Máu thú hoang, từ vạc lửa đến “đỉnh trời”: Sự thật thảm thiết dưới đáy nồi
Trong những ngày vào vai “công tử hào hoa” xỉa tiền đòi mua cao hổ, tay gấu và đủ loại hoang thú phục vụ lòng tham vô đáy của cái dạ dày, chúng tôi đã chứng kiến nhiều sự thật thảm thiết về sự tàn sát thiên nhiên cũng như những mánh lừa độc địa của đám con buôn.
Ít nhất chúng tôi chứng kiến 30 con hổ được nuôi nhốt ở khu vực Tam Giác Vàng, trên đất Lào, giáp Thái Lan và Myanmar (ảnh chụp ngày 7.2.2018)
Những con thú chết rồi vẫn chắp tay “vái lạy”
Điều dễ thấy tới mức… phi lý, ấy là điều tra các đường dây buôn thú rừng quý hiếm, hóa ra lại không khó lắm! Chỉ cần biết sắm vai là vào xem hàng, mua hàng được. Luật pháp Việt Nam quy định, công ước quốc tế chỉ rõ, chỉ cần quảng cáo bán hổ, gấu, tê tê, rùa biển trên mạng thôi, đã là vi phạm; chưa nói chuyện tận mắt thấy, gặp, quay phim, chụp ảnh,… như chúng tôi đã thực hiện rồi viết báo; vậy mà không hiểu sao, cơ quan hữu trách có công cụ hỗ trợ, được sử dụng súng, mà lại không điều tra nổi? Tại sao thú quý đi qua mọi cửa kiểm soát từ Lào về Việt Nam, về tít sâu trong nội địa mới thỉnh thoảng bị bắt giữ?
Những ngày tháng 2 năm 2018, gần Tết Nguyên Đán, các đường dây liên tục gọi chúng tôi “lấy hàng ăn Tết”, làm quà biếu. Ba con báo lửa ở Sơn La, tươi nguyên. Vô thiên lủng bình ngâm đủ thứ bào thai, thi thể thú quý ở Hát Lót về. Ai cần loại nào, cứ đặt hàng là có thú sống, thú chết được mang từ Lào, bắt từ rừng Việt. Mổ cho khách xem cũng được, tuốt sạch ngâm rượu kèm thuốc phiện hoặc thả vào nấu giả cầy, nấu cao toàn tính “ok hết”. Khách hàng là thượng đế. Các đường dây từ Lào, từ Campuchia hoạt động náo nhiệt.
Ám ảnh nhất là câu chuyện của các thợ săn, cũng như các chuyến lội rừng “vào vai” của chúng tôi. Quý dẫn chúng tôi đi săn don, dúi. Con dúi đào hang giỏi lắm, có khi vào rừng vầu, đào hố sâu đến cổ người trưởng thành, vẫn chưa bắt được nó. Mình đào, dúi cũng đào. Nó “dúi” một tí là thành đường trong lòng đất, mình thì phải đào cái hang to bằng người mình thì mình mới chui vào đào tiếp được. Ba người trưởng thành cùng đào, dúi cứ sồn sột đào thi để chạy trốn. Đổ nước, hun khói, dúi đào hang ngược từ lòng đất lên trời để tránh bị chết sặc. Áp tai xuống lòng núi, còn nghe tiếng dúi đào hang.
Bạn Quý đoán được hướng dúi đang đào địa đạo, anh ta cắm tấm tôn xuống bìa núi làm 1 bức bình phong kim loại. Dúi ta chịu chết, không dũi đào tẩu nổi. Con don trông đơn giản thế mà ruột rất dài. Bắn vỡ bụng, nó chạy hàng chục mét, ruột vẫn lòng thòng theo. Lúc chết, 2 tay nó chắp trước ngực như van lạy người.
Video đang HOT
Có gã người Lào đi bắn gấu. Gấu mẹ chết, đàn con tìm mẹ nằm phủ phục chờ thức ăn. Bị bắt, đem về nuôi, chúng kêu khóc cho đến chết.
