sự liên lạc trực tiếp giữa Tổng thống Assad và người em họ của ông đã bị cắt đứt.
Video đang HOT
“Vận rủi” đến với ông Makhlouf trong bối cảnh chính phủ đang nỗ lực phục hồi nền kinh tế sau cuộc xung đột kéo dài 9 năm. Mâu thuẫn gia tộc có thể diễn ra như trong một một vở kịch opera, nhưng nó cho thấy sự khao khát kiếm tìm tài chính của chính phủ Syria, mà trong đó trường hợp của ông Makhlouf chỉ là một ví dụ điển hình.
Rạn vỡ trên mặt trận thống nhất ủng hộ ông Assad
Hiện tại, mọi sự chú ý đều đổ dồn vào các động thái của hai nhân vật quyền lực nhất Syria và nhiều người đặt câu hỏi rằng tương lai của quốc gia này sẽ đi về đâu.
Nền kinh tế Syria đang phải chịu ảnh hưởng nặng nề do các biện pháp trừng phạt của Mỹ và phương Tây. Trước đó vào năm 2018, Liên Hợp Quốc ước tính xung đột sẽ khiến Syria thiệt hại kinh tế, ước tính khoảng 388 tỷ USD. Ngày 28/5 vừa qua, Liên minh châu Âu đã gia hạn các biện pháp trừng phạt thêm 1 năm và động thái này dường như đã giáng thêm 1 đòn đau với chính quyền Tổng thống Assad.
Tổng thống Assad muốn củng cố lại quyền lực khi nền kinh tế đất nước tê liệt. Ảnh: AP.
“Để thu hút các nhà đầu tư nhằm phục vụ cho công cuộc tái thiết, Syria phải áp dụng một cơ chế chính trị và kinh tế minh bạch, không có tham nhũng, ông Ayham Kamel – người đứng đầu bộ phận nghiên cứu Trung Đông và Bắc Phi thuộc nhóm nghiên cứu Eurasia Group nhận xét.
Syria đang bước vào giai đoạn khó khăn chưa từng thấy về kinh tế. Đồng nội tệ từng được giao dịch ở mức 50 pound/1USD khi xung đột nổ ra vào tháng 3/2011 giờ đang trượt giá nhanh chóng với tốc độ không thể kiểm soát được. Tổ chức Nông nghiệp và Lương thực Liên Hợp Quốc cho biết, giá cả các mặt hàng cơ bản đã tăng từ 40% đến 50%.
Bên cạnh đó, những biện pháp hạn chế được áp dụng để ngăn chặn dịch Covid-19 đã làm tổn thương các doanh nghiệp tại Syria. Sự sụp đổ của hệ thống ngân hàng tại quốc gia láng giềng Syria cũng làm mắc kẹt hàng tỷ USD tiền gửi của người Syria.
Giới phân tích cho rằng, quyết định tịch thu tài sản của một doanh nhân giàu có trong dòng tộc mà Tổng thống Assad đưa ra giống với những gì Thái tử Saudia Arabia Mohammed bin Salman đã làm cách đây 1 vài năm khi ông muốn củng cố quyền lực của mình. Tuy nhiên, Tổng thống Assad đang ở thể khó khăn hơn nhiều. Ông cần phải phục hồi nền kinh tế khi không có sự viện trợ đáng kể từ Nga và Iran – hai quốc gia cũng đang phải vật lộn đối phó với các vấn đề kinh tế của riêng họ.
Joshua Landis, giám đốc Trung tâm nghiên cứu Trung Đông tại Đại học Oklahoma, Mỹ cho rằng: “Tổng thống Assad cần tiền để phục hồi giá trị đồng bảng Syria, xây dựng mọi thứ để chứng minh rằng Syria đang đi trên con đường hòa bình, nhưng ông rất khó thực hiện được mục tiêu. Vì thế ông có thể đã lựa chọn Rami làm “người hy sinh”.