Ở Tam Giác Vàng, trên đất Lào, thuộc tỉnh Bò Keo, chúng tôi chứng kiến ở khu kinh tế mở đặc biệt do người Trung Quốc xây dựng, người ta nuôi khoảng ba chục con hổ, ba chục con gấu, cùng nhiều loài hoang thú khác. Có con hổ lồng lộn, đập người vào lồng sắt đến mức da nó dày lên, lông rụng hết. Ghẻ mụn tróc lở, trông như quái thú bằng thép màu đen, không lông, không ria mép. Nó gào như… trẻ con khóc, người lêu lao máu, khiến bất cứ ai trông thấy cũng rùng rợn.
Ở nhiều khu chợ trên đất Lào, người ta dành cả 1 gian hàng để bán thú rừng. Hươu, nai, hoẵng, tay gấu, cầy, cáo, khỉ, vọc… Họ phủ vải trắng lên cho ruồi muỗi đỡ bâu, mỗi lúc lật lên, con vật nhe răng, trợn mắt, tay chắp trước mặt khum khum như run sợ, van xin…
Chúng tôi chứng kiến nhiều loài hoang dã quý hiếm trên bàn tiệc. Thậm chí, trong các báo cáo chính thức, có ảnh và video kèm theo, nhà báo và các tổ chức bảo tồn còn khiến nhân loại tiến bộ sốc: Thịt hổ đưa vào thực đơn nhà hàng ở Tam Giác Vàng trên đất Lào. Da hổ trưng bày ba bề bốn bên. Các ông trùm ở vùng này cũng bị cơ quan điều tra đặc biệt của Mỹ đưa vào “danh sách”, phong tỏa tài sản, vì những người giàu nứt đổ đổ vách này tham gia buôn động vật hoang dã quý hiếm.
Những nồi cao hổ ngậm hóa chất
Chỉ vì nghe kể có con hổ, con gấu hay con báo đi qua vách núi ấy, 1 người cầm súng tự chế có thể “cơm nắm muối vừng” nằm phục kích 1 tháng ở bìa rừng. Chỉ ngắm bắn vào 1 điểm. Điểm ấy, theo anh ta tính toán, nhất định hổ, gấu phải đi qua, nếu đến khu vực này. Vì trước mặt là vách đá, bên kia là vực sâu. Và cú xiết cò có giá bằng 1 cái ôtô bên Lào đã vang lên. Có khi, họ đi săn cả tháng giữa rừng, bắn được nai, voọc, vượn, họ đều ăn lòng phèo và đốt lửa sưởi ấm, nấu nướng rồi… hun khói từng bao tải linh trưởng. Họ có thể bảo quản chống thối được bằng phương pháp ấy.
Cho nên, khi về đến Việt Nam, người ta thường gặp cả kho khỉ, vượn, voọc nằm khô đét. Đấy là chưa kể nghệ thuật tẩm ướp hóa chất. Thú rừng vào vạc lửa nấu cao, vào bàn nhậu hay tửu táng “bổ âm, bổ dương” luôn ngậm hóa chất. Nhiều con như hổ, gấu, chúng còn ngậm cả kháng sinh và nhiều thuốc độc hại khác, do quá trình nuôi nhốt giấu diếm. Sợ nhất là xương gấu và tay gấu. Trông vẫn lông lá và nanh vuốt thế, bởi gấu bị bắt từ tự nhiên vào, nhưng sau hàng chục năm nhốt bẩn thỉu, bị chích hút lấy mật, tay gấu trở thành nơi tiêm chọc hàng vạn mũi, bắn thuốc mê 2, 3 ngày 1 lần, nó thành cái ổ của hóa chất tồn lưu.
Để vận chuyển động vật quý hiếm, tránh sự kiểm soát của cơ quan chức năng, các con buôn đã nghĩ ra đủ trò. Có khi dựng 1 lũ ma-nơ-canh trên xe khách, giả vờ làm hành khách mập mờ ngồi trong bức rèm che nắng, để qua các cửa kiểm soát xuyên biên giới. Vì xe chở khách sẽ bị kiểm tra ở mức… bớt nghiêm ngặt hơn. Có khi, họ công phu hàn xì, gia cố làm thùng xăng, két nước 2, 3 ngăn, các lớp ốp nóc xe, sàn xe cũng được gia cố không gian nhét hổ, gấu, báo, chồn.
Đại tá Lã Hồng Phúc- Trưởng Công an huyện Gia Viễn, tỉnh Ninh Bình- khi trả lời phỏng vấn chúng tôi, đã tỏ ra “choáng” trước các chiêu trò của dân buôn lậu thú rừng quý hiếm từ Lào về Việt Nam. Các đối tượng đánh cả 1 cái xe 45 chỗ đi Lào, giả làm xe chở khách, trong khi trên xe “đùng đùng gió giật mây vần” từ khắp Lào sang Việt Nam vẫn chỉ có 5 ông “trùm buôn thú” với nhau. Công an kiểm tra mọi ngóc ngách của xe không thấy mấy chục cái tay gấu như tin “mật báo”.
Đến trưa trật rồi, anh em mệt lắm rồi. Chợt thấy cái két nước của xe hơi to, cái bình xăng cũng đầy thế nào ấy. Quyết định phá dỡ. Kết cấu bị thay đổi rất nhiều. Các chiến sỹ khiêng ra, 1 con báo lửa và vô số tay gấu đen kịt. Gần thời điểm đó, 2 cá thể hổ đông lạnh nặng nửa tấn cũng được khênh về. Hai chiếc tủ trữ đông chạy ro ro đêm ngày để bảo quản tang vật.
Thủ đoạn của các đối tượng là: Tôi đi Lào, gặp người ta bán hổ, bán gấu ven đường và mua về. Chả biết người bán là ai, bán xong đi đằng nào rồi. Hết chuyện. Xử phạt thì có mức quy định, tất cả đều nhẹ hều. Ít thời gian sau, chúng lại đi Lào và lại buôn rồi có thể lại bị bắt.
Sức khỏe của người tiêu dùng mờ mắt tin vào công dụng không có thật của các sản phẩm thịt, xương thú rừng còn bị đe dọa nghiêm trọng khi sử dụng loại cao được nấu theo “công nghệ” của con buôn.
Luân – tay “anh chị” chuyên nấu cao hổ, gấu, khỉ và sơn dương ở Phú Thọ – cho biết, kể cả khách mua thú về, tự tay giết mổ rồi thuê anh ta nấu cao – một con hổ ra 5kg cao, anh ta sẽ có cách biến nó thành 7kg, với hàng trăm triệu lợi nhuận nhờ công nghệ thả… bột và xương lợn vào. “Cứ cho anh dùng van, khóa Việt Tiệp khóa nồi cao lại, anh giữ chìa, tôi đun và anh nằm ngủ bên cạnh. Chỉ bằng 1 cái vung tay khoắng nồi, tôi đã tuồn vào đó bột xương, xương lợn nghiền nhỏ. “Thêm” mỗi cân cao là được hơn 2 trăm triệu đồng!”.
Ở nhà các đại gia buôn thú, có trời mà biết được họ đang tích trữ xương gì. Xương chó, xương lợn lẫn xương hổ, xương sư tử. Kể cả có xương hổ nuôi nhốt dưới hầm, khi lọc thịt lấy xương rồi, họ vẫn đem luộc xương ấy trong mỡ bò để mỡ bò bám vào các ống tủy, các hốc xương, khiến chúng nặng thêm vài kí lô. Thế là có thêm cả trăm triệu đồng. Đủ ngón đòn. Hổ không có ở châu Phi, xương sư tử ở đó rất rẻ, các đối tượng đem lậu về và giả cái “mắt phượng” ở bánh chè (chỉ có ở con hổ) là xong. Việc vận chuyển và bảo quản thú rừng, hổ báo cả năm trời, họ tẩm ướp rất nhiều hóa chất.