Ibrahim Hamidi, một nhà báo người Syria cho biết, ông Makhlouf kiểm soát khoảng 8% GDP của Syria trước chiến tranh, ước tính ở mức 74 tỷ USD trong năm 2012 và có ảnh hưởng khá lớn. Makhlouf ít nhiều đã trở thành người ra quyết định cho nền kinh tế Syria. Trong bài phát biểu khai mạc năm 2000, Tổng thống Assad cam kết sẽ cải thiện cuộc sống của người dân Syria và ông giao nhiệm vụ cho Makhlouf phát triển nền kinh tế.
Mâu thuẫn nói trên cho thấy rạn nứt đang bắt đầu xuất hiện trên một mặt trận thống nhất được tạo ra bởi những người đã ủng hộ ông Assad trong suốt cuộc chiến chống lại phiến quân và phe đối lập, khi mà xung đột sắp đến hồi kết.
Giới phân tích cho rằng, mâu thuẫn không có khả năng gây ra bất cứ mối đe dọa nào đối với Tổng thống Assad nhưng nó xoáy sâu vào những nguy cơ đang chực chờ trong nội bộ chính quyền Tổng thống Assad kể từ khi chú của ông là Rifaat al-Assad tiến hành cuộc đảo chính bất thành nhằm lật đổ Tổng thống Hafez, tức cha của ông vào những năm 1980./.
Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ thăm Nga: Tương lai nào cho Idlib (Syria)?
Hôm 5/3, Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Erdogan sẽ tới Nga để gặp Tổng thống Putin, bàn về tình hình chiến sự tại Idlib, Syria.
Dự báo, tương lai của Idlib sẽ phụ thuộc phần lớn vào kết quả của cuộc gặp này. Hôm qua (4/3), Văn phòng Tổng thống Nga một lần nữa xác nhận về thời gian của chuyến thăm của Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Erdogan; và cuộc gặp giữa 2 nhà lãnh đạo sẽ diễn ra ngay tại Điện Kremlin.
Quân đội trung thành với Tổng thống Assad đang đánh mạnh vào hai chiến trường Idlib và Aleppo. Ảnh: AP.
Theo người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov, nội dung bao trùm cuộc gặp này sẽ là cuộc khủng hoảng đang diễn ra tại Idlib. Tổng thống Nga Putin đã sẵn sàng thảo luận về mọi khía cạnh của vấn đề như lý do để xảy ra khủng hoảng, những hậu quả tiềm ẩn cũng các giải pháp mà 2 bên có thể đạt được để chấm dứt chiến sự.
Tuy nhiên, ông Peskov cũng khẳng định, Nga đã thực hiện đúng thỏa thuận đã ký với Thổ Nhxi Kỳ tại Sochi trước đây; luôn ủng hộ sự toàn vẹn lãnh thổ của Syria, đồng tình quan điểm duy trì việc thực hiện các chiến dịch quân sự chống lại các nhóm khủng bố tại Idlib. Trong khi đó, về phía Thổ Nhĩ Kỳ, trước khi lên đường thăm Nga, Tổng thống Erdogan đã bày tỏ hi vọng đạt được lệnh ngừng bắn tại Idlib, qua đó chính phủ Syria phải ngừng các chiến dịch quân sự và rút về ranh giới mà Thổ Nhĩ Kỳ đã định ra.
"Tôi hi vọng chúng tôi sẽ đạt được một lệnh ngừng bắn lâu dài cho khu vực. Đây là chủ đề chính mà tôi sẽ thảo luận với Tổng thống Putin", Tổng thống Erdogan nói.
Giới chuyên gia Thổ Nhĩ Kỳ hiện cũng đặt nhiều kỳ vọng vào cuộc gặp này - và rằng vấn đề Idlib sẽ được giải quyết sau đó. Chuyên gia Oytun Orhan tại Trung tâm nghiên cứu Trung Đông cho biết: "Tôi vẫn nghĩ rằng mối quan hệ Nga Thổ vẫn có thể sống sót sau những căng thẳng này, bởi vì quá trình ngoại giao vẫn còn đó, hai nhà lãnh đạo sắp gặp nhau, họ vẫn có thể có cơ hội phục hồi các mối quan hệ. Tôi không nghĩ rằng sự leo thang ở Idlib sẽ dẫn đến một cuộc đối đầu trực tiếp giữa Nga và Thổ Nhĩ Kỳ".