Hà – một đại gia nấu cao hổ ở Hà Nội – tiết lộ: “Bọn anh ném lòng hổ xuống ao phi tang, cá ăn vào, sau 1 đêm chết nổi trắng ao. Anh nấu cao mới biết, chúng nó ướp hóa chất quá tàn độc. Các chú chớ có dại mà uống…” Nói rồi “đại gia” cười, “thế thì bọn anh mới toàn đi siêu xe ra tiếp chú được chứ”. Anh ta bước lên chiếc “Lếch-xù” 570 trị giá ngót chục tỉ đồng, trước lúc phóng đi còn ném lại cái cười: “Nghe anh đi, ta sang Lào mua hổ, nấu cao bên Lào luôn cho an toàn. Chứ đừng đi với thằng khác, uống cao xương chó, xương mèo hoặc cao hổ nuôi tẩm hóa chất là tèo đấy”. Tiếng cười rít qua kẽ răng của Hà, làm tôi nhớ đến lũ thú hoang đồng loạt nhe răng, trợn mắt, 2 tay co ro chắp trước ngực, nằm dưới lớp vải che chắn mỏng manh ở góc chợ thú rừng bên Lào…
Theo DIỆP TUYẾT – TÂM NINH
Lao động
Người đàn ông bị gấu hoang tấn công khi hái lá dong Tết
Sau buổi hái lá dong rừng, anh Hân (Nghệ An) trở về nhà thì gặp con gấu hoang. Nạn nhân phải nằm sấp giả chết khi bị nó tấn công.
Sáng 5.2, anh Sầm Văn Hân, trú xã Quang Phong (Quế Phong, Nghệ An) một mình vào rừng trên địa bàn lấy lá dong về bán Tết. Tới chiều, khi từ rừng trở về, anh Hân gặp con gấu màu đen và bị nó lao vào tấn công.
Nạn nhân vội nằm sấp xuống đất, nín thở giả vờ chết. Một lúc sau khi con vật bỏ đi, anh Hân với thương tích đầy mình, cố lết về lán trại của hàng xóm cách đó vài trăm mét kêu cứu.
Ông Lô Văn Thoàn, Phó giám đốc Trung tâm Y tế huyện Quế Phong cho hay, nạn nhân nhập viện trong tình trạng tỉnh táo, da đầu rách, nhiều vết thương ở lưng và cánh tay...
"Có vết rách sâu tới xương do móng vuốt của tay gấu", ông Hoàn nói và cho hay bệnh nhân đã được khâu vết thương, tiếp tục theo dõi sức khỏe.
Anh Hân đang điều trị tại cơ sở Y tế Quế Phong. Ảnh: Nguyễn Cường
Kiểm lâm huyện Quế Phong cho hay, địa phương không có trại nuôi gấu nên trường hợp gấu nuôi sổng chuồng khó xảy ra. Nếu là gấu hoang thì càng hiếm.
Theo cán bộ khu bảo tồn thiên nhiên Pù Huống, nơi đây có hai loại gấu hoang là gấu lợn và gấu chó, mỗi con có thể nặng 60-70kg, song số lượng ít. "Người dân khi bắt gặp gấu thì nên lánh đi, không nên trêu chọc. Tuyệt đối không được săn bắn", cán bộ khuyến cáo.
Khu bảo tồn thiên nhiên Pù Huống rộng hơn 40.000ha, trải dài trên các huyện Quế Phong; Quỳ Châu; Quỳ Hợp; Con Cuông; Tương Dương...
Theo Hải Bình (VNE)
Tiếng kêu cứu từ Vườn Quốc gia Kon Ka Kinh Vườn Quốc gia Kon Ka Kinh được công nhận là Vườn di sản ASEAN, được mệnh danh như một viên ngọc quý vơi 1.022 loài thực vật bậc cao, trong đó có tới 22 loài có tên trong sách đỏ Việt Nam năm 2007 và Sách đỏ thế giới năm 2010. Nhưng hiện nay, Vườn đang kêu cứu vì nạn săn bắn trái...