Theo Nhật báo Buổi sáng Sabah của Thổ Nhĩ Kỳ, nhiều khả năng Nga và Thổ cũng có thể sẽ có 1 thỏa thuận mới, được soạn ra dựa trên 1 số thay đổi của thỏa thuận ở Sochi về Idlib trước đây, để phù hợp hơn trong bối cảnh hiện nay.
Dẫu vậy, dù chuẩn bị đàm phán, hi vọng đối thoại thành công, song cả Nga và Thổ Nhĩ Kỳ đều có những bước đi tăng cường hiện diện quân sự trong khu vực những ngày qua, nhằm để phòng cho trường hợp xấu nhất có thể xảy ra, sau cuộc gặp giữa 2 nhà lãnh đạo Nga - Thổ.
Thổ Nhĩ Kỳ đã điều thêm hàng nghìn quân và xe quân sự tới chiến trường Idlib; trong khi từ ngày 28/2 đến nay, Nga cũng điều 6 tàu chiến có thể chở theo nhiều thiết bị quân sự tới Syria.
Ngay từ khi cuộc khủng hoảng Syria bắt đầu nổ ra vào 9 năm trước, Nga và Thổ Nhĩ Kỳ đã có những quan điểm "đối lập", khi Nga ủng hộ chính phủ Syria; trong khi Thổ Nhĩ Kỳ và 1 số quốc gia Arập lại ủng hộ các phiến quân đối lập, muốn lật đổ chính phủ của Tổng thống Syria Al Assad.
Với sự ủng hộ của Nga, chính phủ Syria đến nay đã giành lại được khoảng 70% diện tích đất đai, giành lợi thế tuyệt đối trên mọi chiến trường. Điều này buộc một số nước Arab quyết định rút lại sự ủng hộ với phe đối lập Syria và bắt đầu "làm lành" với chính quyền Damascus. Còn với Thổ Nhĩ Kỳ, dù lúc đầu lực lượng Syria được nước này hậu thuẫn nhằm chống chính phủ, song về sau, lực lượng này lại tập trung vào cuộc chiến chống người Cuốc, Syria - một lực lượng mà Ankara coi là khủng bố. Đến nay, Thổ Nhĩ Kỳ cũng đã đạt được kết quả "tạm thời như ý" trong vấn đề người Kurd. Tuy nhiên, khi các phe phái, lực lượng khác bị gạt ra 1 bên, cuộc chiến cuối cùng giờ đây chỉ còn nằm trong tay 2 phe đối địch chính: là chính phủ Syria và lực lượng đối lập được Thổ Nhĩ Kỳ hậu thuẫn.
Nga và Thổ Nhĩ Kỳ - 2 quốc gia bảo trợ cho 2 bên Syria, đã có nhiều cuộc đàm phán để giải quyết cuộc chiến bằng tiến trình chính trị. Tuy nhiên, hai bên đến nay vẫn chưa thể giải quyết được vấn đề. Các gặp ngày ngày hôm nay (5/3) giữa Nhà lãnh đạo Nga - Thổ sẽ là cuộc gặp riêng thứ 3 của 2 người trong năm nay. Theo Điện Kremlin, năm 2019, Tổng thống Nga - Thổ Nhĩ Kỳ cũng đã tiến hành tới 12 cuộc điện đàm - đây là số lần điện đàm nhiều nhất của Tổng thống Putin với 1 nhà lãnh đạo nước ngoài. Tuy nhiên, chỉ từ đầu năm nay, 2 nhà lãnh đạo đã có tới 5 cuộc điện đàm với nhau, trong bối cảnh chiến sự Idlib leo thang nhanh chóng.
Theo Đình Nam/VOV1
Tổng hợp
Quân đội Syria trên đà thắng lợi, Nga-Thổ "đường ai nấy đi"? Trong khi quân đội của Tổng thống Assad trên đà thắng lợi thì Nga và Thổ Nhĩ Kỳ ngày càng xuất hiện nhiều khác biệt về lợi ích tại Syria. Đầu tháng 2/2020, 13 binh lính Thổ Nhĩ Kỳ thiệt mạng trong cuộc tấn công của quân đội Syria khiến Tổng thống Erdogan cảnh báo nước này sẽ tấn công lực lượng của...